Thứ trưởng KH&CN: Vắc xin Nano Covax có thể chống biến thể Anh
‘Tôi quyết định tiêm vắc xin Nano Covax vì tin tưởng vào đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam. Hi vọng vào cuối quý III-2021, Việt Nam sẽ có vắc xin đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19′, Thứ trưởng Phạm Công Tạc chia sẻ.
Tình nguyện viên được khám sàng lọc trước khi tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 2 tại Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) sáng 26-3 – Ảnh: TTXVN
Ngày 26-3, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc tiếp tục tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 Nano Covax do Việt Nam sản xuất.
Chia sẻ với phóng viên sau khi tiêm, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết ông tiêm vắc xin Nano Covax mũi thứ 1 vào ngày 26-2 tại Học viện Quân y. Sau tiêm, ông không thấy có phản ứng gì, sức khỏe hoàn toàn bình thường. Kết quả xét nghiệm máu sau khi tiêm cho thấy nồng độ kháng thể rất cao, rất tốt.
* Thưa Thứ trưởng, lý do nào ông quyết định tiêm thử vắc xin Nano Covax?
- Thứ trưởng Phạm Công Tạc: Tôi quyết định tiêm vắc xin Nano Covax ngừa COVID-19 do Việt Nam sản xuất vì tin tưởng vào đội ngũ các nhà khoa học Việt Nam. Bên cạnh đó, vấn đề nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19 đã được Bộ Khoa học và Công nghệ thúc đẩy ngay từ những ngày đầu năm 2020, khi dịch mới bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam.
Đến nay có 4 đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắc xin COVID-19 theo các hướng công nghệ khác nhau gồm: Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học dược (Nanogen); Viện vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC); Công ty vắc xin và sinh phẩm số 1 (Vabiotech) và Trung tâm nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (Polyvac).
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax giai đoạn 2 tại Học viện Quân y (Bộ Quốc Phòng) sáng 26-3 – Ảnh: TTXVN
Vắc xin Nano Covax của Công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 trên 60 người. Giai đoạn 2 đã tiêm thử nghiệm mũi 1 ngày 26-2 với 560 người và ngày 26-3 bắt đầu tiêm mũi thứ hai.
Kết quả bước đầu cho thấy vắc xin Nano Covax an toàn với người được tiêm, có khả năng sinh kháng thể cao và chống lại được virus SARS-CoV-2, kể cả biến chủng mới của Anh. Dự kiến đầu tháng 5-2021 sẽ bắt đầu tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.
Ngoài ra, vắc xin Covivac do Viện IVAC nghiên cứu sản xuất trên trứng gà có phôi, đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1. Vắc xin của Công ty Vabiotech cơ bản đã hoàn thành nghiên cứu tiền lâm sàng trên động vật, dự kiến giữa tháng 4-2021 sẽ bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.
Riêng Trung tâm Polyvac còn đang tiếp tục nghiên cứu tạo chủng để phục vụ sản xuất vắc xin COVID-19.
* Xin Thứ trưởng cho biết kết quả tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 an toàn, hiệu quả thì giai đoạn 3 dự kiến sẽ diễn ra khi nào và thời điểm để vắc xin Nano Covax có thể được cấp phép lưu hành rộng rãi?
- Theo kế hoạch thì đầu tháng 5-2021, vắc xin Nano Covax sẽ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Nếu thuận lợi, tháng 8-2021 sẽ hoàn thành tiêm và đánh giá kết quả trên khoảng 1.000 người. Nếu kết quả tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 an toàn, hiệu quả thì dự kiến cuối quý III-2020 vắc xin này có thể được cấp phép.
Bên cạnh việc bảo đảm để Việt Nam có thể chủ động kịp thời ứng phó với dịch COVID-19, các loại vắc xin và sản phẩm khoa học công nghệ liên quan cần đáp ứng tiêu chí về chất lượng, hiệu quả, giá thành rẻ, phù hợp khả năng tiếp cận của mọi người dân.
Hiện nay, không chỉ vắc xin Nano Covax mà các kết quả nghiên cứu trong phòng thí nghiệm ở giai đoạn tiền lâm sàng, thử nghiệm lâm sàng của cả 3 vắc xin do Việt Nam sản xuất đều được đánh giá rất tốt, có triển vọng.
Có được kết quả bước đầu này, trước hết là do đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu vắc xin của Việt Nam rất có kinh nghiệm, đồng thời, các đơn vị của Việt Nam đều hợp tác chặt chẽ, trao đổi trực tiếp với các cơ quan nghiên cứu, sản xuất vắc xin uy tín trên thế giới.
