Thủ tướng Israel hé lộ thời điểm kết thúc chiến dịch quân sự tại Dải Gaza
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 10/3 cho biết chiến dịch quân sự của nước này ở Dải Gaza có thể kết thúc sau một hoặc hai tháng.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu chủ trì một cuộc họp ở Jerusalem. Ảnh: AFP/TTXVN
“Chúng tôi đã tiêu diệt 3/4 lực lượng chiến đấu của Hamas. Và chúng tôi sắp hoàn thành giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến. Có thể là 6 tuần, hoặc cũng có thể là 4 tuần”, ông Netanyahu nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Politico, đồng thời nhấn mạnh thêm cuộc chiến sẽ không kéo dài hơn hai tháng nữa.
Theo ước tính của nhà lãnh đạo Israel, khoảng 13.000 tay súng Palestine đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Dải Gaza. Trong khi đó, theo số liệu của cơ quan y tế Gaza, tổng số người chết tại Gaza đã vượt quá 30.000 người, trong đó hơn một nửa là phụ nữ và trẻ em.
Cũng trong bài phỏng vấn, Thủ tướng Netanyahu xác nhận Israel tiếp tục tiến hành một chiến dịch ở thành phố Rafah phía Nam Gaza. “Chúng tôi sẽ đến đó. Chúng tôi sẽ không rời đi”, nhà lãnh đạo khẳng định, đồng thời tuyên bố thêm một số nhà lãnh đạo Arab âm thầm ủng hộ cuộc tấn công sắp tới của Israel nhằm vào Hamas ở Rafah.
Ông Netanyahu cũng bác bỏ khả năng ngừng bắn trong tháng Ramadan trừ khi các con tin được Hamas trao trả.
Nhà lãnh đạo Israel tiết lộ cũng có khả năng Israel sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự chống phong trào Hezbollah ở Liban. “Người dân đã rời bỏ nhà cửa vì lo sợ Hezbollah sẽ gây ra các vụ thảm sát ở biên giới phía Bắc với Liban. Vì vậy, chúng tôi sẽ làm bất cứ điều gì có thể để khôi phục an ninh và đưa họ về nhà… Nếu phải làm điều đó bằng các biện pháp quân sự, chúng tôi sẽ làm như vậy. Nếu có phương án ngoại giao để đạt được điều đó thì tốt”, ông Netanyahu cho hay.
Video đang HOT
Trong một diễn biến liên quan, các bên liên quan vẫn đang nỗ lực để đạt được một lệnh ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh trong tháng lễ Ramadan.
Hai nguồn tin an ninh Ai Cập cho biết nước này đã liên lạc với các nhân vật cấp cao của phong trào Hồi giáo Hamas, Israel cũng như các bên trung gian khác nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, bắt đầu vào ngày 11 hoặc 12/3. Việc Ai Cập liên lạc với Hamas và Cơ quan tình báo Mossad của Israel trong ngày 10/3 được thực hiện theo yêu cầu của Tổng thống Ai Cập trong nỗ lực đưa hai bên có quan điểm đối lập lại gần nhau hơn.
Vòng đàm phán mới nhất tại Cairo trong tuần trước, vốn không có sự tham gia của Israel, đã bị gián đoạn. Cơ quan tình báo Mossad hôm 9/3 cho hay các bên vẫn đang nỗ lực tìm kiếm thỏa thuận, mặc dù hy vọng về việc đạt được một lệnh ngừng bắn trước khi tháng lễ Ramadan bắt đầu đang dần trở nên mờ nhạt.
Mỹ tính khả năng trì hoãn gửi vũ khí để gây áp lực với Thủ tướng Israel
Kênh NBC dẫn các nguồn tin cho biết Mỹ đang thảo luận về khả năng trì hoãn giao vũ khí cho Israel, nhằm thuyết phục Thủ tướng Benjamin Netanyahu nghe theo lời kêu gọi lâu nay là giảm quy mô cuộc tấn công quân sự ở Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo chỉ đạo của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc đang xem xét sử dụng loại vũ khí nào mà Israel yêu cầu để làm đòn bẩy. Các nguồn tin cho biết chưa có quyết định nào về vấn đề này.
Trong khi đó, các quan chức Israel tiếp tục yêu cầu Mỹ cung cấp thêm vũ khí, trong đó có cả bom cỡ lớn, đạn dược và hệ thống phòng không.
