Thứ trưởng Y tế: ‘Tiêm vaccine Covid-19 đến đâu, bảo đảm an toàn đến đấy’
Việt Nam tiếp tục triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca theo kế hoạch, “tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy”, theo Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn.
“Việc triển khai tiêm chủng phải thực hiện theo đúng quy trình chặt chẽ, an toàn, hiệu quả. Người được tiêm chủng được theo dõi tại chỗ 30 phút sau khi tiêm”, Thứ trưởng Thuấn nói tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, chiều 12/3. Ông đề cập đến một số nước châu Âu vừa xảy ra các ca phản ứng nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca.
Thứ trưởng cho biết phân tích từ những đơn vị triển khai Chương trình Tiêm chủng Mở rộng (TCMR), các chuyên gia, nhà khoa học, thông tin từ Cơ quan Dược châu Âu (EMA) và quốc gia khác, cho thấy chưa tìm ra sự liên quan giữa những trường hợp gặp sự cố nghiêm trọng sau khi tiêm vaccine AstraZeneca. Một số trường hợp đang tiếp tục nghiên cứu.
Vì vậy, TCMR tiếp tục triển khai tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Thứ trưởng nhấn mạnh người gặp phản ứng sau tiêm cần được theo dõi tiếp tại phòng bệnh trong 24 giờ. Sau khi về nhà, người này cần tiếp tục theo dõi sức khỏe trong những ngày sau đó và thông báo ngay cho cơ quan y tế khi có bất kỳ phản ứng bất thường nào xảy ra để được chẩn đoán và xử trí kịp thời.
“Đây là quy trình được Bộ Y tế chỉ đạo hết sức chặt chẽ. Tiêm đến đâu bảo đảm an toàn đến đấy”, Thứ trưởng Thuấn cho biết.
Tiêm vaccine Covid-19 tại TP HCM. Ảnh: Hữu Khoa.
Video đang HOT
Vaccine phòng Covid19 AstraZeneca được nghiên cứu và phát triển bởi Đại học Oxford, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, vào ngày 15/2.
Tại Việt Nam, để chủ động phòng, chống dịch và bảo vệ sức khỏe cho người dân, Bộ Y tế đã phê duyệt sử dụng vaccine AstraZeneca có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh. Lô vaccine đầu tiên về đến Việt Nam hôm 24/2 đã được Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm y tế lấy mẫu kiểm định theo quy định và có giấy chứng nhận xuất xưởng ngày 4/3.
Để đảm bảo an toàn, trước khi triển khai tiêm chủng, ngày 6/3 Bộ Y tế tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về hướng dẫn sử dụng và tổ chức tiêm, bao gồm đối tượng sử dụng, chỉ định, chống chỉ định của vaccine, sử dụng phiếu sàng lọc trước tiêm chủng để thực hiện khám sàng lọc nhằm đảm bảo chỉ định đúng.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đến nay, các địa phương đã xây dựng kế hoạch tiêm, quá trình chuẩn bị được thực hiện nghiêm túc. Đặc biệt trong những ngày đầu mới triển khai, tất cả các điểm tiêm chủng đều có sự giám sát, hỗ trợ của Bộ Y tế và các Viện Vệ sinh Dịch tễ/Viện Pasteur.
Qua bốn ngày triển khai, từ ngày 8 đến 11/3, trong số 1.585 mũi tiêm đã thực hiện tại 13 cơ sở của 9 tỉnh thành, ghi nhận các trường hợp phản ứng sau tiêm, hầu hết là phản ứng thông thường như sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, phát ban, đau cơ, đau đầu, tiêu chảy… 5 trường hợp phản vệ độ 2, trong đó 2 người đã hồi phục và ra viện, 3 người đã ổn định sức khỏe đang tiếp tục được theo dõi. Hai người bị tiêu chảy, một trường hợp kẹt huyết áp.
Kết quả cho thấy các cơ sở tiêm chủng đều thực hiện nghiêm túc việc khám sàng lọc, chỉ định, chống chỉ định và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng. Cách xử trí đối với các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng được thực hiện tốt và đảm bảo an toàn cho người tiêm chủng, theo Bộ Y tế.