Hi vọng vào cuối quý III-2021, Việt Nam sẽ có vắc xin đầu tiên để phòng, chống dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vắc xin 'made in Vietnam'
Sáng 26/3 Học Viện Quân y tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin Nano Covax do Cty Nanogen nghiên cứu sản xuất. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đến thăm hỏi, động viên và cảm ơn những người tình nguyện tiêm thử nghiệm vắc xin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam động viên người tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax Ảnh: Thái Hà
Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân Y cho biết mục tiêu của giai đoạn 2 là thử nghiệm với số lượng mẫu lớn hơn, làm trên 60 tình nguyện viên và tiếp tục làm thử nghiệm... đa trung tâm, tiếp tục đánh giá tính an toàn và chú trọng hơn việc đánh giá hiệu quả sinh kháng thể và khả năng diệt virus của kháng thể đấy.
"Qua kết quả giai đoạn 1 kết quả rất an toàn, đều tạo ra được kháng thể tốt, đều có nghiên cứu thử nghiệm khả năng trung hòa virus rất tốt. Mẫu chưa lớn nhưng biến chủng của Anh cũng đều diệt được", GS Quyết nói.
Trong sáng nay Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tiêm mũi 2 giai đoạn 2 của vắc xin Nano Covax. Trước đó ngày 26/2 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tiêm mũi 1 vắc xin này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiêm thử nghiệm vắc xin Nano Covax mũi 2 sáng 26/3. Trước đó, vào ngày 26/2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đan đã tiêm mũi 1 - Ảnh: Thái Hà
Theo tiến độ hiện nay đến cuối tháng 4 giai đoạn 2 sẽ hoàn thành. Cuối tháng 6 báo cáo Bộ Y tế và xin cấp phép cho vắc xin.Trước đó Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị rút ngắn quá trình thử nghiệm để sớm đưa vắc xin ra thị trường.
Các tình nguyện viên tiêm mũi vắc xin thứu 2 tại Học hiện Quân y ngày 26/3 - Ảnh: Thái Hà
Về vấn đề này GS.TS Đỗ Quyết cho hay: "Chúng tôi luôn tự hỏi có thể làm được gì để đẩy tiến độ nhanh hơn nhưng vẫn đảm bảo an toàn, đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên, đánh giá một cách khoa học, chính xác tính miễn dịch của vắc xin này. Chúng tôi là đơn vị thử nghiệm từ ban đầu, rất cảm ơn sự quyết liệt của Chính phủ, sự chỉ đạo của Bộ Quốc Phòng, Bộ Y tế. Với tiến độ này thì cuối tháng 6, đầu tháng 7 có thể trình Hội đồng y đức, hội đồng khoa học của Bộ Y tế thông qua giai đoạn 3 để tiêm diện rộng hơn. Thời gian đã rút ngắn đến mức tối đa nhưng vẫn đảm bảo tính khoa học, an toàn. Tôi cũng cảm ơn các tình nguyện viên, cơ quan báo chí tuyên truyền để người dân hiểu rằng chúng ta đã làm, có vắc xin cho người Việt Nam rất hiệu quả".
"Trong nghiên cứu thử nghiệm vắc xin theo quy định thế giới, điều quan trọng nhất là phải đánh giá và bảo vệ người dân không bị lây nhiễm trong môi trường có thể có lây nhiễm ở cộng đồng. Còn điều kiện nữa là khi đã có 1 vắc xin được thế giới công nhận, ở đây là AstraZeneca thì có thể cho phép thử nghiệm hơn kém, tức là so sánh với vắc xin đó xem hiệu lực bảo vệ của sinh kháng thể, khả năng diệt virus của chúng ta có kém hơn, nếu tương đương thì cấp phép được. Vì thế, thử nghiệm số lượng có thể rút lại, giai đoạn 3 chỉ cần trên 10.000, trong đó 5000 người thử nghiệm vắc xin AstraZeneca , 5000 người thử nghiệm Nanocovax. Chúng ta hoàn toàn có cơ sơ khoa học để so sánh tác dụng phụ, tác dụng không mong muốn và hiệu quả sinh kháng thể và hiệu quả diệt virus. Tôi tin rằng với phương pháp như thế, chúng ta hoàn toàn có thể sớm có vắc xin, thậm chí với diễn biến này, khả năng có sớm rất cao".
Tiêm mũi 2 thử nghiệm vaccine COVID-19 Nano Covax Sáng 25/3, Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng tiếp tục tiêm thử nghiệm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine COVID-19 Nano Covax cho 26 tình nguyện viên. Trước khi tiêm thử mũi 2 vaccine Nano Covax, các tình nguyện viên tại Học viện Quân y đều được kiểm tra sức khỏe, khám sàng lọc, lấy máu và nước tiểu, xét nghiệm COVID-19,...