Thủ tướng giao nhiệm vụ ‘3 thành công’ cho Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong rằng “chúng ta sẽ cùng nỗ lực hành động để tổ chức năm Chủ tịch ASEAN 2020 đạt kết quả toàn diện với 3 thành công lớn: Thành công về nội dung; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và thành công về quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Chiều 24/12, phát biểu tại Lễ ra mắt Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trải qua hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, ASEAN đã thành công trong xây dựng cho 630 triệu người dân Đông Nam Á một mái nhà chung là Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột Chính trị – An ninh, Kinh tế và Văn hóa – Xã hội.
Đây là “mái ấm an lành” cho mọi người dân và đang tiếp tục được củng cố bởi hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Năm 2018, GDP của ASEAN tăng khoảng 5,1%, đạt gần 3.000 tỷ USD, là nền kinh tế tăng trưởng nhanh, có quy mô lớn thứ 6 trên toàn cầu.
ASEAN đã ký kết 6 Hiệp định thương mại tự do với 7 đối tác thương mại hàng đầu trên thế giới. Đến nay đã có 91 quốc gia cử Đại sứ về ASEAN, 37 quốc gia tham gia Hiệp ước Hợp tác và Thân thiện khu vực Đông Nam Á (TAC).
Các kỳ họp hàng năm Hội nghị cấp cao ASEAN đã trở thành sự kiện quốc tế quan trọng với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các quốc gia đối tác, các cường quốc hàng đầu thế giới.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2020 đánh dấu chặng đường 25 năm Việt Nam trở thành một thành viên trong “đại gia đình” ASEAN và chúng ta tự hào rằng trong mỗi thành công của ASEAN thời gian qua đều có dấu ấn đóng góp đậm nét của Việt Nam – một thành viên tích cực, chủ động, có trách nhiệm, luôn chung tay cùng các quốc gia thành viên khác trong củng cố đoàn kết, phát triển ASEAN ngày càng vững mạnh, hướng tới xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN. Việt Nam luôn xác định ASEAN là đối tác ưu tiên, “hòn đá tảng” trong ngoại giao đa phương của Việt Nam.
“Chưa bao giờ đối ngoại đa phương nói chung và hợp tác ASEAN nói riêng nhận được sự quan tâm nhiều cũng như được kỳ vọng cao đến thế. Đó sẽ là bệ đỡ tinh thần cho mỗi hành động để chúng ta có bước tiến dài hơn, vững chắc hơn trong hợp tác ASEAN, Thủ tướng nói.
Với thế và lực mới, Việt Nam mong muốn tiếp tục phát huy vai trò, đóng góp thực chất hơn nữa vào tiến trình xây dựng và phát triển Cộng đồng ASEAN tự cường, sáng tạo, hướng tới một ASEAN hài hòa, gắn kết, bản sắc, có khả năng thích ứng cao, ngày càng phát triển thịnh vượng, có vai trò trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề toàn cầu.
Vào năm 2020 – thời điểm Việt Nam tổ chức nhiều sự kiện, kỷ niệm trọng đại của đất nước, Thủ tướng cho biết, năm Chủ tịch ASEAN 2020 là sự kiện quốc tế đa phương lớn nhất, lúc đó, ASEAN đi được đúng nửa chặng đường triển khai kế hoạch tổng thể về xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025. Do vậy việc tổ chức thành công năm Chủ tịch ASEAN 2020 có ý nghĩa quan trọng, là thời điểm để ASEAN đánh giá giữa kỳ, có quyết định những bước đi tiếp theo trên chặng đường về đích để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025.
Theo Thủ tướng, sự cộng hưởng của tất cả sự kiện trên trong năm 2020 sẽ tạo ra vận thế mới để phát thuy tối đa lợi thế, tiềm năng đất nước, nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam, một quốc gia luôn coi trọng, trông đợi và sẵn sàng làm hết sức mình để năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công. Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng hàng đầu là các bộ, các cơ quan, các địa phương, doanh nghiệp, từng người dân phải cùng nhận thức rõ về tầm quan trọng chiến lược của hợp tác ASEAN và thấy được những lợi ích, cơ hội to lớn mà ASEAN mang lại, và “hãy tự hào và hành động với tinh thần là doanh nghiệp ASEAN, công dân ASEAN”. Như vậy sức sống của ASEAN sẽ lan tỏa rộng lớn, khơi dậy sự chủ động, sáng tạo, cùng nhau hợp tác, cùng nhau hành động.
Video đang HOT
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng cho rằng, việc ra mắt Ủy ban hôm nay thể hiện sự chủ động của Việt Nam với trách nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020, thể hiện tinh thần khẩn trương, nghiêm túc đối với một sự kiện đối ngoại lớn của đất nước.
Sự kiện hôm nay là thời khắc quan trọng để khởi động “Đồng hồ đếm ngược” chuẩn bị năm Chủ tịch ASEAN 2020 và “tôi mong rằng mỗi tiếng “tik – tăk” từ giờ phút này sẽ là lời nhắc nhở, thúc giục mỗi chúng ta phải khẩn trương trong công việc với tinh thần trách nhiệm cao, linh hoạt và sáng tạo trong triển khai, tuyệt đối không được chủ quan, không lơi lỏng trong từng công việc để sau gần 2 năm nữa chúng ta có thể cùng nhau tự hào về năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công của Việt Nam như tinh thần chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển bóng đá quốc gia vừa giành chức vô địch AFF Cup 2018″.
