Thủ tướng đang có quyết sách đúng với bauxite
“Trước đây việc dừng cảng Kê Gà là việc làm rất sáng suốt của Thủ tướng. Nếu năm ngoái Thủ tướng không yêu cầu dừng lại thì ông TKV có thể bị phá sản vì những dự án như thế. Trên đà này tôi tin Thủ tướng sẽ có những quyết sách rất đúng với bauxite thôi”.
TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý các dự án Than Đồng bằng sông Hồng, Tập Đoàn Than và khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chia sẻ với Đất Việt về thông tin Phú Yên đã dừng triển khai dự án khai thác, chế biến quặng bauxite Vân Hòa ở huyện Sơn Hòa theo chỉ thị của Thủ tướng, các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina ở Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đi vào hoạt động, được đánh giá là có hiệu quả.
PV: – Thưa ông, mới đây UBND tỉnh Phú Yên đã dừng triển khai dự án khai thác, chế biến quặng bauxite Vân Hòa ở huyện Sơn Hòa theo chỉ thị của Thủ tướng, các dự án khai thác bauxite và sản xuất alumina ở Việt Nam chỉ được thực hiện sau khi Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) đi vào hoạt động, được đánh giá là có hiệu quả. Ông có cho rằng đây là một động thái tích cực, dấu hiệu tốt lành xét trên hiệu quả kinh tế và bảo vệ tài nguyên khoáng sản, đặc biệt lưu ý khi bauxite đang là khoáng sản được xuất khẩu với mức thuế suất 0%?
TS Nguyễn Thành Sơn: – Tôi cho rằng đây là một động thái rất tích cực. Một là quy hoạch bauxite cũ quá nhiều bất cập đang được Thủ tướng hiệu chỉnh. Bản hiệu chỉnh này chưa được phê duyệt nên các dự án dừng lại như vậy là hoàn toàn chính xác. UBND tỉnh phản ứng như vậy cũng là đúng và thức thời.
Làm gì thì cũng phải có quy hoạch, trong khi đó trên tinh thần Thông báo 245 của Bộ Chính trị thì 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ chỉ là thí điểm. Trong khi thí điểm chưa xong thì những dự án khác chưa nên triển khai theo. Do vậy UBND tỉnh quyết định dừng là rất đúng.
Theo TS Nguyễn Thành Sơn, việc chờ hiệu quả của dự án Tân Rai rồi mới triển khai các dự án liên quan là quyết định đúng đắn
PV: – Về hiệu quả kinh tế của hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ, các chuyên gia đã phản biện rất nhiều tại các hội thảo khoa học, trên báo chí là không chỉ không có lãi mà còn tác động xấu tới môi trường, mất mát tài nguyên…đến mức vinacomin phải đưa ra giới hạn thời gian dài vài chục năm sau mới có lãi. Giả sử báo cáo đánh giá lần tới đây họ cũng áp dụng chiêu kéo dài thời gian khai thác hơn nữa để có một số lãi nào đó thì sao, thưa ông?
TS Nguyễn Thành Sơn: – Thực ra nếu làm như vậy thì đó là động tác dại. Lý do là vì vốn đã đổ vào rồi mà không quyết liệt xem xét lỗ lãi thực thế nào, cố kéo dài với những động tác giả thì sẽ chậm thu hồi vốn thôi.
Kéo dài ở đây chỉ được lợi là chờ đợi sự phục hồi của nền kinh tế thế giới. Khi đó nhu cầu sản xuất ô tô, xây dựng tăng lên. Nhu cầu nhôm trên thế giới sẽ tăng lên, thì alumina có thể tăng lên, lúc đó giá bán có thể tăng lên. Tức là việc lùi lại chỉ mang tính chất cầu may.
Thế nhưng bây giờ vốn đã đầu tư vào hơn 7.000 tỉ mà kéo dài nhưng không ra sản phẩm thì cũng chết.
