Thủ tướng: Có thể xử lý hình sự doanh nghiệp trốn đóng BHXH
Sáng ngày 4.12, tại buổi tiếp xúc cử tri, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ có thái độ xử lý cương quyết đối với vấn đề doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Ngoài xử lý hành chính, có thể xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi tiếp xúc cử tri. (Ảnh: VGP)
Sáng 4.12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Kiến An, TP. Hải Phòng.
Tại buổi tiếp xúc, các ý kiến cử tri phát biểu đã đánh giá cao những kết quả kinh tế – xã hội đạt được trong năm 2017 và chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khi cả 13/13 chỉ tiêu mà Quốc hội giao đều đạt và vượt.
Cử tri cũng nêu vấn đề chênh lệch tiền tiền lương hưu giữa lao động nữ về hưu từ thời điểm 1/1/2018 với những người nghỉ hưu trước đó; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH; công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho sinh viên; tình trạng bạo hành trẻ em; vướng mắc trong tích tụ ruộng đất; quản lý đô thị; tai nạn giao thông; chủ quyền biển đảo…; đề nghị Thủ tướng chỉ đạo để sớm triển khai tuyến đường ven biển, phát huy lợi thế của thành phố Cảng.
Trả lời các câu hỏi của cử tri, Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ tiến hành đồng bộ, quyết liệt để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nhất là chỉ đạo khắc phục các mặt bất cập hiện nay như phắc phục hậu quả thiên tai, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Video đang HOT
“Làm sao an ninh trật tự tốt hơn, làm sao người cô đơn, tàn tật, người nghèo, người già được quan tâm hơn…”, Thủ tướng nói.
Về vấn đề lương hưu, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sớm có văn bản hướng dẫn để không gây thiệt thòi cho nữ lao động khi nghỉ hưu. Đây là yêu cầu rất chính đáng mà trong kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIV vừa qua, các đại biểu cũng đã thảo luận nhiều.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết đã yêu cầu xử lý nghiêm, có biện pháp chấm dứt ngay tình trạng bạo hành trẻ em, nhất là mầm non, mẫu giáo, trong đó đề cao đạo đức, trách nhiệm, trình độ của giáo viên rất quan trọng, chứ việc giám sát chỉ là một phần.
Về công tác an sinh xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, chúng ta còn lo cả an sinh xã hội, chăm lo đời sống người dân. Do đó, dù bị nhiều thiệt hại do thiên tai, bão lũ, tỉ lệ hộ nghèo vẫn giảm, các cơ quan cũng không để người nào bị đứt bữa, thiếu cơm lạt muối.
“Tôi đã nói nhiều lần nếu ông chủ tịch, bí thư mà để dân đói thì phải xử lý ông chủ tịch, bí thư đó. Còn nguồn lực Nhà nước luôn luôn quan tâm vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc, vùng thiên tai”, Thủ tướng nói.
Trước tình trạng doanh nghiệp trốn đóng BHXH, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ có thái độ xử lý cương quyết đối với vấn đề này. Ngoài xử lý hành chính, có thể xử lý hình sự đối với hành vi trốn đóng BHXH. Bên cạnh đó, tăng cường các biện pháp khác như ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hiệu quả quỹ BHXH.
Trả lời câu hỏi của cử tri về vấn đề nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, Thủ tướng chia sẻ: “Chúng tôi lắng nghe ý kiến cử tri trong việc sửa đổi Luật Đất đai để có thể góp phần vào việc tích tụ ruộng đất, làm sao bảo đảm quyền lợi cho người nông dân”…
Theo Danviet
Công an TT-Huế lên tiếng sau kết luận của T.Ư về xử lý tham nhũng
Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế nêu lý do không truy tố nhiều vụ việc cơ quan thanh tra ở tỉnh kết luận có sai phạm nhưng công an không khởi tố.
Chiều nay (19.10), tại buổi họp báo thường kỳ do UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức, đại tá Đặng Ngọc Sơn- Phó Giám đốc Công an tỉnh này đã trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến kết quả kiểm tra, giám sát xử lý các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng ở tỉnh của Đoàn công tác số 5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.
