Thủ tướng lên đường đi dự WEF Đông Á 2014 và thăm Philippines
Ngày 21/05, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam lên đường đi dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm làm việc tại Philippines từ ngày 21-22/5 theo lời mời của Tổng thống Cộng hòa Philippines Benigno S. Aquino III và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Klaus Schawab.
Tháp tùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát; lãnh đạo các Bộ: Quốc phòng, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công Thương…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
Hội nghị WEF Đông Á 2014 có chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”. Các nội dung thảo luận chính của Hội nghị tập trung vào tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực.
Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có khoảng 450 đại biểu là chính khách, lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu và các tổ chức xã hội trong và ngoài khu vực.
Các hoạt động chính của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị dự kiến bao gồm: Tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể, tham dự với tư cách khách mời đặc biệt tại các phiên thảo luận về sáng kiến “Tăng trưởng châu Á” với chủ đề “Chương trình nghị sự nông nghiệp và an ninh lương thực của ASEAN” và “Thúc đẩy cộng đồng kinh tế ASEAN thông qua tăng cường phối hợp công-tư”, chủ trì phiên đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo một số tập đoàn/doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị.
Những năm gần đây, Việt Nam tích cực tham gia các hoạt động của WEF. Năm 2010 đã tổ chức thành công WEF Đông Á tại TPHCM. Năm 2012 và năm 2013, Thủ tướng Chính phủ tham dự WEF Đông Á tại Thái Lan và Myanmar.
Chuyến thăm làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới Philippines nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Philippines.
Video đang HOT
Thời gian qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-Philippines tiếp tục có những bước phát triển tốt đẹp.
Tháng 11/2002, hai nước ký Khuôn khổ Hợp tác song phương trong 25 năm đầu thế kỷ 21 và thời kỳ tiếp theo. Tháng 10/2011, hai nước ký Chương trình Hành động giai đoạn 2011-2016, định hướng cho quan hệ hợp tác trong nhiều lĩnh vực cụ thể, nhất trí đưa quan hệ lên tầm chiến lược.
Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, kim ngạch thương mại song phương tăng đều hằng năm, từ năm 2008-2011 đạt mức trên 2 tỉ USD, năm 2012 đạt xấp xỉ 2,9 tỉ USD, năm 2013 đạt 2,6 tỉ USD.
Từ năm 2008, mỗi năm Việt Nam xuất siêu hơn 1 tỷ USD sang Philippines, lớn nhất trong khối ASEAN, trong đó gạo là mặt hàng chủ lực với khoảng 1,5 triệu tấn/năm, chiếm 50-60% tổng kim ngạch xuất khẩu. Năm 2008, Chính phủ hai nước ký Bản Thỏa thuận về việc mua bán gạo (gia hạn 2010 và 2013).
Ngoài gạo, Việt Nam xuất sang Philippines linh kiện điện tử và hàng nông sản và nhập của Philippines chủ yếu là phân bón, máy móc thiết bị phụ tùng, khoáng chất, khí hóa lỏng, xăng dầu, dược phẩm, vật liệu xây dựng…
Quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch Việt Nam-Philippines cũng đạt được nhiều kết quả. Hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về hợp tác học thuật (10/2010), Kế hoạch hợp tác du lịch giai đoạn 2012-2015 (10/2011). Số lượng du học sinh Việt Nam sang Philippines ngày càng tăng (học đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, bằng học bổng hoặc tự túc), khách du lịch Philippines tới Việt Nam có chiều hướng tăng lên: 27.000 lượt (2008) lên hơn 100.501 lượt (2013). Lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Philippines cũng tăng gần 3 lần, từ 6.000 lượt năm 2009 lên 17.000 lượt năm 2010.
Về quan hệ an ninh, quốc phòng, hai bên tích cực triển khai các thỏa thuận đã ký kết: Thỏa thuận về Hợp tác Quốc phòng (10/2010), Bản Thỏa thuận về thiết lập đường dây nóng giữa Hải quân Việt Nam và Hải quân Philippines (hai bên đang thảo luận phụ lục để tiến tới thiết lập đường dây liên lạc), Bản Ghi nhớ về tăng cường hợp tác và chia sẻ thông tin giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng phòng vệ bờ biển Philippines.
