Thủ tướng Malaysia đề xuất lập đội tình nguyện viên giám sát giá cả hàng hoá
Theo Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob, những nỗ lực như vậy sẽ hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin từ công chúng nhằm giảm thiểu tình trạng biển thủ hàng hóa được trợ cấp giá.
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Ảnh: Mạnh Tuân/PV TTXVN tại Malaysia
Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob cho biết chính phủ nước này đang thực hiện các biện pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để giải quyết vấn đề giá cả sinh hoạt tăng cao.
Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội Liên minh Thương mại Malaysia (MTUC) lần thứ 42 tại Kuala Lumpur ngày 2/7, Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob cho biết tình trạng giá cả sinh hoạt tăng không chỉ xảy ra ở Malaysia mà trên toàn thế giới. Tỷ lệ lạm phát ở Malaysia hiện ở mức khoảng 2% vẫn được coi là thấp so với các nước khác như Mỹ (9%), các nước châu Âu (từ 8-10%) và Anh (12%).
Thủ tướng Ismail Sabri Yaakob đề xuất MTUC thành lập một đội tình nguyện viên giám sát và báo cáo cho chính phủ bất kỳ vấn đề nào liên quan đến giá cả hàng hóa.
Theo ông, những nỗ lực như vậy sẽ hỗ trợ chính phủ thu thập thông tin từ công chúng nhằm giảm thiểu tình trạng biển thủ hàng hóa được trợ cấp giá. Ông kêu gọi để giải quyết tốt tình trạng quản lý giá cả tiêu dùng, chính phủ sẵn sàng lắng nghe những đề xuất mang tính xây dựng từ người dân.
Bộ Tài chính Malaysia đã đưa ra dự báo tổng ngân sách mà chính phủ chi cho các khoản trợ cấp trong năm 2022 có thể vượt 70 tỷ ringgit (15,8 tỷ USD). Khoản ngân sách này tăng hơn gấp đôi so với khoản trợ cấp 33 tỷ ringgit mà Quốc hội Malaysia đã phê duyệt năm ngoái.
Video đang HOT
Singapore chật vật giải quyết khủng hoảng thịt gà
Theo hãng tin Bloomberg, Singapore dự kiến nhập khẩu nhiều thịt gà hơn từ một số quốc gia khác trong những tuần tới.
Điều này giúp "quốc đảo sư tử" có thể duy trì nguồn cung thịt gà ngay cả sau khi Malaysia ngừng xuất khẩu mặt hàng này vào đầu tháng này 6.
Gà sống tại một chợ thực phẩm ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: EPA-EFE
Trong nhiều thập kỷ qua, nguồn cung thịt gà tại Singapore - đảo quốc giàu có nhưng ít đất đai, chủ yếu phụ thuộc vào nước láng giềng gần nhất là Malaysia. Mỗi tháng, nước này nhập khẩu khoảng 3,6 triệu con gà sống, sau đó giết mổ và bảo quản lạnh.
Trong khi tại Mỹ, châu Á và châu Phi, tình trạng thiếu khoai tây khiến các nhà hàng thức ăn nhanh cạn kiệt các nguyên liệu chế biến món ăn như khoai tây chiên, thì ở Malaysia, chi phí thức ăn gia tăng đã khiến giá gà tăng vọt trong những tháng gần đây. Các nhà bán lẻ buộc phải giảm doanh số để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Vào tuần trước, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã tuyên bố cấm xuất khẩu thịt gà sống sang Singapore từ ngày 1/6 trong nỗ lực giải quyết tình trạng khan hiếm trong nước. Song lệnh cấm xuất khẩu này đã giáng đòn mạnh vào Singapore, quốc gia nhập khẩu khoảng 1/3 nguồn cung gà từ Malaysia. Gà cũng là nguyên liệu chính của món đặc sản cơm gà nổi tiếng của "đảo quốc sư tử".
Dù Chính phủ Singapore cam kết sẽ đảm bảo đủ thịt gà cho thị trường ttrong nước, nhưng các thương nhân cho biết giá gia cầm chắc chắn sẽ tăng mạnh. Hiện tại, họ phải trả 3 USD cho một con gà nguyên con, nhưng họ dự đoán giá gà sẽ tăng mạnh khi nguồn dự trữ giảm dần, khoảng 4-5 USD/con.
Cuộc "khủng hoảng cơm gà" ở Singapore chỉ dấu hiệu mới nhất của tình trạng thiếu lương thực đang diễn ra trên toàn thế giới. Xung đột Nga - Ukraine, các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 và thời tiết khắc nghiệt, đã góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt và khiến giá cả tăng cao.