Sau nhiều tuần đề nghị riêng mà không mang lại kết quả như mong muốn, Mỹ đang xem xét trì hoãn hoặc tạm dừng giao vũ khí với hy vọng rằng làm như vậy sẽ khiến Israel hành động, ví dụ như mở hành lang nhân đạo để cung cấp thêm hàng hóa viện trợ cho dân thường Palestine.
Trong số các loại vũ khí mà Mỹ đã thảo luận sử dụng để làm đòn bẩy là đạn pháo 155 mm và bom tấn công trực tiếp hỗn hợp (JDAM). JDAM là những bộ dẫn đường để chuyển bom thường thành bom dẫn đường chính xác. Mỹ có thể sẽ tiếp tục cung cấp JDAM để giúp Israel tấn công chính xác hơn.
Mỹ có thể cũng không trì hoãn cung cấp hệ thống phòng không cũng như các hệ thống khác vì các hệ thống này bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng của Israel khỏi bị tấn công. Do đó, chính quyền Mỹ đang tập trung vào các thiết bị quân sự tấn công để xem xét những loại nào họ có thể giữ lại hoặc trì hoãn giao cho Israel.
Các quan chức Mỹ cũng đã thảo luận về cung cấp cho chính phủ Israel nhiều loại vũ khí mà họ yêu cầu để Israel có động lực thực hiện một số bước theo đề nghị của Mỹ.
Những nỗ lực này được đưa ra sau nhiều tuần Tổng thống Joe Biden và nhóm an ninh quốc gia không thuyết phục được ông Netanyahu và các quan chức Israel thay đổi đáng kể chiến thuật ở Gaza, cũng như thực hiện nhiều bước hơn để giảm thiểu thương vong cho dân thường.
Nỗ lực này đánh dấu thay đổi tiềm tàng trong cách tiếp cận của ông Biden khi không chỉ đề nghị ở hậu trường mà thực hiện những thay đổi chính sách hữu hình nhằm thúc đẩy Israel hành động.
Một số thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội đã thúc giục chính quyền Mỹ làm nhiều hơn để gây áp lực với ông Netanyahu và các quan chức Israel khác.
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, miền Nam Dải Gaza ngày 24/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ đã bảo vệ lập trường của chính quyền Mỹ trong cuộc xung đột Israel - Hamas. Ông cho biết trong một tuyên bố: "Như Tổng thống đã nói rõ, ông tin rằng cách tiếp cận mà ông theo đuổi đã hiệu quả hơn. Israel có quyền và nghĩa vụ tự vệ trước mối đe dọa từ Hamas, đồng thời tuân thủ luật nhân đạo quốc tế và bảo vệ mạng sống của dân thường. Chúng tôi vẫn cam kết hỗ trợ Israel trong cuộc chiến chống Hamas".
Sau khi NBC đăng bài viết, người phát ngôn trên nói thêm: "Chúng tôi đã làm như vậy kể từ ngày 7/10/2023 và sẽ tiếp tục. Không có thay đổi nào trong chính sách của chúng tôi".
Trong khi đó, các quan chức cấp cao Mỹ tiếp tục thất vọng vì Israel thường phớt lờ lời kêu gọi giảm thiểu thiệt hại cho dân thường Palestine. Tình trạng này gần đây cũng gia tăng ở Lầu Năm Góc, còn Tổng thống Biden và các quan chức Nhà Trắng khác từ lâu đã tỏ ra không hài lòng với cách xử lý cuộc chiến của Thủ tướng Netanyahu.
Trong nhiều tuần qua, Tổng thống Biden khẳng định ông đang làm tất cả những gì có thể để khiến Israel thay đổi chiến thuật quân sự. Ông nói ngày 8/1: "Tôi đã âm thầm làm việc với chính phủ Israel để yêu cầu họ giảm bớt và rút quân khỏi Gaza một cách đáng kể. Tôi đã sử dụng tất cả những gì có thể để làm điều đó".
Các quan chức Nhà Trắng cho rằng Tổng thống Biden đã đạt được một số thành công nhất định, dù họ thừa nhận các quan chức Israel vẫn chưa làm được như mức mà Tổng thống mong muốn.
Thế kẹt của Thủ tướng Israel Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu muốn ngừng bắn để đảm bảo sự trao trả con tin, nhưng đảng Likud của ông lại muốn tiếp tục chiến đấu chống Hamas. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (giữa) chủ trì cuộc họp nội các ở Tel Aviv. Ảnh: AFP/TTXVN Theo trang Politico.eu ngày 21/1, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang rơi vào thế...