Thư từ LHQ: Nơi áp lực trở thành không khí để thở
PV Dân trí đã có mặt tại trụ sở Liên Hợp Quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), trước thềm Đại hội đồng khóa 69, chứng kiến những công đoạn chuẩn bị hối hả cuối cùng, và “thâm nhập” thế giới đầy áp lực của các nhà báo làm việc tại đây.
Trụ sở LHQ nhìn từ bên ngoài.
Căn phòng chật chội của CNN
Học bổng của Quỹ Dag Hammarskjold dành cho các nhà báo, mỗi năm chọn ra 3 đến 4 người từ hàng trăm ứng viên trên toàn thế giới để tham dự 10 tuần đầu tiên của các kỳ Đại hội đồng LHQ. Năm nay, tôi thật may mắn khi trở thành người Việt Nam đầu tiên được nhận học bổng danh giá này, kể từ khi học bổng bắt đầu được trao năm 1962.
Càng may mắn cho tôi hơn nữa khi năm nay, ban lãnh đạo Quỹ đã xoay xở được cho tôi và 3 đồng nghiệp đến từ Philippines, Tunisia và Nigeria, mỗi người một chiếc thẻ báo chí dành riêng cho các nhà báo thường trú, để ra vào và tác nghiệp tại trụ sở LHQ. Theo bà Evelyn Leopold, Chủ tịch Quỹ, mỗi năm có ít nhất hơn 5.000 nhà báo làm việc, đưa tin tại LHQ, nhưng chỉ có khoảng 250 người được cấp thẻ thường trú, với nhiều ưu tiên hơn thẻ thông thường.
Ngoài chúng tôi, các nhà báo được cấp thẻ thường trú khác đều là những người mà cơ quan của họ có văn phòng đặt trong trụ sở LHQ, và họ phải có tin bài được đăng đều đặn hàng tuần. Ngay sau khi được cấp thẻ, chúng tôi được dẫn qua những cửa kiểm tra an ninh nghiêm ngặt, nơi chúng tôi phải quét thẻ ra vào của mình, để vào bên trong tòa nhà LHQ. Việc đầu tiên chúng tôi làm là đi tham quan một vòng khu vực văn phòng của các cơ quan báo chí.
Trên các cánh cửa, phần lớn là những tên tuổi lừng lẫy toàn thế giới như BBC, CNN, AP, Reuters…, nhưng khi nhìn vào trong có thể thấy mỗi cơ quan chỉ được một diện tích vô cùng chật hẹp, từ vài mét vuông tới khoảng hơn 20m2 mỗi phòng là cùng. Cũng dễ hiểu thôi bởi đây là LHQ, nơi có sự hiện diện của gần 200 quốc gia trên toàn thế giới, nơi làm việc của hơn 10.000 con người.
Ngay trong cuộc họp báo đầu tiên tại LHQ, chúng tôi được gặp Richard Roth, phóng viên kỳ cựu chuyên trách LHQ và New York của CNN từ hơn 20 năm nay, người mà chúng tôi đã quá quen mặt khi xem kênh truyền hình này. Richard vui vẻ mời chúng tôi quay trở lại ghé thăm văn phòng của CNN.
Tại căn phòng chỉ rộng khoảng hơn 10m2, chính giữa đặt một màn hình lớn chiếu hình ảnh trực tiếp khuôn viên phía ngoài tòa nhà LHQ. Trước màn hình là một chiếc ghế để Richard ngồi dẫn, hoặc khách mời ngồi trả lời phỏng vấn. Sát bức tường đối diện là một máy quay đặt trên giá, được điều khiển từ xa, một phần có lẽ cũng vì căn phòng quá hẹp không đủ khoảng cách để người quay phim ngồi. Hai bên căn phòng kê san sát các loại thiết bị cùng vài chiếc ghế.
