Thủ tướng Italy, Tổng thống Colombia xác nhận sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca
Ngày 19/3, Thủ tướng Italy Mario Draghi đã trấn an người dân về vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca, theo đó khẳng định bản thân ông sẽ tiêm vaccine này.
Vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca/Oxford. Ảnh: THX/TTXVN
Phát biểu họp báo sau khi nội các Italy thông qua các biện pháp kích thích kinh tế trị giá 32 tỷ euro (38,09 tỷ USD), Thủ tướng Draghi nhấn mạnh ông ở trong nhóm độ tuổi được khuyến nghị tiêm phòng và ông sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca. Ông cho biết con trai ông cũng đã tiêm vaccine này tại Anh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Draghi khẳng định việc Italy trước đó tạm đình chỉ sử dụng vaccine của AstraZeneca là hợp lý trong bối cảnh nảy sinh một số vấn đề y tế liên quan đến vaccine này tại một số nước. Theo ông, mặc dù công tác tiêm phòng bị chậm lại song điều này không quá nghiêm trọng.
Video đang HOT
Nhà lãnh đạo 73 tuổi này cũng bày tỏ tin tưởng rằng việc người dân Italy do dự tiêm phòng chỉ là tạm thời. Ngoài ra, ông tuyên bố Italy có thể tự đặt mua vaccine Sputnik V của Nga, kể cả trước khi Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) phê duyệt, nếu chiến lược mua chung của EU không hiệu quả.
Cùng ngày, Tổng thống Colombia Ivan Duque tuyên bố ông sẽ tiêm vaccine của AstraZeneca để chứng minh sự an toàn của vaccine này. Tuyên bố này được Tổng thống Duque đưa ra trong cuộc thảo luận với Bộ trưởng Y tế Colombia Fernando Ruiz.
Theo thống kê, Colombia đã ghi nhận tổng cộng hơn 2,3 triệu ca nhiễm và 61.771 ca tử vong do COVID-19. Cho đến nay, nước này đã tiêm được hơn 1 triệu liều vaccine cho người dân.
Trước đó, do lo ngại về an toàn, ít nhất 13 nước châu Âu đã tạm dừng tiêm phòng bằng vaccine của AstraZeneca, khiến các chiến dịch tiêm chủng trên toàn EU chậm lại. Tuy nhiên, sau khi EMA “bật đèn xanh” sử dụng loại vaccine này hôm 18/3 vừa qua, một số nước châu Âu, trong đó có Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, CH Cyprus, Latvia và Litva, đã nối lại việc tiêm vaccine của AstraZeneca.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng ủng hộ việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca, đồng thời kêu gọi các quốc gia duy trì việc triển khai tiêm chủng sau khi xem xét các báo cáo về hiện tượng đông máu ghi nhận ở một số trường hợp được tiêm vaccine.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 19/3 đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết bà sẵn sàng tiêm vaccine AstraZeneca.
Chính phủ Italy thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 32 tỷ euro
Ngày 19/3, Chính phủ Italy đã thông qua gói cứu trợ trị giá 32 tỷ euro (38 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Tiêm vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca cho người dân tại Milan, Italy ngày 9/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại cuộc họp báo, Thủ tướng Italy Mario Draghi cho biết gói cứu trợ trên bao gồm 11 tỷ euro cấp cho những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào cuối tháng 4 tới. Ngoài ra, 8 tỷ euro chi cho an sinh xã hội, bao gồm trợ cấp cho lao động thất nghiệp, và khoảng 5 tỷ euro cho chương trình tiêm vaccine và ngành y tế.
Theo Thủ tướng Draghi, gói cứu trợ này chỉ hỗ trợ phần nào cho những doanh nghiệp đang chật vật vì đại dịch, song là điều tốt nhất mà chính phủ có thể thực hiện do ngân sách hạn hẹp.
Chính phủ Italy cũng quyết định gia hạn đến tháng 6 tới đối với việc đình chỉ sa thải lao động, dự kiến hết hiệu lực vào cuối tháng 3; một số lĩnh vực được gia hạn đến cuối tháng 10. Các lao động thời vụ, nhân viên rạp hát và rạp chiếu phim cũng như ngành du lịch trượt tuyết cũng được nhận hỗ trợ. Thủ tướng Draghi cho hay chính phủ sẽ vay thêm tiền trong năm nay để cấp tài chính cho nhiều biện pháp kích thích kinh tế khác.
Italy là quốc gia châu Âu đầu tiên bùng phát dịch COVID-19 cách đây hơn 1 năm. Hiện nước này rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới II. Năm 2020, GDP của Italy giảm 8,9%, khoảng 450.000 người bị mất việc, trong đó phần lớn là phụ nữ, người trẻ tuổi.
Thủ tướng Draghi hy vọng việc tăng tốc chương trình tiêm chủng sẽ phần nào giảm ảnh hưởng của dịch bệnh và chính phủ đang soạn thảo kế hoạch phục hồi kinh tế bằng các khoản tài trợ và khoản vay của Liên minh châu Âu (EU). Italy đủ điều kiện nhận khoản hỗ trợ 200 tỷ euro từ EU, song đổi lại nước này phải cam kết thực hiện cải cách sâu rộng được sự chấp thuận của lãnh đạo EU.
Hàn Quốc đẩy nhanh tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của AstraZeneca Hàn Quốc sẽ đẩy nhanh việc tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược AstraZeneca (Anh) sau khi Cơ quan quản lý Dược phẩm của Liên minh châu Âu (EMA) khẳng định về "sự an toàn và hiệu quả" của chế phẩm này. Tiêm vaccine ngừa COVID-19 của hãng AstraZeneca tại một trung tâm y tế ở Seoul. Ảnh: AFP/TTXVN Trước đó, ngày...