Thủ tướng mong muốn báo chí và DN mãi là những người bạn đồng hành
“Tôi tin tưởng rằng báo chí – doanh nghiệp sẽ mãi là những người bạn đồng hành trên bước đường hội nhập vì sự nghiệp phát triển của chính mình và phồn vinh của đất nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Thủ tướng đề nghị báo chí phải đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chiều 18.6, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc gặp mặt Đoàn báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng APEC nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.1925-21.6.2017) do Văn phòng Chính phủ phối hợp Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Cùng dự có Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu, Trưởng Đoàn báo chí – doanh nghiệp đồng hành cùng APEC; đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí và doanh nghiệp.
Nhân dịp kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gửi lời chúc mừng đội ngũ những người làm báo trên cả nước và vui mừng trước những bước phát triển mạnh mẽ của đội ngũ làm báo, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Khẳng định Đảng, Nhà nước luôn coi trọng vai trò của báo chí, đã dành nhiều thuận lợi để báo chí thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Thủ tướng đề nghị tổ chức định kỳ hằng năm cuộc gặp mặt với báo chí – doanh nghiệp và bố trí thời gian gặp mặt dài hơn để Thủ tướng có thể trao đổi nhiều hơn với các nhà báo, doanh nghiệp.
“Tôi tin tưởng rằng báo chí – doanh nghiệp sẽ mãi là những người bạn đồng hành trên bước đường hội nhập vì sự nghiệp phát triển của chính mình và phồn vinh của đất nước”, Thủ tướng bày tỏ. Điều này càng đặc biệt hơn trong thời điểm cả nước đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, cần phát huy đồng bộ mọi nguồn lực, khơi dậy mọi tiềm năng, tất cả vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Sự nghiệp đó cần sự tham gia tích cực, đồng bộ của báo chí, doanh nghiệp, với sự thay đổi mạnh mẽ hơn, tiếp cận những cái mới để truyền tải, tạo cảm hứng, góp phần định hướng mọi cá nhân, mọi cộng đồng xã hội, phát huy tinh thần, khả năng sáng tạo, cùng chung sức, chung lòng xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Dẫn báo cáo xếp hạng về đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2017 vừa được công bố mà theo đó, Việt Nam tăng 12 bậc, Thủ tướng nói: “Ai làm nên đổi mới sáng tạo này? Tất nhiên, có vai trò của đổi mới môi trường kinh doanh, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các cấp các ngành nhưng chính doanh nghiệp là người đổi mới sáng tạo quyết liệt, trực tiếp nhất”.
Video đang HOT
Với mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020, Thủ tướng đề nghị báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời, báo chí phải đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao của xã hội về thông tin, hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thực hiện công khai, minh bạch quá trình và kết quả xử lý công việc của cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, góp phần bảo đảm thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” để hoạt động của Chính phủ, của bộ máy hành chính các cấp phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng cho rằng, báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
“Tôi lúc nào cũng đọc báo trước khi đi làm”
Đồng thời, báo chí cần thực hiện tinh thần “trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân” để phản ánh kịp thời, trung thực những nguyện vọng, ý kiến của người dân, truyền tải thông tin thiết thực, phù hợp với người dân. Cho rằng báo chí phải lắng nghe hơi thở của cuộc sống, Thủ tướng bày tỏ: “Cũng như một lần tôi nói là tôi tuy bận nhưng lúc nào cũng đọc báo trước khi đi làm. Nhiều vấn đề chúng ta phát hiện qua báo chí. Chính sách hình thành nên từ đây, từ kênh báo chí quan trọng”.
Báo chí và doanh nghiệp cần tích cực tham gia đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực, lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, chống tham nhũng, lãng phí. Với trí tuệ, sự tận tâm, tấm lòng ngay thẳng và tinh thần dũng cảm, các nhà báo cần vượt qua khó khăn thách thức để phản ánh những bất cập, đấu tranh phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, trái đạo đức.
Từng tờ báo, từng phóng viên phải tự rèn luyện, giữ gìn với tinh thần là không sử dụng báo chí để đánh nhau, hại nhau, nói xấu nhau, gây mất thương hiệu và lộ bí mật. Thủ tướng cho rằng, báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Báo chí không chỉ cung cấp thông tin kịp thời, đa dạng, phong phú, chính xác mà còn phải kịp thời phát hiện, phản biện, đấu tranh với các hiện tượng tiêu cực liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp nhận ra các yếu kém, thiếu sót để khắc phục, sửa chữa, tiếp tục vươn lên trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Thủ tướng cũng mong muốn báo chí cổ vũ cho việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng thương hiệu Việt Nam, khuyến khích khởi nghiệp mà đi liền với đó là phát triển doanh nghiệp. “Có bài viết nào điều tra vì sao 4 – 5 triệu hộ cá thể không chuyển sang doanh nghiệp. Tránh thuế, tránh thủ tục hay gặp vấn đề này khác? Tôi lấy ví dụ như vậy”, Thủ tướng nói.
