Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Tinh giản biên chế rất nhiều thách thức
“Tinh giản biên chế thực sự rất nhiều thách thức, đòi hỏi người đứng đầu phải có bản lĩnh trong việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức để đưa người đúng diện vào danh sách cần tinh giản biên chế”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói.
Ngày 7/5, tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2015, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã trả lời nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch tinh giản tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội từ nay đến năm 2021.
Nghị quyết 39 vừa được Bộ Chính trị ban hành chỉ rõ hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thời gian qua còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên. Vậy liệu từ nay đến năm 2021, có đạt mục tiêu như đã đề ra là tinh giản tối thiểu 10% biên chế của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội?
Chúng ta cũng thấy, dư luận xã hội có đề cập đến tỷ lệ 30% công chức không làm được việc. Còn các bộ ngành địa phương gửi báo cáo để chúng tôi tổng hợp đều thấy cán bộ, công chức hoàn thành tốt, xuất sắc nhiệm vụ – đó là cái mâu thuẫn. Do vậy, trong quá trình nghiên cứu chúng tôi đặt ra mục tiêu khiêm tốn cho các bộ ngành địa phương khi xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế phải đặt ra tỷ lệ tối thiểu là 10% trở lên.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn nói rõ về kế hoạch tinh giản 10% biên chế
Bên cạnh những mục tiêu đạt được, các đợt tinh giản biên chế trước đây cũng có những hạn chế như giảm được bao nhiêu thì lại lấy vào bấy nhiêu. Vì vậy, để đảm bảo mục tiêu tinh giản biên chế đúng như kế hoạch, có rất nhiều giải pháp được đặt ra lần này như đưa ra được hai người thì chỉ lấy vào một.
Bộ Chính trị cũng chỉ rõ người đứng đầu các cơ quan vẫn chưa làm hết trách nhiệm, thẩm quyền, thậm chí còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán… dẫn đến các đợt tinh giản biên chế trước không đạt được mục tiêu như kỳ vọng. Đợt tinh giản biên chế lần này có gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị không, thưa ông?
Việc tinh giản biên chế thực sự rất nhiều thách thức, đòi hỏi người đứng đầu phải có bản lĩnh trong việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức để đưa người đúng diện vào danh sách cần tinh giản biên chế. Phải đảm bảo đoàn kết trong nội bộ, đơn vị vẫn phải ổn định, đảm bảo hoàn thành công việc được giao. Chúng ta cũng phải đặt niềm tin vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và vào trách nhiệm, thẩm quyền người đứng đầu, bản thân mỗi công chức, viên chức cũng phải nhận thức rõ điều đó.
Yêu tố nào để nhân dân có thể tin tưởng mục tiêu đó có thể đạt được?
Video đang HOT
Yếu tố để kế hoạch tinh giản bên chế lần này thành công là gắn trách nhiệm của người đứng đầu với mục tiêu tinh giản biên chế để đánh giá mức độ hoàn thành công việc hàng năm. Đối với đơn vị không thực hiện được tỷ lệ tinh giản biên chế thì khi thành lập đơn vị mới sẽ không được tuyển thêm mà phải tự điều hòa trong đơn vị của mình.
Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định rất cụ thể các tiêu chí phân loại cán bộ, công chức. Đây là công cụ cho người đứng đầu đánh giá cán bộ, công chức của mình. Nếu ai đó dính vào một trong những tiêu chí đó thì coi như không hoàn thành nhiệm vụ trong năm. Đây là cơ sở để phân biệt người làm việc tốt, tận tụy trong công việc với người lười biếng, không hoàn thành nhiệm vụ.
Thực tế có những người đứng trong đội ngũ công chức có thể chưa phát huy năng lực nhưng khi làm trong doanh nghiệp hoặc lĩnh vực khác lại làm rất tốt. Vì vậy, đây cũng là cơ hội để phát huy năng lực, sở trường của mỗi người chứ không phải là việc đẩy họ ra ngoài. Tinh giản biên chế vẫn phải thể hiện tính nhân văn, chứ không phải ai đó không hoàn thành nhiệm vụ trong hoạt động công vụ thì chúng ta không quan tâm, sau này muốn làm gì thì làm là không có.
Ông có thể cho biết cụ thể con số bao nhiêu cán bộ, công chức, viên chức cần phải tinh giản từ nay đến năm 2021?
Làm sao mà xác định được con số cụ thể là giảm bao nhiêu. Chúng tôi chỉ đưa ra con số tối thiểu là 10% biên chế của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội. Riêng trong Bộ Nội vụ đề ra mục tiêu tinh giản 15%. Còn cán bộ công chức của mình, nếu tính đến cấp xã khoảng 500.000 người, trong đó từ cấp huyện đến Trung ương chỉ có khoảng 286.000 người. Riêng đội ngũ viên chức hiện nay có khoảng 2,4 triệu người.
Viên chức là đối tượng đông nhất hiện nay, do vậy tinh giản biên chế chủ yếu tập trung vào đối tượng nay và cán bộ công chức cấp xã. Tuy nhiên, mục tiêu tinh giản biên chế không đơn thuần là giảm cơ học, mà còn là nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, trong đề án tinh giản biên chế mới đưa ra nhiều giải pháp, ngoài việc đưa ra ngoài đội ngũ, còn có sắp xếp tổ chức bộ máy, đánh giá, phân loại và còn nâng cao chất lượng tuyển dụng.
