Thủ tướng: Không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta đều chấp nhận
Thủ tướng cho rằng hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy.
Sáng 4/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam với chủ đề “Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới”.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: VGP)
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định việc mở cửa thu hút vốn đầu tư nước ngoài là một chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội quan trọng của đất nước.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế tồn tại trong lĩnh vực này, như doanh nghiệp đầu tư nước ngoài về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực.
Bên cạnh đó, liên kết giữa khu vực đầu tư nước ngoài và trong nước cũng như chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao.
“Các nhà đầu tư nước ngoài mang vốn, công nghệ vào nước là rất quý, nhưng có tranh thủ được nguồn lực này cho phát triển, nâng cao quốc lực của đất nước là trách nhiệm của chúng ta”, Thủ tướng nêu rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, đầu tư nước ngoài là một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành lớn lên với quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Thủ tướng, hợp tác đầu tư nước ngoài là mang tính chủ động, có sự bình đẳng, lựa chọn, không phải nhà đầu tư nước ngoài mang gì vào ta chấp nhận nấy và điều quan trọng là có lựa chọn, dần thoát khỏi gia công, lắp ráp đơn thuần, nâng tầm trình độ sản xuất, nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế quốc gia.
Video đang HOT
Xuất phát từ thực tiễn của đất nước, Việt Nam tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài để giải quyết lao động, việc làm ở vùng nông thôn, miền núi. Còn khu vực thành phố phát triển, thị xã thì ưu tiên thu hút đầu tư kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao…
Sẽ có chính sách mới về đầu tư nước ngoài
Tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là giữ vững ổn định chính trị xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô.
Đây là điều không dễ, đòi hỏi phải thống nhất tư tưởng, nhận thức về hợp tác đầu tư nước ngoài và triển khai đồng bộ, sáng tạo các biện pháp về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và các nhà đầu tư. (Ảnh: VGP)
Các bộ, ngành cũng cần hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, trong đó có thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư nước ngoài có ưu tiên, chọn lọc gắn với mục tiêu nâng tầm trình độ nền kinh tế, xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Từ tư duy thụ động, bị nhà đầu tư nước ngoài vào “mua”, nay chuyển sang các doanh nghiệp trong nước có thể chủ động “mua” lại các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam để tiếp thu thị trường, kênh phân phối, làm chủ công nghệ, quản lý và phát triển các sản phẩm quốc gia.
Trên cơ sở các quan điểm, nhiệm vụ nêu trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương cần rà soát và hoàn thiện, bổ sung các cơ chế, chính sách, giải pháp trong lĩnh vực quản lý của mình.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, đến hết tháng 9/2018, Việt Nam có 26.646 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 334 tỷ USD vào 19 trong số 21 ngành nghề kinh tế.
Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chiếm tỷ trọng lớn nhất (57,1%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài. Việt Nam Hiện có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư kinh doanh. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai nhà đầu tư lớn nhất với gần 117 tỷ USD.
Theo VTC
Bà Hồ Thị Kim Thoa bị mất chức Thứ trưởng Bộ Công Thương
Ngày 16.8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Quyết định số 1203 về việc miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa do bà này có nhiều khuyết điểm, vi phạm nghiêm trọng trong quá trình công tác.
Thủ tướng vừa ký quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa. (Ảnh: I.T)
Theo đó, xét tờ trình của Bộ Nội vụ ngày 14.8 và tờ trình của Bộ Công Thương ngày 15.8, Thủ tướng đã có quyết định miễn nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, nhiệm vụ cụ thể của bà Hồ Thị Kim Thoa do Bộ trưởng Bộ Công Thương phân công. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký (16.8).
Trước đó, Bộ Công Thương ra thông cáo chính thức về việc Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa viết đơn xin nghỉ việc từ 1.8. Bà Thoa vừa bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật ở mức cảnh cáo và đề nghị miễn hết các chức vụ do những khuyết điểm, vi phạm thời còn làm lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (2004 - 2010).
