Thứ nước tắm kỳ diệu của người Dao nơi cao nguyên Sìn Hồ
Nhắc đến bà Bùi Thị Sánh, chủ cơ sở tắm lá thuốc của người Dao, người dân thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) không ai là không biết. Bà là người đầu tiên đưa thứ nước tắm kì diệu nơi cao nguyên Sìn Hồ đến với du khách thập phương.
Nhà bà Sánh nằm trong con ngõ nhỏ ở khu 2, thị trấn Sìn Hồ. Khi chúng tôi đến, bà Sánh đang hí húi cho thêm củi vào bếp lò. Trên bếp là cái chảo khá to, được đặt chìm cố định trong bệ gạch xây, chỉ hở quai, đậy kín vung.
Khi bà Sánh nhấc cái vung lên, hơi trong chảo bốc lên nghi ngút, mang theo hương thơm ngào ngạt, chẳng khác mùi thuốc bắc là mấy. Sau khi chế thêm nước vào chảo, bà Sánh chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về cái duyên của mình với nước tắm lá thuốc của người Dao.
Bà Bùi Thị Sánh, khu 2 (thị trấn Sìn Hồ, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu) mở dịch vụ tắm lá thuốc của người Dao được gần 20 năm nay.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê lúa Thái Bình, sau một thời gian đi bộ đội, bà Sánh chuyển ngành sang làm việc tại một cơ sở của Trại rau quả Trung ương, ở xã Phăng Sô Lin (huyện Sìn Hồ). Công việc chính của bà là mang rau, củ, quả ra chợ thị trấn Sìn Hồ bán.
Trong một lần đi họp, bà Sánh đã gặp ông Phùng Lao Chiêu – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Sìn Hồ. Ông cảm mến sự hiền hậu, nết na trong tính cách của bà, còn bà thì thương ông bởi cái vẻ chân chất, thật thà của người cán bộ dân tộc Dao. Đôi trai tài, gái sắc về sống chung một nhà sau tiệc cưới mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Dao.
Sau khi sinh cô con gái đầu lòng vào năm 1991, bà Sánh cảm thấy toàn thân mệt mỏi, đau nhức. Lúc này, thương con dâu, mẹ chồng bà đã đưa bà lên bản người Dao, cách nhà chừng1km để tắm lá thuốc.
Ngoài nấu nước tắm phục vụ khách mỗi ngày, bà Sánh còn nấu lá thuốc người Dao thành cao bán ra thị trường.
“Sau khi ngâm trong bồn nước lá thuốc chừng 20 phút, tôi cảm thấy khỏe hẳn lên, không còn đau mỏi trong người. Thấy tác dụng của nước lá thuốc người Dao, tôi về bàn với chồng mua một thùng gỗ pơ mu để dùng. Từ đó, đều đặn mỗi ngày, mẹ chồng tôi lên rừng hái lá thuốc về đun nước cho tôi tắm. Ít hôm sau đó, sức khỏe tôi đã hồi phục hoàn toàn. Tôi “bén duyên” với tắm lá thuốc của người Dao từ đó” – bà Sánh nhớ lại.
Video đang HOT
Theo bà Sánh, tắm lá thuốc của người Dao thường xuyên sẽ giúp cho da mịn hơn.
Kể từ hồi đó, mỗi lần có bà con, bạn bè từ dưới xuôi lên thăm, bà Sánh lại lấy lá thuốc về nấu nước cho tắm trải nghiệm. Tắm xong ai cũng thích thú, khen không ngớt lời.
Thấy rõ tác dụng của thứ nước tắm kì lạ, bà Sánh đã mua thêm thùng, xây bếp lò đàng hoàng để nấu lá thuốc, phục vụ du khách khi lên thăm quan, trải nghiệm cuộc sống của bà con nơi cao nguyên núi non hùng vĩ, khí hậu mát mẻ này. Từ một thùng pơ mu lúc đầu, đến nay bà Sánh đã có tổng số 6 thùng pơ mu đặt ở 4 phòng.
Bà Sánh cho biết: Mỗi lần tắm lá thuốc từ 20 – 25 phút là tốt nhất, nếu ngâm mình trong nước lá thuốc quá lâu sẽ bị say.
Bà Sánh vui vẻ nói: “Thứ nước tắm kì diệu, màu đỏ sẫm như thuốc bắc đó được nấu bởi hơn 20 loại lá thuốc khác nhau như: Cù Tải hây, Cù anh đéng, Quàng đìa nheo, Lùng ngải, Đìa dán…. Toàn bộ những cây thuốc này đều do bà con người Dao lấy từ rừng về bán cho tôi. Sau khi mua, tôi đem cây thuốc rửa sạch, thái thành từng đoạn rồi cho vào chảo đun từ sáng đến tối. Nếu nhiều lá thuốc tươi không nấu kịp thì tôi đem phơi khô, dự trữ để nấu dần. Không chỉ đun nước tăm phục vụ nhu cầu của khách mỗi ngày mà tôi còn đun lá thuốc thành cao bán ra thị trường”.