Vaccine Covid-19 là vaccine mới đưa vào sử dụng, vì vậy các dữ liệu về hiệu quả cũng như tính an toàn trên thế giới vẫn đang được Tổ chức Y tế Thế giới, Bộ Y tế các nước và các nhà sản xuất theo dõi, cập nhật thường xuyên. Bộ Y tế khuyến cáo người được tiêm khai báo đầy đủ về tiền sử dị ứng và các bệnh cho nhân viên y tế, chủ động theo dõi sức khỏe.
Bộ trưởng Y tế: Việt Nam cần 150 triệu liều vắc xin Covid-19 trong năm 2021
Việt Nam hiện đã đàm phán được 60 triệu liều vắc xin, cần thêm 90 triệu liều để có thêm tiêm đủ cho người dân.
Đây là thông tin được Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long thông tin tại cuộc trực tuyến phòng chống dịch Covid-19 sáng 19/2.
Bộ trưởng Y tế cho biết, quan điểm chung của Bộ Chính trị là làm thế nào để có vắc xin sử dụng cho người dân. Đây là một trong những mục tiêu ưu tiên, làm sao mỗi người dân đều được tiếp cận với vắc xin.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, thời gian qua Bộ Y tế đã hết sức tích cực phối hợp các tổ chức, đơn vị sản xuất để đàm phán sớm có vắc xin cho người dân.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam sẽ cần 150 triệu liều vắc xin để tiêm cho người dân
"Trong năm 2021 để đảm bảo tiêm đủ cho dân số, Việt Nam cần 150 triệu liều (70% dân số). Bộ Y tế đã đàm phán với chương trình COVAX facility cam kết cung cấp cho Việt Nam 30 triệu liều trong năm 2021, chủ yếu dành cho 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, công ty AstraZeneca cũng cam kết cung cấp 30 triệu liều.
Như vậy, tổng số chúng ta có 60 triệu liều vắc xin trong năm 2021. Bộ đang tích cực đàm phán với các công ty khác như Pfizer, Moderna, Nga.. một số nước khác để có thêm vắc xin", Bộ trưởng nói.
Theo Bộ trưởng, tinh thần chung là thực hiện quyết liệt theo chỉ đạo để đảm bảo vắc xin cho người dân, để đảm. bảo hiệu quả trong phòng chống dịch.
Về việc sử dụng vắc xin, Bộ trưởng cho biết sẽ tuân thủ theo khuyến cáo của WHO, các quy định pháp luật có liên quan đến phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó ưu tiên khu vực có dịch và có nguy cơ cao. Về vấn đề này, Bộ Y tế đã có báo cáo gửi Chính phủ.
Để nhanh chóng có vắc xin, Bộ Y tế thực hiện cơ chế cấp phép thần tốc, trong 5 ngày, Bộ Y tế sẽ phải thực hiện tất cả các quy tình về rà soát hồ sơ, dữ liệu về lâm sàng, chất lượng vắc xin để cấp phép sớm. Tinh thần là giảm thiểu tối đa dịch vụ hành chính trên cơ sở khẩn cấp.
"Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vắc xin, có thể trao đổi, phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế cho vấn đề nhập khẩu để có vắc xin cho người dân", Bộ trưởng Y tế nói.
Bộ trưởng Long nói rõ, Bộ Chính trị đã có chỉ đạo cụ thể, Chính phủ cũng sẽ có văn bản chỉ thị cụ thể, làm sao cố gắng để người dân tiếp cận được vắc xin đầy đủ, để tái khởi động lại kinh tế.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đề xuất thêm, sắp tới khi có vắc xin ngừa Covid-19, Bộ trưởng cần có chỉ đạo tập huấn, đánh giá, hướng dẫn kỹ thuật tiêm vắc xin, giao Cục Y tế dự phòng, Viện vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur các địa phương xây dựng giáo trình, tập huấn để khi vắc xin tiêm cộng đồng lượng lớn phải có lực lượng sẵn sàng, không thể trông chờ vào lực lượng y tế dự phòng mỏng như hiện tại.
Thứ trưởng Y tế: Nhanh chóng giải trình tự gene nCoV tại TP.HCM Điều này nhằm xác định liệu virus đang xâm nhập TP.HCM có liên quan biến chủng của SARS-CoV-2 hoặc ổ dịch Hải Dương hay không. Chiều 9/2, tại cuộc họp trực tuyến với UBND TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Tổ thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế...