Thủ tướng: Không được ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 sáng nay.
Thông báo nêu rõ, cả nước không còn ca bệnh trong cộng đồng, Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch bệnh. Đồng thời, đã tích cực thực hiện các biện pháp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy xuất nhập khẩu, từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế – xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Nghiên cứu chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế
Thủ tướng đánh giá cao các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là ngành y tế đã kiểm soát tốt dịch bệnh; các lực lượng quốc phòng đã thực hiện hiệu quả công tác cách ly tập trung các trường hợp nhập cảnh, không để lây nhiễm ra cộng đồng; ngành giáo dục đã tổ chức tốt việc cho học sinh đi học trở lại bảo đảm an toàn…
Chưa mở cửa du lịch quốc tế
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục đoàn kết thực hiện thắng lợi mục tiêu kép. Đó là vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, vừa phòng chống dịch hiệu quả trong điều kiện bình thường mới, bảo đảm sự bình yên cho nhân dân.
Các lực lượng y tế, quân đội, công an, chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là công tác phòng, chống dịch, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, đông dân cư; phải bảo đảm sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, quyết không để dịch bệnh quay trở lại.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục ngăn chặn nguồn bệnh xâm nhập từ bên ngoài; chưa mở cửa du lịch quốc tế. Các ngành quân đội, công an, y tế tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người nhập cảnh, thực hiện nghiêm việc cách ly tập trung, không để lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng.
Các trường hợp là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp, công chức thực hiện công vụ, sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam được tạo điều kiện nhập cảnh nhưng phải thực hiện cách ly phù hợp. Bên cạnh đó, tiếp tục quản lý chặt chẽ người qua lại đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ.
Video đang HOT
Bộ Ngoại giao khuyến cáo người Việt Nam đang ở nước ngoài chưa về nước, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch của nước sở tại; chỉ xem xét cho về nước đối với các trường hợp đặc biệt như học sinh dưới 18 tuổi, người đi khám chữa bệnh, du lịch, thăm thân, công tác hết hạn; công bố tiêu chí được về nước và chủ trì, tổ chức tốt việc đưa công dân Việt Nam về nước theo lộ trình phù hợp, công khai, minh bạch.
Ngành y tế, nhất là y tế công và các các cơ quan chức năng tiếp tục duy trì các nhóm trực, phản ứng nhanh, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh; đẩy mạnh việc ứng dụng các công cụ công nghệ phục vụ phòng, chống dịch như Bluezone, nCoV….
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tiến độ nghiên cứu về thuốc điều trị, vắc-xin phòng bệnh, hoàn thiện phác đồ điều trị Covid-19, lập hồ sơ sức khỏe người dân.
Nếu phát hiện phải xử lý nghiêm việc ép dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ
Thủ tướng giao Bộ Y tế nghiên cứu, sớm đề xuất việc công bố hết dịch và chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 cho giai đoạn mới, lâu dài, bảo đảm hiệu quả về y tế, bền vững về kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt chú ý quản lý tốt, tạo thuận lợi nhưng bảo đảm chặt chẽ trong thực hiện cách ly y tế đối với các chuyên gia, công nhân tay nghề cao, nhà quản lý được nhập cảnh.
Các bộ, ngành, địa phương kịp thời thực hiện gói an sinh xã hội, bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, trục lợi chính sách; biểu dương các tấm gương tốt nhường phần được hỗ trợ cho người khó khăn hơn. Đại diện chính quyền không được ép người dân ký đơn từ chối nhận hỗ trợ, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm.
Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh, xúc tiến, thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu; lưu ý đẩy mạnh xuất khẩu các hàng hóa là thiết bị y tế, khẩu trang, Kit xét nghiệm Covid-19.
Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống Covid-19, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống dịch. Trong đó, tài trợ, hỗ trợ thiết bị y tế, khẩu trang, Kit xét nghiệm, máy thở… cho các nước phòng, chống dịch Covid-19, trước hết là các nước ở châu Phi, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam.
Hỗ trợ bà con Việt kiều khó khăn tại Lào và Campuchia
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xúc tiến quảng bá du lịch, chuẩn bị các việc cần thiết để mở cửa đón khách du lịch quốc tế khi điều kiện cho phép, trước hết là từ các nước, vùng lãnh thổ đã kiểm soát tốt dịch bệnh.
Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất thời điểm và nguyên tắc dần nới lỏng xuất nhập cảnh, nối lại một số đường bay phục hồi giao thương, thăm thân, du lịch, thương mại, đầu tư trên cơ sở song phương, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Thủ tướng giao Bộ Y tế thống nhất với Bộ Tài chính báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn xem xét, có phương án xử lý cụ thể, bảo đảm công khai, công bằng trong phân bổ, sử dụng khoản kinh phí ủng hộ cho phòng, chống dịch, dành một phần để hỗ trợ cho bà con Việt kiều đang rất khó khăn tại một số nước như Lào và Campuchia.
Thủ tướng đồng ý tiếp tục giãn hơn các cuộc họp của Ban chỉ đạo. Thường trực Chính phủ sẽ định kỳ họp với Ban chỉ đạo khoảng gần 1-2 tuần/lần để quyết định các vấn đề lớn phát sinh.
Việt Nam chủ trì Hội nghị trực tuyến quan chức quốc phòng ASEAN
Bộ Quốc phòng Việt Nam hôm 12/5 chủ trì khai mạc Hội nghị trực tuyến Nhóm làm việc Quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN (ADSOM WG).
Tham dự hội nghị có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng quan chức Quốc phòng cấp cao ASEAN Việt Nam (ADSOM Việt Nam) cùng đại diện các đơn vị của Bộ Quốc phòng Việt Nam, Trưởng Nhóm làm việc quan chức Quốc phòng cấp cao các nước ASEAN và thành viên đoàn.
Phát biểu mở đầu tại hội nghị, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh: "Năm 2020 là một năm đầy khó khăn của ASEAN vì đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ASEAN đã có những dự báo chính xác, có sự chuẩn bị về tâm thế và sự hợp tác để đối phó với thách thức an ninh phi truyền thống gây thảm họa cho khu vực và toàn thế giới".
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, vào đầu năm nay, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM Hẹp). ADMM Hẹp đã thông qua Tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN về hợp tác quốc phòng trong ứng phó dịch bệnh.
Tại hội nghị này, Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN nhất trí rằng, cho dù đại dịch COVID-19 có diễn biến như thế nào, hợp tác ASEAN nói chung và hợp tác quốc phòng ASEAN nói riêng vẫn sẽ được tiếp tục. Các chương trình, kế hoạch của các hội nghị quân sự, quốc phòng ASEAN do Việt Nam chủ trì tổ chức trong năm 2020 vẫn sẽ được tiếp tục.
"Hôm nay, chúng ta tổ chức hội nghị trực tuyến là để trao đổi với nhau cách thức tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng ASEAN trong bối cảnh chúng ta còn bị cách ly, nhiều nước còn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Khi dịch COVID-19 được khắc phục, chúng ta sẽ gặp lại nhau, đẩy nhanh tiến độ, chương trình hoạt động. Dù khó khăn, chúng ta vẫn phải làm tốt những nội dung đã đề ra, thậm chí còn phải làm tốt hơn. Với tư cách là nước chủ nhà, Việt Nam sẽ làm tất cả những gì có thể để hoàn thành nội dung đã đề ra với kết quả tốt nhất, an toàn cao nhất" , Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng mong muốn tại hội nghị này, các đại biểu sẽ cùng nhau trao đổi về hợp tác đa phương, song phương trong chống dịch COVID-19; rà soát lại chương trình nghị sự ASEAN 2020 và chuẩn bị kế hoạch mới để làm sao chương trình này được tiếp tục một cách tốt đẹp nhất; đồng thời thảo luận, trao đổi nhằm tổ chức được diễn tập quân y ASEAN trực tuyến chống các thách thức an ninh phi truyền thống, trong đó có chống dịch bệnh của các nước ASEAN.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, đại dịch COVID-19 sẽ không làm cản trở, gián đoạn các hoạt động, thậm chí ASEAN có thể làm nhiều hơn nếu tận dụng tốt công nghệ thông tin qua các hoạt động trực tuyến như hôm nay.
"Tôi chúc ASEAN nhanh chóng nỗ lực đẩy lùi và đi đến dập tắt đại dịch COVID-19, sẽ là một trong những khu vực đầu tiên trên thế giới cơ bản giải quyết được đại dịch, trong đó có sự đóng góp tích cực, hiệu quả của hợp tác quốc phòng", Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh phát biểu.
(Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng)
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận về hợp tác quốc phòng ASEAN trong năm 2020, bao gồm cập nhật tiến trình hợp tác quốc phòng ASEAN, trong đó có công tác chuẩn bị Diễn tập xử lý tình huống của quân y ASEAN trong phòng, chống dịch bệnh; Đánh giá một số sáng kiến mới trong ADMM; Kế hoạch hoạt động 3 năm của ADMM (2020 - 2022); Kế hoạch hoạt động 3 năm của các Nhóm chuyên gia ADMM (2020 - 2022); Làm công tác chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến ADSOM, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 15/5 tới đây.
Trong chương trình hội nghị, Trung tướng Vũ Chiến Thắng chia sẻ về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bộ Quốc phòng Việt Nam. Trong đó có việc Bộ Quốc phòng Việt Nam tích cực hợp tác với các nước như Lào, Campuchia, Trung Quốc, Nga, Myanmar, Cuba... nhằm chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong phòng, chống dịch COVID-19.
Hơn 4 triệu người nhiễm nCoV toàn cầu Thế giới ghi nhận gần 276.000 người chết vì nCoV trong hơn 4 triệu ca nhiễm, giữa lúc hoạt động kinh tế xã hội dần khôi phục ở nhiều nước. 212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 4.008.110 ca nhiễm và 275.784 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 92.116 và 5.487 so với hôm qua,...