“Thủ phủ” vải thiều Bắc Giang thắng lớn, giá cao nhất 60 năm qua
Mặc dù bị mất mùa, sản lượng giảm gần một nửa so với năm 2018, song năm nay nông dân trồng vải thiều ở Bắc Giang vẫn thắng lớn khi thu về tới hơn 6.365 tỷ đồng. Lãnh đạo tỉnh và bà con nông dân cho biết, đây là kỳ tích chưa từng có, cao hơn năm 2018 tới hơn 500 tỷ đồng.
Càng cuối vụ, giá càng cao ngất ngưởng
Những ngày này, huyện Lục Ngạn đang vào cuối vụ vải thiều. Ở các xã vùng thấp, vải gần như đã sạch trong vườn, tuy nhiên ở một số nơi vùng cao như xã Tân Sơn, Cấm Sơn, Sơn Hải…, vải chín muộn hơn. Đặc biệt, giá vải thiều tươi đang ở mức cao, dao động từ 60.000 – 78.000 đồng/kg nên bà con vô cùng phấn khởi.
Vườn vải thiều của gia đình ông Lường Văn May ở xã Tân Sơn đã chín đỏ vườn và đang chuẩn bị thu hoạch xong. Ảnh: L.P
Vườn vải của gia đình ông Lường Văn May ở thôn Hóa (xã Tân Sơn) hiện đã thu hoạch được 2/3 sản lượng, những cây còn lại, quả đang chín đỏ. Năm nay, mặc dù gặp thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều vườn bị mất mùa nhưng do có sự đầu tư chăm sóc, cộng với thực hiện quy trình VietGAP nên vườn vải thiều của gia đình ông May vẫn cho sản lượng lớn, chất lượng vượt trội so với năm ngoái.
Với giá bán dao động từ 36.000 – 50.000 đồng/kg, dự kiến vụ vải này ông thu về khoảng 600 triệu đồng.
Được biết, toàn xã Tân Sơn có 670ha vải thiều, trong đó 400ha vải được sản xuất theo quy trình VietGAP. Tương tự, xã Sơn Hải cũng trồng khoảng 418ha vải thiều, chiếm một nửa là vải trồng theo quy trình VietGAP. Do năm nay sản lượng vải của các xã này chỉ bằng 60-70% so với năm ngoái nên việc tiêu thụ của bà con cũng thuận lợi hơn.
Theo thống kê của UBND xã Sơn Hải, năm nay sản lượng vải của xã đạt khoảng 1.100 tấn, tập trung nhiều ở các thôn Tam Chẽ, Cầu Sắt, Cổ Vài. Trong đó, có hàng chục hộ thu về sản lượng cao từ 10 cho tới 30 tấn vải tươi, điển hình như gia đình ông Vi Văn Chắn (thôn Cầu Sắt) đạt hơn 20 tấn, doanh thu lên tới tiền tỷ. Dự kiến, vụ vải năm nay toàn xã Sơn Hải thu về gần 37 tỷ đồng.
Điều thuận lợi năm nay, thấy vải cho mẫu mã đẹp, chất lượng cao nên các thương lái Trung Quốc còn lặn lội tới tận các vườn để đặt hàng và đặt điểm cân ở ngay trung tâm các xã, vì thế người dân không phải vất vả chở vải mang ra tận quốc lộ tiêu thụ như mọi năm.
Thương lái Trung Quốc (bên trái ảnh) vào tận vườn của gia đình ông Lường Văn May lựa chọn và đặt mua vải thiều. Ảnh: L.P
Video đang HOT
Vườn vải thiều sai trĩu, chín đỏ của gia đình ông Lường Văn May ở thôn Hóa, xã Tân Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang). Dự kiến vụ vải năm nay, gia đình ông thu về hơn 600 triệu đồng. Ảnh: L.P
Theo thông tin bà con cung cấp, càng vào cuối vụ giá vải thiều tươi càng tăng cao. Mới đây, một số thương lái đã đến tận vườn của các hộ dân ở xã Tân Sơn tìm mua vải với giá 78.000 đồng/kg; trong khi đại lý Tùng Mơ (xã Tân Sơn) cũng thu mua loại vải có chất lượng cao nhất với giá 74.000 đồng/kg; điểm cân Sèo – Sẩn cùng ở xã Tân Sơn mua với giá 70.000 đồng/kg.
