Thu Phương hát về 30 năm đã qua trong nước mắt
Giọng ca “Chưa bao giờ” vốn nổi tiếng là “người hay khóc” nhưng trong đêm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát với những câu chuyện thuở bắt đầu, có lẽ đó là những giọt nước mắt chính đáng.
Tối 11/11, Thu Phương tổ chức live show kỷ niệm 30 năm ca hát với tựa đề Mùa thu của Phương. Trả lời Zing.vn cách đây không lâu, nữ ca sĩ cho biết cô muốn đứng trên sân khấu Nhà hát Tuổi trẻ để tri ân thầy cô, đồng nghiệp, bạn bè và những người đã cưu mang Thu Phương trong những tháng ngày cơ hàn.
“Sân khấu nhà hát tương đối nhỏ nhưng mọi người tin đi, sẽ là một không gian âm nhạc cực kỳ ấm cúng và khác so với tưởng tượng” – giọng ca Chưa bao giờ quả quyết.
Thu Phương rơi nước mắt ngay khi hát ca khúc đầu tiên.
Giọt nước mắt chính đáng
Đèn khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ đã tắt. Tất cả ánh nhìn của khán giả hướng về sân khấu – một không gian giản dị, đơn sơ, không chiêu trò, dàn dựng hoa mỹ, chỉ có ban nhạc và một chiếc màn hình LED.
Thu Phương bước ra trong tràng pháo tay vang dội từ phía khán giả. Nữ ca sĩ diện áo dài truyền thống, tóc cũng được nối dài dù chị đang để tóc ngắn. Thu Phương cất tiếng hát và ngay ca khúc đầu tiên cô đã ngẹn ngào khóc.
Trước khi đêm nhạc diễn ra, Dũng Taylor – ông xã của giọng ca gốc Hải Phòng – nói đùa với mọi người rằng: “Đêm nhạc của Phương, nếu kéo dài 2 tiếng thì hát một tiếng còn khóc một tiếng”. Còn Quang Linh thì bộc bạch: “Thu Phương có lý do chính đáng để rơi nước mắt vì đây là Nhà hát Tuổi trẻ – nơi đã chắp cánh để Thu Phương bước đi trên con đường nghệ thuật”.
Giọng ca sinh năm 1972 vẫn nổi tiếng là “người hay khóc”. Nhưng có lẽ, trong một đêm nhạc kỷ niệm 30 năm ca hát với những câu chuyện của quá khứ và kỷ niệm; khi phía dưới sân khấu là thầy cô, bạn bè, hàng xóm cũ, người cha bay nửa vòng trái đất để trở về, người em gái từ Sài Gòn bay ra, Thu Phương không thể không rơi nước mắt.
Nữ ca sĩ vừa hát vừa kể về quá khứ với những lần lang thang giữa đêm chốn tàu về quê vì nhớ gia đình, những lần bắt xe buýt đi “ăn trực” vì hết gạo và cả những lần được chị cùng phòng nhường suất cơm cho vì “đang tuổi ăn tuổi lớn lại cô đơn không có gia đình bên cạnh”.
“Tâm hồn và giọng hát của tôi như những mùa thu đi qua, có cả đớn đau và hạnh phúc. Nhà hát Tuổi trẻ là nơi lưu giữ nhiều ký ức đẹp nhất. Có xa cách, chúng ta mới có ngày ở đây để nhớ về những ngày đầu tiên. Trên sân khấu này, tôi bỗng thấy mình bé bỏng trước những cái ôm của các thầy cô. Nếu có điều ước, tôi ước được quay trở về với kỷ niệm nhiều hơn nữa” – giọng ca gốc Hải Phòng nghẹn ngào chia sẻ.
Video đang HOT
Thu Phương hát nhiều sáng tác trong CD Hội trăng như Ôi quê tôi, Thương,…
Màu sắc âm nhạc đa dạng
Bỏ qua những câu chuyện đầy tính riêng tư của người nghệ sĩ, Mùa thu của Phương là một live show có màu sắc âm nhạc đa dạng. Ở đó, Thu Phương không chỉ hát lại những ca khúc làm nên tên tuổi của mình mà còn giới thiệu dự án âm nhạc Hội trăng vừa ra mắt và thử nghiệm hát xẩm ngay trên sân khấu.
Xẩm phố thu được nhạc sĩ Nguyễn Quang Long viết tặng riêng cho nữ ca sĩ dựa trên giai điệu xẩm tàu điện. Dù chất giọng, cách hát và nhả chữ của Thu Phương chưa thực sự ra được chất của xẩm, Xẩm phố thu được cho là “đo ni đóng giầy” với nữ nghệ sĩ. Tiết mục xẩm của Thu Phương mang đến nhiều xúc cảm khác nhau, từ hoài nghi, tò mò đến lạ lẫm và hưng phấn.