Cửa hàng bán thịt gà ở Singapore. Ảnh: CNN
Khi những con gà sống cuối cùng từ Malaysia được chuyển đến Singapore để giết mổ hôm 1/6, đất nước này hiện đang phải chống chọi với tình trạng thiếu gà nghiêm trọng, có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Nỗi lo thiếu gà cũng thể hiện rõ khi nhiều người xếp hàng dài tại các quán cơm gà trên khắp đất nước. Bà Foo Kui Lian, chủ quán cơm gà Tian Tian Hainanese nổi tiếng bậc nhất đảo quốc, cho biết cửa hàng sẽ ngừng phục vụ các món liên quan đến gà nếu không đảm bảo nguồn cung ứng thịt tươi.
Tại cửa hàng cơm gà không xương Katong Mei Wei, một điểm đến nổi tiếng khác của những tín đồ ẩm thực trên đảo, những khách hàng trung thành như Lucielle Tan đã nhanh chóng đến thưởng thức món gà trước lệnh cấm. Tan nói: "Phải thưởng thức món ăn này trước khi chúng ta không thể duy trì nguồn cung".
Ông Mohammad Jalehar, người đàn ông 50 tuổi bán gà tại một khu chợ nhỏ ở quận Bedok South, chia sẻ: "Nhà cung cấp cho biết họ chuẩn bị tăng giá gà, mỗi con có thể đắt hơn 1 USD. Tuy nhiên, khách hàng của tôi làm sao chấp nhận mức giá cao hơn nữa".
Trang trại gia cầm ở Sungai Panjang, Selangor, Malaysia. Ảnh: CNN
Tương tự, người bán gà lớn tuổi Ah Ho và con trai ông Thomas, cho biết giá loại thực phẩm này đã ở mức cao từ sau dịch COVID-19. Gian hàng gà của họ đã hết hàng, thậm chí những mặt hàng ít được ưa chuộng hơn như mề gà cũng đã bán hết. Thomas nói: "Số phận của chúng tôi nằm trong tay các nhà cung cấp.Việc tăng giá khiến cuộc sống của tôi khó khăn hơn. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra trong tháng tới hoặc sự thiếu hụt này sẽ tiếp diễn bao lâu. Với tình hình như hiện nay, có lẽ đã đến lúc chúng tôi phải đóng cửa".
Để giải quyết những lo ngại trên, ông Desmond Tan, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Singapore, đã trấn an các doanh nghiệp trong một bài đăng trên Facebook vào hôm 4/6."Chúng tôi kỳ vọng vào nguồn thịt gà đông lạnh nhập khẩu từ Australia, Thái Lan và các nguồn cung khác như Brazil và Mỹ trong những tuần tới. Hãy yên tâm, sẽ có đủ nguồn cung thịt gà cho mọi người nếu chúng tôi vẫn nhập khẩu được mặt hàng này như bình thường".
Giới chức cũng nhấn mạnh món cơm gà nổi tiếng của Singapore sẽ được ưu tiên hàng đầu nếu nguồn cung bị đóng băng. Bộ trưởng Tan cho biết hiện nguồn cung thịt gà của Singapore vẫn ổn định nhờ phản ứng nhanh chóng của các nhà nhập khẩu, nhà phân phối và các siêu thị.
Trong khi đó, tình trạng thiếu hụt gà ở Malaysia dự kiến sẽ được giải quyết trong vòng một tháng. Hãng thông tấn Bernama dẫn lời ông Norlizan Mohd Noor, Tổng giám đốc Cơ quan thú y quốc gia, cho biết sẽ có đủ nguồn cung gà để đáp ứng nhu cầu trong lễ hội truyền thống Aidiladha diễn ra vào tháng 7 tới.
Song nếu không nhập khẩu được gia cầm tươi từ Malaysia, Singapore chỉ còn nguồn cung gà đông lạnh từ các nước như Thái Lan và Brazil. Nhưng đối những người bán cơm gà trên khắp "đảo quốc sư tử", đó đơn giản không phải là một lựa chọn tốt nhất.
"Gà đông lạnh ư? Bạn muốn chúng tôi nấu cơm gà bằng cách sử dụng gà đông lạnh? Món ăn sẽ không còn ngon nữa", chủ một cửa hàng cơm gà chia sẻ.
Nhật Bản nhất trí tổ chức hội nghị cấp cao với ASEAN vào năm 2023 Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob ngày 28/5 cho biết Hội nghị cấp cao ASEAN-Nhật Bản sẽ được tổ chức nhằm thảo luận sâu về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm vào năm 2023. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob. Ảnh: BERNAMA/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu với truyền thông Malaysia, Thủ tướng Ismail...