Thủ tướng Lào: 26 người chết, 131 người mất tích trong vụ vỡ đập
Chiều 25/7, lực lượng cứu hộ Lào đã tìm thấy 26 thi thể, trong khi hàng trăm người vẫn mất tích, hàng nghìn người cần giải cứu sau sự cố vỡ đập.
Thủ tướng Lào trong họp báo chiều 25/7 thông báo số người chết sau vụ vỡ đập Xepian-Xe Nam Noy đã lên tới 26 người.
“131 người vẫn còn mất tích”, Thủ tướng Thongloun Sisoulith nói. Ông cho biết tất cả số này đều là người Lào ở Attapeu.
Nước lũ phủ trắng nhiều bản ở Attapeu và một tỉnh lân cận. Ảnh: ABC Laos.
Vấn đề về cảnh báo thảm họa
Rất nhiều người sống sót đã chất vấn về việc không được cảnh báo trước về trận lụt khủng khiếp sau khi vỡ đập. Nhiều khu vực, mực nước đã dâng lên tới vài m.
“Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chúng tôi hầu như không có thời gian chuẩn bị”, Joo Hinla, 68 tuổi, ở làng Ban Hin Lath nói tại một khu cứu trợ. “Tất cả nhà trong làng đã chìm trong nước. 4 thành viên gia đình tôi thì mất tích mà không rõ số phận thế nào nữa”.
Hàng trăm người bị mất nhà cửa, cả phụ nữ, trẻ em và người già, ngồi ở sàn nhà kho gần đó, xung quanh là la liệt túi nylon với một số đồ tùy thân đơn sơ.
Hai nhà thầu Hàn Quốc nói họ đã báo về một số vết nứt trên một số phần của đập Xe-Namnoy trước khi thảm họa xảy ra tối 23/7.
Các nhóm cứu trợ từ Trung Quốc và Thái Lan đã lên đường tới nhiều khu vực bị cô lập sau cơn lũ. Chính phủ Hàn Quốc đã gửi một đội cứu hộ đến hiện trường vào hôm nay, 25/7.
Vị trí đập phụ (số 1) bị vỡ vào đêm 23/7, thuộc dự án thủy điện Xe Pien-Xe Namnoy. Đồ họa: BBC.
Trước đó, một quan chức lãnh sự quán Thái Lan tại tỉnh Attapeu nói với đến chiều 25/7, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy 26 thi thể trong 17 người bị thương đã được đưa vào bệnh viện.
Vientiane Times vào buổi chiều thì nói có khoảng 3.000 người cần cứu trợ với rất nhiều người hiện vẫn đang bám vào cây hay bám trụ trên các mái nhà.
Hình ảnh từ truyền hình Lào cho thấy người dân bám mái đang chờ đồ cứu trợ trong khi dòng nước bùn vẫn chảy siết phía dưới. Quân đội Lào và các tình nguyện viên địa phương đang điều phối các nỗ lực cứu trợ này.
Lực lượng cứu hộ đang đối mặt nhiều thách thức về đi lại và liên lạc do địa bàn bị ảnh hưởng có phạm vi rất rộng. Chính quyền tỉnh Attapeu đã kêu gọi đảng ủy, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp, quan chức cảnh sát và quân đội cũng như người dân quyên góp hỗ trợ cho các nạn nhân những nhu yếu phẩm như quần áo, thực phẩm, nước uống, thuốc men, tiền mặt.
Khu vực bị thiệt hại nằm sâu trong vùng hẻo lánh, lại bị cô lập bởi nước lũ nên chỉ có thể tiếp cận bằng trực thăng hoặc tàu đáy phẳng. Điều này gây khó khăn và làm chậm hoạt động cứu hộ. Số người thiệt mạng có thể tăng do không được giải cứu kịp thời.
Trao đổi với Zing sáng 25/7, ông Nguyễn Bá Hùng, đại sứ Việt Nam tại Lào, cho biết: “Có khoảng 15 hộ gia đình người Việt đang sinh sống tại khu vực ngập. Thông tin ban đầu cho thấy họ đều an toàn, nhưng chúng tôi chưa thể xác minh cụ thể. Phía Lào cũng chưa có số liệu gì”
Thủ tướng Thongloun Sisoulith trong họp báo chiều 25/7. Ảnh: Raosukunfung.
