Thủ tướng đề nghị làm rõ câu hỏi của nông dân: Tại sao có những vùng trồng mắc ca không ra quả?
Tại Hội nghị kết quả phát triển cây mắc ca tại Việt Nam thời gian qua; định hướng và giải pháp trong thời gian tới do Bộ NNPTNT, UBND tỉnh Đắk Lắk và Hiệp hội Mắc ca Việt Nam tổ chức tại Đắk Lắk sáng 29/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho mắc ca Việt Nam.
Theo đánh giá của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mắc ca là cây trồng đa mục tiêu, mang lại giá trị kinh tế cao nếu đẩy mạnh chế biến sâu. “Qua thực tế, cây mắc ca mang lại giá trị thu nhập cao cho người dân, lại đảm bảo mục tiêu về môi trường” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, trong quá trình phát triển cây mắc ca còn nhiều vấn đề phải quan tâm.
“Tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 3 tổ chức ngày hôm qua cũng tại Đắk Lắk, chị nông dân Vi Thị Thanh ở tỉnh Đắk Nông có đặt câu hỏi với tôi: Tại sao có những vùng trồng cây mắc ca nhưng 7 – 8 năm vẫn chưa cho trái?. Các nhà khoa học, ngành chức năng phải trả lời được câu hỏi này của nông dân” – Thủ tướng Nguyên Xuân Phúc nói.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.Chương.
Cũng theo Thủ tướng, nhu cầu sử dụng mắc ca của thế giới đang rất cao, tăng tới 200%, cho thấy tiềm năng phát triển của cây mắc ca là rất lớn.
Vì vậy, cần phải quy hoạch vùng trồng như thế nào cho phù hợp, đồng thời quản lý chặt chẽ về giống; đặc biệt, phải đẩy mạnh chế biến sâu, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để không còn cảnh được mùa rớt giá.
“ Thị trường tiêu thụ mắc ca như thế nào, đây là câu hỏi khó, vì vậy, ngành chức năng cần phải tính toán tăng lên bao nhiêu là vừa, chứ không phải tăng vô cùng tận, nhu cầu tiêu dùng lớn nhưng nếu phát triển quá nóng thì sẽ dư thừa, vì vậy, cần xác định vùng trồng phù hợp, đảm bảo lợi ích kinh tế của nông dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng đặt vấn đề cần phải phát triển thương hiệu mắc ca Việt Nam. Australia là quốc gia phát triển mạnh về cây mắc ca, chúng ta phát triển sau nhưng phải khẳng định được thương hiệu mắc ca Việt Nam, hương vị ra sao, chất lượng thế nào? Đã có nhận xét, mắc ca của Việt Nam còn ngon hơn mắc ca của Úc.
Thủ tướng cũng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến sâu mắc ca. “Muốn làm lớn phải có doanh nghiệp đầu tư, một mình nông dân không làm được” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cây giống mắc ca trưng bày tại Hội nghị. Ảnh: N.Chương.
Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, chiến lược phát triển nông nghiệp trong 10 năm tới đưa Việt Nam đứng trong top 10 nước có sức sản xuất lớn về nông nghiệp. Điều này muốn thành hiện thực thì phải lựa chọn cây – con có lợi thế, hướng vào thị trường quốc tế, bất kỳ hoạt động kinh tế nào cũng đảm bảo 3 mục tiêu kép: kinh tế, môi trường và an sinh xã hội.
Video đang HOT
“Mắc ca là đối tượng cây trồng có thể đạt được mục tiêu này, bởi đây là cây cho loại hạt rất tốt với 70% là dầu béo không no. Tại sao Úc coi hạt mắc ca là một loại thuốc bổ, là do giá trị dinh dưỡng có trong đó, nếu nâng tầm, mắc ca không chỉ là một loại thực phẩm đơn thuần mà còn là một loại thực phẩm chức năng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, do cây mắc ca rất nhạy cảm với điều kiện khí hậu nên trong 10 năm qua, dù biết tiềm năng của mắc ca là rất lớn nhưng thế giới mới phát triển được 490.000 tấn, mắc ca mới chiếm 1% trong số 20 loại hạt phổ biến người tiêu dùng sử dụng.
“Cây mắc ca phát triển ở nhiệt độ khoảng 20 – 22 độ C, ở Việt Nam, Tây Bắc, Tây Nguyên là hai vùng rất phù hợp vì nhiệt độ mát mẻ, còn những vùng khác trồng có thể không ra hoa đậu quả” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ những vùng có thể trồng mắc ca.
Bộ trưởng cũng khẳng định, dư địa để phát triển mắc ca là rất lớn, nếu làm tốt sẽ giúp hệ số che phủ rừng tăng nhanh, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sau 5 năm triển khai quy hoạch mắc ca, đến nay cả nước có 23 tỉnh trồng cây mắc ca với diện tích trên 16.500ha. Trong đó, 9 tỉnh nằm trong quy hoạch ở 2 vùng Tây Bắc, Tây Nguyên trồng trên 15.400ha, tăng 55% diện tích so với quy hoạch.
