Thứ trưởng Trần Thanh Nam: Cơ giới hóa đồng bộ để gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp
Nhằm năng suất, chất lượng, phát triển chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả và bền vững, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong Top 10 nước hàng đầu thế giới vào năm 2030, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.
Nhìn lại sự đóng góp của cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng như những kế hoạch sẽ được thực hiện để triển khai Chiến lược trên, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam.
Nông dân Bạc Liêu sử dụng máy cuộn rơm sau khi lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập. Ảnh minh họa: Tuấn Kiệt/TTXVN
Cơ giới hóa trong sản xuất đã đóng góp rất lớn trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng cho biết những thành tựu nổi bật đó là gì?
Đúng là những thành tựu trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua có phần đóng góp rất lớn của quá trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Trong khoảng 10 năm qua, cơ giới hóa nông nghiệp có những bước phát triển nhất định. Trang bị đông lực đã tăng trung bình từ chưa đầy 2,0 HP lên 3,3 HP/ha /ha canh tác. Số lượng, chủng loại máy và thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng nhanh. Điển hình, số lượng máy kéo các loại tăng 60%, máy bơm nước tăng 60%, máy gặt đập liên hợp tăng 80%, máy chế biến thức ăn gia súc tăng 90%.
Mức độ cơ giới hoá tại một số khâu trong một số lĩnh vực ngành nông nghiệp có tỷ lệ khá cao như: trồng trọt đạt từ 70 – 100%, chăn nuôi đạt từ 55 – 90%… Việc gia tăng trang thiết bị, máy móc đã góp phần tăng năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đặc biệt, cơ giới hóa đã khắc phục phần nào những hạn chế do thiếu lao động trong sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, quá trình cơ giới hóa nông nghiệp vẫn còn một số hạn chế. Đó là số lượng máy có công suất thấp trên các lĩnh vực còn chiếm tỷ lệ cao, với khoảng 50%. Hay từng khâu trong sản xuất còn không đồng đều, như trong sản xuất lúa việc sử dụng máy gặt đập liên hợp đã trên 80%, nhưng việc áp dụng máy gieo sạ lại mới chỉ đạt khoảng 20%.
Để phát huy hiệu quả cơ giới hóa, góp phần giảm chi phí, tăng năng suất đòi hỏi phải áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu theo chuỗi giá trị. Do đó, phải thay đổi lại cách tiếp cận trong cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, thay đổi quy mô về cơ giới hóa.
Trong Quyết định số 858/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030, khái niệm “cơ giới hóa đồng bộ” đã được nêu ra và được rất nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân quan tâm. Vậy nội hàm cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp là gì, thưa Thứ trưởng?
Cơ giới hóa nông nghiệp vẫn chưa có sự đồng bộ trong các khâu sản xuất và trong các lĩnh vực. Sự không đồng đều giữa các khâu, công đoạn trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng đến lịch thời vụ sản xuất, phòng chống dịch bệnh và biến đổi của thời tiết. Chưa nói đến mức độ cơ giới hóa giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất cũng chưa đồng đều đã làm gia tăng chi phí sản xuất.
Đồng bộ được hiểu là trang bị các loại máy, thiết bị, công nghệ trong các khâu sản xuất nông nghiệp với hạ tầng kỹ thuật sản xuất và nguồn nhân lực đồng bộ trong toàn bộ chuỗi liên kết sản xuất từ làm đất, gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm.
Để thúc đẩy tiến trình cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới là gì?
Video đang HOT
Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua đã có nhiều bước tiến quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân và cả nhà khoa học đã vào cuộc, tham gia rất tích cực.
