Thủ tướng: Để thực hiện những tầm nhìn mạnh bạo, then chốt là xây dựng niềm tin
Chiều 22/12, tại tỉnh Quảng Ninh, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh về tình hình kinh tế – xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng Quảng Ninh sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.
Thủ tướng và các lãnh đạo chủ chốt tinh Quảng Ninh.
Bày tỏ vui mừng về những kết quả Quảng Ninh đạt được thời gian qua, Thủ tướng biểu dương tinh thần dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả trong phát triển kinh tế-xã hội của Quảng Ninh.
Thủ tướng đánh giá cao việc Quảng Ninh xã hội hóa các nguồn lực, là một trong những tỉnh đi đầu về hợp tác công – tư. Trong giai đoạn 2012 – 2016, Quảng Ninh đã huy động trên 190 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, 1 đồng ngân sách đã huy động được 8,3 đồng ngoài ngân sách để đầu tư phát triển kinh tế-xã hội.
Thủ tướng cho rằng Quảng Ninh tăng trưởng cao, nhưng còn dưới mức tiềm năng. Giá trị sản phẩm ứng dụng công nghệ cao còn ít. Doanh nghiệp địa phương còn hạn chế về quy mô và khả năng cạnh tranh. Nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, ngay cả phục vụ cho lĩnh vực du lịch chất lượng cao. Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác, vận chuyển, chế biến, kinh doanh than.
Về định hướng thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh tầm nhìn Quảng Ninh phải trở thành trung tâm kinh tế động lực của Bắc Bộ và cả nước, trung tâm giao lưu quốc tế, một điểm đến cho nhà đầu tư, du khách, hàng hóa và những ý tưởng sáng tạo đột phá.
Thủ tướng kỳ vọng Quảng Ninh là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước trong nhiệm kỳ này, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm. “Để thực hiện tầm nhìn mạnh bạo này, thì then chốt là xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Ninh”, Thủ tướng nói.
Vì vậy Quảng Ninh phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có tầm nhìn xa, có chiều sâu về quy hoạch phát triển. Mô hình phát triển Quảng Ninh lựa chọn phải thu hút được nhân tài trong và ngoài nước; cởi mở ở mức cao nhất và thuận lợi nhất, nhất là với Khu kinh tế Vân Đồn.
Thủ tướng mong Quảng Ninh giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.
Video đang HOT
Thủ tướng nhấn mạnh, một địa phương thành công khi có 3 yếu tố: doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu. Nếu cải thiện môi trường kinh doanh tốt thì thu hút được nhà đầu tư, thu hút được người giỏi và doanh nghiệp. Nếu có môi trường sống tốt sẽ thu hút được người giàu. Động lực tăng trưởng của Quảng Ninh phải dựa trên năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng lưu ý Quảng Ninh có nhiều thế mạnh nhưng nên chọn một số thế mạnh quan trọng và không cản trở nhau, không mâu thuẫn và xung đột, với cơ chế đột phá để khai thác. Thủ tướng gợi ý tỉnh phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo công ăn việc làm cho số đông, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch để hỗ trợ ngành du lịch, vừa cung ứng tiêu dùng, vừa giải quyết vấn đề nông dân, nông thôn. Kết hợp du lịch dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế cửa khẩu.
Nếu Quảng Ninh coi du lịch là đột phá thì cần đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tiện ích cộng đồng, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá hình ảnh. Nên xây dựng hệ sinh thái du lịch phong phú, cả cộng đồng người dân làm du lịch chứ không phải một bộ phận làm du lịch.
Thủ tướng nêu rõ, Quảng Ninh không thể chỉ nghĩ đến phát triển mà không nghĩ đến bảo tồn. Bảo tồn chính là để phát triển có chiều sâu và giá trị cao hơn. Đây là bài toán không chỉ của riêng Quảng Ninh. Phải thu hút ít nhất 7 triệu khách du lịch quốc tế, gần 20 triệu khách nội địa, như thế, du lịch và dịch vụ mới là ngành kinh tế mũi nhọn.
“Chính quyền Quảng Ninh phải là chính quyền đối thoại, chính sách đồng bộ với bộ máy, thái độ cầu thị, học hỏi kinh nghiệm, triển khai ý tưởng mới nhanh chóng và quyết đoán thông qua dịch vụ công hiệu quả”, Thủ tướng yêu cầu và nêu rõ, Quảng Ninh phải trở thành một trong 5 địa phương đứng đầu về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Phấn đấu tối thiểu có 25.000 doanh nghiệp vào năm 2020, gấp đôi hiện nay.
Quảng Ninh cần tiếp tục gia cường nền tảng xã hội, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, tạo dựng lòng tin của người dân với chính quyền, tạo môi trường sống và làm ăn an toàn cho doanh nghiệp và người dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, tăng cường an ninh và trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra tình trạng tội phạm, cờ bạc, nhất là trong những dịp cuối năm, lễ, Tết.
Thủ tướng đánh giá cao việc Quảng Ninh xác định chủ đề công tác năm 2017 là: “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh”. Điều quan trọng là phải đưa chủ đề này vào thực tiễn với những biện pháp cụ thể, mục tiêu cụ thể; tổng kết, rút kinh nghiệm mô hình người dân đánh giá chính quyền, đánh giá người cung cấp dịch vụ.