Thủ tướng mong rằng chúng ta sẽ cùng nỗ lực hành động để tổ chức năm Chủ tịch ASEAN 2020 đạt kết quả toàn diện với 3 thành công lớn: Thành công về nội dung; thành công trong bảo đảm an ninh, an toàn, trọng thị về lễ tân và thành công về quảng bá hình ảnh, bản sắc văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN phát triển và thịnh vượng.
Ngay sau lễ ra mắt, Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 đã họp phiên đầu tiên dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban. Trong phiên họp, Chủ tịch Ủy ban giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để triển khai chỉ đạo của Thủ tướng.
Ủy ban Quốc gia ASEAN năm 2020 gồm 29 thành viên, gồm 5 Tiểu ban: Nội dung, Lễ tân, Tuyên truyền – Văn hóa, Vật chất – Hậu cần, An ninh – Y tế; và Ban Thư ký ASEAN Quốc gia 2020./.
Đức Tuân
Theo baochinhphu
Bài viết của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhân Hội nghị WEF ASEAN 2018
Cổng TTĐT Chính phủ trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết "Hội nghị WEF ASEAN 2018 - Chung tay xây dựng cộng đồng ASEAN trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0" của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Thế giới ngày nay đang thay đổi nhanh chóng dưới tác động của toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, Cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, các nước ASEAN đang tích cực hành động, vượt qua khó khăn thách thức, tận dụng cơ hội phát triển, hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh và phát huy hơn nữa vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực.
Trên cương vị chủ nhà Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN năm 2018 (WEF ASEAN 2018), Việt Nam có trọng trách cùng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) và các nước ASEAN tập trung thảo luận những vấn đề quan trọng và hình thành các ý tưởng, định hướng lớn về phát triển của các nước ASEAN trong Cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm góp phần thực hiện thành công Tầm nhìn ASEAN 2025 vì lợi ích và sự phát triển của cả khu vực và từng quốc gia, đóng góp cho sự thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Cùng các diễn đàn, hội nghị đa phương lớn khác tổ chức tại Việt Nam trong giai đoạn 2016-2020, việc đăng cai tổ chức Hội nghị WEF ASEAN 2018 là một bước đi cụ thể thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra, Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Ban Bí thư về nâng tầm đối ngoại đa phương: "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương".
Chung tay xây dựng Cộng đồng ASEAN
ASEAN đang đứng trước những thời cơ to lớn để phát triển và thúc đẩy liên kết kinh tế nhờ toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng và sức lan tỏa mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ số, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn,... Trước tình hình đó, Việt Nam đã chủ động cùng WEF và các nước ASEAN xác định chủ đề của Hội nghị WEF ASEAN 2018 là "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0". Chủ đề này không những phù hợp với xu thế phát triển của thế giới, mà còn gắn kết và bổ sung cho chủ đề chung của ASEAN 2018 là hướng tới Cộng đồng ASEAN "tự cường và sáng tạo", đáp ứng sự quan tâm, mong muốn và lợi ích chung của các nước ASEAN và khu vực.
Trên tinh thần xây dựng, hợp tác cùng có lợi, Việt Nam cùng các nước ASEAN, khu vực và các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu của WEF và thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam tập trung thảo luận, đề xuất các ý tưởng, tầm nhìn, định hướng về sự phát triển và hội nhập sâu rộng của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thứ nhất, tìm kiếm và tạo động lực mới gắn với Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm hơn thông qua đẩy mạnh cải cách, khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp và người dân, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và các điều kiện cần thiết thích ứng với môi trường công nghệ mới và đáp ứng yêu cầu của phát triển, hội nhập ngày càng sâu rộng.
Thứ hai, đẩy mạnh liên kết, kết nối nội khối ASEAN và giữa ASEAN với khu vực, thế giới thông qua tăng cường kết nối số, thương mại số, công nghệ tài chính (fintech), kết nối chuỗi cung ứng, cơ sở hạ tầng có chất lượng, đồng bộ, nông nghiệp công nghệ cao và những nội dung khác nhằm duy trì tăng trưởng năng động của các nền kinh tế ASEAN.
