Thu phí ngoại giao 50 triệu USD/năm, Chính phủ xin dành một phần cho cán bộ
Chính phủ muốn được để lại 1 phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao hàng năm để chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức trong ngành. Về tỷ lệ để lại, Bộ trưởng Tài chính cho biết, số thu không nhiều (khoảng 50 triệu USD/năm), quy định “cứng” sẽ khó đảm bảo mục tiêu là giải quyết chế độ cho cán bộ…
Sáng 13/9, UB Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với một số hoạt động đối ngoại. Mặc dù Nghị định thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, nhưng vẫn được đưa ra xin ý kiến Thường vụ, do Chính phủ xin thêm một số đặc thù.
Vấn đề Chính phủ mang ra xin ý kiến Thường vụ chủ yếu ở Điều 14 của dự thảo, quy định “Số tiền phí trong lĩnh vực ngoại giao thực thu được để lại một phần để bù đắp chi phí hoạt động cung cấp dịch vụ, phục vụ công tác thu phí theo quy định; chi hỗ trợ sửa chữa thường xuyên, sửa chữa lớn tài sản, đổi mới thiết bị, hiện đại hóa công nghệ thông tin; chi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn và ngoại ngữ; chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động”.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị UB Thường vụ Quốc hội uỷ quyền cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tài chính làm việc để quyết định tỷ lệ phí thu từ hoạt động ngoại giao để lại để giải quyết đời sống cho cán bộ trong ngành.
Thẩm tra vấn đề này, đa số ý kiến trong thường trực UB Tài chính – Ngân sách cơ bản nhất trí cho phép để lại 1 phần phí thu từ lĩnh vực ngoại giao để thực hiện một số nhiệm vụ, trong đó có chi bổ sung nâng cao đời sống cho cán bộ, công chức, người lao động như quy định hiện hành.
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến đề nghị Chính phủ giải trình và đánh giá rõ hơn về tác động của số thu phí được để lại, làm rõ hơn tính hợp lý của việc cho phép để lại, vì Cơ quan đại diện không thực hiện cơ chế khoán chi và khoản phí này nếu được để lại theo Luật phí, lệ phí thì cũng không sử dụng để tăng thêm thu nhập cho người lao động.
Có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi, cơ cấu chi, tỷ lệ bố trí chi để nâng cao đời sống, chi bổ sung mua sắm, sửa chữa; nếu chỉ sử dụng để chi bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thì cần có nguyên tắc nhất định như khống chế mức tối đa. Đồng thời, cần có cơ chế sử dụng công khai, minh bạch và rõ tiêu chí phân phối thu nhập, bảo đảm công bằng giữa các nước, các khu vực và cơ chế giám sát việc sử dụng khoản phí để lại này.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề, Hiến pháp quy định tất cả các khoản chi đều phải có dự toán, và Luật Ngân sách Nhà nước quy định các khoản thu đều phải nộp vào kho bạc, sau khi trừ các khoản chi rồi thì nộp vào NSNN, nhưng Chính phủ lại muốn thành lập quỹ tạm giữ.
Video đang HOT
Giải trình thêm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, ở đây, Chính phủ xin ý kiến Thường vụ về chính sách cho cán bộ, như cơ chế thu nhập tăng thêm 0,8 đã áp dụng cho cán bộ các ngành tòa án, thuế, hải quan, kho bạc, viện kiểm sát.
Theo Bộ trưởng Tài chính, dự thảo Nghị định cũng có thêm phần nữa là chi cho cải tạo sửa chữa và nâng cấp trang thiết bị được áp dụng trình tự rút gọn và áp dụng theo luật pháp nước sở tại.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng khẳng định các khoản thu chi này đều có dự toán. Phí và lệ phí để lại được để lại 1 phần, phải dự toán hàng năm, có dự toán.
Về ý kiến làm rõ tỷ lệ được để lại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết do số thu biến động giảm (năm 2014 thu được 82,8 triệu USD, đến năm 2016 còn 53,3 triệu USD và năm nay dự kiến chỉ còn 48,8 triệu USD), nên quy định tỷ lệ cứng sẽ khó đảm bảo mục tiêu của nghị định là giải quyết chế độ cho cán bộ. Do đó, Bộ trưởng Dũng đề nghị Thường vụ ủy quyền cho Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính sẽ làm việc, thống nhất và điều tiết chi cho phù hợp trình Chính phủ quyết định.
Bên cạnh việc nhất trí với đề xuất của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân còn cho rằng Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nên nghiên cứu thêm chính sách đảm bảo đời sống cho những người công tác tại cơ quan đại diện ở nước ngoài, vì chính sách của Nhà nước mới là lâu dài, bền vững.