Video đang HOT
PV: – Trước đây, nhiều nhà khoa học đã bày tỏ quan điểm, trước mắt cần dừng tiếp dự án Nhân Cơ, chờ đánh giá hiệu quả của Tân Rai rồi mới tiếp tục. Ông có chia sẻ quan điểm này không và tại sao?
TS Nguyễn Thành Sơn: – Về điều này tôi đã nhiều lần có ý kiến, tôi ủng hộ quan điểm dừng dự án Nhân Cơ để chờ hiệu quả của Tân Rai rồi mới tiếp tục triển khai.
Bây giờ cố gắng hoàn chỉnh làm sao thật là tốt nghiệm thu thật đàng hoàng với nhà thầu. Tôi biết rằng hiện nay TKV còn đang lúng túng chưa nghiệm thu được bởi nhà thầu Trung Quốc làm chất lượng xấu.
Do vậy phải tập trung nghiệm thu cho được Tân Rai. Từ kết quả này mới biết sản phẩm chỗ nào xấu tốt, cần rút kinh nghiệm thế nào rồi mới triển khai tiếp Nhân Cơ.
Chúng tôi đã có văn bản kiến nghị gửi cho Bộ Chính trị và Quốc hội về việc dừng Nhân Cơ, chờ Tân Rai ổn rồi chuyển thiết bị xuống lắp đặt tại đây (vì hiện nay tại Tân Rai cũng có chủ trương mở rộng nhân đôi).
Cảng Kê Gà đã dừng trong khi trước đó dự án Nhân Cơ hy vọng vào cảng này để vận chuyển. Nay Thủ tướng dừng lại rồi thì chỉ còn một cách là đưa về Tân Rai lắp đặt hoặc không thì đưa hẳn xuống dưới Bình Thuận.
Làm như vậy không còn lo ngại bùn đỏ bởi nếu có ra biển thì nước biển cũng làm dung hòa, pha loãng bùn đỏ không có hại. Nhiều nước đã làm nhà máy chế biến bauxite cạnh bờ biển như vậy.
PV: – Ông có kỳ vọng Chính phủ sẽ tiếp tục đưa ra những quyết sách đúng đắn, khoa học không chỉ với bauxite mà với tất cả tài nguyên khoáng sản của Việt Nam để tránh &’lời nguyền khoáng sản’ như các chuyên gia đã không ngừng lên tiếng cảnh báo?
TS Nguyễn Thành Sơn: – Chắc chắn. Việc dừng cảng kê gà là việc làm rất đúng đắn, rất sáng suốt của Thủ tướng. Nếu năm ngooái Thủ tướng không yêu cầu dừng lại thì ông TKV có thể bị phá sản vì những dự án như thế.
Trên đà này tôi tin Thủ tướng sẽ có những quyết sách rất đúng với bauxite thôi.
Xin trân trọng cảm ơn Tiến sĩ!
Thạc sĩ Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển: Thông tin đó là việc làm đáng ghi nhận của Chính phủ. Tức là ít nhiều Chính phủ đã đưa lên bàn cân nhắc, thận trọng trong việc khai thác khoáng sản, bauxite. Đáng lẽ việc này chúng ta phải làm sớm hơn. Tôi cho rằng với cách mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không làm thêm gì khi chưa có kết quả thì đó là bước làm cần thiết.
Theo Đất Việt
'Để dự án bô xít vận hành rồi hãy đánh giá'
Thừa nhận giá alumin hiện thấp hơn thời điểm tính toán 10% song Bộ trưởng Công Thương cho rằng giá không cố định, vì vậy cần cho dự án bô xít vận hành một thời gian để có cơ sở hơn trong việc đánh giá hiệu quả.
Lần xuất hiện thứ 4 tại chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời" tối 10/3, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng phân tích về tính khả thi, hiệu quả kinh tế xã hội cũng như một số lo ngại về môi trường tại hai dự án bô xít Tây Nguyên
- Một số chuyên gia cho rằng không nên triển khai dự án bô xít Tây Nguyên nhưng thực tế, dự án vẫn được thực hiện. Vậy, theo Bộ trưởng, cơ sở để triển khai các dự án này là gì?