Giọng ca Đêm nằm mơ phố cho biết chị quyết định thể hiện một bài xẩm trong đêm nhạc riêng vì muốn lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thông. Và Thu Phương mất 6 tháng để có thể làm quen và học hát xẩm dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Nguyễn Quang Long – thành viên nhóm xẩm Hà thành.
“Trong Mùa thu của Phương, tôi hát nhiều thứ vì biết mình đang hát ở nhà. Về nhà, mình làm gì chả được vì dù có thể nào đi chăng nữa, mình cũng sẽ nhận được sự yêu thương của mọi người” – Thu Phương lý giải về những thử nghiệm âm nhạc trong một live show kỷ niệm.
Đêm nhạc của Thu Phương kéo dài 4 tiếng đồng hồ.
Đêm nhạc của giọng ca 44 tuổi kéo dài tới 4 tiếng đồng hồ, phần lớn vé trong chương trình là vé tặng nhưng khán giả vẫn ở lại đến phút chót. Nhiều người nán lại chụp hình kỷ niệm với Thu Phương và mua CD Hội trăng nhằm mục đích lập quỹ ủng hộ trẻ em mắc bệnh tim.
Không phải ai cũng biết rằng Thu Phương cũng là một người mắc bệnh tim từ bé. Khi nữ ca sĩ được 18 tháng tuổi, bố mẹ của chị đã phải “chạy đôn chạy đáo” khắp các bệnh viện ở Hải Phòng và Hà Nội để chữa trị cho con gái mình.
Nhưng may mắn, tim của Thu Phương sau đó phát triển bình thường và không cần phải can thiệp y học. Dù vậy, thời gian học nhạc, nữ ca sĩ vẫn được khuyến cáo là không học đàn guitar vì có thể ảnh hưởng đến tim.
Theo Zing
Khánh Linh khóc kể về quá khứ không ai nhận làm học trò
Khánh Ly, Nhật Thủy và Nguyễn Trần Trung Quân có những chia sẻ xúc động về tình thầy trò trong buổi ghi hình chương trình truyền hình "Ngày thầy trò".
Ê-kíp thực hiện chương trình truyền hình Ngày thầy trò vừa tiết lộ những câu chuyện về tình thầy trò giữa các nghệ sĩ. Chương trình dự kiến phát sóng vào ngày 20/11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam với sự tham gia của NSND Quang Thọ, NSƯT Quốc Hưng, Mỹ Linh, Thu Phương, Khánh Linh, Định Mạnh Ninh, Nhật Thủy và Nguyễn Trần Trung Quân.
NSND Quang Thọ hát với Khánh Linh trong chương trình.
NSND Quang Thọ từng cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của Khánh Linh
"Khi ấy cha tôi ốm nặng, trong ranh giới sự sống và cái chết, tôi vừa 17 tuổi, rời khỏi ghế trường cấp 3 bước chân vào Nhạc viện. Các thầy cô đều đã quá bận, không ai nhận tôi, tôi tủi thân rơi nước mắt vì bơ vơ. Lúc ấy, chú Quang Thọ là người duy nhất dang tay với tôi. Nói không quá thì chú chính là người cứu vớt sự nghiệp âm nhạc của Khánh Linh" - em gái nhạc sĩ Ngọc Châu nghẹn ngào nhớ lại.
NSND Quang Thọ là người cùng thế hệ nghệ sĩ với mẹ của Khánh Linh, nữ ca sĩ cho biết cô luôn coi ông như người thân trong gia đình. Bản thân NSND Quang Thọ cũng đặt nhiều kỳ vọng ở Khánh Linh. Trong quá trình học, thầy dành nhiều thử thách khó với học sinh, dạy những chương trình trên cấp học và mong Khánh Linh đi theo con đường giảng dạy của mình.
Tuy nhiên cô lại say mê biểu diễn nên mới chỉ tham gia hỗ trợ giảng dạy thanh nhạc và chưa dám nhận mình là thầy. Khánh Linh cho biết, không chỉ cô mà các nghệ sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn cũng nói về NSND Quang Thọ với đầy sự kính trọng và biết ơn.
