Thủ tướng: ‘ASEAN cần kiên định với con đường của mình’
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng ASEAN cần phát huy tinh thần đoàn kết và kiên định với con đường của mình khi thế giới có nhiều biến động.
“Trong bối cảnh phức tạp hiện nay, ASEAN cần tiếp tục thể hiện đoàn kết, kiên định với con đường và phương cách của mình trong hơn 5 thập kỷ, đúng với tinh thần Tuyên bố ngày 8/8 vừa qua”, Thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan sáng nay tại Hà Nội.
Lãnh đạo Việt Nam nhắc đến “Tuyên bố chung về Tầm quan trọng của việc Duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á” các ngoại trưởng ASEAN đưa ra hôm 8/8, nhân kỷ niệm 53 năm thành lập ASEAN. Trong đó Hiệp hội tái khẳng định cam kết duy trì một Đông Nam Á hoà bình, an ninh, trung lập, ổn định, đồng thời củng cố các giá trị hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Tuyên bố cũng xác định những nguyên tắc và định hướng lớn giúp ASEAN thích ứng với những biến động, cạnh tranh nước lớn gia tăng ở khu vực và thế giới, từ đó tiếp tục củng cố đoàn kết và vai trò trung tâm của Hiệp hội.
“Các bộ trưởng ngoại giao ASEAN đã khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Đông Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường, tăng cường vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy xây dựng lòng tin và cùng nhau hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định, tôn trọng lẫn nhau và dựa trên luật lệ”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai mạc AMM 53 sáng 9/9 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
Phát biểu của Thủ tướng Việt Nam được đưa ra trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng trở nên khốc liệt trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đến xã hội và kinh tế của nhiều quốc gia trên thế giới.
Video đang HOT
Theo lãnh đạo Việt Nam, 2020 là năm nhiều cảm xúc. ASEAN bước sang thập kỷ thứ 6, Cộng đồng hình thành 5 năm, phát triển mạnh mẽ, thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và là lực lượng quan trọng, giữ vai trò trung tâm cho đối thoại, hợp tác vì hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Trong năm Việt Nam làm chủ tịch ASEAN 2020, gắn kết, chủ động, thích ứng, và trách nhiệm đã trở thành “thương hiệu” của ASEAN.
Vai trò, vị thế quốc tế của ASEAN ngày càng tăng cao. Là Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Việt Nam đã dự Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20, Hội nghị Phong trào Không Liên kết, Hội nghị đại hội đồng của Tổ chức y tế thế giới (WHO) về Ứng phó dịch COVID-19 và đã chuyển tải thông điệp của ASEAN, đồng hành cùng cộng đồng quốc tế đối phó với thách thức mang tính toàn cầu này. Tổng thư ký ASEAN lần đầu tiên phát biểu tại Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, thể hiện hợp tác, cam kết và đóng góp của ASEAN với các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế của Liên Hợp Quốc. ASEAN đã đưa ra các sáng kiến lập Quỹ ứng phó COVID-19, lập Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, xây dựng Quy trình chuẩn ứng phó dịch bệnh và thúc đẩy phục hồi tổng thể.
Khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, người dân và doanh nghiệp đang phải gánh chịu nhiều thiệt hại, môi trường địa chính trị, kinh tế khu vực, trong đó có cả Biển Đông, đang có nhiều biến động ảnh hưởng hòa bình, ổn định, Thủ tướng cho rằng ASEAN cần tập trung phát huy hiệu quả vai trò trung tâm của Hiệp hội trong thúc đẩy đối thoại, hợp tác, xây dựng lòng tin. Từ đó, Hiệp hội có thể hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng, bình đẳng, tin cậy lẫn nhau trong quan hệ giữa các quốc gia, giải quyết hòa bình các tranh chấp, khác biệt trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước luật biển năm 1982 của Liên Hợp Quốc (UNCLOS) và tinh thần các văn kiện quy chuẩn của ASEAN về ứng xử chung ở khu vực như Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Lãnh đạo Việt Nam cũng trông đợi ASEAN tập trung đẩy lùi dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi bền vững, sử dụng hiệu quả Quỹ ứng phó COVID-19 và đưa vào vận hành Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực, hỗ trợ năng lực ứng phó của ASEAN. Các nước thành viên cần thảo luận về biện pháp nhanh chóng hỗ trợ người dân, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy mạnh kết nối, gắn kết các tiểu vùng trong đó có Mekong với phát triển chung của ASEAN. Hiệp hội cũng cần tiếp tục đề cao đoàn kết, giữ vững thống nhất, triển khai thành công các Kế hoạch tổng thể thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, kịp thời đánh giá, nâng cao hiệu quả triển khai Hiến chương ASEAN, làm cơ sở hoạch định tầm nhìn phát triển cho ASEAN sau 2025.
“Tôi xin khẳng định cam kết của Việt Nam, nỗ lực hết mình cùng các nước thành viên xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN, trông đợi sự ủng hộ và hợp tác từ các đối tác để có thể hoàn thành tốt nhiệm kỳ 2020, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Thủ tướng nói.
AMM 53 và các hội nghị liên quan diễn ra từ ngày 9/9 đến 12/9, theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của ngoại trưởng các nước ASEAN và các đối tác như Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, EU, Canada, Australia, New Zealand. Chuỗi sự kiện sẽ có khoảng 20 hội nghị, trong đó có Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 27, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 10. 27 đoàn từ 4 châu lục sẽ tham dự.
