Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ rõ cơ hội để phát triển bền vững
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đạt mức phát thải ròng bằng “0″ vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới; thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0″ là cơ hội để phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Sáng 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính – Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) chủ trì Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0″ vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế.
Thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo đã chủ động thực hiện công việc được phân công. Các bộ, ngành và địa phương đã có một số kết quả quan trọng. Trong đó nổi bật là việc hoàn thiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26; Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methan của ngành giao thông vận tải; Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí mê tan đến năm 2030.Một số bộ, ngành đã và đang xây dựng Kế hoạch hành động của ngành triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26 hướng tới mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0″.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp lần thứ 3 Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Các bộ, cơ quan liên quan đã rất tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác. Nhờ đó, nhiều thỏa thuận hợp tác đã được các bộ, ngành ký kết với các đối tác phát triển, các định chế tài chính, bước đầu tìm kiếm và huy động nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và triển khai các giải pháp giảm nhẹ phát thải khi nhà kính, hướng tới phát triển bền vững, phát thải carbon thấp và tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Sau Hội nghị COP26, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, tập đoàn năng lượng lớn trên thế giới mong muốn phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Một số tập đoàn lớn đang tiến hành nghiên cứu, đề xuất các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam…
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận, đánh giá những việc đã làm được, những việc chưa làm được sau phiên họp lần thứ 2 của Ban Chỉ đạo, những khó khăn, vướng mắc cần Ban Chỉ đạo cùng bàn để tháo gỡ, nhất là trong việc đổi mới về thể chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà báo cáo đánh giá tình hình triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Các đại biểu cũng cho ý kiến về dự thảo Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0″ và chuyển đổi năng lượng của Ban Chỉ đạo với các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển sắp tới; về việc chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý với các đối tác; về dự thảo Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, các dự thảo chiến lược, chương trình hành động, kế hoạch có liên quan để ban hành và sớm tổ chức triển khai thực hiện các nội dung cam kết tại Hội nghị COP26.
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương các bộ, ngành, địa phương trong thời gian qua đã rất tích cực triển khai các nhiệm vụ, công việc được giao với khối lượng lớn.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là vấn đề khách quan, toàn cầu, toàn dân, có tính chất lâu dài, chúng ta phải thích ứng an toàn, hiệu quả với biến đổi khí hậu. Mỗi quốc gia có trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính, thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu kể từ năm 2021 trở đi nhằm giữ cho mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ này.
Các thành viên Ban Chỉ đạo tham dự phiên họp. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng nêu rõ, đạt mức phát thải ròng bằng “0″ vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Đây cũng là yêu cầu mới về thương mại, đầu tư toàn cầu đã được xác lập kể từ sau Hội nghị COP26.
Video đang HOT
Theo Thủ tướng, để thực hiện các cam kết tại COP26, chúng ta xác định rõ thêm một số quan điểm. Thứ nhất, thích ứng với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0″ là cơ hội để phát triển bền vững, ưu tiên trong các quyết sách phát triển, tiêu chuẩn đạo đức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân.
Thứ hai, ứng phó với biến đổi khí hậu được thực hiện trên nguyên tắc công lý, công bằng, với cách tiếp cận toàn cầu và toàn dân; dựa trên thể chế đồng bộ, chính sách, pháp luật hiệu lực và hiệu quả, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy nội lực và hợp tác quốc tế.
Thứ ba, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội; là trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mọi người dân. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, dẫn dắt; người dân và doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và là chủ thể thực hiện cùng với sự tham gia hiệu quả của các tổ chức chính trị-xã hội.
Thứ tư, triển khai các giải pháp cấp bách, có trọng tâm, trọng điểm để làm giảm mức độ dễ bị tổn thương, tăng cường sức chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn, sinh kế cho người dân ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng; tập trung phát triển hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển dịch năng lượng dựa trên tiềm năng, lợi thế của vùng, miền.
Thứ năm, tập trung nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển các cơ chế tài chính, thị trường carbon, thúc đẩy chuyển dịch đầu tư cho phát triển kinh tế ít phát thải; tăng cường hợp tác công tư, phát huy nguồn lực của Nhà nước làm đòn bẩy thu hút các nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, nguồn lực quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Thứ sáu, thực hiện các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó có cân đối lớn về năng lượng.
Về các nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao để chủ động, tích cực triển khai các công việc được phân công.
