Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm hành vi vi phạm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông
Thủ tướng chỉ đạo đảm bảo an toàn cho người dân khu vực bị ảnh hưởng sau vụ cháy; điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Video: Hàng quán đóng cửa, dân quanh Công ty Rạng Đông thi nhau bán nhà
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc xử lý hậu quả sự cố vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan trực tiếp chỉ đạo, tiếp tục khẩn trương triển khai các công việc xử lý hậu quả vụ cháy ở Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu thực hiện ngay các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố vụ cháy; Đôn đốc, hướng dẫn, giám sát thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường; Đồng thời điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy nổ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cần tiếp tục triển khai thực hiện việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm và có nguy cơ gây ô nhiễm ra khỏi khu vực đô thị và khu vực tập trung đông dân cư theo ký hoạch đã được chỉ đạo.
Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm các hành vi vi phạm sau vụ cháy Công ty Rạng Đông.
Đám cháy nhà kho Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông (87-89 phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân) xảy ra lúc 18h ngày 28/8 thiêu rụi hàng trăm m2 trong tổng diện tích 6.000 m2 nhà kho.
Nhiều chuyên gia đánh giá vụ cháy là “thảm họa môi trường” khi hàm lượng thủy ngân phát tán ra ngoài sau vụ cháy lên đến 27,2 kg.
Tuy nhiên, trong khi phường Hạ Đình đưa ra cảnh báo ô nhiễm thì quận Thanh Xuân lại nói môi trường an toàn. Tại cuộc họp báo chiều 4/9, Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay, không khí phía trước và trong khu nhà kho bị cháy có giá trị thủy ngân cao, vượt ngưỡng khuyến cáo của WHO 10-30 lần.
Bộ Tài nguyên Môi trường đã mời Binh chủng Hóa học cùng tham gia tẩy độc môi trường. Hà Nội cũng có công văn mời chuyên gia nước ngoài đến khắc phục ô nhiễm.
XUÂN TRƯỜNG
Theo VTC
Cuộc tháo chạy khỏi nơi xảy ra thảm họa Rạng Đông
10 ngày sau vụ cháy, hàng trăm hộ dân quanh Công ty Rạng Đông đã phải sơ tán vì nguy cơ nhiễm độc thủy ngân. Cả khu phố vốn sầm uất trở nên hoang tàn, vắng lặng.
Khung cảnh hiu quạnh, hoang tàn
10 ngày sau vụ hỏa hoạn tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, khu phố xung quanh chìm trong sự vắng vẻ, tĩnh mịch. Mùi khét vẫn lan tỏa, người đeo hai lớp khẩu trang vẫn thấy bị xộc vào trong mũi.
Dọc con ngõ 342 Khương Đình, nơi tiếp giáp trực tiếp với hiện trường vụ hỏa hoạn, hàng loạt căn nhà, cửa hiệu khóa cửa, thấp thoáng vài tờ giấy dán vội ở cửa nhà thông báo cho thuê, sang nhượng, di chuyển cửa hàng. Người dân các khu vực lân cận vẫn đi qua nơi phủ bạt chăng dây phong tỏa hiện trường nhưng khá thưa thớt.
Hầu như ai qua lại cũng đi thật nhanh. 10 người thì 8 người đeo khẩu trang, cảnh chưa từng thấy trong con ngõ từng khá nhộn nhịp với cảnh giao thương mua bán này. Ở đây có đủ loại hình kinh doanh, từ cửa hàng thời trang, tiệm cắt tóc gội đầu, nha khoa, nhà hàng ăn uống... Vậy mà giờ đã trôi dạt đi đâu hết, chỉ còn lại những tấm biển quảng cáo.
Hầu hết căn nhà, cửa hàng khóa trái cửa, họ dọn đi nơi khác kinh doanh hoặc ở tạm. Chủ nhà treo bảng rao vặt tìm người thuê mới.
Phần lớn người dân quanh vùng đi qua đây đều đeo khẩu trang, nhưng cũng có nhiều thanh niên không phòng bị.
Hiếm khi lắm người ta mới bắt gặp một vài người qua lại. Họ ngó nghiêng, bàn tán về vụ cháy kinh hoàng vào tối 28/8, nhưng nội dung câu chuyện chẳng còn là nguyên nhân hay sự kinh hoàng của đám cháy hôm đó nữa. Mà giờ đây câu chuyện được họ nhắc tới là thủy ngân, là những mối nguy hại cho sức khỏe của gia đình mình.
