Thủ tướng: “Chưa xây nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có”
Thủ tướng Chính phủ vừa phải triệu tập cuộc họp với lãnh đạo TP.Hà Nội để bàn về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thủ tướng Chính phủ đã phải triệu tập cuộc họp với UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành về tình hình ùn tắc giao thông. (Ảnh: VGP)
Sáng nay (16.1), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã có cuộc làm việc với lãnh đạo TP.Hà Nội và các bộ ngành về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn.
Thủ tướng cho rằng trong những ngày gần đây, tình hình ùn tắc giao thông đang gây bức xúc cho người dân nên phải triệu tập cuộc họp. “Người dân đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân” – Thủ tướng nói.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đề nghị Hà Nội tổ chức lại giao thông một cách hợp lý, cần có biện pháp hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường vận tải hành khách công cộng. Đồng thời, chuyển các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành nhưng thay thế vào đó không phải làm nhà cao tầng mà dành cho dịch vụ công cộng.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận nỗ lực của Hà Nội cùng sự phối hợp của các cấp, các ngành về chống ùn tắc giao thông, nhưng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cơ chế chính sách, nên số điểm ùn tắc không giảm đi mà còn tăng hơn. Thậm chí, có nhiều điểm ùn tắc kéo dài nhiều giờ, gây bức xúc cho xã hội và người dân.
“Phải có lộ trình giải quyết kiên quyết hơn, có hiệu quả hơn, không để tình trạng này kéo dài ảnh hưởng đến sự phát triển của Hà Nội” – Thủ tướng yêu cầu.
Thủ tướng cũng đồng ý với các giải pháp đã được nêu ra, trong đó cần quản lý tốt quy hoạch Hà Nội. Thủ tướng cho rằng: “Chưa xây dựng nhà cao tầng khi phương án giao thông chưa có lối ra. Tập trung mật độ quá cao ở trung tâm thì dứt khoát ùn tắc”.
Video đang HOT
Đồng thời, phải có biện pháp cần thiết hạn chế phương tiện cá nhân theo đúng quy định pháp luật kết hợp với tuyên truyền, vận động nhân dân; phát triển các loại hình giao thông ngầm, trên cao để giảm mật độ phương tiện trên mặt đường.
Thủ tướng cũng khuyến khích Hà Nội xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực để phát triển hạ tầng giao thông. Trong đó, ưu tiên huy động nguồn lực trong nước, để không làm tăng nợ công.
“Đi liền với đó, cơ chế nào phân cấp được cho Hà Nội để thành phố quản lý, chịu trách nhiệm trước Trung ương, trước Thủ tướng Chính phủ thì các cơ quan Trung ương tạo mọi điều kiện cho Hà Nội” – Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng cũng nhắc nhở Hà Nội quan tâm triển khai các biện pháp chống ùn tắc trong dịp Tết Nguyên đán này. Cụ thể, TP.Hà Nội cần thành lập tổ công tác, do một Phó Chủ tịch UBND làm tổ trưởng trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm về vấn đề giao thông, trật tự đô thị, với tinh thần là “không để một người dân nào vì thiếu phương tiện giao thông mà không được về quê ăn Tết”.
Sau cuộc họp này, từ kinh nghiệm của Hà Nội, Thủ tướng sẽ làm việc với TP.Hồ Chí Minh để giải quyết tình trạng ùn tắc.
“Người dân đưa con đi học cũng mất mấy tiếng đồng hồ. Biết tình hình xấu như vậy mà không có biện pháp thì không có trách nhiệm với nhân dân” – Thủ tướng nói.
Theo Danviet
Hà Nội thi ý tưởng chống tắc đường trong 3 tháng
Thời gian thực hiện bài thi ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc ở Hà Nội là 12 tuần, từ đầu tháng 2 đến 27/4.
Sở Giao thông Hà Nội vừa công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn tắc, với giải nhất trị giá 200.000 USD (khoảng 4,4 tỷ đồng); giải nhì 100.000 USD (khoảng 2,2 tỷ đồng).
Theo ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông, cuộc thi nhằm lựa chọn ý tưởng, phương án tốt nhất về giải pháp tổ chức giao thông, chống ùn tắc, phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân Thủ đô trên cơ sở mạng lưới hạ tầng giao thông hiện trạng và quy hoạch giao thông vận tải đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Trước việc nhiều ý kiến quan tâm đối tượng nào được tham gia thi tuyển, Ban tổ chức cho biết các tiêu chí gồm: Đơn vị tư vấn trong nước và quốc tế có đủ điều kiện, năng lực theo quy định pháp luật; được Ban tổ chức mời tham gia thi tuyển; các đơn vị tư vấn đủ điều kiện có thể liên danh với nhau.
