Thủ tướng: Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc.
Công điện của Thủ tướng gửi Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Lập các trung tâm chỉ huy phòng chống dịch
Thủ tướng chỉ đạo, đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16.
Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội (như TPHCM các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An), ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… Các địa phương này phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho người dân.
Công điện nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt, dứt khoát, quyết liệt, hiệu quả.
Các cán bộ, chiến sĩ của quân đội phối hợp cùng các lực lượng kiểm soát chặt chẽ người dân đi ra đường trong ngày đầu siết chặt giãn cách xã hội tại TPHCM (Ảnh: Quang Nguyễn).
Các địa phương thành lập Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch các cấp do Chủ tịch UBND đứng đầu, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, ban hành quy chế hoạt động; phân công ứng trực 24/24 giờ để kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thủ tướng lưu ý, phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế – xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.
Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, được nhấn mạnh, là nhiệm vụ cấp bách trước mắt và lâu dài; không được tự mãn với kết quả phòng, chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; phải luôn sẵn sàng cho mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.
Video đang HOT
Công điện mới của Thủ tướng cũng nêu nhận định, đại dịch Covid-19 diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, đặc biệt là sự xuất hiện của các biến thể mới, nguy hiểm; công tác phòng, chống đại dịch chưa có tiền lệ. Vì vậy, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cần nêu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất; phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, bám sát thực tiễn, cầu thị, khiêm tốn, lắng nghe; khi thực hiện cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo, không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, kịp thời bổ sung, hoàn thiện phù hợp với tình hình, đạt hiệu quả cao nhất.
Lập trạm y tế lưu động điều trị bệnh nhân Covid-19
Việc tổ chức thực hiện công điện, Thủ tướng nêu nguyên tắc, giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh; phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.
Các địa phương phải thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo, điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này. Tại các xã, phường, thị trấn đang thực hiện tăng cường giãn cách xã hội phải khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động để bảo đảm hỗ trợ y tế, điều trị người nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc nhở, bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Vắc xin, thuốc điều trị là chiến lược. Tiếp tục đẩy mạnh “ngoại giao vắc xin” để có sớm nhất, nhiều nhất vắc xin. Thủ tướng quán triệt, tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vắc xin; không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc xin.
Bảo đảm an dân, an ninh, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ quan trọng, nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội, tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ sở sản xuất khác… Tăng cường công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giam, giữ, cơ sở cai nghiện, bảo trợ xã hội. Bảo đảm an toàn, an ninh trên không gian mạng.
Thủ tướng lệnh xét nghiệm người dân toàn TPHCM khi giãn cách tăng cường
Thủ tướng yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng, riêng TPHCM xét nghiệm toàn thành phố; thực hiện giãn cách tăng cường toàn địa bàn.
Bình Dương, Đồng Nai, Long An được chọn địa bàn để thực hiện.
Ngày 22/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa gửi công điện đến 4 tỉnh thành gồm TPHCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch; Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ về việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ, chia sẻ và tích cực tham gia của nhân dân, doanh nghiệp trong phòng, chống dịch tại TPHCM và 3 tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, lãnh đạo Chính phủ nhận định, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp.
Thuyết phục người dân chấp hành tăng cường giãn cách xã hội
Với quan điểm đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, chủ tịch UBND TPHCM và 3 tỉnh cùng lãnh đạo các cơ quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng đặc biệt lưu ý, lấy xã, phường, thị trấn là "pháo đài", người dân là "chiến sĩ" trong phòng, chống dịch để kêu gọi, vận động, giải thích, thuyết phục, hướng dẫn, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, "ai ở đâu ở đó", cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường. Người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch.
Thủ tướng nhấn mạnh, sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo hỗ trợ cao nhất về nhân lực, vật lực y tế, lực lượng quân đội, công an và các lực lượng cần thiết khác của trung ương, các địa phương cho TPHCM và các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Yêu cầu đề ra là phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các lực lượng của địa phương và các lực lượng hỗ trợ của trung ương, các địa phương khác; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch, bảo đảm đạt mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đã được đề ra tại Nghị quyết số 86 của Chính phủ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nội dung, đưa dịch vụ y tế đến gần dân nhất ngay tại xã, phường, thị trấn, bảo đảm người dân được tiếp cận nhanh nhất, ở mọi lúc, mọi nơi; phân loại F0 ngay tại xã, phường, thị trấn để bảo đảm hỗ trợ, chăm sóc, quản lý phù hợp, hiệu quả; bố trí sẵn sàng nhân lực, phương tiện để kịp thời tiếp nhận, sơ cứu, cấp cứu, chuyển bệnh nhân diễn biến nặng lên điều trị tại các tuyến trên;
Cung cấp kịp thời lương thực, thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu đến người dân, gia đình trong khu vực tăng cường giãn cách xã hội, nhất là nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương; huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc.
Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội, tổ chức tôn giáo và các tổ chức khác trong việc vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Bảo đảm an dân, an ninh và trật tự, an toàn xã hội.
Áp dụng biện pháp giãn cách tăng cường toàn TPHCM
Thủ tướng cũng yêu cầu thần tốc xét nghiệm diện rộng (riêng TPHCM xét nghiệm toàn thành phố trong thời gian giãn cách xã hội) để phát hiện sớm nhất các trường hợp F0, kịp thời ngăn chặn lây lan.
Ưu tiên cao nhất phân bổ vắc xin cho TPHCM và tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm vắc xin miễn phí, kịp thời, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế và bảo đảm các quy định về phòng, chống dịch.
Ngoài ra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cụ thể, khả thi để phối hợp hỗ trợ TPHCM và 3 tỉnh nói trên thực hiện nghiêm, hiệu quả tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Trong đó, người đứng đầu Chính phủ lưu ý, các Bộ: Y tế, Quốc phòng, Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ tối đa các địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng vắc xin; cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu đến từng người dân; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, của các Bộ bám sát địa bàn, nắm chắc tình hình, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Thủ tướng giao UBND TPHCM và 3 tỉnh khẩn trương thống nhất với Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ để ban hành Chỉ thị thực hiện Nghị quyết số 86 của Chính phủ, Chỉ thị số 16 của thủ tướng và Công điện này về việc thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch.
Theo đó, TPHCM phải thực hiện giãn cách tăng cường đối với toàn bộ xã, phường, thị trấn. Các tỉnh: Bình Dương, Đồng Nai, Long An căn cứ tình hình dịch bệnh để lựa chọn, quyết định xã, phường, thị trấn để thực hiện.
4 tỉnh, thành được giao quyết định những người thực thi công vụ, cung cấp, cung ứng lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu, bảo đảm giảm tối đa số người được phép ra khỏi nhà.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND TPHCM và 3 tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thống nhất, xuyên suốt và bảo đảm phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng trên địa bàn với các lực lượng hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương khác trong công tác phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Thủ tướng tình hình, kết quả thực hiện và những vấn đề phát sinh, vượt thẩm quyền.
Văn phòng Chính phủ được giao theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề phát sinh.
Thêm hơn 1,2 triệu liều vắc xin Covid-19 của AstraZeneca đến Việt Nam Ngày 19/8, AstraZeneca chuyển về Việt Nam thêm 1.209.400 liều vắc xin Covid-19. Đến nay, Việt Nam đã nhận được hơn 6,7 triệu liều qua hợp tác giữa AstraZeneca và VNVC, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Đây là lần giao vắc xin thứ chín thuộc hợp đồng đặt mua trước giữa AstraZeneca Việt Nam và Công ty Cổ phần Vacxin...