Cho ý kiến về các kiến nghị của Quảng Ninh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn để tỉnh chủ động triển khai các mặt công tác. Bộ, ngành tạo thuận lợi về mặt cơ chế, chính sách cho địa phương phát triển.
Thủ tướng cho biết, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Chính phủ đã lần đầu tiên biểu quyết, thống nhất chủ trương xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, trong đó có Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn và yêu cầu tỉnh Quảng Ninh sớm hoàn thiện Đề án để trình cơ quan có thẩm quyền.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh và các bộ, cơ quan liên quan xây dựng các dự án luật về đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.
Khu kinh tế hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn phải giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực , Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, phải coi đây là “phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam” để phát triển. Mục tiêu là cải thiện môi trường kinh doanh, với câu hỏi đặt ra là làm sao các tỷ phú thế giới phải đến Vân Đồn. Về năng lực cạnh tranh của đặc khu này, Thủ tướng nêu rõ, phải ưu tiên cải thiện 12 trụ cột của năng lực cạnh tranh quốc gia theo tiêu chí quốc tế.
Về kiến nghị ban hành Nghị định về kinh doanh casino, Thủ tướng cho biết, các thành viên Chính phủ đã có ý kiến đối với dự thảo Nghị định, Văn phòng Chính phủ đang trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành Nghị định.
Cũng trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng đã đến thị sát một số dự án tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của Vân Đồn như cảng hàng không Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 7.400 tỷ đồng, khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn có tổng vốn đầu tư 4.957 tỷ đồng.
Trước đó, sáng 22/12, tại huyện Vân Đồn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác Chính phủ đã đến thăm, làm việc với Lữ đoàn 242, Quân khu 3.
Theo báo cáo của Quảng Ninh, năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,1%, mức tăng cao so với mặt bằng chung cả nước. GRDP bình quân đầu người đạt 4.050 USD. Tổng thu ngân sách ước đạt 36.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa cao nhất từ trước đến nay (24.000 tỷ đồng).
Đến nay, thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ còn tối đa từ 1 – 2 ngày. Năm 2016, có 1.600 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 20% so với năm 2015, cao nhất từ trước tới nay.
Về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quảng Ninh đã đón 8,4 triệu lượt khách, tăng 9% so với cùng kỳ với doanh thu du lịch đạt 13.300 tỷ đồng.
Theo Dantri
Thủ tướng kỳ vọng nhiều tỷ phú thế giới đến Vân Đồn
Coi Vân Đồn là "phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt mục tiêu phải thu hút tỷ phú thế giới đến với đặc khu hành chính - kinh tế của tỉnh Quảng Ninh này.
Thủ tướng phát biểu trong cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VGP
Ngày 22/12, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tỉnh này sẽ là đầu tàu kinh tế phát triển mạnh nhất cả nước, giữ vai trò dẫn dắt sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm.
"Để thực hiện tầm nhìn mạnh bạo này, thì then chốt là xây dựng niềm tin để các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư mạnh mẽ vào Quảng Ninh", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhấn mạnh, một địa phương thành công khi có 3 yếu tố: doanh nghiệp tốt, người giỏi và người giàu. Nếu cải thiện môi trường kinh doanh tốt thì thu hút được nhà đầu tư, thu hút được người giỏi và doanh nghiệp. Nếu có môi trường sống tốt sẽ thu hút được người giàu. Động lực tăng trưởng của Quảng Ninh phải dựa trên năng suất, ứng dụng công nghệ, tính năng động và đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng trò chuyện với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: VGP
Theo Thủ tướng, tại phiên họp thường kỳ tháng 11 vừa qua, Chính phủ lần đầu tiên biểu quyết, thống nhất chủ trương xây dựng mô hình 3 đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, bao gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang). Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì việc xây dựng các dự án luật về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội.
"Khu hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn cần giải quyết tốt nhất 3 điểm nghẽn về thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực", Thủ tướng nói và đề cập đến việc coi đặc khu này là "phòng thí nghiệm thể chế của Việt Nam". Ông cũng cho rằng, với mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, câu hỏi đặt ra là làm sao các tỷ phú thế giới phải đến Vân Đồn.
Về kiến nghị ban hành Nghị định kinh doanh casino, Thủ tướng cho biết, các thành viên Chính phủ đã có ý kiến đối với dự thảo Nghị định, Văn phòng Chính phủ đang xử lý theo quy trình.
Cũng trong chuyến công tác tại Quảng Ninh, Thủ tướng đã đến thị sát một số dự án tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Vân Đồn như cảng hàng không Quảng Ninh có tổng vốn đầu tư 7.400 tỷ đồng; khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn có tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Xuân Hoa
Theo VNE
Bí thư Đinh La Thăng hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen Thủ tướng Hun Sen cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu của Lãnh đạo và nhân dân TPHCM dành cho ông và Đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Vương quốc Campuchia. Thủ tướng Hun Sen khẳng định: "chuyến thăm Việt Nam và TPHCM tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 nước". Trưa 21/12, sau chuyến thăm Khu di tích Lịch...