Về sản lượng, năm 2020, các tỉnh dự kiến thu hoạch gần 6.600 tấn hạt tươi, tăng 24,5 lần so với năm 2015. Với giá bán sản phẩm dạng hạt sấy khoảng 200 triệu đồng/tấn như hiện nay, ước tính hơn 4.000 tấn hạt sấy sẽ mang lại giá trị khoảng 788 tỷ đồng.
Đến nay, sản phẩm mắc ca của chúng ta đã xuất khẩu với sản lượng trên 2.400 tấn sản phẩm sấy/năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Báo NTNN/Dân Việt gánh vác thành công tổ chức Hội nghị đối thoại với Nông dân
"Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần thường xuyên đối thoại với bà con nông dân; với các cấp Hội Nông dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của bà con, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn, giúp bà con phát triển sản xuất thuận lợi, hiệu quả".
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, chủ đề "Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị nông sản Việt giúp nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì; Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt được giao tổ chức thực hiện vừa diễn ra chiều nay 28/9 tại Đắk Lắk.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Thủ tướng cho biết, đây là lần thứ 3 Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam về các vấn đề đặt ra với nông nghiệp, nông dân và nông thôn Việt Nam.
Các đồng chí ở Hội Nông dân Việt Nam, tỉnh Đắk Lắk, Báo Nông thôn ngày nay/điện tử Dân Việt đã thực hiện rất tốt đối thoại, nội dung chương trình rất sâu.
"Đồng chí Tổng Biên tập Báo NTNN/Dân Việt Lưu Quang Định đã rất thành công trong việc gánh vác nhiệm vụ tổ chức chương trình ngắn gọn, dễ hiễu. Với những vấn đề được nông dân đặc biệt quan tâm trong ngày hôm nay, chúng ta sẽ có những giải pháp, xây dựng chính sách giải quyết tốt hơn trong thời gian tới"- Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và sẽ cùng Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đặt ra tại Hội nghị.
Quan điểm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Đảng, Nhà nước ta là phát triển một cách mạnh mẽ, toàn diện. Có được bức tranh tam nông như ngày hôm nay là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt có sự đóng góp rất lớn của hơn 10,2 triệu hộ nông dân Việt Nam, với hơn 9 triệu lao động nông nghiệp. Bà con nông dân chúng ta một nắng hai sương, tần tảo lo cho gia đình, cuộc sống, đóng góp cho nền nông nghiệp những thành quả to lớn.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoanh nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, các nhà khoa học luôn phối hợp chung vai sát cánh cùng nông dân, thực hiện tốt mối liên kết 6 nhà. Công lao bà con rất lớn, giữ vững vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế. Đặc biệt là nông nghiệp năm nay còn tăng trưởng cao hơn năm ngoái, đạt 2,6% trong khi năm ngoái là 2,1%; không chỉ đảm bảo an ninh lương thực quốc gia mà còn đóng góp nhiều sản phẩm cho xuất khẩu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp trả lời câu hỏi của nông dân.
Đặc biệt, năm nay dịch bệnh phức tạp nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kịp thời để khắc phục và tổ chức khôi phục sản xuất. Hay như năm 2019 - 2020, hạn mặn lớn như thế, xâm nhập sâu vào vùng ĐBSCL nhưng thiệt hại chỉ trên 2% so với năm trước, đó là do chúng ta chủ động thực hiện dự báo và có các giải pháp hiệu quả.
Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn, dồn sức đầu tư cho tam nông, với nhiều chương trình hỗ trợ từ hạ tầng đến xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống người nông dân, nhất là các chương trình hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai...
Thách thức càng lớn, quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với tam nông ngày càng mạnh mẽ, cũng như quyết tâm của người nông dân càng cao.
Hiện nay nước ta còn 65% dân số sống ở vùng nông thôn, nhiệm vụ phát triển nông thôn văn minh, hiện đại, đời sống bà con ấm no hạnh phúc chính là quan điểm chủ đạo của Đảng và Nhà nước; tiến trình đô thị hoá, xây dựng nông thôn mới phải theo hướng phát triển bền vững, hài hoà, theo nền kinh tế thị trường.
Khát vọng xây dựng một Việt Nam hùng cường, cũng chính là khát vọng của những người nông dân Việt Nam. Nếu 65% bộ phận người dân nông thôn không phát triển, đời sống không được nâng cao, thì đó chưa phải là hùng cường.
Mục tiêu của chúng ta trong giai đoạn tới là thúc đẩy, giúp nông dân tăng thu nhập. Hiện nay nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam dù đứng đầu thế giới, như cà phê, hồ tiêu, cao su, gạo, chè..., nhưng vẫn xuất thô nhiều, hàm lượng chế biến thấp. Đây là điểm yếu, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta phát triển, đẩy mạnh chế biến các mặt hàng nông sản chủ lực.
Nông nghiệp là mỏ vàng, nhưng nếu không biết khai thác thì mỏ vàng cũng bị cạn kiệt. Do đó cần gắn với phát triển đa dạng sinh thái, tài nguyên đất, tài nguyên rừng, đặc biệt là bảo vệ môi trường để phát triển bền vững.
