Thứ trưởng Lao động: ‘Đổi mức đóng bảo hiểm là cuộc cách mạng lớn’
Theo ông Phạm Minh Huân, mạng lưới an sinh xã hội của nước ta hiện nay rất mỏng, thay đổi chính sách bảo hiểm xã hội rất cần đồng thuận của người lao động và doanh nghiệp.
Chiều 28/12, tại Hội nghị cung cấp thông tin về triển khai Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Thứ trưởng Lao động Phạm Minh Huân nhận định, 2016 – 2020 là giai đoạn cải cách BHXH khi nhà nước tìm mọi biện pháp mở rộng đối tượng tham gia để “làm dày” mạng lưới an sinh xã hội.
Trước nhiều nghi ngại về mức đóng BHXH mới dựa trên lương và phụ cấp ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập người lao động, ông cho rằng “thay đổi mức đóng BHXH là cuộc cách mạng quan trọng giúp người lao động về già được hưởng lương hưu, đòi hỏi đồng thuận lớn của người tham gia và cộng đồng doanh nghiệp”.
Hiện nay, 80% lực lượng lao động có thu nhập thấp, khiến mạng lưới an sinh mỏng manh. Khu vực không có quan hệ lao động, hầu như không đóng BHXH. Khi gặp sự cố, nhiều người không còn thu nhập, không có lương hưu, hết nguồn sống. Thứ trưởng Lao động thừa nhận rất xấu hổ khi ra nước ngoài nhận được câu hỏi “Hệ thống an sinh mỏng manh như vậy thì người dân Việt Nam sống và suy nghĩ thế nào?”. Đây là trăn trở của người làm chính sách, ông khẳng định.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân thông tin, 80% lực lượng lao động có thu nhập thấp, người trong khu vực không có quan hệ lao động thì hầu như không đóng BHXH. Ảnh: Phương Hòa.
Video đang HOT
Theo thứ trưởng Huân, mức phụ cấp được dùng để đóng BHXH trong quy định mới hầu như ít biến động, phụ thuộc vào: độ phức tạp công việc, điều kiện lao động, khuyến khích về điều kiện sinh hoạt và vốn. Theo lẽ thường, lương phải chiếm khoảng 70%, phụ cấp 30% nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp đảo ngược hai phần trên. Do đó, quy định mới cân nhắc tách một số khoản phụ cấp dùng đóng BHXH chứ không phải tính tất cả.
Ông cũng thừa nhận, mức đóng tăng lên, người lao động hưởng lương hưu nhiều hơn nhưng chi phí doanh nghiệp cũng tăng. Bộ Lao động sẽ lắng nghe thêm để biết lộ trình năm 2018 tiến tới đóng dựa trên tổng thu nhập liệu có khả thi không. Nếu còn khó khăn thì phải tính toán tiếp. Theo ông, cơ quan Bảo hiểm xã hội cũng cần đổi mới phương cách làm việc trong thực hiện thu, chi, đơn giản thủ tục hành chính lẫn thái độ phục vụ, đưa công nghệ vào phục vụ việc đóng BHXH, thuận tiện cho cả người dân và doanh nghiệp.
“Cũng có thể, hệ thống văn bản hướng dẫn cách đóng mới không ra trước ngày 1/1/2016. Trong quý I, có thể tạm thời thu trên nền cũ nhưng mức đóng không được thấp hơn lương tối thiểu vùng. Khi nào có hướng dẫn, Bộ sẽ tính toán lại khoản tạm thu, chênh bao nhiêu thì trả lại cho doanh nghiệp”, ông thông tin.
Đồng tình với thứ trưởng Huân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, quan điểm của Quốc hội là xây dựng luật pháp phải đảm bảo công bằng lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người lao động. Trong đó, lợi ích của người lao động được ưu tiên hàng đầu.
“Chính sách mới đi sớm, đi nhanh bao giờ cũng gặp áp lực và có sự phản ứng, người lao động phản ứng với Điều 60 là minh chứng rõ ràng”, ông nói và cho rằng, tiền lương phải chiếm tỷ trọng cao hơn các khoản phụ cấp. Nhiều doanh nghiệp đảo ngược tỷ trọng đó là không được. Vì vậy, việc điều chỉnh lại mức đóng để người lao động được hưởng quyền lợi sau này là nên làm. Lộ trình thu BHXH theo hai bước đi từ 1/1/2016 đến hết 2017 đóng BHXH trên nền lương và phụ cấp; từ 2018 trở đi đóng trên lương, phụ cấp cùng các khoản bổ sung là hoàn toàn phù hợp.
