Thủ tướng khen ngợi các lực lượng cứu hộ thuyền viên tàu Vietship 01
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện khen ngợi các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ các thuyền viên tàu Vietship 01 bị mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị.
Đưa người cứu được vào bờ an toàn đi cấp cứu.
Công điện nêu rõ, trong những ngày vừa qua, do sóng to, gió lớn, một số thuyền viên bị mất tích và mắc kẹt trên tàu Vietship 01 tại vùng biển cảng Cửa Việt tỉnh Quảng Trị.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đã được tập trung chỉ đạo quyết liệt, với tinh thần, trách nhiệm rất cao của các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Trị, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông Vận tải, Quân khu 4 và toàn thể các lực lượng tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ của các bộ, ngành, cơ quan, đặc biệt là sự tham gia tích cực, hiệu quả của nhân dân dân địa phương.
Trong điều kiện sóng to, gió lớn, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các lực lượng và nhân dân đã không quản ngại nguy hiểm, tích cực, chủ động, phối hợp hiệp đồng chặt chẽ, triển khai kịp thời các phương án tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ và đã cứu nạn thành công các thuyền viên bị nạn trên vùng biển cảng Cửa Việt. Đến sáng ngày hôm nay (11/10/2020) các lực lượng Đặc công nước và tổ bay trực thăng của Bộ Quốc phòng đã cứu hộ thành công toàn bộ các thuyền viên bị kẹt trên tàu Vietship 01 đưa về bờ an toàn.
Thủ tướng Chính phủ biểu dương, khen ngợi tinh thần dũng cảm, không quản ngại hiểm nguy của các lực lượng tìm kiếm cứu nạn và nhân dân địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi gặp sự cố trên biển.
Hiện nay trên vùng biển cảng Cửa Việt vẫn còn 2 thuyền viên và một số người khác của các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên đang bị mất tích trong đợt mưa lớn vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh và các bộ, ngành liên quan tiếp tục chỉ đạo, tập trung lực lượng, phương tiện để tìm kiếm, cứu hộ kịp thời, có hiệu quả những trường hợp còn đang mất tích.
Thủ tướng chúc các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Nghẹn ngào lời kể của người trên tàu chìm ở Quảng Trị: Đói, rét, cứ tưởng sẽ chết
Những người vừa được cứu trên con tàu chìm ở Quảng Trị đã kể cho PV Dân Việt quá trình đấu tranh sinh tồn khi phải chịu đót, rét nhiều ngày giữa biển dữ.
Sau khi được cứu vào sáng nay (11/10), 8 người trên tàu Vietship 01 bị chìm ở Quảng Trị, đã được đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chăm sóc y tế.
Được sưởi ấm, truyền nước, ăn cháo, uống nước ấm, 6 người đã có sức khỏe cơ bản ổn định, còn 2 người sức khỏe còn yếu.
Anh Đặng Văn Nghị kể lại những ngày đói, rét trên tàu chìm.
Danh tính 8 người gồm: Nguyễn Hữu Tú (SN 1987, trú Hương Khê, Hà Tĩnh), Nguyễn Văn Bảo (SN 1969, trú Hải An, Hải Phòng), Nguyễn Văn Thí (SN 1964, trú Xuân Trường, Nam Định), Phạm Văn Thành (SN 1961, trú Trị Nguyên, Hải Phòng), Võ Văn Tường (SN 1977, trú Thạch Hà, Hà Tĩnh), Đặng Văn Nghị (SN 1987, trú Hậu Lộc, Thanh Hoá). Những người này đều là thuyền viên của tàu Vietship 01 và Trần Xuân Cường (SN 1993, trú Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị) là người trên tàu cá cứu hộ bị chìm vào sáng qua (10/10).
Riêng ông Tường bị gãy xương sườn, hiện sức khỏe còn rất yếu, chưa nói chuyện được.
Video đang HOT
Là người có sức khỏe tốt nhất trong 7 thuyền viên, anh Đặng Văn Nghị đã ăn được cháo, nói chuyện được. Anh Nghị được trực thăng ứng cứu thành công vào sáng nay (11/10).
Trước đó, trực thăng đã cứu anh Nghị cùng 4 người khác ở khu vực ống khói tàu chìm.