Đại tá Đặng Ngọc Sơn trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo. Ảnh: Trần Hòe.
Theo đại tá Đặng Ngọc Sơn, mặc dù "không tránh khỏi việc này việc kia" nhưng về cơ bản không có hiện tượng bao che trong xử lý các vụ việc, trong đó có nội dung 10 nhà công sản ở tỉnh bán theo Nghị định 61 của Chính phủ.
Ông Sơn cho biết, trong 10 ngôi nhà này đã có hướng xử lý 2 nhà, gồm các nhà 135 Huỳnh Thúc Kháng và 46 Hồ Xuân Hương. Cụ thể, vụ bán nhà 135 Huỳnh Thúc Kháng đã có hướng chỉ đạo và sẽ tiếp tục làm rõ; còn vụ nhà 46 Hồ Xuân Hương thì kết quả điều tra xác định việc bán theo Nghị định 61 là không vi phạm pháp luật. Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế đã quyết định không khởi tố vụ bán nhà 46 Hồ Xuân Hương và được Viện KSND tỉnh phê chuẩn.
Đối với 8 ngôi nhà còn lại, ông Sơn nói, kết quả kiểm tra của cơ quan thanh tra chưa được chuyển cho cơ quan điều tra. Theo ông Sơn, chủ trương của Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế là chỉ đạo cơ quan điều tra chủ trì, phối hợp với thanh tra kiểm tra lại việc bán 8 ngôi nhà này có vi phạm pháp luật hay không. "Bây giờ chúng ta chưa kết luận là có vi phạm hay không vi phạm"- ông Sơn nói.
Về 7 vụ việc cơ quan thanh tra kết luận có sai phạm, chuyển cho cơ quan điều tra không được khởi tố, ông Sơn cho biết điều này có lý do. Đó là các vụ: Bán nhà 46 Hồ Xuân Hương; liên doanh, liên kết giữa khách sạn Hương Giang với Công ty CP Tân Việt; liên doanh liên, kết giữa khách sạn Thuận Hóa với một công ty vật liệu xây dựng; bán rừng tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới...
Ông Sơn cho hay, trong 7 vụ việc này, chỉ có vụ tại Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới là có vi phạm, có xảy ra mất rừng, nhưng do thời gian xảy ra đã qúa lâu nên cơ quan điều tra không xác định được thiệt hại, nên không thể khởi tố. "Kết luận của thanh tra phần lớn bằng mắt thường, để truy cứu hình sự không thể cảm tính mà phải xác định thiệt hại. Không còn căn cứ xác định thiệt hại, nên chỉ xử lý hành chính"- ông Sơn nói.
Trước đó, vào ngày 29.9, sau nhiều ngày kiểm tra, Đoàn công tác số 5, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do ông Nguyễn Hòa Bình- Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã chỉ ra những việc chưa được của tỉnh Thừa Thiên- Huế trong lĩnh vực này, như: Nhiều vụ đã có kết luận thanh tra, nhưng xử lý sau thanh tra còn kéo dài, chưa dứt điểm. Số vụ việc chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự phát hiện qua thanh tra còn ít. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm, phải gia hạn điều tra nhiều lần. Một số vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm chưa được tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị Ban thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế rà soát thu hồi 10 nhà công sản; khẩn trương chỉ đạo xử lý 7 vụ việc thanh tra phát hiện chuyển sang cơ quan điều tra nhưng chưa khởi tố như đã nêu.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cũng được ông Nguyễn Hòa Bình đề nghị làm rõ kết quả xử lý 7 vụ án đã chọn để chỉ đạo xử lý. Theo ông Bình, tỉnh chọn 7 vụ để xử lý mà mới đưa ra xét xử được 1 vụ, còn lại đình chỉ hoặc treo thì không hiệu quả, dân không tin.
Theo Danviet
Vụ Giám đốc doanh nghiệp hành hung bác sỹ: Không khởi tố hình sự Cơ quan điều tra xác định không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự của ông Nguyễn Đình Hoàng Thắng về hành vi "Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác"; không đủ yếu tố cấu thành tội "Gây rối trật tự công cộng" nên không khởi tố vụ án hình sự đối với...