Thứ trưởng Công an: ‘Phải tiêu hủy xe đua trái phép’
Trung tướng Phạm Quý Ngọ cho rằng, các phương tiện xe đua trái phép nếu tịch thu rồi đem bán đấu giá thì tính răn đe vẫn chưa cao.
Ngày 23/2, trao đổi với báo chí về chế tài xử phạt người đua xe trái phép và xử lý xe đua, trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an cho rằng, với xe đua trái phép nếu chỉ giữ, xử phạt hành chính rồi trả lại thì “như bắt cóc bỏ đĩa, không giải quyết được vấn đề”. Bộ Công an có quan điểm bất kỳ phương tiện nào, dù là mượn của người khác khi tham gia đua trái phép thì phải bị tịch thu và tiêu hủy.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ trả lời báo chí ngày 23/2. Ảnh: Thái Thịnh.
Theo Thứ trưởng Ngọ, khi bị tiêu hủy, giữa cá nhân và gia đình người cho mượn xe bị tịch thu sẽ có trách nhiệm với nhau. Do số tài sản vi phạm không lớn, nếu tịch thu rồi đem bán đấu giá thì tính răn đe vẫn chưa cao.
Trước đó, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng cho biết, đề xuất tịch thu xe đua đã nhận được ủng hộ của các ban ngành, song việc tiêu hủy xe chưa nhận được đồng tình của dư luận.
Còn theo Giám đốc Công an Hà Nội Nguyễn Đức Nhanh, hiện nay việc xử lý đua xe gặp nhiều khó khăn vì quyền sở hữu tài sản đó không mang tên người vi phạm. “Nếu Chính phủ cho phép UBND TP Hà Nội, công an hay tòa án tịch thu phương tiện đua xe trái phép, tôi hứa địa bàn này sẽ không còn đua xe nữa…”, tướng Nhanh quả quyết.
Theo dự thảo nghị định sửa đổi nghị định 34 về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ, người tổ chức đua xe hoặc đua xe máy, ôtô và chống người thi hành công vụ sẽ phải chịu mức phạt cao nhất tới 40 triệu đồng và bị tịch thu xe; người cổ vũ, kích động đua xe cũng phải chịu mức phạt tới 20 triệu đồng.
Theo VNEXpress
Nên bán xe đua trái phép
Hiện nay nạn tụ tập đua xe trái phép không những không thuyên giảm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Vũng Tàu mà còn có chiều hướng "phát triển" về các thị xã, thị trấn...
Công an Hà Nội xử lý các trường hợp đua xe trái phép tại khu đô thị mới Việt Hưng, Long Biên
Tại Hội nghị tổng kết 8 năm thực hiện Chỉ thị 22 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đang xây dựng chế tài xử lý đối với hành vi đua xe trái phép, phương hướng cũng sẽ là tịch thu phương tiện và thanh lý, sung công quỹ phục vụ công tác đảm bảo an toàn giao thông.
Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo số 1702/ TTg- KTN về việc tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm bảo đảm an toàn giao thông, trong đó cho phép UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được đề xuất mức phạt cao hơn đối với trường hợp tạm giữ phương tiện do người chưa đủ tuổi điều khiển; tịch thu phương tiện tham gia đua xe trái phép. Chấp hành sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đề nghị, người tham gia đua xe trái phép "sẽ bị thu và hủy luôn phương tiện".
Nhân dân rất đồng thuận và ủng hộ quyết tâm của Thủ tướng và các ban, ngành từ địa phương đến Trung ương như công an, GTCC, UBND các cấp... tập trung thanh toán dứt điểm nạn đua xe trái phép, đảm bảo an toàn giao thông, trật tự an ninh xã hội.
Trước hết phải khẳng định người chưa đủ tuổi (trong đó có nhiều học sinh phổ thông) điều khiển xe máy, đua xe trái phép là hành vi phạm pháp. Đua xe làm mất trật tự an ninh, dẫn đến hậu quả gây thương tích, chết người, tội còn nặng hơn. Công an bắt được đầy đủ "nhân chứng, vật chứng", xử theo pháp luật là hoàn toàn đúng. Kẻ nào phạm tội hình sự dù đó là "con ông, cháu cha" cũng kiên quyết đưa ra tòa xử "đúng người đúng tội" (như Hà Nội đã từng xử một số vụ) để răn đe, giữ kỷ cương phép nước.
Còn như chưa đến mức phải xử lý hình sự thì ngoài việc tịch thu phương tiện, thông báo về cho gia đình, trường học, cơ quan, nơi ở, cần có hình phạt nặng hơn: Chịu sự quản thúc của cơ quan công an, chính quyền sở tại, nghiêm túc buộc làm lao động công ích tại các công trường, dọn vệ sinh đường phố... từ một tuần trở lên. Giáo dục bằng lao động chân tay cũng là một biện pháp tích cực, có hiệu quả rèn luyện nhân cách cho tuổi trẻ, nhất là đối với các "cậu ấm, cô chiêu" quen tiêu tiền của cha mẹ, lười nhác, thích đi vũ trường hơn đến lớp học. Còn " vật chứng" - phương tiện xe đua trái phép đã bị các tay đua thay đổi kết cấu xe, xoáy nòng, đôn zên, gắp đèn, thay phuộc, tháo phanh... đó là những tang vật của vụ án, tịch thu là đúng luật. Nếu đem hủy hàng trăm, hàng nghìn xe đua phạm pháp, tiêu tốn thêm một khoản nhất định, không phải là sai. Hơn nữa, chúng ta đang có chủ trương giảm thiểu phương tiện xe cá nhân, hủy bỏ đồ phạm pháp cũng là việc làm "một công đôi việc".
Tuy nhiên đứng về tổng thể mà suy xét cho thấu tình đạt lý, thì như ý kiến của Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh, Giám đốc Công an TP Hà Nội, nên tịch thu toàn bộ phương tiện đua xe và đem bán đấu giá công khai, đưa vào các quỹ từ thiện, quỹ xã hội, cho người nghèo... Rõ ràng vừa không lãng phí, vừa có một khoản ngân phí lớn để làm công việc ích nước lợi nhà. Hơn nữa nhiều đồng bào ở vùng sâu, vùng xa (ngay cả ngoại vi Hà Nội) không có phương tiện đi lại, bán cho họ một chiếc xe máy giá ưu đãi, dù đã cũ, cũng là giúp họ đỡ vất vả cực nhọc trên con đường mưu sinh.
Theo ANTD
Hơn 100 người chết vì tai nạn giao thông Từ ngày 22 đến 24/1, toàn quốc xảy ra gần 130 vụ tai nạn giao thông, làm 106 người chết. Tình trạng ùn tắc kéo dài, đua xe trái phép đã không xảy ra. Theo Bộ Công an, ngoài số người chết, tai nạn giao thông còn làm 110 người bị thương, so với Tết năm trước giảm 12 người chết và 32...