Về các chiến lược, đề án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm hoàn thiện, trình lãnh đạo Chính phủ ký ban hành Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị COP26, phấn đấu hoàn thành trong tháng 7/2022; trên cơ sở hồ sơ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường chuẩn bị, Văn phòng Chính phủ rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050; Kế hoạch hành động giảm phát thải khí methan đến năm 2030.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thị trường carbon tại Việt Nam theo quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đề xuất các loại thuế, khuyến khích sử dụng năng lượng sạch, xanh.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất chính sách khuyến khích phát triển công nghệ, năng lượng sạch, xanh. Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng chương trình chuyển đổi số phục vụ chống biến đổi khí hậu, trong đó có phát triển xanh. Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng chương trình để các doanh nghiệp đi theo xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Thủ tướng thống nhất nội dung Đề án tổ chức Hội nghị đối thoại hợp tác với các đối tác phát triển về triển khai thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0″ và chuyển đổi năng lượng; chú ý làm rõ nhu cầu cần hỗ trợ cụ thể của mỗi bộ, ngành, lĩnh vực để thực hiện mục tiêu Việt Nam cam kết tại COP26.
Người đứng đầu Chính phủ đồng ý về kế hoạch đàm phán và những vấn đề chính của Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng, công lý; theo đó, xác định chuyển đổi năng lượng là xu hướng toàn cầu, là cơ hội và cũng là thách thức đối với Việt Nam. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Ngoại giao khẩn trương dự thảo, đàm phán với đối tác, đảm bảo tính công bằng, công lý, khả thi, phù hợp với điều kiện phát triển của đất nước và xu hướng phát triển của nhân loại. Chuẩn bị kỹ các tài liệu, dữ liệu, thông tin, thể hiện rõ và bảo vệ chính kiến, tranh thủ mọi nguồn lực nhưng nguyên tắc bất di bất dịch là giữ vững độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Để thực hiện kế hoạch đàm phán, Thủ tướng giao các bộ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan khẩn trương xây dựng hoàn thành trước cuối tháng 8/2022 các báo cáo nền về: Chuyển đổi công bằng trong khai thác, chế biến nhiên liệu hóa thạch; chuyển đổi công bằng trong sản xuất điện (Bộ Công Thương); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực xây dựng và quản lý tòa nhà (Bộ Xây dựng); chuyển đổi công bằng trong lĩnh vực nông nghiệp và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); tác động của quá trình chuyển đổi năng lượng tới an sinh, xã hội và việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội).
Thủ tướng giao các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng ban hành các hướng dẫn về kiểm kê khí nhà kính, đo đạc-báo cáo-thẩm định đảm bảo nội dung, tiến độ theo đúng quy định về ứng phó với biến đổi khí hậu tại Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon.
Về thực hiện các cam kết khác của Việt Nam tại COP26, Bộ Công Thương hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành Kế hoạch thực hiện Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất để báo cáo tại cuộc họp lần thứ tư của Ban Chỉ đạo.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam; trên cơ sở NDC đã gửi Liên hợp quốc năm 2020, bổ sung những điểm mới, nỗ lực của Việt Nam thực hiện cam kết đã đưa ra tại Hội nghị COP26, hoàn thành trong tháng 9/2022.
Trên cơ sở kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ tổng hợp báo cáo Chính phủ về những bất cập để sửa đổi các quy định hiện hành tạo thông thoáng cho các hoạt động phát triển năng lượng tái tạo.
Trong đó, nghiên cứu việc ban hành Nghị quyết của Chính phủ chấp thuận hoạt động đo gió, quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tác động môi trường trên biển phục vụ lập các dự án điện gió có tính cấp bách. Bộ Tài nguyên và Môi trường khảo sát, đánh giá tổng thể về tiềm năng điện gió trên cả nước.
Bộ Công Thương chủ trì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành cơ chế xác định giá bán điện, cho phép áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp; sớm trình cấp có thẩm quyền ban hành quy hoạch chi tiết phát triển điện gió ngoài ngoài khơi.
Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành liên quan đề xuất phương án tăng cường cán bộ cho lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu tại tất cả các cấp, các ngành, theo hướng cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc thuộc lĩnh vực quản nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi xanh. Đặc biệt, cần quan tâm rà soát lại thể chế, cơ chế chính sách phù hợp; huy động mọi nguồn lực tài chính hợp pháp; đổi mới khoa học công nghệ; đào tạo, nâng cao chất lượng và cơ cấu lại nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học công nghệ; nâng cao năng lực quản trị.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng trước mắt mà Thủ tướng nhấn mạnh là tập trung phát triển nền công nghiệp về chuyển đổi năng lượng, nghiên cứu công nghệ chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy sản xuất các thiết bị trong nước… Đây là “một mũi tên trúng hai đích”, khi vừa thực hiện được các cam kết quốc tế, vừa phát triển được năng lực, công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp có thị trường rất lớn trong và ngoài nước này.
Theo Thủ tướng, phải kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam với xu thế phát triển của thời đại, của công nghệ… Cần quyết tâm cao hơn nữa, coi đây là cơ hội cho Việt Nam phát triển công nghệ và công nghiệp năng lượng mới, có một chiến lược cho việc này.