- Theo kết quả thăm dò, trữ lượng bô xít của Việt Nam là khoảng 10 - 11 tỷ tấn và là một trong một số ít nước được đánh giá là có trữ lượng bô xít lớn trên thế giới tập trung chủ yếu tại khu vực Tây Nguyên. Dự báo, nhu cầu nhôm trong nước vào năm 2020 sẽ khoảng 0,75 - 1,0 triệu tấn và năm 2030 khoảng 1,6-2,0 triệu tấn. Thực tế, nhu cầu hiện tại khoảng nửa triệu tấn và hàng năm ta phải chi khoảng trên 1 tỷ USD nhập khẩu. Hiện Việt Nam phải nhập khẩu 100% nhôm kim loại, nên việc triển khai các dự án thăm dò, khai thác và chế biến bô xít, trong đó giai đoạn đầu là chế biến alumin là hết sức cần thiết. Dự án sẽ giúp cho vùng đất còn rất nhiều khó khăn này có cơ hội phát triển kinh tế xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.
Như vậy, việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến bô xít là chủ trương đúng đắn được Đảng, Nhà nước xem xét thận trọng. Vì đây là một lĩnh vực công nghiệp mới, Việt Nam chưa có kinh nghiệm, nên quan điểm chỉ đạo là trước hết phải làm tốt công tác quy hoạch. Nếu phát sinh bất cập thì phải kịp thời điều chỉnh cho phù hợp. Do đó, hiện nay, chúng ta mới đầu tư thí điểm 2 dự án Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông).
- Dự án Tân Rai chậm tiến độ hơn 2 năm còn Nhân Cơ chậm tiến độ hơn một năm. Lý do của sự chậm trễ này là gì, thưa Bộ trưởng?
- Nguyên nhân khách quan là các dự án có công nghệ khá phức tạp, lần đầu tiên được đầu tư ở Việt Nam và được thi công trong điều kiện hết sức khó khăn của vùng Tây Nguyên. Thi công hồ bùn đỏ kéo dài do phải rà soát, tái thẩm định thiết kế kỹ thuật và bổ sung các giải pháp để đảm bảo an toàn cho công trình. Quan điểm của tôi là phải chấp nhận kéo dài nhưng đổi lại sẽ yên tâm hơn về mức độ an toàn công trình. Nguyên nhân chủ quan là Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong quản lý đầu tư các dự án loại này. Giai đoạn đầu, do chưa thực hiện thật tốt công tác tuyên truyền, giải thích nên một bộ phận trong dư luận xã hội chưa đồng thuận khiến một số hạng mục đã phải tạm giãn tiến độ chờ xem xét.
Cuối tháng 12/2012, dự án Tân Rai đã sản xuất thử thành công sản phẩm alumin đầu tiên với chất lượng được đánh giá cơ bản đạt yêu cầu. Dự án Nhân Cơ nay đã thực hiện được hơn 50% khối lượng xây lắp và dự kiến nửa đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành.
Bộ trương Công Thương Vũ Huy Hoàng: "Không thể để xảy ra tình trạng sau khi hoàn tất việc thí điểm lại phát sinh các hậu quả tiêu cực về môi trường mà không thể khắc phục.". Ảnh: Hoàng Hà
- Giá alumin hiện nay đã giảm xuống mức 326,5 USD mỗi tấn, thấp hơn nhiều dự toán ban đầu, vậy hiệu quả của 2 dự án được đánh giá trên những cơ sở nào?
- Đúng là giá alumin hiện tại thấp hơn giá tính toán tại thời điểm phê duyệt dự án khoảng 10%. Nhưng tôi cho rằng, xem xét hiệu quả kinh tế các dự án đầu tư lớn, thời hạn hoạt động dài 30 - 40 năm... cần phải dựa trên những tính toán dài hạn.