Doanh thu cao kỷ lục
Trao đổi với phóng viên báo NTNN, ông Nguyễn Văn Thọ – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang) cho hay, năm 2019, tổng sản lượng tiêu thụ quả vải tươi toàn tỉnh đạt 147.030 tấn (vải sớm 38.780 tấn, vải chính vụ 108.250 tấn), tổng giá trị đạt 6.365 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu từ vải thiều đạt 4.675 tỷ đồng, thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ đạt 1.690 tỷ đồng. Đây là con số “khủng” nhất từ trước tới nay mà tỉnh này thu được từ vụ vải.
Nguyên nhân là do giá vải năm nay cơ bản được giữ ổn định ở mức cao. Theo đó, giá bán vải bình quân cho cả vụ 2019 đạt khoảng 31.800 đồng/kg. Các loại phụ kiện như đá cây, thùng xốp được duy trì ổn định, trong đó giá đá cây cả vụ dao động từ 25.000 – 40.000 đồng/kg (lúc cao điểm giá đá cây tăng tới 50.000 – 80.000 đồng/cây), thùng xốp các loại dao động từ 22.000 – 50.000 đồng/thùng.
Còn ông Trần Quang Tấn – Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang xác nhận, năm 2018 nông dân trồng vải được mùa chưa từng có, ai cũng sợ cảnh “bão giá” nhưng nhờ thị trường được mở rộng nên giá bán vẫn ổn định. Kết thúc vụ vải 2018, Bắc Giang xuất bán 215.000 tấn vải thiều, thu về gần 5.800 tỷ đồng, ai nấy đều phấn khởi, Ít ai nghĩ sang năm nay, quả vải Bắc Giang lại tạo nên kỳ tích mới. Dù bị mất mùa nhưng doanh thu lại tăng khoảng 500 tỷ đồng, nhiều hộ nông dân trồng vải bỏ túi tiền tỷ chỉ trong 2 tháng thu hoạch.
Ngoài thương lái Trung Quốc “ăn hàng”, quả vải thiều Bắc Giang còn được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Đông, EU, Nga, Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singgapore, Thái Lan, Úc… với lượng xuất khẩu (tính cả thị trường Trung Quốc) chiếm 54,6% tổng sản lượng vải của tỉnh.
Theo Danviet
Những người không ngủ, thức xuyên đêm vặt lá, bẻ vải ở Lục Ngạn
Mỗi năm khi vụ vải đến thời điểm chín rộ, người dân tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang lại thức xuyên đêm vặt lá vải, đi bẻ vải cho kịp thời vụ.
Ghi nhận tại xã Kim Thành, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, dù đã hơn 10h đêm nhưng chỉ cần đi dạo một vòng quanh xã vào những ngày này sẽ không quá khó để bắt gặp cảnh những hộ gia đình quây quần bên đống vải thiều lớn nhỏ được tập kết lại, để vặt lá xuyên đêm.
Dù đã hơn 10 giờ đêm nhưng một số hộ gia đình tại xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn vẫn tấp nập làm vải.
Do các thương lái chỉ thu mua vải buổi sáng, chiều sẽ đóng hàng và vận chuyển đi các tỉnh thành trong nước và vận chuyển đi ngoài nước để xuất khẩu nên đa số các hộ gia đình có nhiều vải thiều sẽ làm đêm, chuẩn bị sẵn hàng để sáng sớm hôm sau đi bán.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đặng Văn Chiến, (48 tuổi, thôn Đãi Bàng, xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) cho biết: "Ở Lục Ngạn mỗi khi mùa vải chín rộ, hầu hết nhà nào cũng phải tranh thủ làm đêm cho kịp thời vụ. Nếu không thức đêm vặt lá thì sáng mai sẽ không có hàng đi bán, thức vặt đếm tầm hơn 11 giờ sẽ tranh thủ đi ngủ, sáng hôm sau khoảng 3 giờ sáng sẽ dậy bẻ vải tiếp".
Do các thương lái chỉ thu mua vải vào buổi sáng nên người dân phải thu hoạch vải vào ban đêm để sáng hôm sau đi bán sớm.
