Thu phí sử dụng đường bộ: Đường có tốt hơn?
Tại TP.HCM hiện nay có nhiều tuyến đường rất xấu khiến người dân gặp không ít khó khăn trong đi lại.
Mức phí sử dụng đường bộ mà Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM vừa đề xuất UBND TP là 60.000 đồng/năm đối với xe máy dưới 100cm3 và 150.000 đồng/năm đối với xe máy trên 100cm3.
Những con đường bị bỏ quên
Đường Đào Trí (Q.7) song song với đường Huỳnh Tấn Phát, nối cầu Phú Mỹ với đường Hoàng Quốc Việt do không được duy tu, sửa chữa nên xuống cấp trầm trọng khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Hơn hai năm qua, con đường này dường như bị bỏ quên. Ngày 27/2, chúng tôi ghi nhận mặt đường Đào Trí có đến vài chục hố voi, ao nước lớn nhỏ nối tiếp nhau. Có những hố voi rộng 5-7m và sâu gần 1m. Để đi lại trên đường này phải men theo các bờ “ao”, nhưng phần lớn người dân chọn cách đi đường vòng, lộ trình xa hơn vì quá ngán ngẩm hố voi, ao nước.
Cắt ngang đường Đào Trí là đường Phú Thuận (Q.7) dài khoảng 1km nhưng có khi qua đây phải mất hơn 10 phút đi xe máy. Rất khó tìm được một mảng đường nhựa rộng khoảng 1m2 còn nguyên vẹn trên đoạn đường này. Ổ gà, ổ voi lỗ chỗ khắp mặt đường. Có những đoạn mặt đường bùn lầy nhão nhoẹt khiến bánh xe bị lún xuống rất khó chạy. Vì vậy hai bên đường xuất hiện những con đường mòn tự phát len lỏi giữa những bụi cây um tùm và những đống rác hôi thối. Người dân địa phương cho biết những lúc triều cường, đường Phú Thuận không khác gì một con sông, do đó họ phải tự tạo những con đường đất dọc đường Phú Thuận để đi.
Thời gian qua, người dân liên tục phản ảnh đường Trương Đình Hội (P.16, Q.8) xuống cấp trầm trọng khiến cuộc sống của họ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, trên tuyến đường này có các trường học nên rất nhiều học sinh, phụ huynh chở con đi học bị té ngã, quần áo lấm lem bùn đất. Theo người dân, đường Trương Đình Hội xuống cấp từ nhiều năm nay. Chính quyền địa phương đã nhiều lần tu bổ con đường nhưng chỉ được một thời gian là lại bị lún và xuất hiện nhiều ổ voi trở lại, kéo dài hàng chục mét trên đường.
Người dân đường Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp tưới nước cho đường đỡ bụi – Ảnh: Quang Khải
Đã nhiều năm nay hàng trăm hộ dân sống trên đường Nguyễn Văn Dung, P.6, Q.Gò Vấp phải sống trong cảnh nắng bụi, mưa lầy bởi con đường lởm chởm đá, nhiều ổ gà. Ngày 26/2 đi dọc tuyến đường này, chúng tôi thấy mặt đường rải đầy đá xanh, có đoạn là đường đất. Mỗi lần có xe máy hoặc ôtô chạy qua là bụi bay mịt mù nên nhà cửa hai bên đường đóng im ỉm, nhiều mái nhà phủ trắng lớp bụi đường. Bà Nguyễn Thị Trung – cán bộ hưu trí – cho biết đã về đây sinh sống 16 năm và cũng từng ấy thời gian gia đình phải chịu cảnh sống chung với bụi bặm. Mặc dù nhiều nhà đã căng thêm tấm bạt và đóng cửa suốt nhưng bàn ghế vẫn bị bám bụi. Nhà sơn sửa lại chỉ trong vòng mấy tháng là bị bụi bám xám xịt như nhà hoang. Nắng thì vậy, còn mưa thì đường lầy lội, nhiều người chạy xe bị trượt té liên tục.