Bên cạnh đó, hợp tác biển và đại dương, hợp tác nông-ngư nghiệp, thủy sản… cũng là những lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai nước.
Hợp tác biển và đại dương là một trong những trụ cột chính trong quan hệ hai nước. Một số mảng hợp tác biển, đại dương chính: (i) Khảo sát nghiên cứu khoa học chung về biển và đại dương (JOMRSE-SCS): Kết thúc giai đoạn I năm 2008. Từ năm 2008 đã họp được 3 cuộc họp chuẩn bị cho giai đoạn II (trong năm 2008) với sự tham gia của Trung Quốc; (ii) Thoả thuận thăm dò địa chấn chung Việt Nam-Philippines-Trung Quốc (JMSU) từ 2005, kết thúc tháng 6/2009. Philippines chưa có chủ trương gia hạn tiếp. Hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về Hợp tác xử lý sự cố tràn dầu và Bản Thỏa thuận về Hợp tác tìm kiếm cứu nạn (10/2010).
Trong hợp tác nông-ngư nghiệp, Việt Nam bắt đầu hợp tác với Viện nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) ở Philippines từ năm1963 với việc cử cán bộ đến IRRI thực tập, nghiên cứu (từ 1964-2009, IRRI đã đào tạo cho Việt Nam 254 nhà khoa học, trong đó có 55 thạc sỹ, 29 tiến sỹ). Việt Nam và IRRI đã hợp tác trao đổi nhiều giống lúa. Hiện có khoảng 70% diện tích trồng lúa của Việt Nam được gieo cấy bằng giống lúa của IRRI hoặc giống được tạo ra có nguồn gốc từ IRRI.
Về thủy sản, hai bên đã ký Bản Thỏa thuận về Hợp tác Thủy sản (6/2010) để triển khai các hợp tác cụ thể trong lĩnh vực thuỷ sản và thành lập Ủy ban Hợp tác Nghề cá (họp lần 1 tháng 7/2011 tại Manila, lần 2 tháng 8/2012 tại TPHCM), trong đó nhất trí thiết lập đường dây nóng xử lý vấn đề đánh bắt cá trái phép và hỗ trợ ngư dân.
Theo Chính Phủ
Thủ tướng: Hiện đại hóa đất nước là đảm bảo đời sống người dân
"Mục tiêu đưa đất nước thành nước công nghiệp phải đi từ hiện đại hóa nông thôn, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm đời sống của người dân" - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu sơ kết 3 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hội nghị sơ kết 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010-2020 diễn ra tại Hà Nội ngày 16/5.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát thể hiện, trong 3 năm 2011-2013, chương trình đã huy động được 485.000 tỷ đồng, trong đó Ngân sách Nhà nước chiếm trên 33% với 162.000 tỷ đồng (bao gồm vốn hỗ trợ trực tiếp cho chương trình chiếm trên 10% với 50.000 tỷ đồng; vốn lồng ghép là 23% với gần 112.000 tỷ đồng); vốn tín dụng chiếm gần 48% với trên 231.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp hỗ trợ 30.000 tỷ đồng; dân đóng góp gần 63.000 tỷ đồng (chiếm 13%). Giai đoạn 2014-2016, Chính phủ phân bổ nguồn vốn trái phiếu cho chương trình 15.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đánh giá, nguồn ngân sách bố trí cho chương trình còn thấp so với nhiệm vụ đề ra, đầu tư của doanh nghiệp vào nông thôn rất thấp.
Về phát triển sản xuất tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT cho biết, đến nay cả nước đã có trên 9.000 mô hình sản xuất với tổng vốn ngân sách hỗ trợ khoảng 8.400 tỷ đồng, đem lại năng suất thu nhập cao hơn trước từ 15-40%. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT cũng đánh giá, việc chỉ đạo phát triển sản xuất ở nhiều nơi còn lúng túng trong chuyển đổi cơ sở sản xuất hàng hóa tập trung; phát triển làng nghề chưa thành định hướng quan trọng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn; vốn đầu tư cho phát triển sản xuất còn thấp (chỉ chiếm 7% tổng số vốn thực hiện chương trình trên địa bàn xã).