Như ông nói Bộ Nội vụ đặt ra mục tiêu tinh giản 15%, thế còn các bộ ngành, địa phương khác có phải công bố con số cụ thể không?
Căn cứ Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì các đơn vị phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế của mình từ nay đến năm 2021, trong đó phải nói rõ tinh giản bao nhiêu phần trăm, tỷ lệ tối thiểu là từ 10% trở lên. Còn quan điểm chúng tôi là sẽ công khai kế hoạch đó không những trong toàn đơn vị mà mọi người đều phải biết để giám sát. Ngoài việc công khai như vậy, cuối năm còn phải kiểm tra xem kết quả đạt được bao nhiêu.
Làm sao để giám sát được việc tinh giản có nhầm đối tượng hay không, nghĩa là những người làm được việc nhưng không được lòng lại bị đưa ra, còn người không làm được việc nhưng là con ông cháu cha… thì được giữ lại?
Để thực hiện tinh giản biên chế đúng mục tiêu đặt ra thì phải đảm bảo có sự thẩm định của cơ quan cấp trên, giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và người dân. Điều quan trọng nữa là xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu có ý trù dập người khác mà đưa họ vào đối tượng tinh giản.
Còn nếu làm không đúng, người bị tinh giản cảm thấy hoàn thành nhiệm vụ được giao thì có thể làm theo luật khiếu nại, tố cáo. Các đơn vị chức năng sẽ kiểm tra chương trình công tác của đơn vị, phân công cho ai, nhiệm vụ thế nào thời gian hoàn thành có tên, có tuổi rồi.
Xin cảm ơn ông!
Quang Phong (ghi)
Theo dantri
Bộ Chính trị yêu cầu tinh giản cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ
Nghị quyết 39 vừa được Bộ Chính trị ban hành yêu cầu biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định...
Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Bộ Chính trị đánh giá những năm qua, các cấp, các ngành đã tích cực triển khai chủ trương về tinh giản biên chế đạt được một số kết quả quan trọng. Nhiều cán bộ, công chức, viên chức không đủ tiêu chuẩn, điều kiện về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe, phẩm chất được đưa ra khỏi bộ máy nhà nước.
Bộ Chính trị yêu cầu bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị
Tuy nhiên, hiệu quả công tác tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, tổng số biên chế có xu hướng tăng lên, nhất là trong khu vực sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã. Công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức vẫn là khâu yếu. Thi nâng ngạch công chức, viên chức chất lượng thấp, còn tình trạng để giải quyết chế độ, chính sách.
Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế nêu trên được Bộ Chính trị chỉ rõ là do người đứng đầu cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương chưa làm hết thẩm quyền và trách nhiệm đối với công tác tinh giản biên chế. Bên cạnh đó còn có biểu hiện ngại va chạm, nể nang, thiếu nhất quán trong quán triệt, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Việc chia tách, thành lập mới và nâng cấp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn quá nhiều...
Vì vậy, Nghị quyết của Bộ Chính trị đặt ra mục tiêu tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Qua đó thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan đảng, nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Những giải pháp cụ thể đã được Bộ Chính trị đặt ra, trong đó tập trung vào việc rà soát, sắp xếp, kiện toàn tổ chức các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, giữ ổn định tổ chức như hiện nay. Không thành lập các tổ chức trung gian, chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu của thực tiễn.
Bộ Chính trị cũng yêu cầu kiên trì thực hiện chủ trương tinh giản biên chế cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm không tăng tổng biên chế của cả hệ thống chính trị. Trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới thì các cơ quan tổ chức, đơn vị tự cân đối, điều chỉnh trong tổng số biên chế hiện có.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh và lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ.
Từng cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập phải xây dựng kế hoạch tinh giản biên chế trong 7 năm (2015 - 2021) và từng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức thực hiện. Trong đó, phải xác định tỉ lệ tinh giản biên chế đến năm 2021 tối thiểu là 10% biên chế của bộ, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ tuyển dụng số cán bộ, công chức, viên chức mới không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện tinh giản biên chế và không quá 50% số biên chế cán bộ, công chức, viên chức đã giải quyết chế độ nghỉ hưu hoặc thôi việc theo quy định.
Bộ Chính trị yêu cầu sớm hoàn thành việc xác định vị trí việc làm để làm căn cứ xác định biên chế phù hợp. Qua đó rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định (phẩm chất, năng lực, sức khỏe), những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức.
Đẩy mạnh thực hiện kiêm nhiệm đối với một số chức danh của cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp xã, nhất là kiêm nhiệm đối với các chức danh cán bộ không chuyên trách ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố. Khoán kinh phí chi trả phụ cấp để khuyến khích giảm dần số lượng những người hoạt động không chuyên trách và tăng thu nhập của cán bộ, công chức cấp xã.
Về nguồn kinh phí thực hiện tinh giản biên chế, đối với cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức do Trung ương quản lý thì ngân sách trung ương bảo đảm. Đối với công chức, viên chức và người lao động làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên, kinh phí lấy từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị...
Quang Phong
Theo Dantri
Tinh giản biên chế: Phải xóa bỏ tư tưởng 'không giảm tôi, con cháu tôi' TS Sử học Trần Văn Miều: Tư tưởng "cá nhân" của một bộ phận cán bộ lãnh đạo sẽ là rào cản lớn nhất trong việc tinh giản biên chế hiện nay. Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39 về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. Nội dung...