Thu thập thông tin cá nhân: Công an HN lên tiếng
Chánh văn phòng Công an TP Hà Nội cho biết việc thu thập thông tin dân cư nhằm thống nhất hệ thống văn bản về thông tin dân cư và cải cách thủ tục hành chính.
Chiều nay, 18/10, Công an TP.Hà Nội tổ chức họp báo liên quan đến việc “người dân Hà Nội phải kê khai 32 thông tin cá nhân”.
Đại tá Lê Học Thu, Chánh văn phòng Công an TP Hà Nội cho biết việc thu thập thông tin dân cư nhằm thống nhất hệ thống văn bản về thông tin dân cư và cải cách thủ tục hành chính.
Căn cứ của việc thu thập dữ liệu dân cư thời gian qua là: Nghị định 90 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia quy định 22 danh mục thông tin công dân; Thông tư 81 của Bộ Công an về biểu mẫu quản lý cư trú gồm bản khai nhân khẩu (có 21 danh mục) và phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu (có 16 danh mục)…
Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội (trái) và Đại tá Lê Học Thu (phải) trong buổi họp báo chiều 18/10
Công an Hà Nội đang thực hiện dự án “Xây dựng hệ cơ sở dữ liệu quản lý dân cư giai đoạn 1 tại HN” để phục vụ UBND Thành phố Hà Nội cải cách thủ tục hành chính.
Ông Thu cho biết, việc thu thập này là tổng hợp tất cả dữ liệu với hơn 90 danh mục thông tin nhưng có hơn 30 danh mục trùng nhau. Công an Hà Nội đã tích hợp trong “Phiếu thu thập thông tin dân cư” gồm 32 danh mục thông tin.
Video đang HOT
Trong 32 danh mục trên có 1 danh mục là địa chỉ e-mail và 1 danh mục nhóm máu không quy định trong các văn bản nói trên. Tuy nhiên, Công an Hà Nội không bắt buộc công dân phải kê khai 2 danh mục này. Việc bổ sung 2 danh mục này nhằm phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn.
Ông Thu nêu ví dụ, trên địa bàn có rất nhiều vụ tai nạn xảy ra, không xác định được nhóm máu của nạn nhân sẽ gây khó cho việc cấp cứu. Khi nắm được thông tin này, việc xử lý sẽ dễ dàng hơn.
Việc thu thập thông tin được giao cho cảnh sát khu vực thực hiện đến từng người dân. Việc thu thập thông tin công dân này là việc làm thường xuyên của Công an TP Hà Nội.
Bản kê khai thông tin cá nhân
Tuy nhiên, người phát ngôn của Công an HN thừa nhận, quá trình thực hiện, một số cảnh sát khu vực đã thiếu sót khi không trực tiếp gặp công dân để thu thập thông tin, giải đáp thắc mắc mà lại giao cho tổ trưởng dân phố phát tờ khai. Việc này dẫn đến nhiều người không hiểu đầy đủ ý nghĩa và yêu cầu của việc cung cấp thông tin.
“Công an thành phố đã tổ chức rút kinh nghiệm và chấn chính ngay lập tức những thiếu sót nêu trên” – Đại tá Lê Học Thu cho biết.
Trước câu hỏi “Với những thiếu sót vừa qua, liệu sau này có xảy ra việc một số công dân đã kê khai bị lộ, lọt thông tin, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự?”, Đại tá Thu khẳng định sẽ không có chuyện này. Ông Thu cho biết, vừa qua ở một số nơi, tổ trưởng dân phố phát phiếu kê khai cho người dân nhưng tất cả đều đã được nộp về cho cơ quan công an. Công an thành phố vẫn thường xuyên chỉ đạo sát sao.
Theo Khampha
HN buộc dân kê khai 32 thông tin cá nhân làm gì?
Bộ Tư pháp đã đề nghị Bộ Công an xem xét việc Công an TP. Hà Nội thu thập 32 thông tin của công dân thời gian qua.
"Người dân Hà Nội phải kê khai 32 thông tin cá nhân" là chủ đề được quan tâm nhất tại cuộc họp báo Quý III do Bộ Tư pháp tổ chức sáng nay (17/10).