Theo bà Sánh, tắm lá thuốc của người Dao rất tốt cho sức khỏe, nó có tác dụng: Bổ máu, chữa bệnh dạ dày, chống bạc tóc sớm, điều trị bệnh gút, xương khớp. Đặc biệt, tắm lá thuốc rất tốt cho bà đẻ và người say rượu. Người nào say rượu chỉ cần ngâm mình trong bồn nước lá thuốc khoảng chừng 20 phút là sẽ tỉnh ngay.
Khách đến trải nghiệm tắm lá thuốc người Dao tại nhà bà Sánh khá đa dạng, đến từ nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Trò chuyện với Dân Việt, anh Nguyễn Văn Tuấn – du khách đến từ Hà Nội, vui vẻ cho biết: Cao nguyên Sìn Hồ không chỉ được thiên nhiên ưu đãi cho khí hậu mát mẻ quanh năm mà nơi đây còn có nhiều thắng cảnh đẹp. Đây là lần thứ 2 tôi đến với vùng đất này, lần nào tôi cũng ghé qua nhà bà Sánh để ngâm mình trong bồn pơ mu chứa thứ nước thần kì này. Tắm xong, tôi cảm thấy thật sảng khoái, nhẹ nhõm cả người, bao mệt mỏi dường như tan biến hết”.
Mỗi lượt khách vào tắm, bà Sánh thu 100.000 đồng. Bình quân mỗi năm có hơn 1.000 lượt khách đến trải nghiệm tắm lá thuốc của nhà bà Sánh.
Rời nhà bà Sánh sau khi ngâm mình trong bồn nước lá thuốc của người Dao, chúng tôi cảm thấy tinh thần phấn chấn hẳn lên. Lúc này, chúng tôi mới hiểu hết ý nghĩa của câu nói: “Lên Sìn Hồ mà không trải nghiệm tắm lá thuốc của người Dao thì coi như chưa đến với vùng cao nguyên quanh năm mát mẻ này”.
Theo Danviet
Du Xuân sớm ở Sa Pa
Gác lại sự ồn ã, gấp gáp của những ngày áp Tết, đến Sa Pa, đắm mình trong những vườn đào phai e ấp sắc hồng tươi, những vạt mận bung nở trắng xóa, thấy mùa Xuân tràn đầy sức sống đang rạo rực ùa về.
Xúc cảm đặc biệt
Sa Pa một ngày giáp Tết, sương giăng mờ thị trấn nhỏ vùng cao, hơi lạnh nhè nhẹ thấm vào da thịt qua lớp áo khoác dày. Người dân tất bật mua sắm Tết, những cành đào rừng thân mốc meo nối nhau xuống phố khoe sắc, những thứ đồ đặc sản vùng cao như rau cải mèo, cải ngồng, củ cải tím hay những món đồ thổ cẩm đầy sắc màu được bày bán khắp các nhánh đường. Người mua, người bán, tấp nập chẳng kém không khí sắm Tết miền xuôi.
Hoa đào bung nở trên khắp sườn đồi ở Sa Pa. Ảnh: Quang Hà
Dọc tuyến đường trung tâm thị trấn Sa Pa, ngay trước nhà thờ đá, những cây mận bung nở trắng xóa, đẹp mơ màng như cõi cổ tích. Quả thực, phải quyết tâm lắm mới dứt mình ra khỏi nhịp sống hối hả của những ngày cận Tết, của lo toan bận rộn, của những deadline đến hạn hoàn thành để thảnh thơi du Xuân sớm ở vùng cao Tây Bắc. Và khi đã đặt chân đến đây, chắc hẳn, sự dũng cảm ấy sẽ được đền đáp xứng đáng, khi được đắm mình trong không gian đầy hơi thở mùa Xuân, không còn ồn ã khói bụi, không vội vã kẹt xe...
Những vạt hoa cải trắng tinh khôi bên sườn đồi thu hút nhiều khách tham quan.
Khu du lịch Fansipan Legend ngày cuối năm vắng hơn thường lệ, song không vì thế mà phai nhạt cảm xúc. Từng tốp người, cả Tây lẫn ta vẫn kiên nhẫn, háo hức xếp hàng lên tàu điện, cáp treo, bắt đầu hành trình chinh phục "nóc nhà Đông Dương". Cảm giác "lên đỉnh" Fansipan với độ cao 3.143m, xung quanh bao phủ mây trắng bồng bềnh, trong một ngày cuối năm thật đặc biệt.