Bên cạnh môi trường kinh doanh, Thủ tướng nhấn mạnh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là hướng đi quan trọng của các cấp, các ngành, “anh nào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thì đáng là một tấm gương”. “Làm thương trường cũng khổ lắm, cũng rủi ro lắm. Mình phải thông hiểu cái này để tạo điều kiện, tạo niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin bảo vệ cái đúng”, Thủ tướng chia sẻ và cho rằng báo chí có vai trò quan trọng đối với vấn đề này.
Báo chí cần cổ vũ những tấm gương doanh nghiệp vượt khó; sát cánh cùng các chuyên gia kinh tế để theo dõi, phân tích tình hình kinh tế-xã hội, kịp thời đưa ra những dự báo, giúp doanh nghiệp lựa chọn được đường hướng kinh doanh đúng đắn, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thương hiệu Việt Nam.
Báo chí và doanh nghiệp cần cùng chung tay xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp. Nêu những tấm gương tốt, việc làm hay cho những giá trị tố đẹp, chuẩn mực văn hóa được lan tỏa sâu rộng trong xã hội, cộng đồng và mỗi gia đình.
Nhân dịp này, Thủ tướng biểu dương các doanh nghiệp tích cực làm công tác an sinh xã hội, có doanh nghiệp không phải chỉ lo kinh doanh, lợi nhuận mà mà làm vì say mê lao động, sáng tạo, đóng góp cho xã hội. Báo chí cần tuyên truyền tích cực các điển hình tiên tiến, gương người tốt, góp phần cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước, nhất là thi đua lao động giỏi, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động.
Trong thời điểm hiện nay, báo chí đóng vai trò nòng cốt trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, đi đầu trong đấu tranh chống lại các thế lực phản động, thù địch, tích cực đấu tranh bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, chủ động bác bỏ các nội dung bôi nhọ, bịa đặt, vu khống, gây chia rẽ nội bộ, làm mất đoàn kết trong Đảng, trong xã hội.
Hội nhập hiệu quả trong khuôn khổ APEC có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tạo nên nguồn lực mới cho phát triển đất nước, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp.
Thủ tướng mong muốn báo chí cũng như doanh nghiệp tích cực tuyên truyền về sự kiện này. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại buổi gặp mặt, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Trưởng đoàn Báo chí-Doanh nghiệp đồng hành cùng APEC Thuận Hữu cảm ơn sự quan tâm của Thủ tướng Chính phủ đối với báo chí, doanh nghiệp. Đây là nguồn động viên to lớn đối với báo chí và doanh nghiệp cả nước. Năm 2017, Việt Nam vinh dự là chủ nhà Năm APEC. Đối với giới báo chí, APEC là cơ hội hiếm có để quảng bá đất nước Việt Nam, đồng thời là cơ hội để báo chí giúp các doanh nghiệp kết nối với các bạn bè, đối tác ở khu vực và thế giới. Để tận dụng cơ hội đó, báo chí và doanh nghiệp cần sát cánh cùng nhau.
Theo Danviet
Diễn đàn cao cấp APEC về du lịch sẽ tổ chức tại Hạ Long
Ngày 19.6, Diễn đàn Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững (hội nghị cấp Bộ trưởng du lịch) sẽ diễn ra tại TP.Hạ Long (Quảng Ninh).
Tại diễn đàn này, các nhà hoạch định chính sách du lịch, các chuyên gia du lịch và doanh nghiệp du lịch sẽ được thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra định hướng hợp tác du lịch bền vững trong APEC, hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững về kinh tế môi trường và xã hội, góp phần phát huy bản sắc văn hóa của từng nền kinh tế; nâng cao vai trò vị thế của du lịch Việt Nam trong hợp tác du lịch APEC nói riêng và trên trường quốc tế nói chung; tăng cường liên kết hợp tác du lịch vì sự phát triển bền vững và toàn diện giữa các nền kinh tế thành viên của APEC.
Trong khuôn khổ Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững, đại biểu của 21 nền kinh tế thành viên APEC sẽ tập trung vào các nội dung như: APEC hướng đến 2020 và tương lai; Phát triển bao trùm kinh tế, tài chính và xã hội; Phát triển nguồn nhân lực; Doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Khách sạn Vinpearl Hạ Long, nơi tổ chức Diễn đàn Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững.
Các vấn đề thảo luận và nội dung của Hội nghị sẽ lồng ghép với chủ đề và ưu tiên chung của năm APEC Việt Nam 2017 và Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC sẽ tổ chức vào tháng 11.2017 tại Đà Nẵng. Nội dung đối thoại phải phù hợp, đóng góp vào quan tâm chung của APEC, đồng thời thúc đẩy các quan tâm của phía Việt Nam.
Ông Vũ Công Lực, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị phối hợp tổ chức Đối thoại chính sách cao cấp APEC về du lịch bền vững cùng các sự kiện bên lề đã được các đơn vị liên quan triển khai cơ bản, đặc biệt trong công tác an ninh, y tế, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động của Hội nghị và đại biểu tham dự.
Theo Danviet
Bản lĩnh và tầm nhìn chiến lược của Việt Nam thông qua APEC 2017 Năm APEC 2017 là cơ hội quan trọng để khẳng định bản lĩnh và trí tuệ của đối ngoại Việt Nam, đặc biệt là công tác đối ngoại đa phương trong giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017 Phạm Bình Minh. Dân...