Tuy nhiên, ngành nhận thấy sự đầu tư về cơ giới hóa vẫn mang tính dàn trải, đầu tư mang tính cục bộ, nhỏ lẻ. Ở đâu có nhu cầu mua máy động lực gì thì có máy đó; không có máy thì người nông dân cũng có thể tự sáng chế. Hay khi nông dân thấy có một máy cơ giới hay thì sẽ đầu tư để phục vụ sản xuất nhưng họ không hiểu máy đó có hiệu quả với quy mô sản xuất của hộ gia đình hay không. Rất nhiều vấn đề đặt ra cần có những giải pháp phù hợp. Đây là những thực trạng đang đặt ra cần có những trung tâm về cơ giới hóa cấp vùng.
Trong các giải pháp tham mưu cho Chính phủ, Bộ đề xuất hình thành các Trung tâm cơ giới hóa cấp vùng. Trung tâm cơ giới hoá vùng không phải là tổ chức bộ máy hành chính sự nghiệp do Nhà nước thành lập, mà là trung tâm tập hợp các nhà khoa học, doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực về cơ giới hóa, công nghệ mới, công nghệ thông minh để hợp tác, liên kết và cung ứng dịch vụ cơ giới hóa và công nghệ thông minh phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây là nơi đặt hàng cho công tác nghiên cứu, đào tạo của các trường đại học và viện nghiên cứu; là nơi hỗ trợ cơ giới hóa các vùng nguyên liệu quy mô lớn đạt chuẩn.
Trung tâm hoạt động dưới hình thức các doanh nghiệp, hợp tác xã, viện nghiên cứu, trường đại học tự tổ chức liên kết để nghiên cứu, chuyển giao cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản chủ lực.
Nhà nước giữ vai trò định hướng, khuyến khích phát triển Trung tâm cơ giới hóa vùng nhằm đẩy mạnh tiến trình cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ thông qua các cơ chế, chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, hỗ trợ đào tạo, cung cấp thông tin; cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ phát triển cơ giới hóa đồng bộ.
Máy bay nông nghiệp không người lái ở Bạc Liêu. Ảnh: Tuấn Kiệt/TTXVN
Theo Thứ trưởng, vai trò của các bên liên quan sẽ như thế nào để có thể triển khai hiệu quả cơ giới hóa đồng bộ?
Để chuyển đổi cách tiếp cận cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương và sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện. Sự vào cuộc tích cực của các nhà khoa học, các viện, trường và các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân trong chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp thì mới có thể đẩy mạnh hiệu quả quá trình cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát và tham mưu trình Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách về cơ giới hóa, cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp; trong đó, đề xuất chính sách hỗ trợ cơ giới hóa đồng bộ, tham mưu quy định các tiêu chuẩn, quy chuẩn máy nông nghiệp, quy trình cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp.
Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành Đề án phát triển Trung tâm cơ giới hóa vùng và hướng dẫn các địa phương thực hiện; tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn theo Quyết định số 1088/QĐ-BNN-KTHT; trong đó, ưu tiên hỗ trợ phát triển liên kết chuỗi giá trị, xây dựng danh mục nghề, giáo trình đào tạo, tập huấn nghề cho lao động nông thôn về sử dụng máy, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Các địa phương cần cụ thể thể hóa các cơ chế, chính sách về cơ giới hóa phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương để khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ sản xuất tham gia thực hiện.
Xin chân thành cảm ơn Thứ trưởng!
Mỗi năm có 160 triệu tấn, 'mỏ vàng' vẫn chưa khai thác của Việt Nam
Chỉ 1 triệu tấn phụ phẩm của ngành thủy sản, nếu đưa hết vào chế biến ra các sản phẩm giá trị cao có thể thu thêm 4-5 tỷ USD.
Nông nghiệp nước ta có 160 triệu tấn phụ phẩm/năm, nhưng "mỏ vàng" bị bỏ phí.
Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam khi nói về phát triển kinh tế tuần hoàn để tận dụng hết nguồn phụ phẩm trong ngành nông nghiệp nước ta hiện nay.
