Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: Chắc chắn còn nhiều nơi vi phạm kỷ luật thi
“Bộ GD-ĐT nói rằng kì thi cơ bản an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tôi biết, chắc vẫn còn nhiều nơi vi phạm kỷ luật thi, vì thế việc xã hội nghi ngờ về chất lượng kì thi này cũng đúng thôi”-chia sẻ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển với báo Dân trí.
Chiều ngày 13/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có cuộc trao đổi riêng với báo Dân trí - một trong hai cơ quan báo chí đã cung cấp những hình ảnh vi phạm quy chế trong phòng thi ở Hội đồng thi THPT Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội) lên Bộ GD-ĐT. Trước khi có cuộc trao đổi chính thức, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh: “Sau khi quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2013 được ban hành ra thì Bộ GD-ĐT luôn sẵn sàng tiếp thu những thông tin phản ánh về tiêu cực trong kì thi, có nơi tiếp quản tài liệu, chứng cứ và bảo quản. Báo Dân trí đã cộng tác tốt với Bộ GD-ĐT trong việc này, thực hiện đúng như mong muốn quy định của Bộ, của ngành”.
Việc xử lý của Hà Nội là nghiêm túc và đúng quy định
Văn bản báo cáo của Sở GD-ĐT Hà Nội cho rằng vụ việc vừa qua là sai phạm không có tổ chức, mang tính tự phát và chỉ xảy ra ở 1 hội đồng thi. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển: Trước hết, qua sự việc này chúng ta thấy, Sở GD-ĐT Hà Nội đã xác định được là có vi phạm kỷ luật và diễn ra ở một phòng thi. Còn việc cho rằng các phòng thi khác không có sai phạm thì cũng chưa chắn chắc lắm. Tuy nhiên cũng nên nhìn nhận, Hà Nội đã có trách nhiệm triệu tập tất cả thành viên của Hội động thi Trường THPT Quang Trung để làm việc và yêu cầu viết bản tường trình, trong đó có cả phần cam đoan trách nhiệm thì khẳng định lại chỉ có phòng thi này vi phạm.
Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, việc xử lý của Hà Nội đối với “lộn xộn” ở Hội đồng thi trường THPT Quang Trung là nghiêm túc và đúng quy định.
Theo tôi, sai phạm ở đây chỉ là của một vài cá nhân mắc khuyết điểm, thiếu trách nhiệm chứ không phải là hoạt động có tổ chức và chắc là không có dấu hiệu tiêu cực.
Thưa Thứ trưởng, trong vụ Trường THPT Dân lập Đồi Ngô (Bắc Giang) năm 2012, chúng ta đã xử lý hàng loạt cán bộ, giáo viên liên đới, tưởng đó sẽ là bài học cho đội ngũ làm giám thị coi thi. Năm nay các địa phương đã tổ chức tập huấn tốt lại đưa thêm quy định chống tiêu cực thi cử khi cho phép thí sinh được phép mang thiết bị ghi âm, ghi hinh nhưng dường như giám thị vẫn “làm ngơ”. Phải chăng quy định chưa chặt chẽ và ngành cũng chưa có chế tài mạnh tay?
Theo đánh giá của tôi, nguyên tắc, quy chế thì đã chặt chẽ nhưng lực lượng giám sát không phải lúc nào cũng có mặt để giám sát được vì thế cần phải phát huy trách nhiệm của từng người. Khi đã giao trách nhiệm thì anh phải hoàn thành nhiệm vụ còn nếu không hoàn thành mà bị phát hiện sẽ bị xử lý.
Tôi cho rằng, cùng với việc xử lý nghiêm túc ở vụ THPT dân lập Đồi Ngô năm trước cộng với quy định cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào trong phòng thi và việc xử lý nghiêm túc của Hà Nội như thế này kết hợp với nhiều việc khác nữa, nếu mình vẫn kiên trì quyết tâm theo hướng lập lại kỷ cương trong thi cử thì chắc chắn các kì thi năm sau sẽ nghiêm túc hơn năm nay. Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, thì kì thi năm nay đã nghiêm túc hơn năm trước.
Còn chế tài xử lý chúng ta đã có quy định, quy chế thi. Ai sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó. Chẳng hạn như ở Hà Nội có người cho rằng như vậy là chưa “mạnh tay” nhưng theo quy chế thi, với những vi phạm như vậy thì mức xử lý cao nhất là cảnh cáo.