Quan điểm xuyên suốt trong chiến lược tái cơ cấu nông nghiệp chính là thúc đẩy ứng dụng công nghệ hiện đại, cách mạng 4.0, nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc áp dụng robot, máy bay không người lái, Big data, internet vạn vật... Nông nghiệp 4.0 giờ không còn xa lạ nữa. Nếu chúng ta còn không hiểu cuộc cách mạng đó thì không thực hiện hiệu quả được.
Các bộ ngành cần tiếp tục cùng chúng tôi đẩy mạnh cải cách các chính sách đầu tư vốn nông nghiệp, chính sách về hạn điền, tích tụ đất đai quy mô lớn; thực hành sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, các chuỗi giá trị, thúc đẩy liên kết 6 nhà. Nếu 6 nhà không liên kết tốt thì khó thực hiện hiệu quả, nhất là các nút thắt về vốn, thị trường...
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành trực tiếp tham gia đối thoại với nông dân.
Thủ tướng Chính phủ đánh giá Hội nghị lần thứ 3 rất có chất lượng, vì không chỉ nói về vốn, xã hội, mà còn đề cập các vấn đề an ninh nông thôn; phát huy tinh thần văn hoá, đảm bảo an ninh trật tự vùng nông thôn, giữ gìn văn hoá dân tộc... Đặc biệt là văn hoá cồng chiêng cần được gìn giữ, phát huy các giá trị tốt đẹp.
Chúng ta còn nhiều vấn đề trăn trở, hi vọng qua hội nghị này những vấn đề đó sẽ được chúng ta cùng nhau giải quyết, góp phần nâng cao đời sống nông dân.
Trong đó, giải quyết vốn tín dụng cho nông dân đang là vấn đề bức xúc, cần có phương án giảm, hoãn cho những hộ nông dân ở những vùng bị thiên tai để bà con có vốn tái tạo sản xuất; thứ 2, giải quyết các vướng mắc về đất đai cho bà con, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số; ngăn chặn hiệu quả tình trạng một số nông lâm trường phát canh thu tô, gây khó khăn cho sản xuất của bà con. Đừng để tình trạng tranh chấp đất đai xảy ra như ở Cư Kuin.
Lưu ý các thông tin về thị trường, nhất là những khu vực mà nước ta đang có hiệp định thương mại. Hiểu biết về quy luật thị trường để sản xuất phù hợp, tiêu thụ thuận lợi.
Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ tốt hơn nữa đối với bà con trong việc sản xuất, học tập, tự làm giàu cho mình và xã hội. Nhà nước, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT có chính sách đẩy mạnh chế biến, nhất là ở những vùng sản xuất lớn, giúp ổn định tiêu thụ, tránh tình trạng được mùa mất giá, được giá thì mất mùa.
Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, đi liền với đó là quy hoạch sản xuất, đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, các bộ ngành, nhất là Bộ NNPTNT tiếp tục hướng dẫn bà con sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Các đồng chí lãnh đạo địa phương cần thường xuyên đối thoại với bà con nông dân; với các cấp Hội Nông dân để lắng nghe, tìm hiểu tâm tư của bà con, qua đó kịp thời tháo gỡ khó khăn. Đặc biệt, các HTX có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, mong rằng tới đây Liên minh HTX Việt Nam, các địa phương tích cực hỗ trợ bà con tham gia vào HTX. Đó cũng là tạo thuận lợi để bà con tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng dễ hơn. Hiện nay khâu này đang là khâu yếu.
Các Bộ ngành Trung ương tạo điều kiện để các chính sách, chế độ đến với bà con tốt hơn. Muốn thế, lãnh đạo phải tránh bệnh quan liêu, xa rời bà con.
Đề nghị Bộ Công Thương tham gia tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, triển khai tốt các Hiệp định CPTPP, EVFTA...
Các bộ ngành khác theo chức năng nhiệm vụ của mình bám sát các vấn đề bà con nông dân đưa ra để có giải pháp tháo gỡ, nhất là giảm lãi suất, giúp bà con vay vốn thuận lợi.
Đề nghị Hội Nông dân Việt Nam, với vai trò là nòng cốt của lực lượng nông dân tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương và bà con để kịp thời giải quyết vướng mắc, ví dụ như vấn đề dạy nghề, tạo việc làm,...
Chính phủ cần mở các kênh lắng nghe nhiều hơn nữa ý kiến đóng góp, kiến nghị của nông dân, giúp bà con phát huy tốt nhất tiềm năng, khả năng sản xuất kinh doanh để nâng cao đời sống, xây dựng đất nước văn minh giàu đẹp.
Nông dân háo hức chờ được đối thoại với Thủ tướng giữa thủ phủ Tây Nguyên 14 giờ chiều nay, 28/9, người đứng đầu Chính phủ và đại diện các bộ ngành sẽ trực tiếp đối thoại với nông dân, tạo động lực khơi dậy tiềm năng nông nghiệp của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Chủ đề của Hội nghị đối thoại lần này là: Cùng nỗ lực, vượt thách thức, giữ vững tăng trưởng giá trị...