Năm 2010, bà Hồ Thị Kim Thoa được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Sau thời ông Vũ Huy Hoàng, bà Thoa được Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giao nhiệm vụ chỉ đạo công tác tài chính, giá cả, phát triển thị trường trong nước, thương mại biên giới, miền núi và hải đảo, thương mại điện tử; thay mặt Bộ, chỉ đạo thực hiện quản lý nhà nước đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam,...
Giữa tháng 2.2017, sau khi dư luận phản ánh việc khối tài sản trị giá hàng trăm tỷ đồng của gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa có dấu hiệu bất minh, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, kết luận những phản ánh này cùng những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban bí thư.
Tổng bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy định của pháp luật để hoàn thiện, khắc phục hạn chế trong công tác quản lý; phòng, chống thất thoát tài sản Nhà nước; ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.
Tiếp đó, bà Hồ Thị Kim Thoa bị Ủy ban Kiểm tra T.Ư kỷ luật Đảng bằng hình thức khiển trách, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách do có trách nhiệm liên quan trong việc đồng ý với đề xuất tiếp nhận, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh trái quy định; thực hiện không đúng nguyên tắc, quy định khi ký quyết định bổ nhiệm và điều động một số cán bộ.
Ngày 8.8, Ban Bí thư đã họp dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Sau khi xem xét đề nghị của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương (số 87-BC/UBKTTW, ngày 4.8.2017) và ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc thi hành kỷ luật đồng chí Hồ Thị Kim Thoa, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương; căn cứ Quy định số 260-QĐ/TW ngày 2.10.2009 của Bộ Chính trị về việc thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ, Ban Bí thư đã quyết định miễn nhiệm chức vụ Uỷ viên Ban cán sự đảng Bộ Công Thương và đề nghị Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm chức danh Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.
Trước đó, thông báo kết luận kỳ họp thứ 15 của Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã xác định vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa như sau:
Vi phạm trình tự, thủ tục trong việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp, chậm báo cáo, chưa tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước và công ty cổ phần theo quy định của pháp luật; không báo cáo Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) xử lý và xử lý không đúng số tiền lãi vay được ngân hàng cho miễn 6,7 tỷ đồng.
Thực hiện không đúng, không đầy đủ các thủ tục theo quy định, quyết định của Nhà nước về quản lý đất đai trong quá trình Công ty Điện Quang ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng về hợp tác đầu tư tại khu đất số 12 Tôn Đản, TP.HCM với Công ty Constrexim - Bộ Xây dựng, khi chưa được chủ sở hữu và cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn, chấp thuận. Không báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xử lý và xử lý không đúng khoản thu 30 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng quyền khai thác, sử dụng khu đất 12 Tôn Đản.
Mua cổ phần vượt mức quy định; chuyển nhượng cổ phần không đúng quy định của Điều lệ của Công ty. Việc chuyển nhượng phần vốn góp của Nhà nước vào Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Điện Quang không báo cáo, xin ý kiến chủ sở hữu là vi phạm quy định về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong thời gian dài, nhiều lần kê khai tài sản, thu nhập không đúng, không đầy đủ theo quy định về kê khai tài sản, thu nhập, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm.
Những vi phạm, khuyết điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa, theo đánh giá của Ủy ban Kiểm tra T.Ư, là nghiêm trọng, đến mức phải xem xét thi hành kỷ luật.
Bà Hồ Thị Kim Thoa sinh năm 1960 tại Nghệ An, có trình độ Thạc sỹ kinh tế. Trước khi trở thành Thứ trưởng Công Thương, bà từng giữ chức Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bóng đèn Điện Quang từ năm 2005 - 2010.
Theo Danviet
Toàn cảnh cầu 1.400 tỷ nối Hà Nội và Phú Thọ trước ngày thông xe Sau hơn hai năm xây dựng, cầu Việt Trì - Ba Vì bắc qua sông Hồng dự kiến thông xe vào ngày 7.10. Dự án cầu Văn Lang có mức đầu tư 1.460 tỷ đồng, nối Quốc lộ 32 với Quốc lộ 32C. Theo Danviet