Thủ tướng: Đưa ngành rau củ quả Việt Nam xứng với tiềm năng
Chiều (18.12), tỉnh Đồng Tháp tổ chức Diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến dự và chỉ đạo. Đây là một trong những sự kiện lớn trong khuôn khổ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Tháp (diễn ra trong 2 ngày 18 và 19.12).
Rau củ quả vượt gạo, dầu khí
Theo Bộ NNPTNT, năm nay ngành rau, củ, quả Việt Nam đạt mức tăng trưởng cao 45% so với năm 2016, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 3,4 – 3,5 tỷ USD, lớn hơn nhiều tổng kim ngạch xuất khẩu gạo mặc dù diện tích trồng chỉ bằng 40%.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn “Phát triển thị trường cho ngành rau, củ, quả và giải pháp phát triển hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp, nông thôn”
Dù tiềm năng rất lớn nhưng lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập, nhất là ở khâu chế biến và tổ chức thị trường. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chỉ mới bằng 1% thị phần rau quả thế giới.
Ngoài việc nhu cầu ngày càng khắt khe về chất lượng, nguyên nhân khiến các mặt hàng nông sản Việt Nam, đặc biệt là rau quả kém cạnh tranh so với các nước khác là do logistics. Theo các số liệu thống kê, Việt Nam là một trong những nước có chi phí logistics rất cao.
Cụ thể, tỉ trọng chi phí logistics trên GDP ở Việt Nam là 20,8%, trong khi tỉ lệ này ở Trung Quốc là 15,4%, Thái Lan là 10,7%, trung bình khu vực châu Á Thái Bình Dương 13,5%, Châu Âu 9,2%, Bắc Mỹ 8,6% và mức trung bình của thế giới là 11,7%.
Để gia tăng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển thị trường toàn cầu cho ngành rau củ quả Việt Nam, tại diễn đàn, các nhà đầu tư, cơ quan chức năng cùng các đơn vị có liên quan thảo luận tìm ra giải pháp phát triển ngành rau, củ, quả và hệ thống logistics phục vụ nông nghiệp – nông thôn.
Video đang HOT
Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, ngành rau quả Việt Nam có tiềm năng rất lớn và đã có tốc độ tăng trưởng mạnh, xuất khẩu của ngành hàng này đã vượt lúa gạo, dầu khí.
Tuy nhiên, năng suất, chất lượng rau quả còn thấp và còn nhiều vấn đề đặt ra, thất thoát sau quy hoạch còn rất cao (trên 30%), thường xuyên diễn ra việc “được mùa rớt giá”, “được giá mất mùa”, giá trị gia tăng còn thấp. Thủ tướng đặc biệt lưu ý về bất cập hạ tầng, nhất là logistics với tính cạnh tranh còn thấp.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành rau củ quả
Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng tập trung hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế chính sách đầu tư, bao gồm cả vùng nguyên liệu vào nhà máy chế biến, khuyến khích phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để làm sao giảm bớt tầng lớp trung gian, đặc biệt là chính sách coi trọng doanh nghiệp, ưu tiên phát triển kinh tế tập thể, trong đó có tổ hợp tác và hợp tác xã.
Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng tập trung hoàn thiện quy hoạch sản xuất nông nghiệp dài hạn gắn với yêu cầu thị trường trong điều kiện biến đổi khí hậu
Tiếp tục đổi mới tư duy nhận thức trong việc phát triển thị trường và sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào bảo quản, chế biến, xúc tiến thương mại, tận dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để bắt kịp trình độ khu vực của thế giới.
Đồng thời, cần cải thiện nhanh chóng hơn dịch vụ logistics trong chuỗi giá trị ngành hàng rau củ quả nói riêng và nông sản nói chung. Không thể đi mãi lối mòn sản xuất manh mún, tự phát, chạy theo năng suất, chất lượng kém, xuất khẩu thô mà cần có cách làm mới, bài bản hơn cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.
“Sau hội nghị này, Chính phủ, các bộ, ngành, nhất là Bộ NNPTNT sẽ thảo luận, có biện pháp tốt hơn để đưa ngành rau củ quả Việt Nam xứng với tiềm năng. Về nguồn lực, Chính phủ luôn quan tâm hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân đầu tư vào rau củ quả” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ diễn đàn đã diễn ra lễ ký kết một số thỏa thuận hợp tác đầu tư, hợp đồng thương mại giữa các doanh nghiệp, nhà đầu tư với UBND tỉnh Đồng Tháp. Theo đó, Công ty Cổ phần Lavifood đã ký kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh Đồng Tháp và Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ về việc đầu tư chiến lược vào Khu công nghiệp chế biến sâu rau- củ- quả đầu tiên của Việt Nam tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp.Đồng thời, còn có 8 doanh nghiệp trong và ngoài nước cũng đang quan tâm đầu tư vào dự án nhằm xuất khẩu nông sản tỉnh Đồng Tháp đi các thị trường quốc tế như: Mỹ, Nhật, EU…Trong đó, có một số tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực phân phối nông sản, bao gồm: Global Food Importers (Mỹ), Ota Floriculture Auction Co.,Ltd (Nhật Bản) và Korea Agro-Fisheries & Food Trade Corporation (Hàn Quốc).Cũng tại sự kiện này, UBND tỉnh Đồng Tháp, Viện kinh tế nông nghiệp hữu cơ, Công ty Cổ phần Lavifood và đối tác thương mại Greenland Business Group ký kết một thoả thuận nhằm thúc đẩy việc xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt Nam vào thị trường Trung Quốc với giá trị ít nhất 500 triệu đô la Mỹ trong 2 năm đầu tiên và sẽ tăng dần trong các năm tiếp theo.