Richard Roth đang dẫn chương trình trên CNN, từ phòng làm việc bé nhỏ của mình
Video đang HOT
Chúng tôi người ngồi người đứng trong căn phòng chật ních, nhưng thật may mắn vì đúng lúc đó có một khách mời là quan chức LHQ tới trả lời phỏng vấn về vấn đề dịch Ebola. Đoạn phỏng vấn được thu và phát trực tiếp trên toàn thế giới. Được sự đồng ý của cả Richard và vị khách mời, chúng tôi nín thở theo dõi với ý nghĩ thú vị rằng, hàng triệu người đang theo dõi cuộc phỏng vấn mà không biết rằng chúng tôi đang đứng ngay bên cạnh nhân vật đó.
Hít thở áp lực
Ngoài Richard, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều nhà báo kỳ cựu khác tại đây. Tất cả đều sắc bén, cá tính, và xoay xở một cách vô cùng nhanh nhẹn và hiệu quả với khối lượng công việc cũng như áp lực thời gian khổng lồ. Mặc dù kỳ Đại hội đồng chưa chính thức bắt đầu, nhưng tại LHQ thì công việc không bao giờ ngừng lại. Luôn luôn có những sự kiện nối tiếp sự kiện, thậm chí chồng chất lên nhau, khiến những người mới tiếp xúc như chúng tôi cảm thấy ngộp thở, thậm chí như bị đè bẹp.
Thế nhưng, các nhà báo lão luyện tại LHQ tiếp nhận mọi việc một cách thật nhẹ nhàng, suôn sẻ. Họ ngồi vào một cuộc họp báo, điềm tĩnh đặt câu hỏi và ghi chép, lát sau đã thấy họ chúi đầu gõ máy tính ở văn phòng hoặc một góc nào đó trong tòa nhà, lúc lại thấy đứng ở hành lang trò chuyện, phỏng vấn một ai đó, và cuối giờ chiều có thể lại có mặt ở một cuộc tiếp tân của một phái đoàn nào đó để mở rộng quan hệ và khai thác thông tin.
Lối vào khu vực của Hội đồng Bảo an, cơ quan quan trọng và đầy quyền lực của LHQ
Tại cuộc tiếp tân do Đại sứ New Zealand tại LHQ Jim McLay tổ chức, tôi gặp John Metzler, phóng viên báo World Tribune của Mỹ. Anh tỏ ra rất quan tâm tới Việt Nam và hỏi tôi rằng Bộ trưởng Ngoại giao của Việt Nam sẽ sang dự Đại hội đồng chứ, vì anh rất muốn được phỏng vấn ông về vấn đề biển Đông. Anh bày tỏ sự ủng hộ tuyệt đối với Việt Nam trong vấn đề này, bởi “lẽ phải thuộc về các bạn, về lý cũng như về mặt đạo đức”, anh nói.
Tàn cuộc tiếp tân, kết thúc một ngày làm việc vất vả, khi thấy tôi thoáng tỏ vẻ mệt mỏi, anh bạn mới quen nháy mắt và bảo: “Rồi sẽ quen ngay thôi, cậu sẽ sớm hít thở cái áp lực này vào như hít thở không khí vậy, lúc đó mọi chuyện sẽ trở thành bình thường”. Tôi gật đầu cười tán đồng.
2 tỉ USD nâng cấp, mở rộng trụ sở
Hình ảnh New York nhìn từ một căn phòng trong LHQ
Dù sao thì những ngày vất vả thực sự vẫn còn ở phía trước, khi Đại hội đồng khai mạc ngày 16/9, và Phiên thảo luận chung khai mạc ngày 24/9. So với giai đoạn sắp tới đó thì ngày đầu tiên của chúng tôi mới chỉ như một cuộc dạo chơi. Mà đúng là có dạo chơi thật, bởi ngoài những cuộc họp báo, gặp gỡ đầu tiên, thì chúng tôi còn có thêm may mắn được tham dự tour tham quan khu vực mới của tòa nhà LHQ, đang được gấp rút hoàn thành để phục vụ kỳ Đại hội đồng đã gần kề.