Bỏ phí nguồn tài nguyên khổng lồ
Theo ông Nam, những năm qua, nông nghiệp Việt Nam đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sản xuất nông nghiệp theo hướng thị trường, mang lại chất lượng và giá trị gia tăng cao cho người sản xuất. Tuy nhiên, quá trình sản xuất nông nghiệp cũng tạo ra một lượng phế, phụ phẩm lớn.
Ước tính, tổng lượng phụ phẩm trong nông nghiệp của Việt Nam là gần 160 triệu tấn. Trong đó, có khoảng 90 triệu tấn phụ phẩm sau thu hoạch từ cây trồng, từ quá trình chế biến nông sản của ngành trồng trọt (chiếm 56,2%); 62 triệu tấn phân gia súc, gia cầm từ ngành chăn nuôi (chiếm 38,7%); 6 triệu tấn từ ngành lâm nghiệp (chiếm 3,7%) và khoảng gần 1 triệu tấn từ ngành thủy sản (0,6%).
Những con số này cho thấy tiềm năng giá trị của phụ phẩm nông nghiệp. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn coi phụ phẩm nông nghiệp là "mỏ vàng" của ngành nông nghiệp, bởi nếu biết tận dụng và xử lý thành nguồn tài nguyên tái tạo sẽ mang lại giá trị cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính.
Ông Nam cho biết, thời gian qua, phế phẩm, phụ phẩm trong nông nghiệp đang dần trở thành nguồn tài nguyên lớn, là đầu vào quan trọng cho việc sản xuất nhiều lĩnh vực khác.
Đơn cử, các phụ phẩm trong trồng trọt được dùng sản xuất viên nén, cồn công nghiệp, phát điện sinh khối, làm đệm lót sinh học chăn nuôi, phân hữu cơ,... Chất thải chăn nuôi được đem ủ phân compost, xử lý bằng sản phẩm vi sinh vật, công trình khí sinh học và sử dụng trực tiếp phân tươi làm phân bón. Bột thịt xương, bột thịt, bột gia cầm, bột lông vũ và mỡ động vật là các sản phẩm chính của ngành chế biến, các phụ phẩm giết mổ cũng bắt đầu được tận dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi...
Khoảng 90% phụ phẩm chế biến thủy sản đã được thu gom, chế biến thành các sản phẩm có giá trị để sản xuất thức ăn, chế biến thành các sản phẩm có giá trị cao hơn như collagen, hay một số thực phẩm ăn liền...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Nam cũng chỉ rõ, việc sử dụng, chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp hiện nay vẫn chưa đồng bộ, chưa hiệu quả, lãng phí rất lớn, chưa tạo ra những sản phẩm giá trị gia tăng cao và chưa xây dựng được thương hiệu có uy tín trên thị trường toàn cầu.
Bên cạnh đó, hàng năm phần sinh khối phụ phẩm từ các cây trồng chính như lúa, ngô, mía, rau các loại có thể cung cấp tương đương với khoảng 43 triệu tấn hữu cơ, 1,8 triệu tấn đạm urê, 1,6 triệu tấn supe lân đơn và 2,2 triệu tấn kali sulfat - con số khổng lồ để bù đắp dinh dưỡng trong đất và sử dụng trong canh tác nông nghiệp. Song, các phần dinh dưỡng này gần như bị bỏ phí và chưa có các cơ chế khuyến khích tái sử dụng.
Tương tự như vậy trong ngành chăn nuôi, mới chỉ tận dụng được 23% chất thải để sản xuất phân bón hữu cơ.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, đa số phụ phẩm ngành nông nghiệp vẫn bỏ phí. (Ảnh: Tâm An)
Nguồn thu chục tỷ USD từ ngành kinh tế mới
Theo Thứ trưởng Nam, hiện có nhiều mô hình rất hay áp dụng nguyên lý kinh tế tuần hoàn gắn với tăng trưởng xanh, sử dụng phụ phẩm trong nông, lâm, thuỷ sản là nguồn tài nguyên tái tạo. Một số HTX và hộ nông dân đã xử lý rơm rạ tại đồng ruộng bằng chế phẩm sinh học để dùng làm phân bón cho cây lúa...