Anh Nghị kể lại, khi tàu chìm, điện thoại, thiết bị liên lạc bị hư hỏng, trên tàu có 12 người, chỉ biết bám víu, động viên lẫn nhau để sống. Tàu ngày càng chìm dần, các thuyền viên phải leo lên ống khói, nơi chưa bị ngập để cầm cự. Tuy không bị ngập, nhưng sóng lớn đánh liên hồi khiến các thuyền viên ướt sũng. Sau đó, 4 người đã mặc áo phao nhảy xuống biển, cố bơi vào bờ. Sau này, anh Nghị mới biết họ còn sống.
Theo anh Nghị, ở trên tàu chìm, họ không có gì để ăn, đói, rét, cứ tưởng sẽ chết.
Khát khô cổ họng, họ phải ngửa cổ lên trời hứng nước mưa để cầm hơi.
Mãi đến chập tối qua (10/10), trực thăng mới tiếp tế được đường, sữa cho những người ở khu vực ống khói, từ đó, họ mới có cái ăn, uống và tiếp tục chống chọi, giữ mạng sống.
"Giữa sự sống và cái chết, tuy rất đói nhưng tôi gần như quên đi, trong đầu chỉ hy vọng sẽ được cứu. Một ngày trên tàu chìm cứ như 10 năm. Khi thấy trực thăng cứu hộ đến, anh em mừng như chết đi sống lại", anh Nghị kể.
Hơn 3 ngày trên con tàu chìm, họ thay phiên nhau trực để mỗi người chợp mắt được khoảng 5 phút.
"Trên tàu có người bị gãy xương sườn, sức khoẻ quá yếu, có lúc lịm đi nên anh em chúng tôi rất lo. Nhưng chúng tôi phải cố động viên nhau để không ai nản lòng, buông bỏ sự sống", anh Nghị cho hay.
Anh Trần Xuân Cường vui mừng khi được ứng cứu kịp thời. Anh Cường nói: "Đời tôi được sinh ra lần thứ 2".
Anh Nghị cho biết, khu vực ống khói là nơi nước xoáy và chảy xiết nhất nên tàu cá, tàu cao su cứu nạn không thể tiếp cận được. Khu vực giữa tàu là nơi nguy hiểm nhất vì sóng đánh mạnh, nhưng người không có chỗ chắc để bám vào. Mũi tàu là nơi tàu cứu nạn có thể tiếp cận dễ hơn.
"Tôi như sống lại một lần nữa, đó là nhờ sự quả cảm của người dân, bộ đội và toàn bộ lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Tôi cảm ơn tất cả", anh Nghị nói.
Tay của một người bị nạn đầy thương tích.
Anh Trần Xuân Cường cho biết nghe tin các thuyền viên tàu Vietship gặp nạn, sáng 10/10, anh đã xung phong lên tàu cá cùng 3 ngư dân khác ra ứng cứu. Tuy nhiên, tàu bị chìm khiến một người bị trôi dạt, bơi được vào bờ. Anh Cường và 2 người còn lại cố bơi, leo lên tàu chìm.
Chân, tay của người bị nạn trắng bợt đi vì ngâm nước lâu ngày.
Khoảng 15h30 cùng ngày, tàu cá thứ 2 ra ứng cứu thành công 2 người trên tàu cá bị chìm. Anh Cường vẫn bị mắc kẹt ở mũi tàu đắm.
Cả đêm hôm qua (10/10), anh Cường cố bám lấy mũi tàu, bên cạnh anh còn có anh Nguyễn Hữu Tú.
Nhân viên y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Trị chăm sóc sức khoẻ cho những người được cứu.
Sáng nay (11/10), hai anh thống nhất cùng ôm phao cứu sinh nhảy xuống biển để bơi vào bờ. Anh Tú bơi vào bờ thành công, còn anh Cường được lực lượng đặc công bơi ra ứng cứu kịp thời.
"Khi tôi bị nước cuốn ra xa, đã nghĩ rằng có thể sẽ chết", anh Cường nhớ lại.
Theo anh Cường và anh Nghị, nếu không có trực thăng thì không có bất kỳ phương tiện nào có thể tiếp cận được khu vực ống khói, vì nước xoáy, chảy mạnh.
Vừa tỉnh lại, anh Nguyễn Hữu Tú đã hỏi thăm sức khoẻ của anh Cường. Biết anh Cường đã ổn, anh Tú lại thiếp đi.
Theo anh Cường, chập tối qua (10/10), có một người ở khu vực ống khói đã cố bơi đến mũi (nơi tàu cứu hộ dễ tiếp cận hơn), nhưng khi đến giữa tàu thì không bám được, bị cuốn trôi. Nay, người đó vẫn chưa tìm thấy, lành ít, dữ nhiều.