Theo Danviet
4 chìa khoá để VN tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu
Ngày 11/12, Bộ NN&PTNT thông qua Chương trình Hỗ trợ quốc tế (ISG) tổ chức hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề "Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản".
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Nienke Troostre và Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione chủ trì hội nghị. Có gần 200 đại biểu tham dự từ Đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các bộ ban ngành Trung ương, các sở NN&PTNT trong cả nước cùng các doanh nghiệp hiệp hội và các chuyên gia nông nghiệp.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường hội nghị toàn thể ISG 2017 với chủ đề "Tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu: An toàn thực phẩm và liên kết tiêu thụ nông sản" tổ chức sáng nay 11/12. Ảnh: Đình Thắng
Hội nghị tập trung phân tích những cơ hội, khó khăn cản trở, những điểm nghẽn chính cũng như sự gợi mở, cam kết hỗ trợ của các đối tác quốc tế khi Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu.
Trong 30 năm đổi mới ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc trong sản xuất, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực, tạo việc làm, thu nhập, ổn định an sinh xã hội cho cộng đồng dân cư nông thôn, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế và ổn định chính trị-xã hội của đất nước.
Về thương mại, nông nghiệp Việt Nam luôn trong nhóm 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất, với giá trị xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD (năm 2016) và năm nay có thể đạt 35-36 tỷ USD với 10 nhóm ngành hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD.
Tuy vậy theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, mặc dù đã được coi là một "cường quốc" về xuất khẩu nông sản, song có đến 90% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô hoặc với hàm lượng chế biến thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Đặc biệt, nhiều sản phẩm được bán ra thị trường thế giới mà không có thương hiệu, nhãn mác, hoặc phải sử dụng thương hiệu nước ngoài. Đây là một bất lợi lớn, ảnh hưởng đến tiến trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của nông sản Việt Nam.
Trong khâu sản xuất, ngành nông nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như việc sử dụng vật tư đầu vào và tài nguyên chưa hợp lý, ứng dụng khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao còn hạn chế, v.v... Công nghiệp chế biến phát triển chậm, chỉ khoảng 25% đến 30% doanh nghiệp chế biến có áp dụng dây chuyền chế biến hiện đại (trong khi mức trung bình các nước ASEAN là 50%).
Trong khâu phân phối và tiêu thụ sản phẩm, vấn đề an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn vệ sinh để đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế là điểm đặc biệt cần được lưu tâm. Đây cũng là rào cản lớn nhất mà các nước sẽ dựng lên nhằm ngăn cản nông sản Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Khâu chế biến và phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc cho nông sản Việt Nam còn yếu, chuỗi giá trị chế biến còn tách rời sản xuất với thị trường. Trong khi đó, các hoạt động hỗ trợ như cung cấp tín dụng theo chuỗi, chính sách thu hút đầu tư còn nhiều bất cập; khâu dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, mặc dù đã bước đầu được triển khai, song còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó tác động của biến đổi khí hậu diễn ra khốc liệt tạo nên những rủi ro, thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp và thu nhập, đời sống của nông dân và kinh tế khu vực nông thôn.
Chính vì những hạn chế trên, tại hội nghị toàn thể ISG 2017 Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh 4 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong giai đoạn tới của ngành nông nghiệp Việt Nam. Thứ nhất, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Thứ hai, tập trung phát triển thị trường cả trong nước và quốc tế, phát triển các kênh phân phối, đảm bảo yêu cầu về chất lượng và VSATTP, từng bước xây dựng thương hiệu mạnh, tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng.
Thứ ba, kêu gọi và thúc đẩy khu vực tư nhân xây dựng kế hoạch đầu tư, kinh doanh phù hợp hơn với các nội dung của tái cơ cấu ngành nông nghiệp và mục tiêu phát triển chiến lược của Chính phủ.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế và chính sách, cải cách hành chính, dịch vụ công, huy động các nguồn lực xã hội, thúc đẩy hoạt động đầu tư theo hình thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất hàng hóa quy mô lớn.
Theo Danviet
Lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được vắc xin lở mồm long móng "Việc tự sản xuất vắc xin lở mồm long móng có ý nghĩa mở màn hết sức quan trọng, từ đó tiếp tục chủ động nghiên cứu các loại vắc xin gia súc gia cầm khác tiến tới chấm dứt nhập vắc xin, tiết kiệm trên 100 triệu USD/năm, làm tiền đề phát triển một nền chăn nuôi chủ động, an toàn dịch...