Thủ tướng Chính phủ ra công điện tăng cường phòng chống dịch Corona
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Công điện số 156/CĐ-TTg về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, trong đó nêu rõ: Hạn chế tập trung đông người; các tỉnh đã công bố dịch dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc; quyết định cho học sinh nghỉ học.
Thủ tướng Chính phủ điện: Bộ Y tế, Ngoại giao, Công an, Quốc phòng, Lao động – Thương binh và Xã hội, Giao thông Vận tải, Tài chính, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Công Thương, Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo thông tin cập nhật đến sáng 2/2/2020, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra đã xuất hiện tại 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, làm 305 người chết, trong đó đã có người đầu tiên chết ngoài Trung Quốc (tại Philippines), hơn 14.500 người nhiễm (trong đó trên 2.000 người nguy kịch), trên 43.000 người đang được theo dõi. Tại Việt Nam đã có 7 người mắc, trong đó có 4 người Việt Nam.
Ngày 1/2/2020, Thủ tướng Chính phủ đã công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (Quyết định số 173/QĐ-TTg).
Tụ tập đông người làm tăng nguy cơ lây virus corona
Để tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo:
Bộ Ngoại giao: Chủ động có văn bản trao đổi thông tin với các cơ quan chức năng của Trung Quốc về các chủ trương, biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam để tạo sự đồng thuận, chia sẻ và phối hợp phòng, chống dịch.
Video đang HOT
Thống nhất với phía Trung Quốc về việc đưa công dân Việt Nam từ Trung Quốc về nước theo các cửa khẩu quốc tế: Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn), Lào Cai (tỉnh Lào Cai), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), Tây Trang (tỉnh Điện Biên) và Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang) theo đề nghị của Bộ Quốc phòng. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an tạo điều kiện thuận lợi để công dân Trung Quốc về nước.
Bộ Quốc phòng: Chủ trì, phối hợp các Bộ, các tỉnh có cửa khẩu biên giới quản lý nghiêm ngặt việc xuất nhập cảnh, đi lại qua các cửa khẩu.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Y tế, Công an, Ngoại giao, Ủy ban nhân dân các tỉnh có cửa khẩu đường bộ, hàng không tiếp nhận người Việt Nam về nước từ vùng có dịch bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, nơi tiếp nhận, ăn nghỉ để đón công dân Việt Nam về nước và cách ly tập trung 14 ngày, quản lý chặt chẽ theo quy định. Chỉ đạo Bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng địa phương vùng biên giới kiểm soát chặt chẽ đường mòn, lối mở.
Bộ Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Ủy ban nhân dân các tỉnh liên quan tổ chức thực hiện biện pháp cách ly y tế 14 ngày đối với công dân Việt Nam trở về từ Trung Quốc; trường hợp nghi ngờ phải thực hiện ngay xét nghiệm sàng lọc và điều trị kịp thời khi phát hiện bệnh nhân nhiễm bệnh trên tinh thần 4 tại chỗ.
Đẩy mạnh việc tập huấn chuyên môn phòng, chống dịch cho các địa phương, bảo đảm xử lý tại chỗ, hạn chế việc lây chéo; chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan và các địa phương kiểm tra phương tiện, trang thiết bị, vật tư, thuốc,… phục vụ phòng, chống dịch, kịp thời báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan rà soát số lao động Việt Nam làm việc ở Trung Quốc và thông báo cho các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Y tế, các địa phương liên quan để phối hợp chuẩn bị phương án phù hợp trong trường hợp cần tiếp nhận về nước; hướng dẫn địa phương và doanh nghiệp liên quan có sử dụng lao động Trung Quốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường kiểm tra việc thực hiện dừng hẳn các lễ hội chưa khai mạc và giảm hẳn quy mô các lễ hội tại các địa phương; chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh đã công bố dịch triệt để thực hiện việc dừng tất cả lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn cụ thể việc cho học sinh nghỉ học, đặc biệt đối với học sinh dưới 12 tuổi tại các tỉnh đã công bố dịch; chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch như: Đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, sử dụng chất sát khuẩn, khử trùng trường, lớp học.
Bộ Giao thông Vận tải: Chỉ đạo việc không để người Việt Nam di chuyển đến vùng có dịch của Trung Quốc, tạo điều kiện đưa người Trung Quốc rời khỏi Việt Nam và đưa người Việt Nam từ các vùng có dịch của Trung Quốc về nước. Khi đưa người Việt Nam về nước, thông báo cho Bộ Y tế và cơ quan liên quan để thực hiện việc cách ly y tế theo đúng quy định.
Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an bố trí đón người Việt Nam từ Trung Quốc về nước qua sân bay quốc tế Vân Đồn (Quảng Ninh) và một số sân bay khác tại miền Trung, miền Nam (trừ các sân bay quốc tế).
Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an và cơ quan liên quan có phương án xử lý phù hợp phòng, chống dịch bệnh đối với hoạt động vận tải đường sắt với Trung Quốc tương tự như đối với hoạt động vận tải đường bộ, đường hàng không.
Các Bộ: Công an, Công Thương, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, tăng giá khẩu trang, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch, đưa tin thất thiệt về dịch bệnh, kể cả khởi tố điều tra xử lý theo quy định pháp luật hình sự.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan đề xuất bố trí kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo: Yêu cầu nhân dân đeo khẩu trang phù hợp tại nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng. Tăng cường tiêu độc, khử trùng tại các địa điểm tập trung đông người, nhất là trường học, chợ, siêu thị, bến xe, nhà ga, khu chung cư cao tầng. Hạn chế việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị đông người tham gia trừ các trường hợp thực sự cần thiết và để phục vụ phòng, chống dịch. Thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh đã công bố dịch: Tổ chức thực hiện ngay, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo Quyết định 173/QĐ-TTg ngày 01 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về công bố dịch. Hạn chế việc tập trung đông người; thực hiện nghiêm việc dừng tổ chức các lễ hội, kể cả lễ hội đã khai mạc. Quyết định cho học sinh nghỉ học.
Cùng ngày, trước đó, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn số 716/VPCP-KGVX gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bô Y tế về đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo cho phép học sinh, sinh viên nghỉ học phòng chống dịch nCoV. Công văn nêu rõ: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế khẩn trương hướng dẫn các địa phương về việc cho trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mầm non và học sinh tiểu học, THCS, THPT tạm nghỉ học; Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cụ thể bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo danviet.vn
Không dừng kiểm tra nồng độ cồn vì dịch Corona, chờ có chỉ đạo mới
Cục Cảnh sát giao thông (CSGT, Bộ Công an) cho biết, việc kiểm tra nồng độ cồn đối với các tài xế tham gia giao thông vẫn được tiến hành bình thường đến khi có chỉ đạo mới.
Cụ thể, ngày 1/2, Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo CSGT Công an các địa phương chủ động phòng chống, ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) lây lan.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, các quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về công bố dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống trước các diễn biến phức tạp mới của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra, ngày 1/2, Cục CSGT đã có công điện chỉ đạo CSGT Công an các địa phương triển khai các biện pháp cấp bách gồm:
Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, khuyến cáo của Bộ Y tế trong việc phòng, chống dịch bệnh, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phải tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện.
Cục CSGT Bộ Công an chỉ đạo các đơn vị cấp dưới tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc xử lý người vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, tuy nhiên quy trình cần nghiêm ngặt, đảm bảo an toàn.
Tăng cường TTKS trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, chú trọng vào các phương tiện vận tải hành khách, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp chở người nhập cảnh, vận chuyển động vật hoang dã trái phép. Phối hợp với ngành Y tế và các lực lượng chức năng kiểm soát, phòng, chống, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh để có biện pháp xử lý theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện tham gia giao thông vi phạm nồng độ cồn, tập trung xử lý đối tượng vi phạm về nồng độ cồn điều khiển phương tiện gây nguy hiểm trực tiếp đến an toàn giao thông. Quá trình kiểm tra, xử lý phải tuân thủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và cán bộ thi hành công vụ. Bảo đảm vệ sinh tiệt trùng cho thiết bị đo. Mỗi ống thổi chỉ sử dụng một lần, sau khi sử dụng phải thu gom, xử lý theo quy định của Bộ Y tế.
Quá trình thực hiện phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, đến khi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona có chỉ đạo mới.
Dừng lễ hội Khai ấn đền Trần, Côn Sơn - Kiếp Bạc để ngăn đại dịch corona Các lễ hội lớn Côn Sơn - Kiếp Bạc, Khai ấn đền Trần đều được chính quyền địa phương thông báo dừng tổ chức để đảm bảo phòng chống dịch bệnh corona. UBND tỉnh Nam Định vừa phát công văn về việc dừng tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần tại phường Lộc Vượng (TP Nam Định) để ngăn ngừa dịch corona....