Bức ảnh hiện trường vụ cháy được anh Hiếu chụp lại từ chính ban công nhà mình, đối diện khu nhà xưởng bị cháy của Công ty Rạng Đông, cách chừng 15 m.
Cửa hàng cơm của gia đình anh Hiếu nghỉ bán từ hôm xảy ra vụ cháy.
Ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Khuyên có bức tường nằm sát với khu nhà kho của công ty Rạng Đông. 10 ngày nay, cả gia đình bà phải di dời toàn bộ, đóng cửa hàng, không dám ở lại vì sợ bị đổ ập xuống bất cứ lúc nào. Ngôi nhà 4 tầng chưa đầy 3 năm tuổi của bà Khuyên bị cháy toàn bộ đồ đạc, cửa kính, bóng đèn vỡ vụn, cột dầm hiện rõ từng đường nứt dài tới cả mét.
"Cháy liên tục gần 6 tiếng, tường cùng với cột dầm bị lửa hun nứt hết, đồ đạc thì cháy thành tro, mất hết cả rồi", anh Minh (con trai bà Khuyên), vừa chỉ tay vào từng vết nứt, vừa đau xót nói.
Kém may mắn hơn bà Khuyên, gia đình anh Lê Công Cương nằm cách hai số nhà vẫn phải bám trụ lại sau vụ cháy. Phòng ngủ của anh giờ trở thành một phần của hiện trường bởi chỉ ba ngày sau hỏa hoạn, chính quyền đến niêm phong tầng 2 để đảm bảo an toàn. Nhưng vì đây là nơi buôn bán chính, anh vẫn quyết tâm quay lại.
"Biết là nguy hiểm nhưng tôi vẫn bám trụ, phần vì sợ mất mối khách, phần cũng là để trông nhà, trông hàng", anh Cương nói.
Chứng kiến ngọn lửa bốc lên dữ dội vào đêm 28/8, anh Cương chỉ biết diễn tả bằng hai chữ: Kinh hoàng. "Tôi chẳng kịp lấy ra thứ gì, gần 200 triệu tiền hàng cứ thế cháy bùng ngay trước mắt. Giờ tiền còn kiếm lại được, nhà xây lại được nhưng đáng lo nhất là sức khỏe chúng tôi chẳng biết có được đảm bảo hay không", anh chia sẻ.
Cuộc tháo chạy khỏi chính căn nhà của mình
- Các cháu nhà bác đưa về đâu rồi?
- Nhà ngoại
- Nhà bác thì sao?...
Đó là những mẩu đối thoại thường thấy trong nhiều ngày qua của cư dân cuối phố Hạ Đình kể từ khi lãnh đạo phường ra khuyến cáo di tản vì lo ngại ô nhiễm từ vụ cháy. Nhà ngoại - đối với ông Kiệm, một đại tá quân đội về hưu, là ngay bên đường Nguyễn Xiển cách đó vài cây số. Nhưng đối với ông Biên, thượng tá chuyên nghiệp, là một huyện xa tít tắp của Hà Tây cũ.
Cả tổ dân phố toàn sĩ quan về hưu, tiếng người già trẻ nhỏ xôn xao hồ Hạ Đình mỗi chiều, đến nay hoang vắng như thời chiến.
Ở những khu phố cách tâm đám cháy khoảng 50 m, không khí dường như đã trở lại bình thường, không còn thấy rõ mùi khét của hóa chất. Nhưng hóa ra nỗi khổ của người dân lại nằm bên trong chính căn nhà của họ.
Đám mây khói bụi trong đêm 28/8 đã kịp len lỏi vào các căn hộ, ám vào đồ vật đến nỗi sau 10 ngày vẫn còn mùi khét. Cái mùi theo mô tả của ông Kiệm, không giống mùi khét do đốt nhựa, nylon mà phảng phất mùi hóa chất thường thấy trong bệnh viện.
Làn sóng di tản đã lan từ tâm đám cháy đến tận khu chung cư 54 Hạ Đình cách đó đó 200 m. Phía trên 2 tòa nhà, thấp thoảng chỉ khoảng vài căn sáng đèn lúc gần 19h, vài nhân viên bảo vệ thay nhau đi tuần.
Gần 19h, chỉ có vài căn nhà sáng đèn trên tòa A1 của chung cư.