Thị trường thu gom, đóng gói, vận chuyển và buôn bán rơm lúa ở vùng ĐBSCL ngày càng phát triển. Vụ Đông Xuân năm 2021, giá bán rơm khoảng 400 đồng/kg. Như vậy, ngoài thu thóc, gặt xong có thể thu thêm trên 500.000 đồng/ha rơm nếu đem bán.
Hay như từ mía, mật rỉ, bã sắn...có thể sử dụng nguyên liệu sản xuất ethanol. Nguồn sản xuất nhiên liệu sinh học gồm tinh bột và rỉ đường có tổng sản lượng khoảng 87 triệu lít/năm, tương đương 57,4 triệu tấn dầu thô. Phụ phẩm nông nghiệp cũng được chế biến thành thức ăn gia súc dạng viên. Các mặt hàng này xuất khẩu mang lại giá trị rất cao, khoảng 1-5 USD/kg.
Trong lĩnh vực thủy sản, có DN đã đầu tư công nghệ hiện đại chế biến từ phụ phẩm thủy sản thành bột cá - nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi, collagen và gelatin từ da cá tra, snack da cá tra, dầu ăn từ mỡ cá tra, đạm thủy phân từ cá tra...
" Ngành chế biến phụ phẩm thủy sản ở nước ta mới đạt gần 300 triệu USD năm 2020. Nếu khai thác hết nguồn phụ phẩm gần 1 triệu tấn bằng các công nghệ cao có thể thu về từ 4-5 tỷ USD", ông Nam dẫn chứng. Từ đó có thể thấy, nếu tận dụng hết nguồn phụ phẩm nông nghiệp có thể cho thu tới hàng chục tỷ USD mỗi năm.
Riêng 1 triệu tấn phụ phẩm ngành thủy sản, nếu đưa vào chế biến có thể thu 4-5 tỷ USD mỗi năm. (Ảnh: Hoàng Hà)
Ông Nam cũng chỉ rõ, nước ta đang phải đối mặt với những thách thức về ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên từ sản xuất nông nghiệp. Vậy nên, tương lai nền nông nghiệp Việt cần dựa vào tri thức và công nghệ để phát triển nông nghiệp tuần hoàn, việc này đã và đang trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Không chỉ vậy, hầu hết các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia hiệ đều quy định về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, tuân thủ các tiêu chuẩn phát thải, chất thải, khí thải. Đây là tiền đề để thúc đẩy nền nông nghiệp Việt tăng tốc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tuần hoàn, hướng đến nông nghiệp tăng trưởng xanh.
Do đó, để phát huy giá trị của các nguồn phụ phẩm nông nghiệp, ông Nam cho rằng cần giải thích cho người nông dân hiểu, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của họ trong quá trình thực hiện chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp.
Trước mắt, Bộ NN-PTNT giao các đơn vị chức năng xây dựng các chương trình lồng ghép vào kế hoạch sản xuất, các chương trình chuyển giao khoa học công nghệ liên quan đến nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn đến các hộ sản xuất, trang trại, tổ hợp tác, HTX và các doanh nghiệp.
Trên cơ sở đó, Bộ sẽ nghiên cứu tham mưu đề xuất Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, trong đó có các giải pháp liên quan đến sử dụng hiệu quả phụ phẩm nông nghiệp và nguồn tài nguyên tái tạo, Thứ trưởng Nam cho hay.
Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giúp người dân phát triển sinh kế bền vững Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại do Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) tài trợ, thông qua chương trình này đã tạo sự thay đổi rõ rệt về tư duy, nhận thức của người nông dân trong sản xuất nông nghiệp, phát triển sinh kế dưới tán rừng một cách đa lợi ích, nhất là một tỉnh có lợi...