Thủ tướng: ‘Chúng ta tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh’
Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh”.
Năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên
Sáng 17/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4 đến nay.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận, đánh giá những kết quả bước đầu, những bài học kinh nghiệm, những bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch, thảo luận thêm những giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến toàn quốc với các địa phương về những kết quả bước đầu của công tác phòng chống dịch trong đợt dịch thứ 4 từ ngày 27/4/2021 đến nay. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên chia sẻ, việc xét nghiệm thần tốc, nhiều vòng có thể triển khai rất hiệu quả gần đây tại nhiều địa phương, nhưng trong giai đoạn đầu tại TP. HCM, việc này thực hiện rất khó khăn do thiếu kit xét nghiệm.
Ông Nguyễn Văn Nên nhận định, bước ngoặt quyết định trong phòng chống dịch là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Nghị quyết này đã đưa ra các tiêu chí, các cột mốc, mục tiêu để buộc các cơ quan, địa phương phải tìm cách hành động bằng được. Từ đó, giúp thay đổi cục diện phòng chống dịch, tạo chuyển biến rõ rệt với các giải pháp như tập trung phân loại, điều trị người bệnh từ xa, từ sớm ngay tại cơ sở, điều động thêm nhân lực, tăng cường vật tư, trang thiết bị… Nhiều đại biểu cho rằng, với mức độ lây nhiễm như vừa qua ở TP. HCM, nhiều nơi trên thế giới đã không thể kiểm soát được trong thời gian ngắn như vậy.
“Trong quá trình đó, Thành phố được Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ liên tục trao đổi, chia sẻ, kiểm tra, uốn nắn, tạo ra quyết tâm, hết sức đồng bộ, thống nhất, mặc dù nhìn lại thì vẫn còn chỗ này chỗ kia, việc này việc khác cần tiếp tục rút kinh nghiệm”, Bí thư Thành ủy TP. HCM bày tỏ.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia và các ý kiến phát biểu đề cập nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả như tổ COVID-19 cộng đồng; mô hình trạm y tế lưu động; xét nghiệm diện rộng, nhiều vòng ở các địa bàn có nguy cơ cao, rất cao; phân tầng điều trị theo mô hình “tháp 3 tầng”; quản lý điều trị F0 tại nhà; hỗ trợ tư vấn từ xa; mô hình sản xuất “3 tại chỗ” trong phòng, chống dịch…
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trong đợt dịch thứ 4, nhiều biện pháp chuyên môn chưa có tiền lệ, lần đầu tiên được áp dụng trên thực tiễn để đáp ứng với diễn biến mới của dịch bệnh, nhất là đối với sự lây lan nhanh của biến chủng Delta. Việc kết hợp đồng bộ, hiệu quả các biện pháp trong điều trị người bệnh đã góp phần giảm tử vong, tránh được cuộc khủng hoảng y tế xã hội như đã diễn ra ở một số quốc gia khác trên thế giới. Tác động phối hợp của giãn cách xã hội, xét nghiệm rộng, điều trị sớm, bao phủ vaccine, bảo đảm an sinh đã đem lại kết quả tích cực.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nhận định: Với kinh nghiệm bước đầu được đúc kết từ thực tiễn phòng chống dịch; năng lực ứng phó của hệ thống y tế ngày một nâng lên; chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch. Mặc dù xuất phát điểm chậm, song tỷ lệ tiêm ít nhất một mũi vaccine của Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhanh hơn một số nước trong khu vực và mức trung bình của thế giới do đã tổ chức hiệu quả chiến dịch tiêm chủng có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng tại Việt Nam.
Video đang HOT
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích thêm, chỉ tới khi vaccine về nhiều như trong thời gian qua, chúng ta mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới. Đồng thời, chúng ta vẫn phải hết sức thận trọng, tránh cực đoan, nóng vội bởi các nghiên cứu cho thấy virus có thể xuất hiện những biến chủng mới nguy hiểm. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị phải có dự phòng cho những tình huống xấu nhất, thậm chí phải sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu hơn theo tinh thần “biến chủng mới thì phải coi như đại dịch mới”.