Tờ rơi vẫn cài ở đó nhiều ngày sau khi hộ dân đã chuyển đi do một cơ sở y tế phát đến từng nhà quanh khu vực hỏa hoạn, có nội dung tuyên truyền cách phòng chống nhiễm độc thủy ngân.
Phóng viên Zing.vn gặp gỡ anh Nguyễn Huy Toản khi anh đang vội vã nấu bữa cơm tối. Anh đang nấu cơm mang vào cho chị gái mình đang nằm viện. Chị gái anh nhập viện được 2 ngày hôm nay vì sốt phát ban. Anh và chị gái bày tỏ sự lo lắng về sức khỏe vì căn hộ chỉ cách hiện trường chừng 200 m, ban công hướng thẳng về phía đám cháy.
Anh Toản cũng chia sẻ thêm ngay buổi tối đám cháy, hướng gió thổi kéo theo khói nồng nặc mùi khét bay về phía nhà anh. Sau 10 ngày, anh vẫn không dám mở cánh cửa ra vào của ban công.
Hiện trường vụ cháy nhìn từ ban công nhà anh Toản.
Trên tay anh Toản là tờ thông báo gửi tới người dân cảnh báo về nhiễm độc thủy ngân của phường Hạ Đình. Anh cho biết thông báo được gửi ngay sau hôm vụ cháy xảy ra.
Còn với gia đình anh Nam, cư dân tầng 4, cả gia đình đang gấp rút chuyển đồ đạc sang nơi ở mới. Người đàn ông cho biết việc tìm nhà để thuê trong thời điểm này rất khó, chưa kể phía chủ nhà còn yêu cầu ký hợp đồng trên 6 tháng trong khi đa phần những người như anh chị chỉ thuê 20 ngày đến 1 tháng.
"Chiều nay tôi mới tìm thuê được một căn chung cư ở Lê Văn Lương với giá 9 triệu mỗi tháng, giờ sẽ chuyển đi ngay", anh nói rồi khệ nệ bê ôm chiếc nồi cơm điện và vài món đồ bước vào thang máy.
Không chỉ chuyển đi là xong, chị Nguyễn Thị Loan, cư dân tầng 7 mỗi ngày lại phải trở về căn nhà của mình một lần để quét dọn, đề phòng trộm cắp khi hầu như cư dân tòa nhà đã chuyển đi hết. "Nhà tôi đi thế là còn muộn đấy, cả tầng chẳng còn ai đâu", chị nhìn vào căn nhà trống cười gượng.
Ông Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban quản trị khu chung cư 54 Hạ Đình, cho biết kể từ sau sự cố tại công ty Rạng Đông, khoảng 90% hộ dân phải bỏ đi nơi khác ở. Người dân đều tỏ ra bức xúc và lo lắng cho sức khỏe của con em mình.
"Bên cạnh nỗi sợ nhiễm độc là lo ngại về tình hình an ninh trật tự. Người dân bỏ nhà đi hết rất dễ xảy ra tệ nạn, trộm cắp. Chưa kể việc phải đi thuê nhà gây không ít tốn kém và bất tiện cho mọi người", ông Tiến nói.
"Tôi 80 tuổi bị vô sinh cũng được, nhưng còn lũ trẻ..."
Trẻ nhỏ, người già được đưa về quê, những người trưởng thành bám trụ lại để lao động sản xuất và trông coi nhà cửa. Chuyện lạ như thế tưởng chỉ có ở thời bom đạn nhưng đang diễn ra ngay giữa thủ đô.
Căn phòng nhỏ của 2 công nhân chở vật liệu xây dựng là ông Lực và ông Liên chỉ cách hiện trường vụ cháy 2 bức tường. Phần nóc cũng vì đám cháy mà bục một lỗ hổng trên tường thông về phía đống đổ nát của đám cháy. Ba chiếc quạt trong nhà phải hoạt động 24/24h trong căn phòng để làm giảm bớt mùi khét, riêng lỗ hổng trên kia được đặt một chiếc quạt thổi ngược ra để ngăn mùi xộc qua.
Giấy hẹn sau khi ông Lực đã đi khám ở phường Hạ Đình.
Dù đã 10 ngày trôi qua, căn phòng của ông Lực vẫn 3 chiếc quạt cùng hoạt động 24/24h để ngăn giúp căn phòng bớt mùi khét từ nhà xưởng.
Còn ông Kiệm chỉ tay ra con ngách 101 trước cửa nhà. Chỗ ấy trước là chợ cóc, xe cộ đi lại còn khó khăn nhưng nay đã sạch bách hàng quán. Nhìn thẳng về cuối ngách là tấm bạt màu xanh đang quây hiện trường vụ cháy.
