Thủ tướng Đức Merkel: Phương Tây để ngỏ các biện pháp trừng phạt Nga
“Hiện chúng tôi đã đạt được cấp độ 2 về các biện pháp trừng phạt Nga và chúng tôi cũng không bác bỏ khả năng sẽ đi xa hơn”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tuyên bố các nước phương Tây vẫn để ngỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga tại cuộc gặp Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tại Berlin, Đức ngày 2/7, trong bối cảnh tình hình Ukraine diễn biến nghiêm trọng.
Bà Merkel cũng chỉ trích Nga không cam kết đối với kế hoạch hòa bình mà Tổng thống Ukraine đề xuất trước đó.
Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh AP)
Thủ tướng Merkel nói: “Tình hình tại Ukraine hiện nay là rất đáng lo ngại. Thật đáng tiếc là trong suốt 10 ngày ngừng bắn vừa qua, kế hoạch hòa bình của Tổng thống Ukraine Poroshenko đã không phát huy tác dụng và lực lượng vũ trang miền Đông Ukraine đã không chấp nhận ngừng bắn. Hiện chúng tôi đã đạt được cấp độ 2 về các biện pháp trừng phạt Nga và chúng tôi cũng không bác bỏ khả năng sẽ đi xa hơn”.
Video đang HOT
Bà Merkel cũng cho biết, Ngoại trưởng Đức sẽ nhóm họp với Ngoại trưởng Nga và Ngoại trưởng Ukraine để bàn giải pháp cho tình hình Ukraine hiện nay.
Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã từng áp đặt lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản của nhiều quan chức Nga, để phản đối việc Nga sáp nhập Crimea vào Nga.
Tình hình Ukraine đến nay vẫn diễn biến căng thẳng. Ngày 2/7, giao tranh đã diễn ra dữ dội tại miền Đông Ukraine, chỉ một ngày sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Quân đội Ukraine đã tiến hành các cuộc pháo kích và không kích vào những căn cứ của lực lượng dân quân địa phương tại miền Đông nước này.
Xe tăng và máy bay ném bom của quân đội Ukraine đã tấn công các căn cứ của lực lượng này ngay sau khi Tổng thống Poroshenko không gia hạn lệnh ngừng bắn.
Ít nhất 4 dân thường đã thiệt mạng và 5 người bị thương khi một chiếc xe bus bị trúng đạn tại thành phố Kramatorsk./.
Theo VOV
Sẽ có chiến tranh lạnh 2.0?
Một tháng trước, không mấy người chỉ ra được bán đảo Crimea trên bản đồ thế giới.
Các phi hành gia - gồm cả người Nga và Mỹ - trên Trạm Không gian quốc tế (ISS) tuyên bố không bị ảnh hưởng bởi căng thẳng hiện nay Ảnh: Press TV
Sự ra tay nhanh như chớp của Nga - khiến phương Tây "sững sờ" như ông Thomas Gomart, chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế (Pháp) nhận định - không chỉ vẽ lại cục diện địa chính trị mà còn đe dọa dấu chấm hết cho 25 năm quan hệ dẫu lắm sóng gió nhưng vẫn mang tính xây dựng giữa Nga và Mỹ.
Với việc Crimea sáp nhập Nga, nhiều nhà phân tích và các hãng thông tấn, báo chí thế giới bắt đầu nhắc đến một cuộc chiến tranh lạnh mới. Ông Stephen Hadley, cựu cố vấn an ninh quốc gia dưới thời cựu Tổng thống Mỹ George
W.Bush, cho rằng hố sâu lần này khó hàn gắn hơn nhiều bởi "Moscow trên thực tế đang thay đổi trật tự thế giới được xây dựng thời hậu Liên Xô". Trước lễ ký kết hiệp ước sáp nhập giữa Nga với Cộng hòa tự trị Crimea hôm 18/3, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cũng tuyên bố: "Thế giới đơn cực đã kết thúc và Nga đã nhận về mình trọng trách vô cùng to lớn". Quả thật, với tư cách ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an, thiếu sự hợp tác của Moscow thì cuộc đàm phán về hạt nhân Iran, vấn đề Syria và Triều Tiên đều có thể bị đình đốn.
Cùng những căng thẳng trên mặt trận ngoại giao và lệnh trừng phạt "phóng" qua lại tới tấp, NATO (bao gồm Mỹ) liên tục đưa máy bay và tàu chiến đến tập trận với các nước gần Nga, trong khi Moscow và Kiev dàn quân dọc biên giới. Dù vậy, khả năng đụng độ vũ trang không cao. Tương tự, một cuộc chiến tranh lạnh mới cũng không dễ xảy ra.
Nguyên nhân lớn nhất, theo các nhà phân tích, là Nga và phương Tây đã bị khóa chặt trong tình trạng phụ thuộc kinh tế lẫn nhau. Các "ông lớn" của Mỹ như McDonald's và Pepsi có mặt rộng rãi tại Nga. Liên hiệp châu Âu (EU) giao dịch với Nga còn nhiều hơn Mỹ, từ đại gia Siemens của Đức đến gã khổng lồ BP của Anh đều đầu tư lớn ở Nga. Ở chiều ngược lại, khoảng phân nửa khối lượng xuất khẩu của Nga - chủ yếu là khí đốt, dầu và nguyên liệu thô - chảy qua EU. Riêng khí đốt, hãng tin Bloomberg dẫn số liệu của các ngân hàng lớn cho thấy châu Âu nhập 32% nhu cầu dầu và 30% nhu cầu khí đốt từ Nga. Tuy nhiên, nếu phương Tây dấn sang cấm vận năng lượng, Nga sẽ mất 100 tỉ USD - tức 1/5 doanh thu xuất khẩu - và kinh tế nước này có thể khủng hoảng nghiêm trọng.
Ngoài ra, giữa Nga và Mỹ còn nhiều lĩnh vực hợp tác song phương quan trọng. Mỹ phụ thuộc vào tên lửa của Nga nếu muốn ra vào Trạm Không gian quốc tế (ISS) và phải bay qua không phận của Nga để vào Afghanistan. Cơ quan tình báo 2 nước có cơ chế chia sẻ thông tin về các tổ chức khủng bố, trong khi các chuyên gia Mỹ giúp Nga giải trừ vũ khí hạt nhân.
Hơn nữa, tình hình hiện nay không có sự xung đột về mặt ý thức hệ như trong chiến tranh lạnh."Không còn tồn tại chuyện hoặc theo chúng tôi hoặc chống chúng tôi" - giáo sư về quan hệ quốc tế Margot Light của Trường Kinh tế London (Anh) nói với hãng tin AP. Nếu có điểm chung giữa 2 thời kỳ thì đó là sự thiếu hụt niềm tin lẫn nhau. Chiến tranh lạnh thì có thể không nhưng khủng hoảng Ukraine đã chứng minh Nga và phương Tây vẫn còn xa nhau lắm!
Theo Xahoi