Cùng với đó, phải luôn bám sát diễn biến tình hình, kịp thời rà soát, điều chỉnh, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp trên đây, tăng cường giám sát, kiểm tra, kỷ luật, kỷ cương để có sản phẩm, kết quả cụ thể, đo đếm được trên cơ sở tính toán lợi ích tổng thể của từng ngành, giữa các ngành và của quốc gia, dân tộc, chống lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng và tránh những hạn chế, bất cập trong các công việc trước đây đã làm, bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi tiêm vắc xin, không chủ quan với Covid-19
Tiếp xúc cử tri tại TP.Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kêu gọi cử tri, đồng bào cả nước tích cực tham gia tiêm vắc xin ngừa Covid-19; xem đó là quyền lợi, nghĩa vụ với chính mình và xã hội.
Cần Thơ phục hồi sau kiểm soát dịch Covid-19
Sáng 10.7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tiếp xúc cử tri TP.Cần Thơ, báo cáo kết quả kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, các ý kiến cử tri đánh giá cao kết quả nổi bật, những đổi mới tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 15 và hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ, các quyết sách quan trọng; xử lý ngay những vướng mắc trong quá trình phát triển và có các quyết sách mới để phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và TP.Cần Thơ, vùng ĐBSCL nói riêng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp xúc cử tri tại TP.Cần Thơ sáng 10.7. Ảnh L.CHINH
Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ báo cáo, lần đầu tiên trong lịch sử, tại 1 kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng giao thông quan trọng; trong đó có dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa hết sức thiết thực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP.Cần Thơ, vùng ĐBSCL và của cả nước.
Cùng với những kết quả chung cả cả nước, tình hình kinh tế - xã hội Cần Thơ đã phục hồi và vươn lên mạnh mẽ sau khi kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, GRDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,04%; chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 12,9%; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 15,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 21%; khách du lịch tăng 55%...
Cũng tại buổi tiếp xúc cử tri, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường đã giải trình, tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương như tình hình, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố; cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; quản lý đất đai và một số vụ việc, dự án cụ thể.
Cử tri Cần Thơ đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị tới Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ. Ảnh L.CHINH
Cử tri TP.Cần Thơ đã đánh giá cao những chỉ đạo sâu sát của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời luôn gắn bó mật thiết, lắng nghe ý kiến cử tri, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương, nâng cao đời sống người dân.
Cử tri Cần Thơ cũng đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị về sửa đổi luật Đất đai; tăng hình phạt đối với tội phạm; về giá sách giáo khoa; chế tài để hạn chế tình trạng hàng gian, hàng giả; chế độ, chính sách cho viên chức y tế cấp xã và giải quyết khó khăn mua sắm trang thiết bị y tế; đào tạo nguồn nhân lực...
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 là quyền lợi và trách nhiệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, các ý kiến của cử tri đều thể hiện sự thẳng thắn, khách quan, tâm huyết, trách nhiệm, mang tính xây dựng, đúng và trúng vấn đề xã hội quan tâm.
Thủ tướng đã nhấn mạnh một số quan điểm định hướng quan trọng thời gian tới. Theo đó, về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, đặc biệt là tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19. Cùng với đó là phải đảm bảo thuốc, vật tư y tế và nhân lực ngành y.
Thủ tướng kêu gọi cử tri Cần Thơ và cử tri, đồng bào cả nước tích cực tham gia tiêm chủng vắc xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế để đạt mục tiêu Chính phủ đề ra, bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả, nhất là đối tượng nguy cơ cao. Cử tri cần xác định tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người với chính mình và gia đình, xã hội.
Cũng trong lĩnh vực y tế, Chính phủ đã phân bổ 14.000 tỉ đồng để đầu tư xây mới, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, sản xuất, bảo đảm vắc xin, thuốc điều trị Covid-19...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trong bối cảnh sức ép lạm phát rất lớn, việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế được xem là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay. Cùng với đó là quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, tích cực phòng chống đầu cơ, găm hàng, nâng giá, buôn lậu, gian lận thương mại; bảo đảm vững chắc nguồn cung năng lượng (xăng dầu, điện); bảo đảm tuyệt đối an ninh lương thực trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực và làm tốt công tác tiếp công dân, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế...
Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành TP.Cần Thơ tiếp tục tổng hợp, giải trình, tiếp thu và giải quyết những đề xuất, kiến nghị của cử tri; thuộc thẩm quyền của cấp, ngành nào thì cấp, ngành ấy phải giải quyết thấu đáo. Đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền, UBND TP.Cần Thơ tổng hợp, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành giải quyết theo quy định. Riêng với những vấn đề thuộc thẩm quyền Quốc hội, đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ tiếp tục tổng hợp, báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.
Thủ tướng: Hoàn tất công tác chuẩn bị, khởi công xây dựng Nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất Nhân chuyến công tác dự, chủ trì hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam tại TP Hồ Chí Minh, chiều 9/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kiểm...