“Việc xã hội nghi ngờ về chất lượng kì thi này cũng đúng thôi”
Năm nào Bộ GD-ĐT cũng nói là kì thi “an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế” nhưng thực tế lại không như vậy. Chính điều này đã khiến dư luận xã hội “nghi ngờ” về chất lượng giáo dục thật của ngành. Thứ trưởng nghĩ sao về điều đó?
Bộ GD-ĐT nói rằng kì thi cơ bản an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tôi biết, chắc vẫn còn nhiều nơi vi phạm kỷ luật thi, vì thế việc xã hội nghi ngờ về chất lượng kì thi này cũng đúng thôi. Để thuyết phục xã hội thì chúng ta phải tổ chức dạy và học cho thật tốt, kiểm tra đánh giá nghiêm túc thành một nề nếp thường xuyên. Nếu cả quá trình mà không nghiêm túc thì ở kì thi tốt nghiệp THPT cũng khó mà nghiêm túc được.
Bộ GD-ĐT ngày càng tạo điều kiện cho những người có điều kiện để giám sát kì thi, ngay cả học sinh có điều kiện cũng có thể để giám sát các thầy các cô… Trước hết, những việc làm này sẽ thúc đẩy ngành phải làm nghiêm túc hơn. Khi mọi người cùng tham gia giám sát sẽ giúp nâng cao chất lượng của giáo dục lên. Từ đây chúng ta mới hướng đến được việc thi cử nghiêm túc thật và lúc đó mới mang lại niềm tin cho xã hội.
Video đang HOT
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, vấn đề tiêu cực tương tự như ở Hà Nội vẫn còn tồn tại ở đâu đó nhưng chưa bị phát hiện.
Chắc chắn vấn đề tiêu cực tương tự như ở Hà Nội vẫn còn tồn tại ở đâu đó nhưng chưa bị phát hiện. Chỉ có điều khi phát hiện ra ở đâu thì chúng ta xử lý đến đấy, chứ không thể xử lý ở những nơi không có được. Về mặt tổng thể chung, ngành sẽ ngày càng có những giải pháp để cho hiện tượng này ít đi. Chẳng hạn như, đảm bảo rèn luyện tính trung thực cho học sinh trong suốt quá trình học, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo điều kiện cho những người có điều kiện có thể tham gia giám sát kì thi… Nhưng quan trọng nhất vẫn là những người làm giáo dục phải tự giác và tâm huyết với sự nghiệp của ngành thì mới làm được.
Năm 2012, khi Bộ GD-ĐT tổ chức chấm hậu kiểm đã phát hiện nhiều sai phạm ở kì thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương và năm nay Bộ cũng khẳng định tiếp tục chấm thấm định. Tuy nhiên chúng ta chỉ biết sai phạm ở bài thi môn tự luận còn môn trắc nghiệm chắc là rất khó?
Năm nay Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chấm thẩm định và sẽ mở rộng diện so với năm ngoái hơn nữa. Đồng thời, sẽ công bố công khai kết quả chấm thậm định. Tuy nhiên, đúng như bạn nói, đối với bài tự luận thì dễ phát hiện, còn đối với bài trắc nghiệm thì rất là khó phát hiện. Nếu các bài thi trắc nghiệm cùng có đáp án đúng thì không có cơ sở gì để chúng ta nghi ngờ. Còn nếu trong phòng thi nhiều em cùng chọn đáp án sai thì điều đầu tiên phải đánh giá lại đề thi sau đó mới xem xét đến việc thí sinh có quay cóp bài của nhau hay không.
Chính vì thế, như tôi đã nói ở trên: Không ai thay được thầy cô và không ai thay được học trò. Nếu cả cô và trò cùng thi cử nghiêm túc thì chắc chắn sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Như các bạn đã biết, thi trắc nghiệm cũng mới áp dụng vào Việt Nam, chất lượng câu hỏi của chúng ta cũng chưa tốt, ra đề trong một thời gian ngắn nên việc xử lý các đề thi khác nhau nhưng chất lượng ngang nhau để HS không để nhìn được bài của nhau thì ngành cũng chưa có điều kiện để làm. Bộ GD-ĐT cũng sẽ nghiên cứu dần cho những năm sau.
Đổi mới đánh giá và không thể bỏ kì thi tốt nghiệp THPT
Có ý kiến cho rằng, một kì thi tổ chức tốn kém nhưng không hiệu quả bởi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm rất cao. Vì thế nên chăng bỏ kì thi này đi?
