Thứ trưởng ngoại giao: Hội nghị ASEAN có lúc tưởng khó diễn ra như dự kiến
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết chuỗi các hội nghị ngoại trưởng ASEAN đã diễn ra suôn sẻ, bất chấp nhiều trở ngại.
Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, trao đổi với VnExpress về kết quả của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan, diễn ra từ 9/9 đến 12/9.
- Thành công lớn nhất của AMM 53 và các hội nghị liên quan là gì, thưa ông?
- Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến hết sức phức tạp, tác động sâu rộng của dịch bệnh Covid-19, cạnh tranh chiến lược căng thẳng giữa các nước lớn, chuỗi hội nghị trong khuôn khổ AMM 53 lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến đã diễn ra suôn sẻ, nội dung phong phú, đạt nhiều kết quả. Hội nghị đã ra được nhiều văn kiện, với số lượng 42, đặc biệt Thông cáo chung đạt chất lượng tốt. Điều này cho thấy sức sống, sức hút mãnh liệt của ASEAN, cho thấy tinh thần đoàn kết, gắn kết, chủ động thích ứng của ASEAN rất mạnh mẽ. Đó chính là thành công bao trùm của AMM 53 và các hội nghị liên quan.
- Hội nghị gặp những vấn đề khó khăn gì?
- Thông thường, hội nghị nào cũng có những khó khăn lúc ban đầu. Dù tất cả các vấn đề về tổ chức, nội dung, Việt Nam đều có dự kiến, tính toán trước các phương án, nhưng chúng ta không thể hoàn toàn chắc chắn mọi chuyện được. Nguyên nhân là nhiều kết quả của hội nghị phụ thuộc vào thương lượng, đồng thuận của các nước, nhất là trong hoàn cảnh có những tác động, ảnh hưởng của cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.
Ngay cả việc có tổ chức được hội nghị hay không cũng là một thách thức. Đây là hội nghị trực tuyến, liên quan đến nhiều múi giờ khác nhau, thời gian không thuận lợi cho một số nước, chẳng hạn có đại biểu phải bắt đầu dự họp vào lúc 2-3h sáng, có người thì vào 9-10h tối. Nước nào cũng muốn có thời gian họp thuận lợi nhất, thậm chí trong từng cuộc họp, có nước đề nghị thứ tự phát biểu của bộ trưởng của họ. Bên cạnh đó, thời điểm từ ngày 9/9 đến 12/9 cũng trùng với lịch họp của bộ trưởng ngoại giao các nước thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) và khối Các nền kinh tế mới nổi (BRICS), trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, với nỗ lực điều phối, thiện chí của nước chủ nhà Việt Nam, các nước đã có được đồng thuận về chương trình, nội dung. Chúng ta đã tổ chức thành công các hội nghị.
Khá nhiều điểm trong Tuyên bố chung phải tốn nhiều thời gian thương lượng, có điểm phải đến phút cuối cùng mới đạt đồng thuận.
Video đang HOT
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng trong trao đổi với VnExpress ngày 15/9 tại Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.
- ASEAN và Trung Quốc chưa nối lại đàm phán trực tiếp COC, ông đánh giá thế nào về lo ngại COC bị cản trở hay bị bỏ qua trong năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN?
- COC là một trọng tâm ưu tiên trong quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc. Trong tình hình phức tạp như hiện nay, các nước đều muốn có thêm cơ sở pháp lý cho việc tạo dựng hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Ban đầu, Trung Quốc đề nghị không xác định thời gian cho đàm phán COC, nhưng sau đó lại đề nghị kết thúc đàm phán trong vòng ba năm. Các nước ASEAN cũng muốn đẩy nhanh tiến trình, đặt ưu tiên vào chất lượng của văn bản hơn là định ra thời gian cụ thể. Điều này cho thấy các nước đều muốn nối lại đàm phán COC nhưng do Covid-19 nên quá trình này đang bị đình trệ. Không ai có ý định bỏ qua hay cản trở tiến trình đàm phán COC.
- Ông đánh giá thế nào về vai trò của Mỹ, một đối tác của ASEAN, trong hợp tác ở Biển Đông?