Tòa nhà LHQ được xây dựng từ năm 1952, và đến năm 2007 thì người ta quyết định rằng nó phải được nâng cấp. Năm 2008 việc nâng cấp bắt đầu, và năm 2011 thì LHQ ra thêm quyết định mở rộng khuôn viên bằng cách xây dựng một tòa nhà liền kề tòa nhà cũ. Tới đúng thời điểm này, mọi việc nâng cấp và xây mới đang hoàn thành, với tổng chi phí lên tới khoảng 2 tỉ USD, và chúng tôi nằm trong số những người đầu tiên được tham quan khu vực mới.
Ông Michael Adlerstein, Trợ lý Tổng thư ký và là Giám đốc điều hành dự án nâng cấp trụ sở LHQ, đích thân dẫn chúng tôi đi xem công trình và khẳng định, mặc dù nhìn có vẻ còn bừa bộn, nhưng chỉ đến thứ Hai ngày 16/9, là mọi thứ sẽ gọn gàng đâu vào đấy. Đội ngũ công nhân xây dựng đang gấp rút hoàn thành những phần việc cuối cùng và sẽ làm việc xuyên cuối tuần để đảm bảo tiến độ.
Trước tòa nhà LHQ, luôn có rất nhiều xe chở du khách ghé thăm (ảnh chụp ngày 12/9)
Hội trường Đại hội đồng mới được hoàn thiện
Khu vực chỗ ngồi của đại biểu Việt Nam trong một phòng họp mới được hoàn thiện
Cuối tuần, trời mưa, nhưng các công nhân vẫn đang hối hả hoàn thiện công trình (ảnh chụp ngày 13/9)
Thẻ ra vào LHQ của PV Dân trí
Tuấn Anh ( từ New York)
Theo dantri
Trung Quốc tuyên bố phát hiện mỏ khí nước sâu lớn ở Biển Đông
Tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc CNOOC hôm nay 15/9 cho biết giàn khoan nước sâu đầu tiên của nước này CNOOC 981 đã thông báo phát hiện được một mỏ khí nước sâu tại Biển Đông.
Thông tin được hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã dẫn tuyên bố của CNOOC cho biết. Mỏ khí mới được phát hiện Lingshui 17-2 nằm cách nam đảo Hải Nam 150km. Độ sâu hoạt động trung bình của giàn khoan là 1.500m dưới mực nước biển.
Xie Yuhong, một giám đốc của CNOOC, cho biết mỏ khí Lingshui 17-2 đã được thử nghiệm sản xuất khoảng 1,6 triệu m3 khí tự nhiên mỗi ngày, tương đương khoảng 9.400 thùng dầu lỏng mỗi ngày.
Ông này cho biết đây là lượng lớn nhất trong tất cả các mỏ khí đang được CNOOC thử nghiệm.
Mỏ khí Lingshui 17-2 cũng là phát hiện dầu khí nước sâu quan trọng đầu tiên của CNOOC 981, một giàn khoan dạng tàu bán lặn. CNOOC 981 bắt đầu hoạt động vào tháng 5/2012.
Được biết tập đoàn đóng tàu nhà nước Trung Quốc CSSC đã mất hơn 3 năm và chi 975 triệu USD để phát triển CNOOC 981 cho CNOOC.
Giàn khoan này dài 114m, rộng 90m và cao 137,8m, nặng 31.000 tấn.
Theo CSSC, với một boong bằng cả một sân bóng đá tiêu chuẩn, giàn khoan có khả năng đảm nhiệm các hoạt động ngoài khơi ở vùng biển sâu tối đa 3.000m và có thể khoan xuống độ sâu 12.000m.
Trung Anh
Theo Dantri/ Xinhua
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh gặp Phó thủ tướng Trung Quốc Ngày 15/9 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trung Quốc Trương Cao Lệ, nhân chuyến công du Quảng Tây từ ngày 15 - 16/9/2014. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh Nhận lời mời của Chính phủ...