Tại cuộc họp, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định: Nếu không có sự ưu việt của chế độ, không có sự ủng hộ của nhân dân, không có chiến lược tốt thì không thể đạt được kết quả như vừa qua và tổn thất chắc chắn sẽ sẽ lớn hơn. Cũng không thể đánh giá tình hình trong bối cảnh đặc biệt của dịch bệnh bằng các tiêu chí trong bối cảnh bình thường và các khảo sát gần đây cho thấy niềm tin của người dân ngày càng tăng lên, các quyết định vì nước, vì dân thì nhân dân cảm nhận được và đồng tình, ủng hộ.
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhận định “Nhân dân nhìn thấy mà tin”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
“Nhân dân nhìn thấy mà tin”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài nhận định và đề nghị cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn nữa về tình hình, kết quả phòng chống dịch; những giải pháp đã được thực tế chứng minh là đúng đắn, hiệu quả về xét nghiệm, điều trị, cách ly… thì kiên định, kiên trì thực hiện; đồng thời quan tâm khắc phục những tác động của dịch bệnh, chăm lo tốt hơn nữa đời sống người dân, nhất là những người yếu thế.
Nhiệm vụ, giải pháp tới đây phải toàn diện, hiệu quả và kịp thời
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá các ý kiến đều thống nhất cho rằng chúng ta đã kiểm soát được tình hình và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Đợt dịch gây hậu quả rất nghiêm trọng cả về kinh tế-xã hội, đời sống và sức khỏe nhân dân, vì vậy, các nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp tới đây phải rất toàn diện, hiệu quả và kịp thời, vừa có nhiệm vụ y tế, vừa có nhiệm vụ kinh tế-xã hội, vừa khắc phục những hậu quả của đại dịch, phòng chống dịch hiệu quả, vừa khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội thành công.
Các ý kiến đánh giá, những kết quả đạt được là rất đáng trân trọng, ghi nhận trong điều kiện, hoàn cảnh đất nước còn khó khăn, khả năng đáp ứng của ngành y tế, nguồn lực, điều kiện cơ sở vật chất và con người đều hạn chế. Các trang thiết bị y tế, sinh phẩm, vaccine, thuốc men… phục vụ phòng chống dịch cơ bản đều phải nhập khẩu, dẫn tới không chủ động, không kịp thời, chịu nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thật kỹ, thật sâu, tìm ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục những hạn chế, bất cập này trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng nhấn mạnh, một số nguyên nhân giúp chúng ta đạt được kết quả nói trên, mà trước hết là sự nỗ lực, phấn đấu, cố gắng hết mình của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc, đóng góp của của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Chúng ta đã kế thừa những biện pháp phù hợp trước đây, đồng thời bám sát thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài để đổi mới, đưa ra giải pháp phù hợp và linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện.
Đặc biệt, chúng ta đã thực hiện một số biện pháp có tính chất bước ngoặt như điều động lực lượng hỗ trợ các địa phương tâm dịch; chuyển hướng chiến lược từ tập trung sang phân cấp tới tận cơ sở trong triển khai các biện pháp y tế, chăm lo an sinh xã hội, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ, người dân vừa là chủ thể, là trung tâm trong phòng chống dịch, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
“Rất nhiều việc không có tiền lệ phải quyết định trong thời gian rất ngắn, bối cảnh rất khó khăn, bàn bạc tạo đồng thuận, báo cáo cấp có thẩm quyền”, Thủ tướng khẳng định. Cụ thể như triển khai hàng trăm trạm y tế lưu động tại TP. HCM, điều động hàng trăm nghìn cán bộ chi viện, lo an sinh xã hội cho hàng triệu người dân trong một thời gian rất gấp rút.
Thủ tướng nhấn mạnh “tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quan trọng trong những thời khắc khó khăn”. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Thủ tướng nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm quý báu, trước hết là đoàn kết, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị, trong nhân dân, “tình đồng chí, nghĩa đồng bào rất quan trọng trong những thời khắc khó khăn”. Cùng với đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, nhất quán; sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng lòng vào cuộc của người dân và doanh nghiệp; tranh thủ sự ủng hộ, hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế.
Trong quá trình chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương đã kế thừa các nguyên tắc, biện pháp được áp dụng trong các đợt dịch trước; đúc kết các bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, bổ sung và hình thành công thức trong phòng, chống dịch: 5K vaccine, thuốc điều trị công nghệ ý thức của nhân dân và các biện pháp khác. Các trụ cột là giãn cách, cách ly hẹp nhất, nhanh nhất, chặt nhất có thể, có mục tiêu và lộ trình rõ ràng; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm an toàn, khoa học, hợp lý và hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị từ xa, từ sớm, từ ngay tại cơ sở, góp phần giảm chuyển nặng, giảm tử vong.
Phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh
Thủ tướng nêu rõ, những kết quả đạt được mới là bước đầu, chặng đường sắp tới còn rất gian nan, nhưng chúng ta có cơ sở khoa học và thực tiễn để tự tin thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng yêu cầu, phải làm tốt công tác dự báo, nắm tình hình dịch bệnh, diễn biến của các chủng virus mới. Khẩn trương xây dựng chương trình tổng thể về phòng chống dịch, có kịch bản, phương2 án, chuẩn bị nguồn lực con người, cơ sở vật chất, cách vận hành, tổ chức diễn tập chủ động…, đồng thời khẩn trương hoàn thành chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, không để sót lọt người cần hỗ trợ; nhanh chóng khôi phục chuỗi cung ứng lao động. Giữ vững ổn định chính trị xã hội, an toàn trật tự xã hội. Khẩn trương có giải pháp mở cửa trường học cho các cháu. Triển khai một số giải pháp cả trước mắt và lâu dài để chăm sóc các cháu mồ côi do dịch bệnh.
Thủ tướng Chính phủ
Bộ Y tế hướng dẫn an toàn, khoa học, hiệu quả, kịp thời để các địa phương tiếp tục triển khai mạnh mẽ chiến dịch tiêm chủng vaccine; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 21 về mua và sử dụng vaccine; chủ động chuẩn bị vaccine cho năm 2022; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất vaccine trong nước.
Thủ tướng lưu ý, điều trị vẫn là nhiệm vụ rất quan trọng khi mở cửa trở lại nền kinh tế, do người đã tiêm vaccine vẫn có thể bị nhiễm bệnh dù giảm nguy cơ tăng nặng và tử vong. Do đó, để kiểm soát rủi ro, kiểm soát tử vong, Bộ Y tế, các bộ, ngành và địa phương phải chuẩn bị cơ sở, năng lực điều trị theo hướng vừa tập trung để điều trị các ca bệnh nặng, vừa phân cấp, phân tán để người bệnh tiếp cận y tế nhanh nhất, sớm nhất, ngay từ cơ sở.
Trong triển khai thực hiện Nghị quyết 128, phải nhất quán, thông suốt từ Trung ương xuống địa phương; cấp dưới phải phục tùng cấp trên; địa phương tuyệt đối không được ban hành các quy định trái với chỉ đạo của cấp trên; nếu thực hiện cao hơn, sớm hơn, phải báo cáo cấp trên – Thủ tướng nêu nguyên tắc.
Thủ tướng cũng lưu ý tiếp tục lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, các nhà hoạt động thực tiễn, các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định tạm thời của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Tinh thần là thận trọng, không nóng vội nhưng cũng không cầu toàn; lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương tới các địa phương trên toàn quốc. Trung ương ban hành tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình nhất quán, các bộ, các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp tình hình; những gì chưa phù hợp phải bổ sung, điều chỉnh ngay.
Thủ tướng nêu rõ, tình hình thay đổi thì việc tổ chức thực hiện cũng phải thay đổi; sắp tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu, báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo Quốc gia theo hướng vừa chỉ đạo nhiệm vụ phòng chống dịch, vừa chỉ đạo nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Khánh Hòa, Long An, Kon Tum nỗ lực phòng, chống dịch COVID-19
Theo thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, tính đến 16 giờ ngày 20/7, toàn tỉnh đã có 689 người dương tính với SARS-CoV-2, trong đó thị xã Ninh Hòa có 479 trường hợp, thành phố Nha Trang 171 trường hợp, huyện Vạn Ninh 19 trường hợp.
Đây cũng là những địa phương áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ kể từ 0 giờ ngày 9/7, có dấu hiệu số người mắc giảm dần trong những ngày gần đây.
Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người dân tại khu vực đường Bửu Đóa, phường Phước Long, thành phố Nha Trang. Ảnh: Tiên Minh/TTXVN
Khánh Hòa đã truy vết 3.696 trường hợp F1 liên quan đến số ca dương tính SARS-CoV-2 trong tỉnh, đang được cách ly tập trung; hơn 9.750 trường hợp F2 được cách ly tại nhà. Trên địa bàn có 135 địa điểm, khu dân cư tạm thời bị phong tỏa. Tỉnh đã lập 4 bệnh viện dã chiến để thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 với 450 giường bệnh, gồm 3 bệnh viện tại Nha Trang và 1 bệnh viện ở thị xã Ninh Hòa.
Ngày 20/7, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã có thông báo số 117-TB/TU, yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo ngay việc thiết lập hệ thống cung cấp ô-xy tập trung tại các bệnh viện dã chiến, trước mắt đặt ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh để nâng cao năng lực điều trị, giảm thiểu nguy cơ tử vong cho bệnh nhân COVID-19. Sở Y tế, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh chủ động liên hệ với tuyến trên để tăng cường hỗ trợ về chuyên môn cho địa phương bằng các hình thức phù hợp.
Tỉnh ủy cũng đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa trả nhanh kết quả xét nghiệm RT-PCR; có biện pháp cụ thể để xác định, phân luồng với các mẫu xét nghiệm test nhanh dương tính với SARS-CoV -2, các trường hợp đang cách ly đến thời hạn cần có kết quả RT-PCR âm tính để kịp thời gỡ cách ly theo quy định; ưu tiên đưa ngay trường hợp mắc COVID-19 đến bệnh viện để điều trị, không để chậm trễ.
Tỉnh ủy Khánh Hòa còn đồng ý chủ trương tiếp nhận người dân, sinh viên Khánh Hòa từ Thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh; đề nghị Ban Chỉ đạo rà soát cụ thể các điều kiện để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và cách thức tổ chức cho người dân, sinh viên trở về Khánh Hòa, phù hợp với diễn biến dịch bệnh của tỉnh.
* Chiều 20/7, ông Đặng Hoàng Tuấn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An cho biết, thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg trên phạm vi toàn tỉnh, Sở vừa có thông báo khẩn về tổ chức hoạt động vận tải đường bộ trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, từ 12 giờ ngày 20/7, tỉnh tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe ô tô trên địa bàn. Ngành giao thông Long An cũng quy định đối với những trường hợp được phép hoạt động vận tải; các phương tiện hoạt động lý do công vụ, cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe chở nguyên vật liệu sản xuất...
Phương tiện vận tải của các địa phương khác khi vào địa phận tỉnh Long An, phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (RT-PCR hoặc test nhanh) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) đối với lái xe và người đi cùng; Giấy vận tải (giấy vận chuyển).
Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An cũng đề nghị Công ty Trách nhiệm hữu hạn B.O.T ĐT830 tạm dừng thu phí tại các trạm Bến Lức, Đức Hòa trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16 từ 0 giờ ngày 20/7 đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh Long An công bố dỡ bỏ giãn cách xã hội.
* Tối 20/7, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum có Công điện số 3/CĐ-CTUBND về việc triển khai các biện pháp cấp bách đáp ứng đại dịch COVID-19.
Trên tinh thần "chống dịch như chống giặc", Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum yêu cầu các đơn vị trên địa bàn tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh về phòng, chống dịch COVID-19; chủ động tổ chức thực hiện và huy động cả hệ thống chính trị triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống COVID-19 trên địa bàn.
Đặc biệt, Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum khẩn trương thực hiện các biện pháp cấp bách phòng dịch COVID-19 từ 0 giờ ngày 21/7, yêu cầu người dân không tập trung quá 10 người tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; bắt buộc đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và nơi công cộng; tiếp tục tạm dừng tổ chức các sự kiện, hoạt động tập trung đông người.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác được phép hoạt động nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhà máy, xí nghiệp, bến xe, cơ sở kinh doanh dịch vụ, thương mại được tiếp tục hoạt động phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho công nhân, người lao động, khách hàng...
Trước đó, tỉnh Kon Tum đã ghi nhận hai trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 được phát hiện tại các chốt liên ngành kiểm soát dịch COVID-19. Hai người này đã được cách ly y tế kịp thời theo quy định, chưa vào trong địa bàn tỉnh.
Thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC - Bộ Thông tin Truyền thông) vừa chỉ ra những thủ đoạn mới trên không gian mạng và khuyến cáo người dùng lưu ý. Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt tại TP Hồ...