Chị gái của anh Cường là chị Trần Thị Vân (32 tuổi, trú Tân Xuân, Gio Việt) cho hay cả đêm qua, gia đình chị lo lắng không yên, túc trực ngoài bờ biển cùng bộ đội.
"Mẹ tôi khi biết tin đã ngã quỵ. Gia đình tôi chỉ biết cầu nguyện, chứ không nghĩ Cường sẽ sống. Thật may mắn là em tôi đã trở về", chị Vân nói.
Thiếu tướng Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 4 Hà Thọ Bình (giữa, cầm bộ đàm) và lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cùng cơ quan chức năng liên quan chỉ đạo ứng cứu người trên tàu chìm.
Trước đó, ngày 2/9/2019, anh Cường đã cứu một người đi câu cá, bị sóng to bao vây ở kè biển Cửa Việt, sự sống rất mong manh. Khi biết sự việc, gia đình anh Cường lái tàu cá ra, hạ thúng chai để anh Cường chèo vào tiếp cận người bị nạn, ứng cứu thành công. Người bị nạn mang mấy chục triệu đồng về cảm tạ, nhưng anh Cường nhất quyết không lấy.
"Sống với nhau cốt ở tình cảm. Mình cứu họ như người khác cứu mình", anh Cường chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị bày tỏ sự cảm ơn đối với lòng quả cảm của các chiến sĩ đặc công tham gia ứng cứu thành công người gặp nạn.
Nằm khác phòng bệnh với anh Cường, nên khi vừa tỉnh dậy, anh Nguyễn Hữu Tú đã hỏi: "Anh Cường thế nào? anh Cường đâu rồi?". Khi được PV Dân Việt cho xem ảnh anh Cường đã cười, nói, sức khoẻ ổn định, anh Tú mới gật đầu, gương mặt tươi hơn, rồi ngủ thiếp đi.
Anh Tú ở mũi tàu, nơi trực thăng không thể tiếp tế đường, sữa, nên suốt 3 đêm và hơn 3 ngày, anh không có gì ăn. Mỗi lúc khát nhưng trời không mưa, anh Tú phải vắt áo lấy nước để uống.
Thiếu tướng Hà Thọ Bình - Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết trong 7 người được cứu sáng nay có 5 người được trực thăng cứu, 1 người bơi được vào bờ, 1 người được đặc công ứng cứu.
Lực lượng cứu hộ đã sử dụng hết khả năng, trách nhiệm và hoàn thành nhiệm vụ.
Thiếu tướng Bình đề nghị biểu dương, khen thưởng người dân ra biển cứu nạn.
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cũng gửi lời cảm ơn toàn bộ lực lượng cứu hộ, nhân dân đã cứu nạn thành công những người trên tàu đắm.
Ban chỉ huy cứu nạn, cơ quan chức năng chụp ảnh cùng chiến sĩ đặc công tham gia cứu hộ.
Như Dân Việt đã thông tin, khoảng 3h ngày 8/10, tàu Vietship 01 bị chìm, trôi dạt ở phao số 0, cách cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) khoảng 1,5km, trên tàu có 12 thuyền viên. Sau đó, có 4 người nhảy khỏi tàu, bơi được vào bờ.
Tàu trôi dạt dần vào, đến ngày 9/10, còn cách bờ biển xã Triệu An, huyện Triệu Phong khoảng 400 - 500m.
Sáng 10/10, tàu cá cùng 4 ngư dân ra biển và bị chìm khi đang cố tiếp cận chiếc tàu chìm. Một người trên tàu cá bị rơi xuống biển, bơi được vào bờ. 3 người còn lại leo lên được thành tàu bị chìm.
Khoảng 9h20 sáng nay (11/10), trực thăng và đặc công đã cứu được toàn bộ người trên tàu chìm ở Quảng Trị.
Một người còn lại đã nhảy khỏi tàu chìm vào lúc hơn 18h tối qua (10/10), hiện chưa tìm thấy.
Tàu hàng mắc cạn chìm dần, 2 thuyền viên bơi vào bờ Hai thuyền viên tàu Vietship 01 bơi vào bờ, trong khi con tàu này chìm dần với 8 người chưa được cứu nạn. Hơn 18h ngày 9/10, hai thuyền viên Nguyễn Duy Đông và Nguyễn Văn Huy bị sóng đánh rớt khỏi tàu hàng Vietship 01, trôi dạt vào bờ biển xã Triệu An (Triệu Phong). Lúc dạt vào, hai người mang theo...