Thủ tướng: Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chưa chốt thời gian học sinh đi học trở lại
Thủ tướng cho rằng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chưa thể quyết cho học sinh đi học trở lại mà cần chờ đến ngày 27-28/2 mới “chốt” vấn đề này.
Chiều nay 24/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 báo cáo tình hình chống dịch.
Phát biểu mở đầu cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, với tinh thần chủ động, bình tĩnh, quyết liệt, đồng bộ, chúng ta đã được ngăn chặn có hiệu quả dịch Covid-19. Đến nay, Việt Nam có 16 ca mắc thì đã chữa khỏi, xuất viện 15 người. Chúng ta đã thực hiện tốt “chống dịch như chống giặc”, nên số người bị lây nhiễm thấp. Khoa học công nghệ được áp dụng mạnh mẽ, đặc biệt có những giải pháp hiệu quả cách ly đối tượng dễ lây nhiễm cộng đồng.
Dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngoài Trung Quốc, dịch có dấu hiệu bùng phát ở một số quốc gia có quan hệ thương mại, đầu tư, du lịch rất lớn với Việt Nam. “Không được để tình trạng lây lan ra Việt Nam, hay tiếp tục bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân là một yêu cầu, là điều đương nhiên chúng ta phải làm cho được”, Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, tính đến 12 giờ hôm nay, có 79.363 trường hợp mắc tại 33 quốc gia, vùng lãnh thổ (số trường hợp mắc hầu hết tại Trung Quốc chiếm 97%).
Tại Hàn Quốc, số trường hợp mắc tăng nhanh và hiện cao nhất ngoài Trung Quốc, tập trung chủ yếu tại thành phố Daegu (457 trường hợp mắc, 1 tử vong) và khu Bắc Gyeongsang (180 trường họp mắc, 3 tử vong). Thành phố Daegu là thành phố lớn thứ 4 của Hàn Quốc, có sân bay quốc tế và có 14 chuyến bay thẳng đến Việt Nam; đồng thời tại hai khu vực Daegu và khu Bắc Gyeongsang có nhiều công dân Việt Nam sinh sống (trên 50.000 người).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để nghe Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: VGP)
Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có hơn 21.000 người Hàn Quốc, hơn 8.400 người Nhật Bản, hơn 2.700 người Trung Quốc, hơn 2.200 người Pháp,…
“ Tất cả số người nước ngoài nói trên bao gồm cả công nhân, sinh viên, học sinh ở đây từ trước tết Canh Tý 2020. Có những công dân Trung Quốc, Nhật Bản đến Hà Nội trong ngày hôm qua” – ông Chung thông tin.
Sau khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 ở Hàn Quốc, Nhật Bản, ông Chung cho biết, thành phố đã yêu cầu tất cả các quận, huyện, trong đó có công an thành phố chủ trì rà soát toàn bộ nơi ở của các công dân nước ngoài nói trên.
Cũng tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phùng Xuân Nhạ cho biết, trong thời gian diễn ra dịch bệnh, Bộ này đã phối hợp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Y tế hướng dẫn các trường học trên cả nước vệ sinh trường học, các địa phương đã làm tốt việc này và sẵn sàng cho học sinh trở lại trường.
Ông Nhạ đề nghị, đối với học sinh, sinh viên là đối tượng lớn có thể chủ động phòng chống dịch, có thể cho đi học trở lại từ ngày 2/3 tới. Còn đối với học sinh mầm non, tiểu học, có thể cho lùi lại 1-2 tuần, tùy theo tình hình dịch bệnh.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên chưa thể quyết cho học sinh đi học trở lại vào thời gian cụ thể ngay tại cuộc họp này, mà cần chờ đến ngày 27-28/2 mới “chốt” vấn đề này.
Tại Việt Nam, không ghi nhận trường hợp mắc mới kể từ ngày 13/2/2020. Đến nay chưa có trường hợp bệnh lây chéo trong cơ sở điều trị, chưa có trường hợp lây từ người bệnh sang thầy thuốc và không có bệnh nhân tử vong. Việc áp dụng biện pháp khoanh vùng toàn bộ xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc (nơi ghi nhận chùm ca bệnh gồm 6 người) là mô hình tốt, chuyển từ biện pháp cách ly trường hợp bệnh sang cách ly một cộng đồng đã cho thấy hiệu quả của biện pháp này, tạo tâm lý cho người dân an tâm, tin tưởng vào biện pháp quyết liệt của chính quyền trong việc ngăn chặn dịch. Không ghi nhận trường hợp mắc mới tại xã Sơn Lôi kể từ ngày 13/2/2020.
Đến hôm nay 30 trường hợp (công dân Việt Nam) từ Vũ Hán, Trung Quốc về cách ly tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã đủ 14 ngày, 100% các trường hợp xét nghiệm âm tính, đang hoàn thiện thủ tục cho về nơi học tập, công tác và cư trú.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nguy cơ lây nhiễm trong nhóm học sinh, sinh viên được đánh giá rất thấp vì dịch bệnh chưa xuất hiện trong cộng đồng. Ngành giáo dục và đào tạo đã chủ động hướng dẫn biện pháp dự phòng trong toàn hệ thống giáo dục. Việc kéo dài kỳ nghỉ sẽ dẫn đến tâm lý xã hội bất an trong khi tình hình dịch có thể kéo dài.