"Chúng tôi tưởng đó là nhà kho thông thường, có ai ngờ lại chứa hóa chất như vậy giữa khu dân cư này. Ai chịu trách nhiệm về việc đó? Ai ngăn cản phường ra khuyến cáo cho người dân?", vị sĩ quan về hưu đặt câu hỏi.
Hai cháu nội và cô con dâu của ông Kiệm đã chuyển sang ở nhà ông bà ngoại bên đường Nguyễn Xiển cách đó hơn 1 km. Con trai đi làm. Căn nhà 3 tầng trống trải chỉ còn một mình ông.
"Sau những gì đã xảy ra, chính quyền chỉ kết luận một câu 'không ảnh hưởng' thì có thuyết phục không? Thủy ngân gây vô sinh là điều ai cũng biết. Tôi 80 tuổi rồi thì vô sinh cũng được, nhưng còn các con cháu tôi thì sao?", ông lão không giấu bức xúc.
Những lo lắng của ông Kiệm và người dân ngõ Hạ Đình không phải không có cơ sở. Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), lượng thủy ngân đã phát tán ra ngoài do sự cố hỏa hoạn tại Công ty Rạng Đông có thể lên đến 27,2 kg, bán kính nguy hại tới 500 mét.
"Quả bom nổ chậm" tồn tại đến bao giờ?
Trong một phát biểu tại kỳ họp thứ 9 HĐND Hà Nội hồi tháng 7 vừa qua, Giám đốc Sở Công thương Lê Hồng Thăng từng khẳng định về xu hướng sản xuất công nghiệp tại thủ đô là công nghiệp nằm trong đô thị chứ không di dời khỏi đô thị. "Nhưng đó phải là công nghiệp sạch, bền vững, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến... thì mới tồn tại trong khu đô thị được", ông Thăng nhấn mạnh.
Những mục tiêu mà lãnh đạo ngành công thương thành phố hướng đến trái ngược với những gì đã và đang được phép tồn tại ở Công ty Rạng Đông. Qua đấu tranh, công ty này mới thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thủy ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam như báo cáo Rạng Đông gửi đi sau vụ cháy.
Đến lúc này, người dân xung quanh công ty mới hiểu mình đang sống ngay sát một "quả bom nổ chậm" suốt nhiều năm trời. Lãnh đạo Rạng Đông trong một nỗ lực bưng bít sự thật về quả bom này đã nói dối người dân và chính quyền.
Người dân càng bức xúc hơn khi đọc bức thư xin lỗi ngày 6/9 của lãnh đạo Rạng Đông. Đơn vị này cáo lỗi vì đã "làm bận tâm, phiền hà đến lãnh đạo thành phố, quận Thanh Xuân...", trong khi những tổn thương, thiệt hại của người dân chỉ được nhắc đến qua vài chữ ngắn ngủi.
Rạng Đông - nói một cách công bằng - từng là niềm tự hào của ngành công nghiệp thủ đô. Từ những năm sau giải phóng, đường Nguyễn Trãi đã trở thành thủ phủ công nghiệp dân dụng. Những cái tên như Cao - Xà - Lá (bao gồm Nhà máy cao su, xà phòng và thuốc lá Thăng Long), Nhà máy Rạng Đông hay Nhà máy Cơ khí Chính xác... đã cho ra đời các sản phẩm gắn liền với ký ức người Hà Nội.
Ông Kiệm, ông Biên hay bà Khuyên, những cư dân đã sống gần nửa đời người ở Hạ Đình, đều mong muốn Rạng Đông chuyển ra ngoại ô, nơi ít dân cư. Phần đất để lại sẽ được dùng làm công viên, sân chơi cho cư dân hoặc những công trình phúc lợi xã hội.
Duy Hiệu - Ngọc Tân - Hồng Quang
Theo Zing.vn
Tẩy độc nhà máy Rạng Đông phức tạp như thế nào? Theo các chuyên gia, xử lý, tiêu độc khu vực quanh Công ty Rạng Đông sẽ khó khăn, phức tạp bởi thuỷ ngân có hoá tính phức tạp và đã ngấm vào nhiều thành phần môi trường. Trao đổi với Zing.vn ngày 8/9, lãnh đạo Viện Hóa học Môi trường Quân sự cho biết đơn vị làm việc cả 2 ngày cuối tuần,...