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhận định, sau 3 năm thực hiện, xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng trong cả nước, được cả hệ thống vào cuộc, được nhân dân ủng hộ. Đã xuất hiện nhiều mô hình tốt, trong đó có mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; gắn kết doanh nghiệp sản xuất với nông dân; mô hình xã NTM đã xuất hiện và trở thành hiện thực. Dù vậy, nhìn tổng thể tiến độ triển khai chương trình còn chậm, so với mục tiêu đề ra đến nay mới chỉ có khoảng 2% số xã đạt chuẩn NTM.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát chủ trì hội nghị (ảnh: Chinhphu.vn)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ. Xây dựng NTM là giải pháp chủ yếu, có tính chiến lược quan trọng để thực hiện sự nghiệp xây dựng nông nghiệp, nông thôn.
Thủ tướng cho rằng, trong 3 năm qua, các cấp ủy, chính quyền trong cả nước đã triển khai tích cực chương trình, sơ kết 3 năm cho thấy chương trình đúng đắn, đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện. Tuy nhiên, xây dựng NTM vẫn chậm về mục tiêu.
"Chúng ta đặt ra đến năm 2015 đạt 20% xã NTM, 2020 là 40%. Nhưng đến nay mới chỉ trên 2% số xã đạt 19 tiêu chí; 6,2% đạt từ 15-18 tiêu chí, như vậy mục tiêu đã đặt ra rất khó đạt, đòi hỏi phải nỗ lực rất lớn" - Thủ tướng chỉ rõ.
Nhấn mạnh tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn còn cao, đời sống của một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý cần thực hiện tốt hơn nữa chương trình giảm nghèo ở nông thôn, hỗ trợ nông dân về vốn để tăng gia, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống; nhân rộng các cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển nông nghiệp.
Mục tiêu sắp tới, Thủ tướng yêu cầu cần nhấn mạnh chương trình xây dựng NTM chính là cụ thể hóa nghị quyết của TƯ về tam nông, phấn đấu đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
"Muốn đưa đất nước thành nước công nghiệp thì trước hết phải thực hiện đại hóa nông thôn, từ đó nâng cao năng suất lao động, bảo đảm đời sống của người dân, phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn; là nền tảng phát triển bền vững cho cả nền kinh tế Việt Nam. 19 tiêu chí xây dựng NTM chính là định lượng để thực hiện mục tiêu chung này" - người đứng đầu Chính phủ phân tích.
Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới tập trung vào việc đưa khoa học công nghệ vào để phát triển sản xuất nông nghiệp, nông lâm thủy sản, để tăng năng suất, tăng hiệu quả, tăng sức cạnh tranh, từ đó mới tăng thu nhập cho người nông dân. Cùng với đó phải xây dựng quan hệ sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất để đem lại lợi ích cho nông dân. Không thể sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, mà phải hình thành những hình thức liên kết, hợp tác kiểu mới để nâng cao năng suất lao động, giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho sản xuất nông nghiệp. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở nông thôn, giảm lao động nông nghiệp để tăng thu nhập chỉ làm được khi có doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này. Cần hết sức khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn. Không chỉ là chính sách của Chính phủ, các địa phương phải linh động các cơ chế chính sách để thu hút doanh nghiệp về sản xuất ở địa bàn nông thôn. TƯ chỉ tạo ra khung chính sách, các địa phương phải linh động, sáng tạo.
P.Thảo
Theo Dantri
Sáng kiến nông nghiệp và lương thực châu Á Sáng qua 23-4 tại Hà Nội, Hội nghị "Sáng kiến nông nghiệp và lương thực châu Á lần thứ 3", với sự tham dự của 13 quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trong và ngoài nước đã khai mạc. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, an ninh lương thực...