Thủ tướng đề cao nỗ lực của thầy thuốc trong chống dịch
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá kết quả khả quan trong giai đoạn đầu chống dịch Covid-19 có sự đóng góp rất lớn của những người thầy thuốc.
Ảnh minh họa
Dự kỷ niệm 65 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam tại trường Đại học Y Hà Nội sáng nay, Thủ tướng phát biểu: “Tôi thay mặt chính phủ biểu dương, đánh giá cao nỗ lực quên mình của các y bác sĩ trên mặt trận chống dịch”.
Theo Thủ tướng, Việt Nam đã thực hiện các giải pháp phòng chống dịch từ rất sớm và được những kết quả tích cực bước đầu. Hiện số ca nhiễm virus corona ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước được đánh giá có trình độ phát triển cao hơn. Cả 16 bệnh nhân Covid-19 đều điều trị khỏi bệnh, 14 ngày không xuất hiện ca bệnh mới.
“Thành quả chống dịch bước đầu của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, các nước phát triển như Nhật Bản, Mỹ…”, Thủ tướng chia sẻ.
Video đang HOT
Thủ tướng cho rằng trong thành công ban đầu này, hình ảnh người thầy thuốc như những chiến sĩ áo trắng, tận tụy, túc trực ngày đêm, không quản nguy nan phòng chống dịch, “đã lay động triệu con tim”.
Song, Thủ tướng lưu ý tuyệt đối không được chủ quan. Cần tiếp tục quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng chống cho đến khi dập được dịch Covid-19, bảo đảm an toàn tính mạng và sức khỏe cho nhân dân.
Tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng thay mặt Chính phủ vinh danh 28 bác sĩ, là những trí thức tiêu biểu có nhiều đóng góp cho trường Đại học Y Hà Nội và nền y học Việt Nam. Trong số bác sĩ được vinh danh, có 12 người được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong giáo sư lần đầu tiên năm 1955 và các Bộ trưởng, Thứ trưởng nhiều thế hệ như nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguyên Bộ trưởng Trần Thị Trung Chiến… và nhiều chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực.
Thủ tướng cũng đánh giá cao vai trò quan trọng trường Đại học Y Hà Nội, có 118 năm gắn liền với lịch sử phát triển của nền y học Việt Nam. Đến nay, trường đã đào tạo hàng chục nghìn y bác sĩ, trong đó có nhiều giáo sư, bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo các bệnh viện…
“Nhân dân luôn ghi nhớ, biết ơn tất cả thầy thuốc, cán bộ y tế, những chiến sĩ áo trắng, những người hy sinh thầm lặng hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng nhìn nhận, đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với mỗi quốc gia.
Giáo sư Tạ Thành Văn, Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho biết trường đang bước sang một giai đoạn mới, đổi mới giáo dục đại học, chuyển đổi từ cơ chế quản lý bao cấp sang tự chủ đại học, tự chịu trách nhiệm xã hội.
Lê Nga
Theo VNE
Ngày Thầy thuốc Việt Nam: Bác sĩ 2 năm phẫu thuật hơn 900 bệnh nhân
Trong gần 3 năm tình nguyện lên vùng cao giúp đỡ người dân các địa bàn khó khăn, bác sĩ trẻ Nguyễn Chiến Quyết đã ăn ở ngay trong Bệnh viện đa khoa H.Bắc Hà (Lào Cai) và phẫu thuật cho hơn 900 bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết nhận Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019 - Ảnh: V.T
Tốt nghiệp ngành y năm 2013, bác sĩ Nguyễn Chiến Quyết (31 tuổi, quê Hưng Yên) có nhiều lựa chọn cho công việc ở thủ đô, nhưng anh đã tình nguyện tham gia dự án 585 đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa và là 1 trong 7 bác sĩ đầu tiên tình nguyện lên vùng cao. Sau khi được đào tạo chuyên khoa tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), tháng 7.2017, anh lên Lào Cai nhận nhiệm vụ tại Bệnh viện đa khoa H.Bắc Hà. Đây là một địa bàn khó khăn của tỉnh Lào Cai, đời sống người dân còn nghèo và lạc hậu.