"Vải thiều tại Bắc Giang năm nay không đạt sản lượng cao nhưng cũng không hẳn là mất mùa hoàn toàn, nhà nào mất thì mất hết, nhà nào được thì vẫn được quả, chỉ là không sai đồng đều như mọi năm nên người dân vẫn phải thức đêm thu hoạch nếu không quả sẽ quá vụ, rụng hết", bà Lê Thị Nguyệt (40 tuổi, thôn Đãi Bàng, xã Kiên Thành) nói.
Ông Đặng Văn Chiến cùng gia đình thu hoạch vải trong đêm.
Việc thức đêm làm vải đã không còn xa lạ với những người dân tại huyện Lục Ngạn. Buổi chiều, người dân sẽ bẻ sẵn vải rồi tập kết lại trong nhà để đêm xuống sẽ vặt lá, bó lại thành bó rồi hôm sau đem bán. 3 người vặt lá một đêm sẽ được khoảng 2 tạ vải để bán vào sáng hôm sau.
Ông Triệu Văn Dìn cắt sẵn cuống vải để sẵn sàng bán vào sáng sớm hôm sau.
"Năm nay vải không có nhiều nên đa số các hộ gia đình chỉ vặt lá vải đến khoảng 11 giờ đêm rồi thức dậy vào khoảng 2 - 3 giờ sáng hôm sau để đi bẻ vải. Dù vất vả nhưng giá vải cao thì chúng tôi cũng phấn khởi, những năm vải được mùa sẽ phải thuê nhân công bẻ vải và vặt lá xuyên đêm thì mới kịp vụ", ông Triệu Văn Dìn (59 tuổi, thôn Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn) nói.
Dù vải không đạt sản lượng cao nhưng người dân tại huyện Lục Ngạn rất phấn khởi do giá vải giữ ở mức cao. Cụ thể, giá vải thiều hiện được bán từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Những năm vải được mùa, người dân phải thuê nhân công làm vải xuyên đêm mới kịp thời vụ.
Ghi nhận tại xã Hồng Giang, người dân cũng tấp nập vặt lá vải trong đêm. Chia sẻ với chúng tôi, chị Bảo Trang (24 tuổi, xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn) nói: "Mình là công nhân đi làm công ty nhưng mỗi năm vụ vải đến mình thường vẫn phải về để phụ giúp thu hoạch vải. Thường thì chiều sẽ bẻ sẵn để vặt lá đến đêm, những năm vải được mùa sẽ phải làm đến 12 giờ hoặc 1 giờ sáng rồi ngủ đến 3 giờ lại thức dậy bẻ sớm".
Những năm trước, việc chặt cuống vải rất khó khăn do cành vải có thể bắn vào mắt hoặc chặt vào tay gây nguy hiểm. Hiện nay người dân đã sử dụng dao chuyên cắt cuống vải đảm bảo an toàn hơn.
"Buổi chiều thường sẽ không làm vì thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng đến chất lượng, mẫu mã quả vải. Thương lái cũng không thu mua vải vào buổi chiều", chị Trang cho biết thêm.
Đèn pin là dụng cụ chủ yếu để người dân bẻ vải đêm.
Những chùm vải sẽ được bó gọn và tưới nước giữ độ tươi để bán vào sáng hôm sau.
Theo lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, sản lượng vải thiều tại Lục Ngạn năm nay không đạt sản lượng cao so với năm đỉnh điểm (2018). Tuy nhiên, so với sản lượng trung bình hàng năm thì không thua kém. Giá vải thiều hiện vẫn giữ ở mức từ 30.000 - 40.000 đồng/kg.
Theo Bế Long (Tri Thức Trẻ)
Giá vải thiều Lục Ngạn vọt lên 78.000 đồng/kg, nhiều hộ có tiền tỷ Theo thông tin PV Dân Việt ghi nhận được, chỉ còn khoảng 1 tuần nữa sẽ kết thúc vụ vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang). Đặc biệt, càng về cuối vụ, giá vải thiều càng tăng cao, đạt mức kỉ lục 78.000 đồng/kg. Thương lái Trung Quốc đang vào tận các vườn vải lùng mua chứ bà con không phải chở vải...