Video: Các bác sĩ Việt Nam chủ động phòng lây nhiễm Covid-19 thế nào?
XUÂN TRƯỜNG
Theo vtc.vn
Hai bệnh nhân Covid-19 chưa xuất viện ở Việt Nam sức khỏe thế nào?
Trong số 16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 được ghi nhận tại Việt Nam, đến nay đã có 14 người khỏi bệnh. Nhiều tín hiệu vui trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra (Covid-19) ngày 17/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại sự kiện năm 2003, chỉ sau 45 ngày có dịch SARS, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận khống chế thành công. Thủ tướng nhấn mạnh trên thực tế, Việt Nam đã làm rất tốt, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Nhận định tình hình hiện tại, nhiều người cho rằng Việt Nam đang kiểm soát tốt được tình hình dịch bệnh.
14/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh
Ngày 18/2, 5 trường hợp nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện. Cùng ngày, hai bệnh nhân tại phòng khám khu vực Quang Hà (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cũng được xuất viện.
Như vậy, tính đến sáng 19/2, Việt Nam có 14/16 bệnh nhân nhiễm Covid-19 khỏi bệnh. Các trường hợp còn lại đang trong tình trạng ổn định sức khỏe, tiến triển khả quan.
Việt kiều Mỹ 73 tuổi đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã 5 lần cho kết quả âm tính với Covid-19. Theo thông tin mới nhất từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, dự kiến bệnh nhân này sẽ được xuất viện vào ngày 21/2.
Bệnh nhân nhiễm Covid-19 được xuất viện tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Hoàng Hiệp.
Trường hợp bé 3 tháng tuổi mắc Covid-19 điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) đã ổn định sức khỏe, âm tính lần 1. Với tình trạng tiến triển tốt, sau khi làm các xét nghiệm cần thiết và tiếp tục có kết quả âm tính với Covid-19, dự kiến bé có thể sớm được xuất viện.
Việt Nam ghi nhận 16 ca mắc Covid-19. Kể từ ngày 13/2 đến nay, nước ta chưa phát hiện thêm ca mắc mới. Ngay cả vùng tâm dịch Vĩnh Phúc cũng chưa ghi nhận ca mới.
Nhiều địa phương đủ điều kiện công bố hết dịch
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 17/2, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch bệnh giao Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn các địa phương để chuẩn bị điều kiện công bố hết dịch đối với các tỉnh đã đảm bảo điều kiện như Khánh Hòa (qua 30 ngày không phát hiện ca mắc mới), Thanh Hoá (qua 23 ngày).
Ông Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hoà, cho biết từ khi phát hiện nữ lễ tân nhiễm Covid-19 được xuất viện ngày 4/2, đến nay, địa phương này chưa ghi nhận ca mắc mới. Tổng số 231 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân không phát hiện dấu hiệu bất thường.
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Khánh Hòa đang làm thủ tục công bố hết dịch theo quy định, còn Thanh Hoá 5 ngày nữa mới dám khẳng định đã hết dịch hay chưa.
Riêng với Vĩnh Phúc, Phó thủ tướng ghi nhận địa phương này làm rất quyết liệt, nghiêm túc. Ông cho rằng khoanh vùng cách ly là quyết định mạnh mẽ, đúng đắn.
Lạc quan nhưng không chủ quan
ThS.BS Nguyễn Trần Nam, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, cho biết thời điểm hiện tại, tình hình dịch bệnh tại nước ta đang ổn định và trong tầm kiểm soát. Ngành y tế và hệ thống chính trị đang phối hợp chặt chẽ, kiểm soát tốt các trường hợp nghi ngờ và cách ly.
"Vấn đề ở đây là chúng ta có quyền lạc quan nhưng không nên chủ quan. Nhất là nguy cơ các ổ dịch thứ phát xảy ra trong quá trình di chuyển, có thể xuất hiện ổ dịch mới. Do đó, chúng ta cần hết sức thận trọng và đề phòng, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế và chủ động giám sát sức khoẻ nếu tiếp xúc người nghi ngờ mắc bệnh hoặc có di chuyển đến vùng dịch tễ", bác sĩ Nam nói.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, cho biết Việt Nam đang kiểm soát được tình hình. Tuy nhiên, dù nhiều ngày không xuất hiện ca mắc mới, chúng ta vẫn cần phải đề phòng, tuân thủ các khuyến cáo phòng bệnh của Bộ Y tế, theo dõi và cách ly nếu tiếp xúc hoặc đi đến vùng dịch tễ.
Bệnh nhân nhiễm virus corona nói 'xin lỗi' sau khi khỏi bệnh
Chiều 18/2, tại phòng khám đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, 2 bệnh nhân dương tính với Covid-19 đã được điều trị thành công tại đây
Theo news.zing.vn
Nghị định xử phạt nồng độ cồn có hiệu lực chỉ sau 2 ngày ký: Vì sao? Văn bản luật cấp Trung ương được quy định có hiệu lực sau 45 ngày kể từ khi ký ban hành. Nghị định 100 là trường hợp đặc biệt khi chỉ sau 2 ngày thông qua đã có hiệu lực. Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (thay thế...