Thủ tướng Anh công bố kế hoạch nghĩa vụ quân sự bắt buộc
Thủ tướng Anh Rishi Sunak hy vọng luật nghĩa vụ bắt buộc sẽ vực dậy “ tinh thần dân tộc”.
Thủ tướng Rishi Sunak thăm căn cứ quân sự ở Bắc Yorkshire ngày 3/5/2024. Ảnh: WPA Pool/Getty Images
Theo đài truyền hình BBC, Thủ tướng Anh Rishi Sunak ngày 26/5 đã công bố kế hoạch tái áp dụng luật nghĩa vụ Quốc gia bắt buộc nếu đảng Bảo thủ tiếp tục nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 7.
Theo ước tính, kế hoạch dự kiến mất khoảng 2,5 tỷ bảng Anh/năm. Luật quy định tất cả thanh niên từ 18 tuổi sẽ phải tham gia nghĩa vụ quân sự toàn thời gian hoặc tình nguyện một ngày cuối tuần một tháng hoặc 25 ngày/năm trong các tổ chức cộng đồng như cảnh sát hoặc Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS).
Thủ tướng Sunak cho rằng luật nghĩa vụ bắt buộc sẽ giúp vực dậy tinh thần dân tộc và mang lại cơ hội thay đổi cuộc sống cho những người trẻ tuổi.
Video đang HOT
BBC dẫn lời Thủ tướng Sunak: “Đây là một đất nước tuyệt vời nhưng các thế hệ thanh niên không có cơ hội hoặc trải nghiệm thứ mà họ xứng đáng có được, đặc biệt trong một thế giới bất ổn mà các thế lực đang cố gắng chia rẽ xã hội của chúng ta”.
“Tôi có một kế hoạch rõ ràng để giải quyết vấn đề này và đảm bảo tương lai của chúng ta. Tôi sẽ đưa ra một mô hình Dịch vụ Quốc gia mới để tạo ra ý thức chung về mục đích trong giới trẻ và cho họ niềm tự hào mới về đất nước, giúp họ có cơ hội học các kỹ năng thực tế, đóng góp cho cộng đồng và đất nước”, Thủ tướng tiếp tục.
Theo kế hoạch, nếu tái đắc cử, đảng Bảo thủ muốn thành lập Ủy ban Hoàng gia để hoàn thiện “Chương trình nghĩa vụ quốc gia” và triển khai thí điểm vào tháng 9 năm sau.
Trong kế hoạch dài 40 trang được soạn thảo, các cố vấn cho rằng việc tăng cường lực lượng vũ trang là cần thiết khi đối mặt với các mối đe dọa quốc tế ngày càng tăng do các nước như Nga và Trung Quốc đặt ra.
Tuy nhiên, thông báo của Thủ tướng Anh đã bị phe đối lập chỉ trích, họ cáo buộc đảng Bảo thủ đã làm suy sụp nền kinh tế Anh và làm giảm quân số lực lượng vũ trang.
Người phát ngôn của Công đảng nói với BBC: “Đây không phải là một kế hoạch. Nó chỉ cần thiết khi đảng Bảo thủ đã cắt giảm lực lượng vũ trang xuống mức nhỏ nhất kể từ thời Napoléon”.
“Lực lượng vũ trang của chúng ta từng khiến cả thế giới phải ghen tị. Chính phủ Bảo thủ đã cắt giảm số lượng quân đội và đang lên kế hoạch cắt giảm nhiều hơn về quy mô”, phát ngôn viên quốc phòng của Đảng Dân chủ Tự do, nghị sĩ Richard Foord lặp lại quan điểm.
Tong suốt lịch sử 364 năm, chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc chỉ đã được áp dụng trong Thế chiến I và Thế chiến thứ hai. Chế độ này kết thúc vào năm 1960. Các lực lượng vũ trang Anh đã chứng kiến sự cắt giảm đáng kể với số lượng quân nhân giảm hơn 1/4 trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2024.
Anh ấn định thời điểm tổ chức bầu cử sớm
Chiều 22/5 (giờ địa phương), Thủ tướng Rishi Sunak bất ngờ thông báo Anh sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 4/7 tới mặc dù kết quả của những cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đảng Bảo thủ cầm quyền nhiều khả năng chịu thất bại nặng nề.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại London dẫn phát biểu của Thủ tướng Sunak bên ngoài văn phòng số 10 Phố Downing khẳng định hiện giờ là thời điểm để nước Anh lựa chọn tương lai của mình. Ông chia sẻ: "Hôm nay, tôi đã diện kiến Nhà vua để yêu cầu giải tán Quốc hội. Nhà vua đã chấp thuận yêu cầu này và chúng ta sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 4/7".
Tuyên bố của ông Sunak được đưa ra khi kết quả của những cuộc thăm dò dư luận ghi nhận Công đảng đối lập đang dẫn trước đảng Bảo thủ cầm quyền khoảng 20%. Đảng Bảo thủ cũng có nguy cơ mất phiếu trước đảng Dân chủ tự do và đảng Cải cách nước Anh.
Tuy nhiên, Thủ tướng Sunak hy vọng những tin tức tốt về kinh tế gần đây sẽ tạo đà cho đảng cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử.
Số liệu trong tháng này cho thấy Anh đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kỹ thuật vào năm ngoái với mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2021. Lạm phát trong tháng 4 giảm mạnh xuống 2,3%, từ mức đỉnh hơn 11%. Đảng Bảo thủ cầm quyền coi đây là thành tựu đáng khích lệ.
Thủ tướng Sunak khẳng định chỉ có chính phủ của đảng Bảo thủ dưới quyền lãnh đạo của ông mới đảm bảo được sự ổn định kinh tế mà nước Anh khó khăn mới có được.
Thông qua quyết định tổ chức bầu cử sớm, Thủ tướng Sunak hy vọng sẽ hạn chế được những chia rẽ trong đảng cầm quyền, cũng như những cuộc đào tẩu gần đây của các nghị sĩ Bảo thủ sang Công đảng.
Giờ đây, các chính đảng ở Anh sẽ có 6 tuần vận động tranh cử, với hàng loạt vấn đề trong chương trình nghị sự như tăng trưởng kinh tế, dịch vụ y tế quốc gia, nhập cư, quốc phòng và an ninh quốc gia.
Chính phủ Anh bồi thường cho các nạn nhân trong vụ bê bối truyền máu nhiễm bệnh Ngày 21/5, Chính phủ Anh thông báo sẽ bắt đầu trả thêm các khoản bồi thường tạm thời cho nạn nhân của vụ bê bối truyền máu nhiễm bệnh hồi thập niên 1970 và 1980 ở nước này. Hình ảnh các nạn nhân của vụ bê bối máu bị ô nhiễm được trưng bày trong buổi cầu nguyện để tưởng nhớ. Ảnh: Reuters...