Công an TP. Hà Nội đang tổ chức thu thập thông tin cá nhân của người dân. Theo đó, người dân phải kê khai 32 thông tin như họ tên, cha mẹ, số điện thoại, email... Câu chuyện đang khiến nhiều người thắc mắc vì có những thông tin trong bản kê khai thuộc nội dung không bắt buộc theo quy định pháp luật. Trong khi đó, những thông tin cần thiết theo quy định đều đã kê khai trong giấy khai sinh, chứng minh nhân dân, sơ yếu lý lịch... Việc kê khai này nhằm mục đích gì vẫn đang là câu hỏi lớn.
Ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Bộ Tư pháp) xác nhận, đã nắm thông tin vụ việc qua báo chí phản ánh. Cơ quan này đã có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị xem xét vấn đề này để có hướng xử lý.
Bản kê khai thông tin cá nhân
Tại cuộc họp báo, có ý kiến thắc mắc: "Chúng tôi được phát một bản kê khai dài 4 trang giấy. Trong đó, bản kê khai yêu cầu điền thông tin email cá nhân, cơ quan công tác, số điện thoại. Thậm chí công dân phải khai cả quá trình công tác từ 14 tuổi tới nay."
Ông Ngô Hải Phan cho biết: "Chính tôi cũng được yêu cầu kê khai thông tin này. Một cán bộ công an khu vực đã đến nhà và phát cho tôi bản kê khai." Trong khi đó, ở địa bàn khác, người phát bản kê khai là tổ trưởng dân phố. Tuy nhiên, ông Phan cũng cho hay, trong 32 nội dung kê khai, có phần in đậm, in nhạt.
"Chưa hiểu là có phải kê khai bắt buộc cả 32 nội dung này hay chỉ những phần in đậm?" - Ông Phan đặt vấn đề.
Trước câu hỏi, việc làm này của Công an TP. Hà Nội có vi phạm Nghị định 90 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, ông Ngô Hải Phan cho rằng vẫn cần có quy trình nghiên cứu, xem xét. Ông Cục trưởng cũng cho rằng, Công an Hà Nội thực hiện việc này có thể đã có sự thông qua của Bộ Công an. Nhưng việc làm này có nằm trong chương trình thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia hay không, ông Phan trả lời không biết. Cách làm như thế nào, theo ông Phan, chưa thể kết luận là đúng hay sai.
"Chúng tôi đã đề nghị Bộ Công an xem xét. Mọi việc đều phải có quy trình. Không thể lập tức đưa ra kết luận là Công an Hà Nội làm đúng hay sai. Chúng tôi đang chờ ý kiến của Bộ Công an trước rồi mới có ý kiến chính thức của mình" - Ông Phan nói.
Ông Phan cũng nhấn mạnh, Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính do Bộ Công an thực hiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Do vậy, công tác thu thập thông tin công dân đều do Bộ Công an thực hiện. Bộ Tư pháp chỉ hướng dẫn, sửa đổi các văn bản, quy định liên quan.
Theo Nghị định 90/2010/NĐ-CP, thông tin của công dân được thu thập, cập nhật trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm: a) Số định danh cá nhân; b) Ảnh chân dung; c) Họ và tên; d) Ngày, tháng, năm sinh; đ) Giới tính; e) Nơi sinh; g) Quê quán; h) Dân tộc; i) Tôn giáo; k) Quốc tịch; l) Chứng minh nhân dân; m) Hộ chiếu; n) Thẻ bảo hiểm y tế; o) Mã số thuế cá nhân; p) Trình độ học vấn; q) Trình độ chuyên môn, kỹ thuật; r) Nghề nghiệp, nơi làm việc; s) Tình trạng hôn nhân; t) Nơi thường trú; u) Nơi ở hiện tại; v) Họ và tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng; x) Họ và tên chủ hộ, quan hệ với chủ hộ, số sổ hộ khẩu.
Cảnh Kiên
Theo Khampha
Bắt đầu thi hành Nghị định về minh bạch tài sản Tài sản ở nước ngoài; tài sản đứng tên người khác; các khoản nợ... cũng phải kê khai; muốn khai thác Bản kê khai phải xin phép... là những điểm được quy định trong Nghị định 78/2013/NĐ-CP của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập sẽ có hiệu lực từ ngày 5/9 tới đây. Nghị định về minh bạch tài sản,...