Thứ ba, củng cố, phát huy hơn nữa vai trò trung tâm của ASEANtrong khu vực, nâng cao năng lực tự cường, thích ứng trước những biến động nhanh chóng của thế giới và khu vực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác, hội nhập mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Có thể nói Hội nghị WEF ASEAN 2018 không chỉ thể hiện vai trò chủ động và đóng góp có trách nhiệm của Việt Nam đối với ASEAN, mà còn khẳng định tầm nhìn chiến lược về đối ngoại và phát triển của Đảng và Nhà nước ta. Đó cũng là tầm nhìn chiến lược về việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ; đặt người dân và doanh nghiệp vào trung tâm của phát triển; khuyến khích mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, sự năng động và sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Củng cố và nâng cao hơn nữa vị thế của đất nước
Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Việt Nam quy tụ được nhiều nguyên thủ của các quốc gia ASEAN, lãnh đạo cấp cao của các nước đối tác và khoảng 1.000 đại diện các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp ASEAN và quốc tế, cùng với khoảng 800 doanh nghiệp trong nước tham dự. Sự kiện này khẳng định vai trò, uy tín và vị thế của Việt Nam trong ASEAN, khu vực và thế giới ngày càng được nâng cao, tiếp nối sự thành công của Năm APEC 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Mê Công mở rộng (GMS 6) tháng 3/2018; thể hiện sức hấp dẫn và niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế về triển vọng phát triển của Việt Nam; đồng thời khẳng định thế và lực mới của Việt Nam sau hơn 30 năm Đổi mới; thể hiện sự chủ động và "tầm vóc" của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, tham gia kiến tạo và định hình kinh tế khu vực và toàn cầu.
Dưới sự dẫn dắt của Ngài Giáo sư, Chủ tịch sáng lập Klaus Schwab, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng phát triển mới, sáng tạo mang tầm chiến lược toàn cầu. Là tâm điểm thu hút sự quan tâm đặc biệt của khu vực và thế giới, Hội nghị WEF ASEAN 2018 là cơ hội thuận lợi để truyền tải đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cộng đồng quốc tế thông điệp về chủ trương, chính sách, quyết tâm đổi mới, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước ta và hình ảnh về một nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, chính trị xã hội ổn định, nền kinh tế Việt Nam năng động, cởi mở, đang phát triển nhanh, một đối tác tin cậy, chân thành, có trách nhiệm của khu vực và thế giới.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 cũng là dịp để chúng ta làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước, đối tác, trong đó có các nước láng giềng, các đối tác chiến lược, quan trọng; qua đó củng cố quan hệ đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế xã hội, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước trên trường quốc tế.
Mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp.
Bám sát chủ đề "ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp 4.0", với 60 phiên họp, Hội nghị tập trung thảo luận, đề xuất ý tưởng, định hướng, chính sách khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo và sự năng động của doanh nghiệp và người dân, hướng tới xây dựng Cộng đồng ASEAN vì người dân, năng động, vững mạnh, thịnh vượng. Đặc biệt, nhiều nội dung thiết thực sẽ được trao đổi, bàn luận sâu sắc như đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, mô hình kinh doanh mới, phát triển kinh tế số, tri thức và kỹ năng số, đào tạo và giải quyết việc làm, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm nghèo bền vững.
Trong số khoảng 1.000 doanh nghiệp quốc tế tham dự Hội nghị có nhiều tập đoàn thuộc Top 500 thế giới với tiềm lực mạnh về tài chính, công nghệ và kỹ năng quản lý. Việc họ trực tiếp chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, không khí kinh doanh sôi động và hình ảnh về con người Việt Nam hiền hòa, mến khách, cởi mở, năng động, sáng tạo với khát vọng và ý chí vươn lên mạnh mẽ, sẽ thúc đẩy hợp tác kết nối, kinh doanh, đầu tư vào Việt Nam với các chương trình hành động, dự án phong phú, đa dạng triển khai các cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0. Hợp tác với các Tập đoàn đa quốc gia sẽ là cơ hội và động lực để các doanh nghiệp Việt Nam dám nghĩ, dám làm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, vươn ra biển lớn.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 tổ chức nhiều hoạt động như Diễn đàn mở về khởi nghiệp sáng tạo, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Dạ hội Văn hóa Việt Nam, quảng bá quốc gia và quảng bá của một số tỉnh thành như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Ninh... Đây là cơ hội cho các cấp, các ngành, các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tăng cường giao lưu, hợp tác, liên kết với các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp khu vực, thế giới để mở rộng thị trường, nâng cao chất lượng thu hút đầu tư, công nghệ, du lịch... và các nguồn lực từ bên ngoài cho phát triển.
Với thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau hơn 30 năm Đổi mới, sự ủng hộ, hợp tác, giúp đỡ của bạn bè, đối tác quốc tế và sự nỗ lực, chung sức đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân, chúng ta tin tưởng rằng, Hội nghị WEF ASEAN 2018 tại Hà Nội sẽ thành công tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho các bên, vì sự hợp tác và phát triển thịnh vượng của ASEAN, khu vực và thế giới.
Thành công của Hội nghị WEF ASEAN 2018 sẽ tạo thêm khí thế, động lực mới thúc đẩy hội nhập quốc tế, góp phần khẳng định vai trò, vị thế và đóng góp tích cực của Việt Nam trong ASEAN và khu vực, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và khát vọng vươn lên xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (VGP)
Việt Nam Singapore đẩy mạnh hợp tác phòng, chống tội phạm Sáng 6-12, tại Hà Nội, Bộ Công an Việt Nam tổ chức Lễ đón chính thức Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Nội vụ Singapore do ngài K. Shanmugam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Bộ trưởng Bộ Pháp luật Singapore làm Trưởng đoàn sang thăm, làm việc tại Việt Nam. Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam chủ...