“Chúng ta cứ tưởng đi nước ngoài là sung sướng lắm, tôi cho là cán bộ ngoại giao rất khó khăn. Những thị trường visa nhiều còn có 1 chút để lại, những nơi xa xôi, miễn visa rồi hoặc visa điện tử thì làm gì có” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh có đề nghị tăng thêm chi bảo hộ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài, vì thời gian vừa qua, xảy ra những vụ việc ngư dân và một số tổ chức pháp nhân bị bắt giữ, vi phạm pháp luật pháp nước sở tại, các sứ quán tham gia giải quyết vụ việc này rất tốn kém.
Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đồng ý cho thành lập quỹ tạm giữ các khoản phí thu từ hoạt động ngoại giao như cấp visa, hộ chiếu, tuy nhiên, phải đảm bảo chế độ quản lý quỹ, không để tồn quỹ quá lớn.
Thường vụ Quốc hội cũng cho phép được trừ đi chi phí quản lý, số còn lại cho phép để lại một phần, nhưng phải giữ nguyên tắc tất cả các khoản này đều được dự toán và được Quốc hội thông qua.
UB Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý giao lại cho Bộ Tài chính ra quy định cụ thể về tỷ lệ để lại cũng như các chính sách đảm bảo chế độ cho cán bộ.
P.Thảo
Theo Dantri
Cá độ bóng đá, đua ngựa Chính phủ vẫn e dè
19/27 thành viên Chính phủ đồng ý đưa vào luật quy định về đặt cược thể thao như đua ngựa, cá cược bóng đá quốc tế. 4 thành viên khác cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, ảnh hưởng lớn đến an ninh trật tự...
Chiều 11/9, dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục thể thao được trình xin ý kiến UB Thường vụ Quốc hội. Đặt cược thể thao là một nội dung hiện vẫn hai luồng ý kiến khác nhau trong Chính phủ.
(Ảnh minh hoạ)
Tờ trình dự án luật nêu rõ, 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, vì đặt cược thể thao đã được Chính phủ cho phép, mặc dù chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động thể thao có đủ điều kiện, gồm: kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế.
Loại ý kiến này cho rằng, đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định trong dự thảo luật, nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể dục, thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
4/27 thành viên Chính phủ và Văn phòng Chính phủ còn lại đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo luật.
Lý do được nêu là, đặt cược thể thao là vấn đề phức tạp và nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự. Trong khi đó, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24/1/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31/3/2017, cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi sẽ quy định vào luật sẽ đảm bảo chặt chẽ và khả thi hơn.
Luật hoá quy định về đặt cược thể thao đã nhận được sự đồng tình của một số vị uỷ viên uỷ ban Thường vụ Quốc hội với lưu ý cần phải có phân tích thuyết phục và cụ thể hơn, bảo đảm tính nguyên tắc, an ninh trật tự trong đặt cược thể thao và nguồn thu từ đặt cược phải được sử dụng để đầu tư cho phát triển thể dục, thể thao.
Cũng trong lần sửa đổi luật này, Chính phủ nêu thực tế, hiện nay có một số ít vận động viên thể thao trong quá trình tập luyện và thi đấu thể thao, không may bị tai nạn mất khả năng lao động hoặc chết nhưng bản thân và gia đình chưa được hưởng các chế độ trợ cấp của Nhà nước như các đối tượng chính sách, cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu thốn.
Do đó, trong dự thảo luật cần có quy định các vận động viên có thành tích xuất sắc không may bị tai nạn trong khi tập luyện, thi đấu thể thao làm mất khả năng lao động hoặc chết thì vận động viên hoặc thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tương tự như các đối tượng chính sách khác.
Chính phủ giải thích, quy định này vừa có ý nghĩa hỗ trợ khó khăn cho bản thân vận động viên và gia đình khi không may bị tai nạn, vừa có ý nghĩa khuyến khích, thu hút các tài năng thể thao, giúp họ yên tâm tập luyện, thi đấu và cống hiến cho thể thao nước nhà.
P.Thảo
Theo Dantri
Đặc khu kinh tế Việt Nam có nhiều ưu đãi hơn các nước trong khu vực? Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng khái quát, với 9 nhóm tiêu chí, từ chính sách về môi trường đầu tư kinh doanh, dịch vụ hỗ trợ, đất đai, lao động, thu hút ngoại kiều... các quy định lại dự luật Hành chính - kinh tế đặc biệt hầu hết đều đưa ra mức ưu đãi cao, thuận lợi hơn với các đặc...