Thủ tướng: Chuẩn bị mọi điều kiện sẵn sàng ứng phó với dịch trên diện rộng
Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP.HCM rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố.
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với 5 thành phố trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước nhất là 5 TP trực thuộc TƯ tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ. Kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa người từ vùng có dịch đến các vùng khác, sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương quá tải khi có yêu cầu.
Cac hang quan kinh doanh ở Hà Nội tam dung hoat đong. Ảnh: Đ.Bổng
Bộ Y tế, các bộ liên quan và các địa phương trong cả nước cần rà soát, cập nhật phương án huy động nhân lực, cơ sở vật chất, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi dịch lây lan trên diện rộng.
5 TP trực thuộc TƯ là địa bàn tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế – xã hội, mật độ giao lưu lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Kết quả phòng, chống dịch tại các TP này có ý nghĩa quyết định đến thành quả chung của cả nước.
UBND các TP phải có phương án, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp đặc thù của địa phương mình, tập trung và ưu tiên đối với các khu vực, địa bàn nhiều nguy cơ như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông. Tiếp tục phát huy cả hệ thống chính trị, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
Chính quyền cấp cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm nhất các nguồn lây, đề nghị mọi người dân khai báo y tế và thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ.
Có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động tại các thành phố. Khẩn trương thiết lập hệ thống chỉ đạo, điều hành theo dõi diễn biến, phòng chống dịch và điều trị bệnh của từng thành phố.
Video đang HOT
Sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm…) cho mọi tình huống, bảo đảm ứng phó ngay lập tức, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp như giới nghiêm, thiết quân luật.
Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, TP.HCM rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố. Đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.
Dồn lực xử lý 2 ổ dịch ở Hà Nội và TP HCM
Bộ Y tế, Bộ Công an, Hà Nội, TP HCM tập trung, dồn lực xử lý triệt để các “ổ dịch” như tại BV Bạch Mai, quán bar Buddha, khẩn trương truy vết, áp dụng ngay các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch” theo đúng quy định.
Các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ và Hà Nội, TP HCM thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Nhà thờ Đức Bà quận 1 TP HCM vắng lặng. Ảnh: T.Tùng
Hạn chế tối đa các chuyến bay từ TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đến các địa phương khác và ngược lại.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục chỉ đạo dừng các chuyến bay vận chuyển hành khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP HCM đến các địa phương khác và ngược lại trong vòng 2 tuần tới, trừ trường hợp đặc biệt. Giãn cách, giảm mật độ vận chuyển hành khách bằng xe lửa, xe khách, xe bus; áp dụng chặt chẽ việc kiểm tra y tế và các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.
Xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly, trước mắt xem xét xử lý nghiêm việc khai báo không trung thực của bệnh nhân số 178. Xử lý những trường hợp bịa đặt làm ảnh hưởng tâm lý người dân.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đổi mới phương thức làm việc, tăng cường các hoạt động trực tuyến, rà soát cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục hành chính, có chế độ làm việc phù hợp trong đợt cao điểm phòng, chống dịch. Tạm dừng dịch vụ xổ số, trò chơi có thưởng, hoạt động casino trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 1/4.
Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xử lý vấn đề người nhập cảnh không trở về Campuchia khi hết thời hạn cách ly tập trung.
Trần Thường
Chuẩn bị kịch bản nhu cầu lương thực tăng cao khi dịch bùng phát
Bộ Nông nghiệp đề nghị các địa phương tiếp tục giữ đà tăng trưởng sản xuất, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm trong thời điểm dịch bệnh và sau đó.
Chiều 12/3, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến "Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19". Hội nghị tổ chức trong bối cảnh dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp ở trên thế giới và cả Việt Nam, đặt ra những thách thức lớn cho ngành nông nghiệp.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết ngành nông nghiệp đang gặp phải thách thức lớn đến từ khí hậu, dịch bệnh. Cụ thể, tác động biến đổi khí hậu xuất hiện ngay từ đầu năm gây ra tình hình hạn hán, xâm nhập mặn tại ĐBSCL, ảnh hưởng tới trồng trọt và nuôi trồng thủy sản.
Dịch tả lợn châu Phi tuy có giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây khó khăn cho công tác tái đàn. Cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát tại Việt Nam khi tổng đàn gia cầm hiện nay đang rất lớn. Thị trường nhiều mặt hàng nông sản vẫn có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nước lớn.