Phấn khởi vì có được tấm ảnh cầm cờ Tổ quốc bên cạnh cột mốc Fansipan hùng vĩ, anh Cao Cường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: "Kể từ lần đi trăng mật năm 2004, sau đúng 15 năm tôi mới có dịp trở lại Sa Pa và lần đầu tiên được đặt chân lên đỉnh Fansipan, lại vào dịp chuyển giao giữa năm cũ - năm mới nên cảm xúc thật khó tả, như đánh dấu một đỉnh cao mới cần chinh phục trong năm Canh Tý".
Cảnh sắc hùng vĩ trên đỉnh Fansipan.
Những góc sống ảo thần thánh
Mùa Xuân Sa Pa, đất trời giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc, cảnh sắc tươi mới bao trùm khắp nơi. Bỏ qua những góc ồn ào của một số công trình xây dựng đang thi công, Sa Pa vẫn là điểm đến thú vị. Đến Sa Pa ngày giáp Tết, không thiếu những góc checkin thần thánh cho du khách, nhất là giới trẻ.
Du khách hào hứng check in trên đỉnh Fansipan.
Trong số đó, khu du lịch Fansipan Legend được nhiều người lựa chọn hơn cả. Ở đó có những vườn hoa rực rỡ sắc màu bên sườn núi, là những cảnh sắc bồng bềnh như cõi thần tiên. Hùng, nhân viên tại một điểm dừng của khu du lịch Fansipan Legend, vừa ân cần hướng dẫn du khách xếp hàng đợi tàu điện, vừa vui vẻ chuyện trò. Hùng bảo, làm việc ở đây, lúc rảnh rỗi thích nhất là được "săn mây", "săn nắng" chớp khoảnh khắc để cho ra những bức ảnh đẹp.
Khách du lịch tham quan bản Tả Van ngày cận Tết.
Cách thị trấn Sa Pa chừng 12 cây số, bản Tả Van mang nét đẹp dịu dàng của một bản làng vùng cao với những thửa ruộng bậc thang nhuốm vàng màu cỏ úa, những nếp nhà phủ màu xanh của cây cối, những lùm hoa mơ, hoa mận trắng man mác... Đặc biệt, từ khi khu ruộng bậc thang của Tả Van được công nhận là Di tích quốc gia danh lam thắng cảnh cần được bảo vệ, khách du lịch đổ về ngày càng đông. Những homestay với view đẹp lung linh mọc lên ngày một nhiều. Theo thống kê, hiện nay ở Tả Van có khoảng 30 homestay với đầy đủ dịch vụ từ nghỉ dưỡng, ăn uống, cà phê, tắm lá thuốc...
Phiên chợ Tả Van ngày giáp Tết.
Chang Thị Sú, 25 tuổi, cô gái dân tộc Mông nhỏ bé với nước da màu bánh mật hào hứng dẫn đoàn du khách đi tham quan khắp bản. 5 năm bước chân vào làm du lịch "chán chuyên", Sú tự tin mình thạo hết ngõ ngách đẹp nhất để dẫn du khách đến check in. Ấy là điểm thác nước, rừng tre, cây cô đơn... "Đợt giáp Tết mỗi ngày có khoảng 2 - 3 đoàn khách đến Tả Van, còn bình thường thì khoảng 10 đoàn" - Sú cho biết.
Đi cùng chúng tôi, nữ nhà báo Phongphan Jongyotying (Chiang Mai, Thái Lan) thích thú khi lần đầu tiên được trải nghiệm nét độc đáo của văn hóa vùng cao Tả Van. Mải mê ngắm nhìn đàn vịt bơi tung tăng trên ruộng nước trũng, check in những cửa hàng tạp hóa ven đường nào sữa, nào bim bim và đủ thứ quà vặt, nữ nhà báo Phongphan Jongyotying cười tươi không ngớt. "Cũng là địa bàn miền núi nhưng ở Tả Van có nét văn hóa rất khác so với Chiang Mai" - bà Phongphan Jongyotying chia sẻ.
Nữ nhà báo Phongphan Jongyotying (Chiang Mai, Thái Lan) check in dưới gốc cây cô đơn tại bản Tả Van.
Tết Nguyên đán Canh Tý đã cận kề. Phố phường Hà Nội dường như đông đúc hơn, xe cộ ken đặc lòng đường. Ai cũng gấp gáp, hối hả theo guồng quay của nhịp Tết. Bởi thế mà chỉ hai ngày ở Sa Pa, thả mình giữa không gian phiêu bồng, dịu dàng của vùng cao mới cảm nhận được một nhịp Tết rất riêng, nhẹ nhàng như một chuyến du Xuân sớm.
Theo kinhtedothi.vn
Trồng chuối, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm Mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân các xã xung quanh cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, Lai Châu) đổi thay rõ rệt nhờ cây chuối. Nhiều gia đình mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng từ bán chuối. Đến nay tỉnh Lai Châu đã phát triển khoảng 3.500ha chuối, tập trung ở các huyện Phong Thổ,...