Video đang HOT
Thu phí cũng không đủ tiền duy tu
Theo Sở GTVT TP, tính đến hết năm 2012 tổng số môtô đăng ký trên địa bàn TP.HCM là hơn 5,4 triệu xe. Giả sử môtô có dung tích xilanh đến 100cm3 chiếm 40% tổng số xe đã đăng ký và khả năng chỉ thu được khoảng 60% số xe đăng ký thì tổng nguồn thu phí sử dụng đường bộ từ môtô trong năm 2013 dự kiến khoảng 373,8 tỉ đồng. Bên cạnh đó, với tổng số ôtô hiện có ở TP.HCM là 536.983 chiếc thì kinh phí từ quỹ bảo trì đường bộ của trung ương cấp về TP khoảng 448 tỉ đồng/năm.
Một tổ trưởng dân phố ở P.6, Q.Gò Vấp bức xúc: “Người dân đã kiến nghị rất nhiều lần qua các cuộc họp để nâng cấp đường, nhưng các cơ quan chức năng cứ hứa hẹn mà không thực hiện. Đường sá thế này, kêu tổ dân phố đến nhà dân thu phí sử dụng đường bộ thì làm sao thuyết phục được dân?”.
Với hai khoản thu phí bảo trì đường bộ từ môtô và ôtô trên (khoảng 821 tỉ đồng), Sở GTVT cho rằng vẫn còn thiếu nhiều so với nhu cầu vốn dành cho bảo trì duy tu, sửa chữa hệ thống cầu, đường bộ TP. Bởi vì theo định mức, định ngạch thì vốn cần dành cho duy tu, sửa chữa cầu đường TP mỗi năm là 3.724 tỉ đồng, trong khi ngân sách TP chỉ cấp 1.778 tỉ đồng (bằng 48% vốn duy tu theo định mức, định ngạch). Với lý do trên, Sở GTVT TP cho rằng cần bổ sung vốn từ ngân sách TP mới đảm bảo đầy đủ tiền cho quỹ bảo trì đường bộ.
Theo ông Lâm Thiếu Quân – đại biểu HĐND TP.HCM, việc thu phí sử dụng đường bộ đã được các cấp trung ương bàn nhiều và nay đưa vào thực hiện. Tuy nhiên điều đáng lo ngại là khi thu phí sẽ nảy sinh nhiều vấn đề bất cập. Đồng thời về phía người dân vẫn còn nhiều bức xúc vì thực tế hạ tầng giao thông chưa tốt đang ảnh hưởng đến việc đi lại người dân cũng như hoạt động kinh tế, xã hội của TP. Theo ông Quân, về lâu dài các cơ quan chức năng cần xem xét áp dụng thu phí sử dụng đường bộ qua xăng dầu như nhiều nước đã làm.
Theo 24h
Thu phí đường bộ từ 1/1/2013: Bất khả thi
Không đầy 20 ngày nữa việc thu phí bảo trì đường bộ có hiệu lực (từ 1/1/2013). Tuy nhiên đến lúc này, nhiều phường xã ở Hà Nội (được giao thu phí xe máy) vẫn chưa có sự chuẩn bị, thậm chí một số xã ngoại thành còn không nghe, không biết.
Không biết thông tin
Theo phương án thu phí bảo trì Đường bộ của Bộ GTVT vừa được Bộ Tài chính ra Thông tư hướng dẫn, thì xe ô tô thu qua đăng kiểm, riêng với xe máy sẽ thu qua UBND xã, phường, thị trấn.
Cụ thể, từ 1/1/2013, xe máy sẽ nộp từ 50.000 đến 150.000 đồng/năm tùy chủng loại xe. UBND cấp tỉnh, thành sẽ quyết định mức thu phù hợp với tình hình địa phương.
Thời điểm 1/1/2013 chỉ còn chưa đầy 20 ngày nhưng theo tìm hiểu của PV ngày hôm qua, hầu hết các xã phường trên địa bàn TP Hà Nội chưa có phương án cho việc thu phí bảo trì đường bộ.
Lý giải việc này nhiều lãnh đạo các xã phường cho rằng, họ chưa nhận được bất kỳ chỉ thị hay văn bản yêu cầu thực hiện nào.