“Con đường khủng khiếp”
Một phóng viên trên đường đi vào khu vực lũ cô lập nhắn với Zing rằng: “Con đường rất khủng khiếp và rất khó đi”. Nhiều đoạn đường trên tuyến là đường độc đạo và đã bị chia cắt hoàn toàn, chỉ có thể dùng các con phao tạm để đưa ôtô và vật liệu qua.
Các chuyên gia đánh giá sự cô lập và hẻo lánh của các khu vực này sẽ ảnh hưởng nhiều tới công tác cứu hộ.
“Các đường đều rất xấu”, Ian Baird, giáo sư địa lý tại ĐH Wisconsin-Madison (Mỹ), một chuyên gia về Lào, nói với Reuters. “Người ta thường không dám đến vùng này vào mùa mưa. Dân làng có thể leo lên vài ngọn núi quanh đó… nhưng cái đó thì không chắc nữa”.
Rất nhiều tuyến đường đã bị cắt đứt và chỉ được kết nối nhờ những con phao tạm thế này. Ảnh: ABC Laos.
Chính phủ Lào nói ít nhất có 7 bản đã ngập chìm trong nước ở tỉnh Attapeu. Lũ cũng đã xuất hiện ở tỉnh Khammouan liền kề.
Một báo cáo của Liên Hợp Quốc nói có khoảng 12.000 người và 357 làng bị ảnh hưởng với 223 nhà và 14 cầu bị lũ phá hỏng.
Công ty SK Engineering & Construction của Hàn Quốc, nhà thầu chính dự án đập thủy điện Xe Pian-Namnoy, cho biết họ đã phát hiện vết nứt trên thân đập phụ một ngày trước sự cố. “Chúng tôi đã cảnh báo cho chính quyền địa phương và bắt đầu sơ tán dân làng ở hạ lưu”, theo thông báo của nhà thầu.
Trước sự cố, các nhà hoạt động đã cảnh báo những hệ quả về môi trường của dự án. Sau khi hoàn thành, 90% sản lượng điện của nhà máy sẽ được bán sang Thái Lan. Người dân nhiều nơi ở Lào đã bị di dời để nhường đất cho những con đập vốn bị chỉ trích là đem lại lợi ích cho bên ngoài.
Theo_Zing News
Vỡ đập thuỷ điện tại Lào: Tiến sâu vào tâm điểm ngập
Hiện công tác cứu hộ và cứu trợ người dân Lào sau thảm hoạ vỡ đập thuỷ điện Xe Pian-Xe Namnoy đang rất khẩn trương. Đến trưa 26-7, nhóm phóng viên Báo Người Lao Động đã tiến sâu vào tâm điểm ngập để cùng phát nước suối, thực phẩm cho người dân.
Khung cảnh tiêu điều, tang tóc, đâu cũng chỉ thấy bùn và nước. Lúc này nước suối và thực phẩm đang cần nhất đối với người dân vùng ngập.
Theo quan sát của nhóm phóng viên Báo Người Lao Động, vụ vỡ đập làm cho nhiều trâu bò và nhiều động vật chết nằm vùi trong bùn đất.
Nhiều người dân cố gắng thoát khỏi nơi ngập, đang tìm đến những nơi an toàn hơn. Nhiều nhóm nạn nhân di chuyển các xe cứu trợ để nhận thức ăn và nước uống.
Nhóm phóng viên Báo Người Lao Động sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đó về tình hình mới nhất vụ vỡ đập Xe Pian-Xe Namnoy.
Giang Nam - Lê Phong - Hồng Hải - Thanh Long
Theo NLD
Sau sự cố vỡ đập thủy điện, Lào tiếp tục vật lộn với cuộc chiến về thức ăn, thuốc Ngày 26/7, các lực lượng cứu hộ đang vật lộn để có thể tiếp cận những người vô gia cư và bị mắc kẹt ở mũi phía Nam xa xôi của Lào, 3 ngày sau khi đập thủy điện của Lào bị vỡ, gây ra dòng nước lũ cuốn trôi các cánh đồng lúa và làng mạc. Quy mô của thảm họa vỡ...