Xu hướng chung trên thế giới hiện nay là ngày càng có nhiều nước quan tâm hơn đối với kì thi tốt nghiệp THPT. Người ta quan niệm rằng, thi tốt nghiệp THPT một cách khách quan, chính xác thì sẽ phản ánh được chất lượng giáo dục và từ đó quay lại đánh giá đầu tư cho giáo dục phổ thông như thế nào, thông qua đó người ta cũng rút ra được kinh nghiệm cho quá trình dạy và học. Hiện nay kì thi tốt nghiệp THPT của chúng ta chưa đạt được mong muốn như vậy. Nhưng không phải vì chưa đạt được như mong muốn mà chúng ta bỏ kì thi này đi.
Chúng ta cần phải xem xét nó có những khiếm khuyết gì, có thể khắc phục, có thể vươn tới được như mong muốn hay không…Tôi cho rằng, kì thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng và đã được khẳng định ở trong Luật Giáo dục.
Như Thứ trưởng đã chia sẻ ở trên, nếu việc kiểm tra đánh giá thường xuyên nghiêm túc thì chắc chắn kì thi tốt nghiệp THPT cũng sẽ nghiêm túc theo. Tuy nhiên trên thực tế việc đánh giá thường xuyên của chúng ta hiện nay có rất nhiều bất cập. Ngành sẽ giải quyết bài toán này như thế nào?
Đúng là hiện nay hệ thống kiểm tra đánh giá của chúng ta đang rất yếu, thậm chí lạc hậu. Ngân hàng Thế giới người ra chia ra 4 mức phát triển của hệ thống kiểm tra thì Việt Nam mới chỉ đạt mức thứ 2, mức mới chỉ đang hình thành kiểm tra đánh giá. Do đó chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng của hệ thống kiểm tra đánh giá. Ngành phải đổi mới đồng bộ về việc kiểm tra đánh giá. Nếu việc kiểm tra đánh giá các em đã quen với nghiêm túc thì sẽ không có vi phạm ở kì thi tốt nghiệp.
“Nếu việc kiểm tra đánh giá các em đã quen với nghiêm túc thì sẽ không có vi phạm ở kì thi tốt nghiệp THPT” – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển.
Hiện nay Bộ đang đổi mới việc kiểm tra đánh giá. Ví dụ Bộ GD-ĐT khuyến khích giáo viên phải có nhận xét đối với các bài kiểm tra, ra đề theo hướng mở… Khi ra đề theo hướng mở thì bắt buộc học sinh phải biết vận dụng, tổng hợp kiến thức để làm. Thậm chí chúng ta có thể ra đề mở đến mức cho học sinh mang tài liệu, sách vở vào phòng thi nhưng nếu không có kiến thức thật thì không thể làm được.
Về kì thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả và tin cậy hơn do nó trung thực và khoa học hơn. Muốn cho gọn nhẹ thì chúng ta phải có bước “chạy đà” trước đó. Chẳng hạn như, trong quá trình dạy học sẽ đánh giá dần những học sinh đã học được, học xong bộ môn, học xong học phần cộng thêm những hình thức đánh giá khác.
Để có sự đánh giá khách quan và đồng bộ trong cả nước thì điều cấp thiết nhất là Bộ GD-ĐT phải hình thành được ngân hàng câu hỏi thi. Vậy hiện nay công việc đó được thực hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi thì Bộ GD-ĐT đang làm. Quan điểm của Bộ là ngân hàng câu hỏi thi sẽ chia thành các câu hỏi nhỏ ở các độ khác nhau như mức độ nhớ, mức độ hiểu sâu sắc, mức độ biết cách vận dụng…Từ ngân hàng câu hỏi thi này chúng ta có thể biến nó thành các đề thi theo yêu cầu riêng. Tôi hi vọng, khi chúng ta hoàn thành được ngân hàng câu hỏi thi sẽ làm cho việc đánh giá thường xuyên trở nên khách quan hơn.
Xin cảm ơn Thứ trưởng đã dành thời gian trao đổi cùng báo Dân trí!
Theo Dantri
Kỳ thi tốt nghiệp THPT: Bộ GD-ĐT bỏ ngỏ những vấn đề "nóng"
Ngay sau khi kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 kết thúc, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo để đánh giá sơ bộ về khâu tổ chức cũng như coi thi. Lãnh đạo Bộ đã trực tiếp trả lời các vấn đề báo chí đưa ra nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi bị bỏ ngỏ.
49 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm nay toàn quốc có 64 đơn vị tổ chức thi, gồm 2.296 Hội đồng coi thi với tổng số 40.361 phòng thi, huy động 142.361 cán bộ, giáo viên tham gia coi thi. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi là 946.064, số thí sinh đến dự thi ngày cuối là 942.549 thí sinh, đạt 99,63%.