- ASEAN hoan nghênh nỗ lực của tất cả các nước trong nỗ lực bảo đảm hòa bình, ổn định ở Biển Đông. Hiệp hội mong rằng Mỹ, là nước lớn và đóng vai trò quan trọng trên thế giới, có tiếng nói khách quan, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, vì lợi ích chung, không tạo thêm phức tạp và không buộc ASEAN chọn bên.
- Một số chuyên gia cho rằng nội dung Biển Đông trong Thông cáo chung yếu hơn so với nội dung trong Tuyên bố Chủ tịch sau Hội nghị cấp cao ASEAN 36, ông bình luận gì?
- Nội dung yếu hay mạnh tùy vào các góc nhìn, đánh giá của mỗi cá nhân khác nhau và phải đặt trong bối cảnh cụ thể. Thông cáo chung của AMM 53 không phải là Tuyên bố Chủ tịch, đây là hai văn kiện khác nhau. Nếu muốn so sánh thì nên so sánh với Tuyên bố chung của AMM 52 năm ngoái, không nên so sánh với các loại văn kiện khác.
Nhìn chung chúng tôi hài lòng với nội dung Thông cáo chung của AMM 53.
- ASEAN đã đề ra Kế hoạch khung phục hồi tổng thể ASEAN do ảnh hưởng của Covid-19. Nội dung và tiến độ của kế hoạch này là gì?
- Đây là nhiệm vụ các nhà lãnh đạo ASEAN giao cho các bộ trưởng ngoại giao thảo luận từ Hội nghị cấp cao lần thứ 36. Đến nay Hiệp hội đã lên được đề cương của khung phục hồi tổng thể. ASEAN xác định 4 phương châm: tiếp cận tổng thể toàn cộng đồng; đồng bộ và bổ trợ, trong đó cân đối nhiệm vụ bảo đảm sức khỏe cộng đồng và nhiệm vụ phát triển kinh tế; nhanh chóng nhưng linh hoạt; tiếp cận theo giai đoạn gồm ngắn hạn – tái mở cửa, trung hạn – phục hồi và dài hạn – tự cường.
Kế hoạch sẽ được xây dựng trên cơ sở 5 nội dung chính: tăng cường hệ thống y tế vững mạnh; đảm bảo an ninh con người; tận dụng tối đa thị trường nội địa của ASEAN, tăng cường liên kết kinh tế với các thị trường bên ngoài; đẩy mạnh chuyển đối số toàn diện; hướng tới phát triển bền vững, tổng thể, tự cường của ASEAN kết hợp với các tầm nhìn và kế hoạch của ASEAN đến 2025 và giai đoạn tiếp theo.
Việt Nam đang phối hợp với các nước thúc đẩy hoàn thiện xây dựng Kế hoạch, với định hướng thống nhất bản thảo vào tháng 10 để các trưởng nhóm các quan chức cấp cao (SOM) thảo luận. Văn bản dự kiến được trình lãnh đạo ASEAN thông qua vào Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 vào tháng 11 tới.
Chia sẻ thông tin đập trên sông Mekong 'chưa đầy đủ'
Các nước hạ lưu sông Mekong và Trung Quốc chưa có cơ chế chia sẻ thông tin đầy đủ về đập thuỷ điện và nguồn nước, theo cựu quan chức Việt Nam về ASEAN.
Phát biểu được ông Phạm Quang Vinh, cựu trưởng nhóm các quan chức cấp cao của Việt Nam trong ASEAN (SOM), đưa ra khi trả lời câu hỏi của VnExpress về khuyến nghị với hợp tác của các nước và đối tác, bên lề Diễn đàn "Gắn kết hợp tác tiểu vùng Mekong với các mục tiêu của ASEAN" ngày 14/7 tại Hà Nội.
Theo ông Vinh, hợp tác hiện nay giữa các nước ở hạ lưu sông Mekong và Trung Quốc về sử dụng nguồn nước, trong đó có các đập thuỷ điện chủ yếu dựa trên sự tự nguyện và chưa đầy đủ. Do đó, các nước cần đề ra cơ chế thường kỳ, theo mùa mưa và mùa khô, nêu ra các chuẩn mực trong sử dụng bền vững nguồn nước.