Nữ nghị sĩ AIPA tìm giải pháp hỗ trợ lao động nữ
Cho rằng nữ giới chịu bất bình đẳng trong thị trường lao động, nữ nghị sĩ liên nghị viện ASEAN tìm giải pháp để không ai bị bỏ lại phía sau.
Chiều 8/9, hội nghị nữ Nghị sỹ AIPA (WAIPA) trong khuôn khổ Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 (AIPA 41) được tổ chức với chủ đề "Tăng cường vai trò của nữ nghị sỹ trong việc đảm bảo việc làm và thu nhập cho lao động nữ". Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội, Phó Chủ tịch thường trực Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thúy Anh làm chủ toạ.
Phát biểu chào mừng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Chủ tịch Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cho biết, thúc đẩy việc làm bền vững, tạo thu nhập tốt hơn cho phụ nữ và nam giới trong môi trường tự do, bình đẳng, an toàn và tôn trọng nhân phẩm là một trong những thước đo sự tiến bộ xã hội của Quốc gia, được ghi nhận trong nhiều văn kiện của thế giới và khu vực.
Mặc dù đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong 20 năm qua, nhưng theo báo cáo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), sự bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới trong việc tiếp cận thị trường lao động vẫn còn tồn tại. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng đến lao động nữ. Tại bốn lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất có khoảng 510 triệu (40%) lao động nữ nhưng chỉ có 36,6% lao động nam.
"Việc xóa bỏ khoảng cách giới trong việc làm cần được ưu tiên hàng đầu nếu chúng ta muốn đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ, trẻ em gái vào năm 2030", bà Phóng nói.
Với những nỗ lực trong việc cải thiện chính sách, tạo môi trường bình đẳng cho phụ nữ, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về bình đẳng giới, xóa bỏ khoảng cách giới, đặc biệt là ở lĩnh vực lao động, việc làm. Cụ thể, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Lao động, một số luật liên quan nhằm đảm bảo những quyền lợi cơ bản của người lao động và nâng cao năng lực thực thi chính sách về việc làm, thu nhập đối với lao động nữ.
"Trong những năm tới, Quốc hội Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và tăng cường giám sát để đảm bảo bình đẳng giới thực chất và không ai bị bỏ lại phía sau", Phó chủ tịch Quốc hội thông tin.
Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng (ngồi giữa) phát biểu tại hội nghị nữ Nghị sĩ AIPA (WAIPA) trong khuôn khổ Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN lần thứ 41 chiều 8/9. Ảnh: Hải Ninh
Tại hội nghị, đại diện các đoàn Nghị viện thành viên AIPA chia sẻ thực trạng việc làm và thu nhập của lao động nữ tại đất nước mình. Ở một số nước, số nghị sĩ nữ đạt khoảng 30%, ngày càng nhiều phụ nữ giữ vai trò lãnh đạo trong cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp. Đại diện Đoàn Nghị viện Malaysia cho hay, khu vực công tại quốc gia này đang có những tín hiệu tích cực trong thúc đẩy quyền phụ nữ khi vừa bổ nhiệm nữ Chánh án đầu tiên, nhiều nữ nghị sĩ cũng giữ vai trò quan trọng trong các ủy ban của Thượng viện và Hạ viện Malaysia.
Trong Covid-19, khi phụ nữ gặp nhiều rủi ro như mất việc làm, thu nhập, nhiều nước trong khu vực ASEAN đã và đang triển khai chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người lao động bị ảnh hưởng, trong đó có lao động nữ giới. Đại diện Đoàn Nghị viện Malaysia cho rằng, do nữ giới chịu tác động nhiều hơn nam giới nên các nghị sĩ nữ trong AIPA cần có vai trò tích cực hơn, đi đầu thực hiện phương châm "không để ai ở lại phía sau" được Quốc hội Việt Nam đưa ra tại Đại hội đồng AIPA 41.
Sau khi thảo luận, các Đoàn Nghị viện thành viên AIPA đã cho ý kiến và biểu quyết thông qua Nghị quyết của WAIPA 41. Chủ tọa Nguyễn Thúy Anh tin tưởng, với sự thống nhất cao, Nghị quyết sẽ giúp đem lại bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm và thu nhập, nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội của các nước thành viên ASEAN.
"Nhóm nữ đại biểu Quốc hội Việt Nam cam kết chung tay cùng các nữ nghị sĩ, nghị sĩ AIPA thúc đẩy hơn nữa các hoạt động nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng, để phụ nữ và trẻ em gái được thụ hưởng tất cả thành quả của sự phát triển kinh tế của các quốc gia", bà Thúy Anh nói.
Chiều cùng ngày, Hội nghị không chính thức của các nghị sĩ trẻ AIPA do ông Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đoàn, Chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ Việt Nam làm chủ tọa được tổ chức với chủ đề: "Sự tham gia của nghị sĩ trẻ AIPA vào tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN".
Ngày 9/9, Đại hội đồng AIPA 41 tiếp tục ngày làm việc thứ hai. Buổi sáng là phiên họp của Ủy ban Chính trị, Ủy ban Kinh tế; buổi chiều là phiên họp của Ủy ban Xã hội, Ủy ban Tổ chức.
Mỹ: Trung Quốc thao túng sông Mekong là 'thách thức cấp bách' với Đông Nam Á Quan chức cấp cao Mỹ cho rằng, việc Trung Quốc thao túng sông Mekong là "thách thức cấp bách" với Đông Nam Á và là "xu hướng đáng lo ngại" ở khu vực này. Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương David Stilwell hôm 4/9 cho biết, việc Trung Quốc thao túng dòng nước ở sông...