Có tổng cộng 49 thí sinh vi phạm quy chế thi bị đình chỉ thi do mang tài liệu, điện thoại di động vào phòng thi, chỉ có 1 trường hợp nhờ người thi hộ; số cán bộ bị đình chỉ làm công tác phục vụ thi là 2 người, do mang điện thoại di động vào khu vực thi. Như vậy so với năm trước số giám thị vi phạm giảm còn số thí sinh tăng. Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, những con số trong bản báo cáo này chưa phải là cuối cùng bởi các địa phương sẽ tiếp tục hoàn thiện để đưa ra con số chính xác. Chính vì thế, có thể bản báo cáo sau sẽ có sự thay đổi.
Quang cảnh buổi lễ họp báo kết thúc kì thi tốt nghiệp THPT 2013.
Đánh giá tại buổi họp báo, ông Ngô Kim Khôi - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết: "Ban Chỉ đạo thi của Bộ GD-ĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra đột xuất, không báo trước tại một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và kiểm tra thực tế tại một số Hội đồng coi thi, kịp thời phát hiện và yêu cầu khắc phục những thiếu sót, hạn chế trong công tác chỉ đạo thi và coi thi.
Tuy nhiên, vẫn còn có hiện tượng một số cán bộ coi thi chưa kiên quyết và kịp thời nhắc nhở thí sinh thực hiện các quy định, còn để một số thí sinh trao đổi bài trong phòng thi hoặc vứt bỏ tài liệu sau buổi thi ở sân trường, cổng trường ảnh hưởng xấu đến vệ sinh, mỹ quan môi trường giáo dục"
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, năm nay hầu hết các trường hợp thí sinh vi phạm đều do cán bộ coi thi phát hiện và xử lý. Điều này khác với các năm trước là hầu hết các trường hợp vi phạm là do thanh tra các cấp phát hiện. Điều đó cho thấy, cán bộ coi thi đã làm việc nghiêm túc hơn, với tinh thần trách nhiệm cao hơn. Một trong những nguyên nhân tạo ra sự thay đổi này chính là việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, thu hình vào phòng thi.
Nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ
Liên quan đến việc báo Dân trí phản ánh tình trạng "phao thi" ở ngay trong phòng thi, ngăn bàn ở Hội đồng thi trường THPT chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa), ông Phạm Ngọc Trúc - Phó Chánh thanh tra (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Nhận được thông tin Bộ đã yêu cầu Sở GD-ĐT Thanh Hóa kiểm tra báo cáo. Sở GD-ĐT Thanh Hóa cho hay, Hội đồng thi Lam Sơn gồm có thí sinh của nhiều nơi, buổi trưa các em nghỉ lại và mang theo các đồ dùng tư trang và trong đó có mang các tài liệu môn trước để kiểm tra, đối chiếu xem mình làm như thế nào và đã để lại tại liệu tại phòng thi, ngăn bàn. Sau khi nhận được báo cáo, Bộ đã yêu cầu Hội đồng thi Lam Sơn chấn chỉnh và rút kinh nghiệm để không xảy ra ở các môn tiếp theo".
Tuy nhiên những thông tin của ông Trúc chia sẻ lại hoàn toàn không "khớp" với lời thầy Lê Anh Niên - Chủ tịch Hội đồng thi trường THPT Chuyên Lam Sơn. Ngay sau sự việc trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Niên cho biết: "Ngày hôm nay không có thí sinh nào bị đánh dấu bài về việc giở tài liệu, giám thị làm nghiêm túc và triệt để. Và tình trạng phao thi được bỏ lại trong phòng thi có thể là do thí sinh mang vào nhưng sau khi hết giờ đã lấy ra xem đáp án".
Ông Phạm Ngọc Trúc - phó Chánh thanh tra (Bộ GD-ĐT) giải đáp các vấn đề liên quan đến công tác thanh tra.
Liên quan đến công tác thanh tra, PV báo Tuổi Trẻ đặt vấn đề: Năm nay Bộ GD-ĐT có đoàn kiểm tra không báo trước, độc lập hoàn toàn với địa phương. Tuy nhiên, có những đoàn thanh tra làm rất tốt, nhưng có đoàn thanh tra lại không làm theo nguyên tắc. Chẳng hạn như khi đoàn đến có những cán bộ cơ Sở GD-ĐT túc trực tại đó, thậm chí còn dẫn đường...?