Ông cũng cho rằng các nước hạ lưu sông Mekong cần coi an ninh nguồn nước là ưu tiên hàng đầu trong các cơ chế hợp tác khu vực. Vấn đề an ninh nguồn nước được thể hiện rõ nhất ở tiểu vùng Mekong, khi các nước ở hạ nguồn gồm Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, trao đổi về sử dụng bền vững nguồn nước của dòng sông này với Trung Quốc, nước ở thượng nguồn.
Giữa năm 2019, các nước hạ lưu sông Mekong trải qua một trong những đợt hạn hán tồi tệ nhất, khiến mực nước hạ xuống mức thấp kỷ lục trong ít nhất 60 năm qua. Các nghiên cứu gần đây của Ủy hội Sông Mekong (MRC), cơ quan liên chính phủ của 4 nước ASEAN (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan), cho thấy tần suất và mức độ nghiêm trọng của các đợt hạn hán ở hạ nguồn sông Mekong đã gia tăng trong vài thập kỷ trở lại đây. Theo MRC, vào tháng 7/2019, khu vực Chiang Saen ở phía bắc Thái Lan ghi nhận mực nước sông 2,1 m, thấp hơn mức trung bình cùng kỳ trong suốt gần 6 thập kỷ qua 3,2 m và dưới mức nước tối thiểu từng đo được 0,75 m.
Một người đánh cá bên bờ sông Mekong ở Nongkhai, Thái Lan hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.
Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, hạn hán nghiêm trọng khiến nông dân ở nhiều tỉnh, được coi là vựa lúa của cả nước, không thể canh tác, hàng trăm nghìn người cũng lâm vào cảnh thiếu nước ngọt dùng cho sinh hoạt. Tình trạng này kéo dài sang năm 2020.
MRC đánh giá bên cạnh nguyên nhân biến đổi khí hậu gây nên hạn hán, dòng chảy của dòng Mekong yếu do đập thuỷ điện của Trung Quốc giảm lưu lượng xả. Theo Trung tâm nghiên cứu Stimson, Mỹ, Trung Quốc có 11 đập thuỷ điện trên thượng nguồn sông Mekong, trữ 47 tỷ m3 nước. Bắc Kinh được cho là giữ đến 50% lượng nước sông Mekong vào mùa khô.
Ông Vinh lưu ý các nước ở hạ lưu sông Mekong có hợp tác với hầu hết các đối tác lớn của ASEAN, như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia. Do đó, khu vực tiểu vùng Mekong cần phối hợp tốt với các thành viên còn lại của ASEAN để thảo luận các vấn đề chung, trong đó có an ninh nguồn nước.
"Nếu các quốc gia ở Mekong phát triển bền vững, sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển chung của ASEAN", ông nói.
Đánh giá tầm quan trọng của tiểu vùng Mekong, trong diễn đàn hôm nay, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết đây này là hành lang chiến lược kết nối Đông Nam Á và Nam Á, là cây cầu nối Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Tiểu vùng còn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và mạng lưới giao thông của khu vực.
Tuy nhiên, tiểu vùng Mekong đang bị tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu, chịu nhiều tác động của các thiên tai do tự nhiên và con người gây ra.
Ông Dũng cho rằng ASEAN nên tác động nhiều hơn đến sự phát triển của tiểu vùng này thông qua việc tạo ra các nền tảng cho đối thoại thường xuyên, các hành động chung và hợp tác với các đối tác phát triển. Hiệp hội cần duy trì vai trò trung tâm trong các cấu trúc tiểu vùng, tạo ra tầm nhìn cho hợp tác chặt chẽ và rộng lớn hơn trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Họp trực tuyến quan chức cấp cao ASEAN ứng phó dịch COVID-19 Cuộc họp các quan chức cao cấp (SOM) ASEAN cấp Thứ trưởng Ngoại giao diễn vào ngày 18/5 dưới hình thức trực tuyến, bàn về kế hoạch ứng phó dịch COVID-19. Ngày 18/5, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng SOM ASEAN-Việt Nam, Nguyễn Quốc Dũng tham dự Cuộc họp trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020. Tại cuộc họp, ông Nguyễn Quốc Dũng...