Sự bùng phát của dịch Covid-19 diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, chưa dự báo được thời điểm kết thúc gây ảnh hưởng tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế thế giới.
Bộ Nông nghiệp cho biết cần chuẩn bị kịch bản nhu cầu lương thực tăng cao do người dân có tâm lý tích trữ khi dịch bệnh bùng phát. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
Hiện, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ suy giảm mạnh trong quý I/2020. Bloomberg dự báo ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên nền kinh tế toàn cầu gây tổn thất khoảng 160 tỷ USD.
Ngoài ra, thẻ vàng xuất khẩu thủy sản khai thác biển do Ủy ban châu Âu đưa ra chưa được gỡ bỏ. Dịch bệnh Covid-19 hiện ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất, nhập khẩu, tiêu thụ nông sản hàng hóa của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Cường, ngành nông nghiệp có đặc thù ở chỗ phải đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ cho người dân ở bất kỳ thời điểm nào. Trong mọi điều kiện dù bệnh dịch hay không, đó vẫn là nhu cầu thiết yếu của con người.
"Nếu không bình tĩnh, không cố gắng, không tổng lực thì vấn đề lương thực thực phẩm thực sự là vấn đề lớn. Nhiệm vụ lớn nhất của đơn vị hiện tại là giảm thiểu tối đa thiệt hại từ những thách thức đó", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định.
Ông cũng cho rằng không chỉ cần phương án thúc đẩy sản xuất để đáp ứng trong thời điểm dịch bệnh mà sau dịch bệnh, nhu cầu sẽ bùng nổ. Do đó, nếu không chuẩn bị trước thì sau dịch bệnh sẽ là thời điểm khó khăn.
Trước các tình hình đó, Bộ NN&PTNT đưa ra dự báo về mức tăng trưởng ngành nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới với các con số cụ thể.
Về diện tích lúa, đơn vị ước tính đạt 7,3 triệu ha/năm, năng suất bình quân ước đạt 59,3 tạ/ha và sản lượng ước đạt 43,4 triệu tấn , giảm khoảng 70.000 tấn so với năm 2019 .
Về rau màu, sản lượng dự kiến đạt 18,2 triệu tấn trên 980.000 ha. Với lượng tiêu thụ trong nước khoảng 14 triệu tấn thì mặt hàng này vẫn dư khoảng 4,2 triệu tấn để xuất khẩu. Ngoài ra, sản lượng trái cây còn có thể tăng 0,8 triệu tấn so với năm 2019.
Để đạt được các mục tiêu thúc đẩy này, Bộ Nông nghiệp đặt ra một số giải pháp trước mắt như chỉ đạo cơ quan chuyên môn, địa phương có những điều chỉnh phù hợp về cơ cấu mùa vụ lúa. Cơ quan chuyên môn cũng cần rà soát xây dựng, phát triển các vùng sản xuất đối với sản phẩm xuất khẩu chủ lực, ứng dụng công nghệ cao trong bảo quản, chế biến.
Bộ yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục triển khai các đoàn công tác xúc tiến, phát triển thị trường tại các địa phương trọng điểm của Trung Quốc, ngay sau khi phía Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 và công bố mở cửa lại bình thường.
"Các đơn vị cần chuẩn bị sẵn cả phương án, kịch bản nhu cầu nông sản, thủy sản của nhiều địa phương có dịch Covid-19 tăng cao sau khi hết dịch", Bộ trưởng Nông nghiệp đề nghị.
Đặc biệt, Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức lại hệ thống phân phối gắn kết với người sản xuất. Phương án này bao gồm chuẩn bị kịch bản trong bối cảnh nhiều địa phương công bố dịch Covid-19 sẽ dẫn đến nhu cầu cao và số lượng lương thực thực phẩm, do tâm lý và nhu cầu tích trữ phòng dịch của người dân.
Theo news.zing.vn
'Chuyến tàu ma' với những kẻ gan lì tới Vũ Hán 'ngày tận thế' Một số cư dân cho biết họ "rưng rưng nước mắt" khi đọc tin tức về việc phong tỏa thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh giống SARS, giữa nỗi lo thiếu thực phẩm và bị cô lập. Người dân Vũ Hán kêu gọi giúp đỡ và chia sẻ những lo lắng về tình trạng thiếu lương thực vào ngày 23/1,...