Theo các chuyên gia: Hà Nội hiện có hơn 4,4 triệu xe máy, từ 1/1 Thủ đô chưa thể thu phí bảo trì đường bộ
"Chúng tôi mới nghe nói về việc xã phường thu phí bảo trì đường bộ nhưng chưa thấy văn bản hướng dẫn gì nên chưa có phương án triển khai" - ông Đặng Đình Bằng, Chủ tịch UBND phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm nói.
Ông Trịnh Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình tỏ ra khá bất ngờ khi PV đề cập đến phí bảo trì đường bộ.
Ông cho hay không hề biết thông tin về việc này. Hơn nữa, cán bộ biên chế của xã hiện chỉ đủ để làm các công tác hành chính hàng ngày với người dân, giờ tách một bộ phận ra thu phí bảo trì là điều không thể.
Từ 1/1/2013, ôtô dưới 9 chỗ có mức thu Quỹ bảo trì đường bộ là 130.000 đồng/tháng xe tải, xe chuyên dùng có mức thu cao nhất 1,04 triệu đồng/tháng. Chủ xe đóng qua các lần đăng kiểm. Xe máy: có mức thu 50.000 đến 150.000 đồng/năm tùy chủng loại xe. Chủ xe đóng qua UBND xã, phường, thị trấn. Lượng xe máy cả nước hiện có khoảng 35 triệu xe máy, riêng TP Hà Nội hiện hơn 4,4 triệu xe.
Lý giải vì sao chưa triển khai phương án thu phí đường bộ đến các phường, ông Nguyễn Quang Phục, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa cũng lắc đầu nói: "Qua phương tiện thông tin đại chúng tôi biết liên bộ GTVT - Tài chính có phương án triển khai từ 1-1 tới nhưng quận chưa nhận được chỉ đạo gì của thành phố cũng như Sở Tài chính nên cũng chưa có kế hoạch triển khai".
Phải khảo sát lượng xe
Với thực tế trên, nhiều chuyên gia vận tải cho rằng, không chỉ Hà Nội mà một số thành phố lớn như TPHCM, Đà Nẵng... không thể triển khai thu phí đường bộ từ 1/1 tới.
Đại diện Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo phương án thu mà Bộ Tài chính mới có Thông tư ban hành thì UBND cấp tỉnh, thành quyết định mức thu phù hợp với địa phương.
Như vậy phương án thu thế nào và mức thu bao nhiêu theo quy định phải được HĐND cấp tỉnh, thành phố thông qua.
"Tuy nhiên, tại kỳ họp cuối năm của Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng vừa qua không thấy các địa phương đưa ra nội dung này. Như vậy có thể hiểu rằng, việc thu phí đường bộ vào 1/1 tới của cả ba thành phố trên là chưa thể xảy ra" - ông Nguyễn Mạnh Hùng - Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhấn mạnh.
Theo ông Hùng, với Hà Nội để triển khai được kế hoạch này nếu sớm nhất cũng phải chờ sau quý 1 năm 2013 - khi kỳ họp HĐND đầu năm kết thúc và phương án thu phí giao thông được thông qua.
Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp Hội vận tải Hà Nội cho rằng, số lượng xe không chính chủ cũng như số lượng người nhập cư trên địa bàn Hà Nội rất nhiều, hơn nữa tại Hà Nội hiện nay số gia đình có từ 1 đến 3 xe máy nhưng con cái hoặc bố mẹ đi học, công tác xa nhiều liệu người ở nhà không chính chủ có nộp và thu được không?...
"Do vậy để việc thu này có hiệu quả, đúng đối tượng cơ quan chức năng cần từ 1 đến 2 tháng cho chính quyền địa phương có thời gian đi khảo sát số lượng xe máy hiện có trên địa bàn", ông Liên đề nghị
Theo 24h
Ăn bớt trắng trợn vật liệu làm đường Trước ngày thi công có 8 phuy nhựa được chuyển đến nhưng tới ngày thảm xong mặt đường vẫn còn 7 phuy. Vụ việc xảy ra tại dự án nâng cấp ngõ 100 nối đường Sài Đồng với đường Vũ Xuân Thiều trên địa bàn phường Sài Đồng, quận Long Biên - Hà Nội. Người dân ở đây đã chụp ảnh, quay clip...