Thủ tướng Australia nói ông Trump tốn thời gian chỉ trích truyền thông
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump đang lãng phí quá nhiều thời gian vào việc chỉ trích truyền thông, trong khi điều ông cần làm là học cách hòa hợp.
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: Getty)
“Winston Churchill, một chính trị gia lão luyện, từng nói rằng việc một chính trị gia than phiền về báo chí chẳng khác nào một thủy thủ phàn nàn về biển cả”, Reuters dẫn lời Thủ tướng Malcolm Turnbull nói với các phóng viên tại New Zealand hôm nay 17/2, trong đó nhắc tới tên của cố Thủ tướng Anh.
Theo nhà lãnh đạo Australia, truyền thông luôn song hành cùng các chính trị gia và giúp họ truyền tải các thông điệp tới người dân. Do vậy, phát biểu trước các phóng viên, Thủ tướng Turnbull đã gửi lời cảm ơn tới họ vì sự giúp đỡ tốt đẹp dành cho ông.
Video đang HOT
Phát biểu trên của ông Turnbull được đưa ra trong bối cảnh mối bất hòa giữa Tổng thống Trump và giới truyền thông vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống dù tỷ phú New York đã nhậm chức được gần 1 tháng. Ông chủ Nhà Trắng thường xuyên tố những lời chỉ trích của truyền thông nhằm vào ông là “bịa đặt”, thậm chí ông còn mô tả truyền thông như một “đảng đối lập”.
Mới đây, trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng hôm 16/2, Tổng thống Trump liên tục cáo buộc các phóng viên Mỹ là những người thù địch và bất lương khi đưa tin về tháng làm việc đầu tiên của ông tại Nhà Trắng. Ông cho rằng báo chí đang thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát, đồng thời đổ lỗi cho báo chí khi công bố các “thông tin sai lệch” liên quan đến chính quyền mới do ông lãnh đạo.
Liên quan tới mối quan hệ được cho là không mấy suôn sẻ với tân tổng thống Mỹ, Thủ tướng Australia cho biết ông và Tổng thống Trump đã tiến hành một số cuộc điện đàm “mang tính xây dựng”. “Đó là những cuộc điện đàm thẳng thắn và rất giá trị”, ông Turnbull nói với các phóng viên.
Trước đó, truyền thông Mỹ đưa tin trong cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Australia hôm 28/1, Tổng thống Trump đã dập máy giữa chừng khi đang tranh luận với Thủ tướng Turnbull về thỏa thuận tiếp nhận người tị nạn giữa hai nước từ thời Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama. Thông tin này đã khiến dư luận xôn xao và tân tổng thống Mỹ cũng nhận nhiều chỉ trích về cách hành xử “phi ngoại giao” với nhà lãnh đạo nước ngoài.
Thành Đạt
Theo Dantri
Nhật yêu cầu Australia giải thích lý do thua thầu đóng tàu ngầm
Tokyo muốn Canberra giải thích tại sao Australia quyết định chọn Pháp là bên sẽ đóng 12 tàu ngầm trị giá 40 tỷ USD mà không phải Nhật Bản.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakataki. Ảnh: Reuters.
"Quyết định trên là vô cùng đáng tiếc", Reuters dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakataki nói. "Chúng tôi sẽ đề nghị Australia giải thích tại sao họ không chọn chúng tôi".
Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull hôm nay tuyên bố công ty đóng tàu DCNS của Pháp đã chiến thắng hợp đồng đóng 12 tàu ngầm cho nước này, trị giá 40 tỷ USD. Hai đối thủ khác cạnh tranh với DCNS là chi nhánh tại Australia của công ty đóng tàu Đức ThyssenKrupp Marine Systems và công ty Mitsubishi Heavy Industries đến từ Nhật Bản.
DCNS giới thiệu tàu ngầm 5.000 tấn phiên bản sử dụng động cơ diesel-điện của tàu ngầm hạt nhân lớp Barracuda với trợ giá tốt. Nhật Bản đưa ra phiên bản tàu ngầm 4.000 tấn lớp Soryu còn Đức giới thiệu tàu ngầm 2.000 tấn loại Type 214.
Giới chức Australia đã thông báo với Nhật Bản về lựa chọn, giải thích rằng thiết kế mà Pháp đề xuất phù hợp với nhu cầu hơn, ông Nakatani cho biết.
Một nguyên nhân có thể nữa là nếu Australia ký hợp đồng với Nhật Bản, nó sẽ tăng cường mối quan hệ giữa hai đồng minh chiến lược của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương nhưng có thể làm mất lòng Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của Australia.
Dưới thời thủ tướng Australia Tony Abbott, Nhật Bản là bên dẫn đầu trong cuộc đua giành hợp đồng đóng tàu ngầm. Tuy nhiên, Nhật Bản nhanh chóng mất đi lợi thế này sau khi ông Abbott bị mất vị trí lãnh đạo trong một cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng và ông Turnbull lên làm thủ tướng.
Như Tâm
Theo VNE