Về thời gian dự thi, Ban tổ chức tiếp nhận hồ sơ đăng ký từ ngày 19 đến 23/1. Sau đó, trong thời gian cuối tháng 1, Ban tổ chức sẽ xem xét, chọn 3 đến 5 đơn vị tư vấn đủ điều kiện, có đề xuất hợp lý tham gia làm bài thi. Tất cả các hồ sơ đạt tiêu chí làm bài thi được hỗ trợ 25.000 USD (khoảng 550 triệu đồng).
Thời gian thực hiện bài thi trong 3 tháng, từ đầu tháng 2 đến 27/4. Ban tổ chức sẽ công bố kết quả, trao thưởng trong tháng 5.
Ông Viện khẳng định, trên cơ sở ý tưởng mà các đơn vị dự thi đề xuất, nhất là ý tưởng đoạt giải, thành phố Hà Nội sẽ triển khai thành phương án tổ chức giao thông cụ thể trong thực tế.
Ùn tắc giao thông ở Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành
Ông Phạm Hữu Sơn (Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế giao thông vận tải, ủy viên thư ký Hội đồng chấm thi) cho rằng cuộc thi trên rất cần thiết, dù "muộn thì còn hơn không".
"Cuộc thi sẽ nhận được các giải pháp tốt nếu chúng ta đưa ra đầu bài mở cho các nhà tư vấn tự do sáng tạo. Với các đơn vị tư vấn quốc tế, nước họ từng trải qua ùn tắc giao thông nên có nhiều bài học, họ sẽ truyền lại cho chúng ta", ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng, nếu đơn vị nào quan tâm, muốn dự thi thì ngay từ bây giờ họ đã tìm hiểu hiện trạng giao thông, nghiên cứu số liệu để đưa ra ý tưởng, nên thời gian làm bài thi trong 3 tháng là phù hợp.
Ông Vũ Văn Viện cũng cho rằng do Sở lựa chọn những đơn vị thực sự am hiểu về Hà Nội, có năng lực và kinh nghiệm nên thời gian như vậy là đủ.
Trái với các ý kiến trên, TS Đinh Thị Thanh Bình (Trưởng bộ môn quy hoạch và quản lý giao thông vận tải, ĐH Giao thông) nhận xét thời gian thi quá ngắn nên khó có giải pháp tốt.
"3 tháng để đưa ra một giải pháp cụ thể cho giao thông đô thị Hà Nội là rất khó, trừ trường hợp đơn vị tư vấn đã có sẵn ý tưởng, chỉ hoàn thiện thêm theo yêu cầu của Ban tổ chức. Ngoài ra, chi phí 25.000 USD được hỗ trợ nếu đạt tiêu chí dự thi cũng không đủ để thực hiện các mô hình giao thông", bà Bình nói và cho rằng với 3 tháng thì chỉ có thể đưa ra giải pháp chung như các đề án đã có.
TS Bình giải thích, Hà Nội hiện đã có nhiều đề án nghiên cứu về ùn tắc giao thông ở các cấp khác nhau. Các đề án này đưa ra nhiều giải pháp chung cho giao thông đô thị song thiếu các "lời giải" chi tiết, ví dụ về hạn chế xe cá nhân thì chưa làm rõ hạn chế theo ngày, theo tuyến đường, hay theo phương tiện...
"Chúng ta cần đi vào chi tiết, nếu cuộc thi chỉ đưa ra giải pháp định hướng thì không cần thiết", bà Bình nói. Chuyên gia này cho rằng, với kinh phí được tài trợ để thi như trên, thành phố nên làm chiến lược quản lý giao thông đô thị và kế hoạch tổ chức giao thông, thay vì tổ chức cuộc thi ý tưởng.
Theo kế hoạch cuộc thi, các ý tưởng tập trung vào các vấn đề như: Định hướng xây dựng không gian ngầm, bao gồm hướng tuyến, vị trí và quy mô các tuyến đường sắt đô thị; vị trí, quy mô hầm đường bộ và khu vực dự kiến xây dựng bãi đỗ xe ngầm; Đề án giao thông thông minh, ứng dụng các công nghệ tiên tiến về điện-điện tử trong quản lý điều hành giao thông và kiểm tra, xử phạt vi phạm giao thông, kiểm soát giao thông; Đề án tăng cường quản lý phương tiện cá nhân.
Đoàn Loan
Theo VNE
Hà Nội treo giải thưởng 200.000 USD cho ý tưởng chống tắc đường Theo Sở Giao thông, ý tưởng dự thi có thể tập trung vào các vấn đề như định hướng xây dựng không gian ngầm, giao thông thông minh, quản lý phương tiện cá nhân... Ngày 12/1, Sở Giao thông Hà Nội tổ chức lễ công bố cuộc thi tuyển ý tưởng phương án tổ chức giao thông và các giải pháp chống ùn...