Hiện Bộ Lao động còn “nợ” 5 nghị định và nhiều thông tư hướng dẫn. Do vậy, ông Lợi đề nghị Bộ cần nhanh chóng khắc phục tình trạng này. Những chính sách nào chưa ra được văn bản hướng dẫn thì phải thông tin cho doanh nghiệp và người lao động biết áp dụng theo mô hình nào để họ chủ động thực hiện.
Thông tin từ Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm 2015, tiền thu từ BHXH đạt 211.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp còn nợ đọng 9.300 tỷ đồng tiền đóng BHXH cho người lao động. Cơ quan bảo hiểm đã thu hồi lại được hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện có khoảng 12 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện.
Phương Hòa
Theo VNE
Khuyến khích doanh nghiệp thưởng Tết bằng tiền thay vì bằng hiện vật
Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: 'Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội khuyến khích doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động một tháng lương'
Chỉ còn một tuần nữa là đến Tết Dương lịch và hơn một tháng nữa là đến Tết Âm lịch, rất nhiều người lao động đang trông chờ vào các khoản tiền thưởng Tết để có thể sắm sửa cho một cái Tết đầm ấm, đầy đủ. Thế nhưng, tình trạng thưởng Tết không chỉ là tiền mặt mà còn bằng hiện vật như: dầu ăn, bột ngọt, xúc xích, chả cá, thậm chí là các sản phẩm doanh nghiệp không tiêu thụ được tặng lại cho nhân viên dịp Tết hiện đang khá phổ biến.
Trao đổi với phóng viên ngày 25/12, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết, luật không có quy định cấm thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật và cũng chưa quy định doanh nghiệp phải có tiền thưởng Tết. Việc chỉ thưởng Tết vài chục nghìn, vài trăm nghìn đồng hoặc thưởng Tết bằng hiện vật sẽ vẫn có thể xảy ra trong dịp Tết sắp tới.
Tuy nhiên Thứ trưởng Phạm Minh Huân nhấn mạnh: "Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khuyến khích doanh nghiệp thưởng Tết cho người lao động một tháng lương. Nnhưng thực tế có những doanh nghiệp khó khăn không bán được sản phẩm lại tặng cho người lao động hiện vật, quà tặng giá trị 10 nhưng bán ra chỉ được 6. Quan trọng nhất là bản thân người chủ sử dụng lao động phải suy nghĩ, việc thưởng cho người lao động những sản phẩm không bán được, không dùng được thì việc thưởng này cũng không có ý nghĩa gì".
Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang yêu cầu các tỉnh gửi báo cáo về tiền lương và tình hình thưởng Tết; nhưng hiện nay mới có rất ít tỉnh đã gửi báo cáo về Bộ. Nhìn chung, năm 2015 mức thưởng Tết không có đột biến mà vẫn giữ ổn định, một số khu vực tăng 5 - 7%. Những doanh nghiệp sản xuất sẽ có mức thưởng bình quân 1,2 tháng lương. Chỉ một số doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp quy mô nhỏ có thể thưởng ở mức cao hơn.
Thông thường, doanh nghiệp phải có phương án về tiền lương, tiền thưởng và công đoàn phải tham gia vào việc thương lượng. Theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, bản thân công đoàn cơ sở sát với tình hình doanh nghiệp phải có kiến nghị, nhưng hiện nay đại diện của người lao động không nắm được thông tin hoạt động của doanh nghiệp nên không phân loại được những yếu tố về tiền lương sát thực để thương lượng về mức tiền lương, tiền thưởng.
Trước ý kiến một số công đoàn cơ sở đặt ra về luật hóa việc thưởng Tết, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết, Luật Lao động mới nhất chưa có quy định luật hóa thưởng Tết vì việc thưởng còn phải phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tháng 1/2016, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tổng hợp thông tin của 63 tỉnh, thành phố và công bố thông tin về tình hình tiền lương, nợ lương và thưởng Tết.
Theo_VTV
Có thể chưa áp dụng cách đóng BHXH kiểu mới từ 1.1.2016 Theo luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi năm 2014, từ ngày 1.1.2016 sẽ thực hiện đóng BHXH theo quy định mới, tính trên tiền lương và các khoản phụ cấp. Ảnh minh họa Tuy nhiên đến nay, cơ quan quản lý và doanh nghiệp (DN) vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Ngày 25.12, tại hội nghị tổng kết ngành LĐ-TB-XH,...