Thủ tướng: Kiên quyết không để BOT tiếp tục gây bức xúc
“Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, khắc phục sớm tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.
Chiều tối ngày 30/8, thông tin về nội dung phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ ngay sau khi cuộc họp kết thúc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, nhân dân, doanh nghiệp.
Để đồng tiền hạt gạo của nhà nước không bị tham nhũng
Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng nhận định, đến nay, theo báo cáo của các cơ quan liên quan sau khi khảo sát số liệu cụ thể thì 13 chỉ tiêu năm 2017, ước hoàn thành toàn diện, trong đó có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Với những kết quả này, về cơ bản, khả năng cả năm 2017 sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,7% như Quốc hội giao là khả thi.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, trước mắt còn tháng 9 và cả quý IV, nên nếu thực hiện các nhiệm vụ được giao không sát sao, sơ suất trong bất cứ khâu nào thì sẽ dẫn tới không đạt kế hoạch. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục rà lại từng chỉ tiêu, phấn đấu quyết liệt, không chủ quan.
Thủ tướng phát biểu kết luận phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đánh giá tình hình, kết quả năm 2017 rõ ràng hơn, phân tích bối cảnh trong nước quốc tế, nhất là xem xét các mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trên cơ sở đó đề ra mục tiêu giải pháp cụ thể. Trong đó phải chú trọng bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm tinh thần đổi mới nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế. Không phải chỉ chạy theo số lượng mà chất lượng tăng trưởng là rất quan trọng với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau, để người dân mọi vùng, mọi miền, vùng dân tộc thiểu số có cuộc sống tốt hơn.
Video đang HOT
Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn thiện báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2018, trình Thủ tướng Chính phủ duyệt để báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội.
Bộ Tài chính được giao chủ trì, tiếp thu, rà soát các chỉ tiêu về thu chi ngân sách, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo các cân đối lớn của tài chính.
Bộ Tài chính cũng được nhắc tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính- ngân sách 2018 – 2020. Thủ tướng lưu ý lãnh đạo Bộ “quan tâm để đồng tiền hạt gạo của Nhà nước được sử dụng đúng mục đích, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực”.
Thủ tướng nhấn mạnh, thủ tục hành chính ở các cấp còn nhiều bất cập, chưa tạo nên sân chơi thông thoáng, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Chính phủ đồng hành với doanh nghiệp nhưng cấp dưới chưa đồng hành và một bộ phận còn hành doanh nghiệp, không thực hiện các cải cách thủ tục hành chính theo Nghị quyết 19, Nghị quyết 35.
Lãnh đạo Chính phủ giao Tổ công tác của Thủ tướng thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương và báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, trong đó có công tác cải cách thủ tục hành chính.
“Không phải trên nóng dưới nguội nữa, mà trên nóng, dưới nóng, đồng bộ quyết tâm để phục vụ nhân dân tốt hơn nữa. Đừng để tình trạng trì trệ ở phía dưới, hệ thống không chuyển động” – Thủ tướng nêu tinh thần chỉ đạo.
Chưa tăng thuế, phí, chống tiêu cực trong dự án BOT
Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương rà soát, đánh giá tổng mức đầu tư các dự án BOT, mức phí và thời gian thu phí, kiến nghị các giải pháp cụ thể, báo cáo Thủ tướng trong tháng 9.
“Kiên quyết không để vấn đề BOT tiếp tục gây bức xúc trong dư luận, khắc phục sớm tình trạng có tới 70 loại phí liên quan đến giao thông, chi phí vận tải, chi phí BOT quá cao”, Thủ tướng nhấn mạnh và yêu cầu xử lý nghiêm vi phạm, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các dự án BOT.
Với ngành nông nghiệp, Thủ tướng yêu cầu nỗ lực đạt mức tăng trưởng 3,05% theo kịch bản đã đề ra. Ngành du lịch phấn đấu đạt 13-15 triệu khách quốc tế.
Thủ tướng lưu ý thực hiện tốt các chính sách xã hội, cứu trợ vùng thiên tai. Bộ trưởng Bộ Y tế và Chủ tịch UBND TP. Hà Nội có trách nhiệm thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc dập dịch sốt xuất huyết, dịch chân tay miệng. Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương án bảo đảm Quỹ Bảo hiểm y tế bền vững, chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu thuốc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo chuẩn bị tốt điều kiện cho khai giảng năm học mới, nhất là ở các vùng lũ lụt vừa qua; không để xảy ra tình trạng lạm thu, đẩy giá vật dụng ngành giáo dục; không để tình trạng học sinh không đến trường vì không có tiền đóng học phí.
P.Thảo
Theo Dantri
Thủ tướng yêu cầu thanh tra việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc ung thư giả
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, nội dung báo cáo về vụ việc VN Pharma nhập khẩu thuốc ung thư giả mà Bộ Y tế gửi lãnh đạo Chính phủ cũng chỉ cơ bản như thông cáo báo chí đăng tải hôm qua (29/8)... Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu của Bộ Y tế.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 hôm nay, 30/8, với sự tham gia của Tòa án nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao..., vụ việc liên quan đến Công ty VN Pharma đã được Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề cập trong phát biểu của mình.
Theo Phó Thủ tướng, mặc dù vụ việc đang được các cơ quan bảo vệ pháp luật thụ lý giải quyết nhưng dư luận xã hội đặc biệt quan tâm và nhiều ý kiến rất bức xúc ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân đối với cả hệ thống y tế. Vì vậy, cần được chỉ đạo xử lý nghiêm minh mọi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, làm rõ mọi góc khuất.
Trước đó, ngày 24/8, Văn phòng Chính phủ (VPCP) có văn bản số 9036/VPCP-KGVX yêu cầu Bộ Y tế báo cáo trước ngày 31/8 về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ về việc Công ty VN Pharma Việt Nam nhập khẩu thuốc điều trị ung thư giả.
Phó Thủ tướng nói: "Tôi đã chỉ đạo VPCP có văn bản yêu cầu Bộ báo cáo về trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ. Hôm nay, tôi đã nhận được báo cáo. Nội dung cơ bản như thông cáo báo chí của Bộ. Tôi đã có ý kiến: Cần thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế. Mặt khác đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ các vấn đề dư luận quan tâm. Tinh thần là phải hết sức nghiêm minh và công khai".
Ngay sau khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận, Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc cấp phép của Bộ Y tế, phải rất nghiêm túc, nhất là khi liên quan tới sức khỏe của nhân dân.
P.T
Theo Dantri
Thủ tướng: Thời gian nuôi gà còn nhanh hơn thủ tục bán gà "Dù đã tập trung cải cách hành chính thời gian qua nhưng giấy phép con, giấy phép cháu vẫn còn nhiều. Có ý kiến nói rằng nuôi gà một lứa chỉ mất 40 ngày nhưng thủ tục để tiêu thụ, xuất khẩu gà thì còn phức tạp, dài ngày hơn", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tập trung xử lý ngay tình...