"Tôi là con út nên khi thấy tôi tình nguyện đi, mẹ can ngăn vì lo tôi vất vả. Nhưng tôi vẫn quyết tâm xách ba lô lên núi", anh Quyết chia sẻ. Hỏi vì sao lại sẵn sàng đến vùng khó khăn như vậy, anh Quyết cho biết từng có thời gian sống ở một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai nên thấu hiểu cảnh khó khăn, thiếu thốn của bà con. Sau này, khi về thủ đô học và có những ngày lên tình nguyện ở vùng cao, anh càng nuôi suy nghĩ sẽ về hỗ trợ đồng nghiệp và giúp đỡ bà con nơi đây.
Sau hơn 2 năm làm việc, đến tháng 11.2019, bác sĩ Quyết đã tham gia hơn 900 ca mổ chấn thương, tiêu hóa, sản khoa, cứu sống người bệnh, trong đó có các ca mổ nặng và nguy hiểm. Có lần anh đã thức trắng 2 đêm, từ thứ bảy đến sáng thứ hai để mổ nhiều ca. Lãnh đạo bệnh viện nhắc anh ngủ bù, nhưng có ca bệnh mà thiếu người mổ, anh vẫn làm.
"Ở đây ít bác sĩ nên tôi thường xuyên phải mổ chính, trung bình 1 - 2 ca/ngày, có ngày cao điểm 8 - 9 ca. Tôi cũng không nghĩ mình đã mổ nhiều đến thế nhưng vì thiếu bác sĩ nên dù nhiều bệnh nhân vẫn phải xử lý hết thôi", anh Quyết chia sẻ.
Anh Quyết cũng chia sẻ nhiều trường hợp anh phải "đánh liều" cứu bệnh nhân. "Đặc biệt là về sản khoa, ở đây người dân vẫn có quan niệm chỉ đến viện khi không đẻ được chứ còn bình thường không bao giờ đi khám thai cả. Trong ca trực của tôi đã từng gặp một sản phụ chừng 15 - 16 tuổi, vào viện sau khi sinh con ở nhà nhưng không sinh được. Khi vào thì phát hiện bệnh nhân có biểu hiện của bệnh tiền sản giật, thai lúc đó đã bị suy rồi. Tình trạng như thế buộc phải mổ cấp cứu, vừa đem lại an toàn cho mẹ và cứu con nữa. Nhưng người nhà lại không đồng ý mổ, người ta rất sợ, nói đưa đến viện để bác sĩ làm thế nào cho đẻ được thôi. Lúc ấy, tôi phải gọi các bác sĩ người Mông đến giải thích để xử lý trong vòng mấy chục phút thôi. Thậm chí hồ sơ, sổ sách còn chưa kịp làm xong đã buộc phải đưa vào mổ", anh Quyết nhớ lại.
Ở Bệnh viện đa khoa Bắc Hà, bác sĩ Quyết không chỉ làm chuyên môn của mình là ngoại khoa và sản khoa. Trong những ca trực chỉ có một mình, anh còn phải làm nhiều công việc khác, kể cả nhi khoa. Nhiều bé sơ sinh hoặc những trẻ em không may bị tai nạn đã được anh cứu sống trong gang tấc. Do điều kiện bệnh viện thiếu trang thiết bị, có những ca không đủ điều kiện cứu chữa phải gửi lên tuyến trên mà bệnh nhân không có tiền, anh lại vận động quyên góp để hỗ trợ bệnh nhân...
Chia sẻ về công việc của mình, anh Quyết nói: "Chỉ có tuổi trẻ mới có nhiều điều kiện cống hiến cho cộng đồng, nên tôi không ngại dấn thân. Những ngày công tác ở vùng cao sẽ là quãng đời đẹp nhất trong cuộc đời của tôi". Với những nỗ lực không mệt mỏi, bác sĩ Chiến đã được T.Ư Đoàn trao tặng Giải thưởng tình nguyện quốc gia năm 2019.
Theo Thanh niên
Hơn cả vạn đóa hoa gửi đến những "chiến sỹ" áo trắng Ngày kỷ niệm nghề năm nay với những người làm trong ngành y tế thật đặc biệt. Sự đặc biệt không phải ở những món quà, lẵng hoa hay những cuộc liên hoan chúc tụng mà ở sự lặng thầm tận hiến, hi sinh vì cuộc chiến chống dịch Covid-19 đang diễn biến đầy phức tạp. Tôi đã có 12 năm làm báo...