NSND Trần Hiếu luôn dành dụm tiền cho học trò nghèo
Trong ký ức của NSƯT Quốc Hưng, Trần Hiếu là một Nghệ sĩ Nhân dân mẫu mực, người thầy dạy chuyên ngành thanh nhạc từng gắn bó với ông trong suốt chặng đường dài từ Trung cấp lên Đại học. Trong suốt 9 năm học Nhạc viện, chỉ có một thầy, một trò cùng cây đàn piano với vô vàn kỷ niệm, rất nhiều sáng tạo đã được phát sinh.
"Thời đó, sinh viên rất đói, thầy cũng không khá hơn là bao. Thế nhưng thầy vẫn dành dụm tiền cho tôi vì sợ tôi ngất, không đủ sức khỏe học tập. Mùa đông, lạnh quá tôi trốn học, thầy lên tận ký túc xá gọi: 'Hưng ơi, dậy đi học', trìu mến lắm" - nghệ sĩ Quốc Hưng nhớ lại.
Sau này khi trở thành giảng viên thanh nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, NSƯT Quốc Hưng vẫn tự hào khi được những gì thầy truyền dạy. Nhiều lúc, chính ông còn giật mình vì tác phong, giọng hát rất giống thầy khi xưa.
Nghệ sĩ Quốc Hưng hiện là Trưởng khoa Thanh nhạc Học viện Âm nhạc Việt Nam.
Trong sự nghiệp đào tạo của mình, ca sĩ Quốc Hưng có nhiều học trò thành công như Mạnh Hoạch, Quang Hà, Đỗ Tùng Lâm, Nguyễn Trần Trung Quân. Ông và Trung Quân sẽ cùng đứng chung sân khấu trong Ngày thầy trò. Đây là điều rất vinh dự cho Trung Quân.
Giọng ca trưởng thành từ Sao Mai điểm hẹn tâm sự: "Tôi là một ca sĩ nhạc nhẹ nhưng kiến thức về âm nhạc cổ điển, thính phòng của tôi rất chắc. Tôi phải cảm ơn thầy trong giai đoạn 8 năm qua luôn động viên tôi học tập tốt về thanh nhạc cổ điển, dù có những lúc tôi đã gần như rất nản và muốn bỏ cuộc với phong cách âm nhạc cổ điển này để tìm hiểu nhiều hơn về nhạc nhẹ".
Nhật Thủy được cô giáo hỗ trợ thi Đại học
Người thầy đáng nhớ nhất của Nhật Thủy lại là cô giáo Thanh Xuân - NSƯT, Giảng viên Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Bà cũng là người đã đồng hành cùng nữ ca sĩ trong thời gian thi Vietnam Idol. Quán quân Vietnam Idol cho biết tất cả các giải thưởng lớn nhỏ của cô đều có công lớn từ cô giáo Thanh Xuân và nếu không có cô Thanh Xuân đã không có Nhật Thủy của ngày hôm nay.
"Sau khi tốt nghiệp cấp 3, tôi lên Hà Nội học thử để thi Đại học. Lúc ấy tôi rất gầy và quê, nhìn không có chút phong cách nào của học sinh nghệ thuật trong khi các bạn rất xinh đẹp, sành điệu. Bạn thân tôi sau này còn kể những người bạn khác lúc ấy đã nói sau lưng tôi rằng, không hiểu tại sao một đứa như vậy cũng đi thi vào Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Các bạn khác đến nhờ cô dạy học đều quà lớn quà nhỏ trong khi tôi nhờ một người anh dẫn đến, ra mắt cô với hai bàn tay trắng. Không ngờ cô lại chọn tôi và tận tình hỗ trợ để tôi đỗ đại học, rèn giũa tôi suốt bốn năm trời" - Nhật Thủy bồi hồi nhớ lại.
Ngày thầy trò là chương trình truyền hình phát liên tục trong 16 tiếng, bắt đầu từ 6h đến 22h đêm 20/11. Đây là cầu truyền hình quy mô lớn, được chuẩn bị suốt nửa năm, với mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống "tôn sư trọng đạo" của người Việt Nam.
Trong khuôn khổ chương trình, ê-kíp thực hiện còn tổ chức toạ đàm về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của Giáo sư Ngô Bảo Châu, nhà sử học Dương Trung Quốc...
Theo Zing
Thu Phương áp lực khi hát nhạc Phó Đức Phương Giọng ca Hải Phòng là một trong những ca sĩ tham gia liveshow kỷ niệm 50 làm nghề của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Thu Phương diện áo dài cách điệu in họa tiết thiếu nữ thời xưa khi đến dự họp báo liveshow của nhạc sĩ Phó Đức Phương vào chiều 10/11 tại Hà Nội. 'Bà mẹ 4 con' cho biết, âm...