Trả lời câu hỏi này, ông Trúc nhấn mạnh: "Những thông tin này đề nghị nhà báo cho biết cụ thể hơn để chúng tôi kiểm tra và nếu có gì chưa đúng theo quy định thì sẽ rút kinh nghiệm và chấn chỉnh ở năm sau. Tất cả các đoàn thanh tra và kiểm tra của Bộ đều thực hiện theo nguyên tắc xuống địa phương sau đó thống nhất và chủ động đề xuất địa điểm, sau đó cùng với địa phương xuống địa điểm này".
Trên thực tế, vẫn có đoàn thanh tra không làm theo nguyên tắc như phóng viên phản ánh.
Không có chuyện "lộ" đề thi Văn
Bộ GD-ĐT khẳng định, đề thi được bảo mật tuyệt đối; nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, phù hợp chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình, không có sai sót về nội dung và hình thức. Đề thi các môn Khoa học xã hội tiếp tục ra theo hướng mở, phát huy tính tích cực và năng lực tư duy sáng tạo, có tác động tích cực đến tình cảm, đạo đức thí sinh.
Trước thông tin dư luận cho rằng lộ đề thi môn Văn bởi trước đó nhiều thầy cô đã luyện rất kỹ những câu hỏi trong đề, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: "Giáo viên tập dượt nhiều, trùng với nội dung đề thi là bình thường, chuyện găp nhau là bình thường, ngẫu nhiên, giáo viên càng giỏi càng biết sự trùng lặp. Bộ GD-ĐT không đồng tình với việc chưa có chứng cứ mà đã có thông tin lộ đề".
Về câu hỏi nghị luận có những ý kiến trái chiều nhau nên đòi hỏi phải có đáp án phù hợp? "Ra đề mở nhiều cách chấm khác nhau, quan trọng là lập luận chặt chẽ để đạt điểm cao, còn chuẩn mực đạo đức khác nhau, không áp đặt cho lớp trẻ. Ra đề mở theo hướng càng những năm về sau, ra đề càng hay hơn các năm trước, do giáo viên có kinh nghiệm hơn" - Thứ trưởng Hiển cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Hiển, đề mở đáp án mở, không bắt chi tiết, nếu thí sinh đưa ra ý kiến có lập luận thì được xác nhận.
Ghi âm, thu hình: Có tác dụng ngăn chặn là chính
Trả lời câu hỏi của phóng viên về tác dụng của việc cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, thu hình vào phòng thi năm nay đã có hay chưa, Thứ trưởng Hiển cho hay: "Việc ghi âm, ghi hình nhằm có tác dụng ngăn chặn là chính chứ không phải tác dụng phát hiện. Hiện tại Bộ GD-ĐT chưa phát hiện hay tiếp nhận các phản ánh sai phạm nghiệm trọng như ở Đồi Ngô".
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng tiết lộ thêm, giải pháp của Bộ GD-ĐT sau kỳ thi là chấm thẩm định và công bố kết quả công khai. Năm trước thực hiện chấm thẩm định ở 18 tỉnh thành phố và năm nay có thể sẽ mở rộng thêm.
"Việc ghi âm, ghi hình nhằm có tác dụng ngăn chặn là chính chứ không phải tác dụng phát hiện" - Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển.
Trước ý kiến cho rằng, việc Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh mang thiết bị vào phòng thi đồng nghĩa với việc giao cho các em phải giám sát, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: "Ai cũng có quyền giám sát cơ quan, cán bộ nhà nước, những người công quyền khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trách nhiệm buộc có phải giám sát hay không là vấn đề hoàn toàn khác. Học sinh không buộc phải làm nhiệm vụ giám sát, việc của các em vào phòng thi là làm bài, nếu có điều kiện thì các em giám sát. Đối với giám thị nếu lơ là và nghiệm vụ kém thì quy định này cũng là điều cần thiết để họ có trách nhiệm hơn".
Về việc lắp camera ở các phòng thi, Thứ trưởng chia sẻ: "Bộ GD-ĐT sẽ xem xét thêm về vấn đề này. Tuy nhiên, môi trường giáo dục có những yếu tố riêng, không phải chỉ có giám sát, bên này luôn luôn chống lại bên kia... Chúng tôi quan niệm môi trường giáo dục là tất cả mọi người cùng có ý thức trách nhiệm để làm tốt trọng trách của mình, quan trọng nhất là nhiệm vụ giáo dục".
Theo Dantri
"Lực lượng an ninh bên ngoài không được tiếp cận khu vực thi" "Năm nay Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với an ninh vòng ngoài để đảm bảo không có bài đưa từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài đưa vào", ông Nguyễn Hiệp Thống-Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết công tác tổ chức trước kỳ thi tốt nghiệp THPT như vây. Đó là quan điểm của ông Nguyễn Hiệp...