Giá alumin trên thị trường thế giới hiện thấp hơn đầu năm 2009 - thời điểm phê duyệt dự án, nhưng cũng như đối với các kim loại mầu khác, không ai đảm bảo rằng mức giá này sẽ cố định như thế trong vòng 5 hoặc 10 năm tới. 2 dự án thí điểm không thuần tuý là dự án kinh doanh của một doanh nghiệp mà với xã hội điều lớn hơn là hiệu quả tổng hợp về kinh tế-xã hội đối với phát triển vùng, phát triển ngành và phát triển nền kinh tế.
Quan điểm của tôi là hãy để dự án vận hành một thời gian rồi chúng ta sẽ có cơ sở hơn trong xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án. Có lẽ đó là cách tiếp cận khách quan và phù hợp. Thêm nữa, cùng với việc chủ đầu tư tiếp tục rà soát, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị... thì chắc chắn hiệu quả sẽ được tăng lên.
- Dừng triển khai dự án cảng Kê Gà là bằng chứng cho thấy những tính toán trong việc triển khai các dự án bô xít chưa thực sự chặt chẽ. Ý kiến Bộ trưởng thế nào?
- Theo thiết kế ban đầu, dự án đầu tư xây dựng cảng Kê Gà được lập với quy mô công suất năm 2015: 3,5 triệu tấn mỗi năm; năm 2020: 17,5 triệu tấn mỗi năm; năm 2030: 37 triệu tấn/năm. Kê Gà là cảng tổng hợp phục vụ cho các dự án bô xít - nhôm của Vinacomin và các dự án khai thác chế biến Titan.
Tuy nhiên, trong quá trình xem xét lại Quy hoạch bô xít, Chính phủ đã chỉ đạo rà soát, điều chỉnh cho phù hợp theo hướng quy mô khác thác và chế biến nhỏ hơn trước. Tổng công suất của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ với khoảng 1,3 triệu tấn mỗi năm, thấp hơn nhiều so với thiết kế ban đầu. Mặt khác, hiện tỉnh Bình Thuận đã có cảng Vĩnh Tân và đang chuẩn bị lập dự án xây dựng cảng trung chuyển than cho khu vực phía Nam, việc khai thác Titan cũng đang tạm dừng cho đến khi có dự án chế biến sâu..., thì việc dừng xây dựng cảng Kê Gà là hợp lý. Trong thực tế hầu như chưa có sự đầu tư đáng kể nào cho dự án này.
- Chúng ta sẽ tính toán thế nào nếu sau khi hoàn tất việc thí điểm 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ, những tác động đến môi trường là không thể sửa chữa, đặc biệt là vấn đề bùn thải từ các dự án này ?
- Tác động môi trường là vấn đề được Đảng và Nhà nước cũng như dư luận quan tâm đặc biệt. Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với các bộ, ngành tiến hành thận trọng các khâu có liên quan đến an toàn công trình, từ thiết kế hồ bùn đỏ đến bảo vệ môi trường, biện pháp xử khi có sự cố. Khi xảy ra sự cố vỡ hồ bùn đỏ ở Hungary, chúng ta đã cử đoàn sang khảo sát để rút kinh nghiệm cần thiết.
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đang hoàn thiện đề tài ở quy mô thử nghiệm, để chuyển sang quy mô công nghiệp việc nghiên cứu xử lý bùn đỏ để thu hồi lại xút, sản xuất sắt xốp, xỉ. Nếu thành công, sẽ mang lại nguồn thu bổ sung cho dự án, vừa giảm chi phí đầu tư. Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan cùng các cơ sở nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, tôi cho rằng, chúng ta có thể yên tâm về vấn đề môi trường tại 2 dự án trên. Nghĩa là không thể để xảy ra tình trạng sau khi hoàn tất việc thí điểm lại phát sinh các hậu quả tiêu cực về môi trường mà không thể khắc phục.
Theo VNE
Dự án bauxite Lâm Đồng: Chậm gần 2 năm Đến nay, Dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) vẫn chưa có sản phẩm alumin, chậm gần 2 năm so với kế hoạch. Được khởi công từ năm 2008, công suất thiết kế 650.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 11.353 tỉ đồng, dự án Tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là bauxite Lâm...