Thứ trưởng Y tế: Nhiều tỉnh đang chạy theo dịch
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chuẩn bị điều kiện chống dịch với tinh thần 4 tại chỗ chưa triệt để, đang “chạy theo dịch”.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 với 12 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chiều 12/7, ông Tuyên nêu nhận định trên.
Ông Tuyên phân tích, nhiều tỉnh khi dịch bệnh xuất hiện mới bắt đầu quan tâm đến giải pháp về trang thiết bị y tế, nhân lực… Việc chống dịch chủ yếu giao cho y tế, công an, quân đội mà chưa huy động nhiều đơn vị vào cuộc. Vì vậy, ông đề nghị các tỉnh phân phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm”.
Đến nay 58 tỉnh, thành ghi nhận ca Covid-19. Thời gian tới, đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục ghi nhận ca bệnh mới, nhưng ông Tuyên cho rằng “cơ bản tình hình vẫn trong tầm kiểm soát”.
Để nâng cao năng lực xét nghiệm, các tỉnh kết hợp giữa xét nghiệm nhanh và PCR. Xét nghiệm nhanh để điều tra dịch tễ, đánh giá tình hình ngoài cộng đồng, trong tình huống quá nhiều F0. Dùng phương pháp nào còn căn cứ theo mức độ nguy cơ của từng khu vực, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm.
“Tuyệt đối tránh tình trạng lấy mẫu về mà không xét nghiệm hết để trả kết quả trong 24 giờ. Các kết quả xét nghiệm phải có đầy đủ thông tin, kể cả nồng độ virus để phục vụ truy vết, điều tra dịch tễ”, ông Tuyên khuyến cáo.
Video đang HOT
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: Ngọc Thành
Nhấn mạnh dịch bệnh tại đồng bằng sông Cửu Long còn phức tạp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu lãnh đạo các tỉnh trực chiến; rà soát số lượng máy móc, sinh phẩm, cơ sở cách ly, điều trị, nhân lực… Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nghiên cứu ứng dụng công nghệ để giám sát F1 cách ly tại nhà. Tuy nhiên, đây chỉ là công cụ hỗ trợ, căn bản vẫn cần dựa vào các tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng y tế, công an địa phương.
Bộ Y tế tổng hợp nhu cầu của các tỉnh về sinh phẩm, máy móc, thiết bị, vật tư y tế, trang thiết bị bảo hộ… để có phương án hỗ trợ. Riêng TP Cần Thơ, Phó thủ tướng lưu ý “ngoài lo cho mình, cần chuẩn bị để hỗ trợ các tỉnh khác trong khu vực chống dịch”.
Tại cuộc họp, lãnh đạo nhiều tỉnh bày tỏ gặp khó khăn trong quản lý người về từ các địa phương có dịch như TP HCM, Bình Dương; kiểm soát quốc lộ, đảm bảo lưu thông hàng hóa, nông sản liên tỉnh. Năng lực truy vết, xét nghiệm ở nhiều nơi hạn chế; máy xét nghiệm, sinh phẩm, trang thiết bị còn thiếu, “cơ bản mới dừng ở mức tối thiểu”. Cơ sở cách ly tập trung, điều trị dự báo sẽ gặp khó khăn nếu ca nhiễm tăng nhanh.
Các tỉnh đề nghị Trung ương hỗ trợ nhân lực điều trị bệnh nhân nặng; nâng cao khả năng truy vết; máy xét nghiệm, sinh phẩm; tăng cường phân bổ vaccine.
Trong đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay, Việt Nam ghi nhận 28.638 ca Covid-19, ở 58 tỉnh thành. TP HCM có số ca nhiễm cao nhất với 14.776.
Thứ trưởng Y tế nêu điều kiện cách ly F1 tại nhà
Người tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19 (F1) được cách ly tại nhà nếu có phòng riêng, cam kết không rời khỏi nơi cư trú, theo Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên.
Tối 24/5, trả lời VnExpress về chủ trương thí điểm cách ly F1 tại nhà tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói dịch bệnh tại hai địa phương này chủ yếu xảy ra trong khu công nghiệp. Số lượng F1 rất lớn, khiến các khu cách ly tập trung nguy cơ quá tải. Bắc Ninh hiện ghi nhận 505 ca nhiễm; rà soát được 37.000 F1 và F2; trong đó 31.000 người cách ly y tế. Bắc Giang ghi nhận 1.024 ca nhiễm; truy vết được 11.453 F1.
Vì vậy, tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 chiều 21/5, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bắc Ninh, Bắc Giang "mạnh dạn thí điểm quy mô nhỏ, đúc rút để xem xét mở rộng" việc cách ly F1 tại nhà.
Theo ông Tuyên, để thực hiện thí điểm cách ly F1 tại nhà, cần đảm bảo tối thiểu bốn điều kiện cơ bản.
Thứ nhất , Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang gấp rút rà soát kỹ tất cả F1 để phân loại thành "F1 nguy cơ cao" bắt buộc cách ly tập trung và "F1 nguy cơ thấp" được xem xét cách ly tại nhà. "Trong một phân xưởng, nhà máy, xí nghiệp, khi có ca dương tính (F0) thì đương nhiên tất cả những người làm cùng là F1. Tuy nhiên cần phân loại, người tiếp xúc rất gần với F0 (dưới 2 m) là F1 nguy cơ cao; người chỉ làm cùng nhưng tiếp xúc xa (trên 2 m), ít tiếp xúc hoặc không tiếp xúc là F1 nguy cơ thấp", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phân tích.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên. Ảnh: VGP
Thứ hai , Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các địa phương sẽ xem xét, quyết định các trường hợp F1 được cách ly tại nhà, dựa trên tiêu chí phân loại nêu trên. F1 và gia đình phải ký cam kết với chính quyền tuân thủ nghiêm ngặt, không tự ý rời khỏi nơi cư trú. F1 cách ly tại nhà phải có phòng riêng để sinh hoạt. Các thành viên khác trong gia đình không tiếp xúc gần với F1. Mọi sinh hoạt của F1 thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan y tế.
Thứ ba , chính quyền cơ sở hướng dẫn F1 theo dõi và khai báo y tế hằng ngày; hướng dẫn thu gom, xử lý rác thải của người cách ly tại nhà.
Thứ tư , tất cả F1 được cách ly tại nhà phải được giám sát chặt chẽ, nếu vi phạm xử lý nghiêm. "Chính quyền sẽ giám sát bằng camera, nhưng quan trọng hơn là các tổ chống Covid-19 cộng đồng phải vào cuộc quyết liệt, giám sát thường xuyên", Thứ trưởng Tuyên nói.
Ông Tuyên nói thêm, tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống Covid-19 sáng 24/5, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đều đồng tình thí điểm cách ly F1 tại nhà. "Sau khi thực hiện ở hai tỉnh, Bộ Y tế sẽ cùng địa phương đánh giá, tổng kết, nếu hiệu quả tốt sẽ nhân rộng ra nơi khác", ông Tuyên cho hay.
Dự kiến, ngày 25/5, Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn chi tiết việc cách ly F1 tại nhà ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang.
Phó thủ tướng: 'Truy vết, xét nghiệm tại Tân Sơn Nhất rất thần tốc' Ông Vũ Đức Đam chiều 6/2 chỉ đạo TP HCM khẩn trương khoanh vùng người liên quan nhân viên Tân Sơn Nhất dương tính nCoV, đảm bảo sân bay hoạt động bình thường. Phó Thủ tướng chỉ đạo từ xa cuộc họp do Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì tại Viện Pasteur TP HCM chiều 6/2. Ông Đam đánh giá...