Thu nhập 15 triệu đồng/tháng, người Việt mới được chơi casino?
Sáng 13-8, tại cuộc họp thẩm định dự thảo nghị định về kinh doanh casino do Bộ Tư pháp chủ trì, đại diện một số bộ, ngành vẫn cho rằng dự thảo cần được nghiên cứu để hoàn thiện thêm, tránh việc vừa mới ban hành đã phải sửa.
Nghị định này được Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo từ năm 2009, đến nay đã qua hai lần xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ba lần thẩm định của Bộ Tư pháp.
Một nội dung gây nhiều tranh luận là việc có cho phép người Việt Nam vào chơi tại casino hay không.
Việc cho phép người Việt chơi casino trong nước vẫn còn gây tranh cãi
Theo dự thảo thì có hai nhóm đối tượng được phép chơi tại các casino: 1. Người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài; 2. Người Việt Nam. Đối với người Việt Nam, dự thảo mới nhất chỉ quy định mang tính nguyên tắc, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định chi tiết về điều kiện.
Dự thảo dự kiến: Đối tượng chơi là người Việt Nam phải từ đủ 21 tuổi trở lên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có đủ năng lực tài chính tham gia, đóng đầy đủ lệ phí tham gia, đồng thời phải đáp ứng một số điều kiện về nhân thân.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết tổ biên tập dự kiến có hai hướng kiểm soát thu nhập của người Việt Nam. Thứ nhất, với đối tượng chơi thường xuyên thì căn cứ vào mức thuế thu nhập cá nhân. Cụ thể, người Việt Nam từ 21 tuổi trở lên, nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên bậc 3 (tương ứng thu nhập tối thiểu một tháng khoảng 15 triệu đồng) sẽ được phép chơi ở casino.
Video đang HOT
Với nhóm đối tượng không thường xuyên có thể chứng minh bằng tài sản bảo đảm (như sổ tiết kiệm…) tương ứng với mức thu nhập nêu trên. Tuy nhiên, đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh đây mới chỉ là ý tưởng ban đầu của nhóm soạn thảo, cần tiếp tục nghiên cứu thêm.
Về điều kiện kinh doanh casino, theo dự thảo, ngoài các điều kiện đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp đề nghị cấp giấy chứng nhận đầu tư xây dựng khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp, trong đó có casino phải đáp ứng đủ ba điều kiện. Gồm có: Dự án phải nằm trong quy hoạch kinh doanh casino tại Việt Nam (quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); chủ đầu tư tham gia đầu tư dự án hoặc đối tác quản lý dự án phải có ít nhất năm năm kinh nghiệm trong đầu tư, tổ chức, quản lý khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp, trong đó có kinh doanh casino; về tài chính, doanh nghiệp phải có cam kết đầu tư vào dự án tối thiểu là 4 tỉ USD.
Đại diện Bộ KH&ĐT băn khoăn hiệu quả của việc xây dựng quy hoạch thế nào trong bối cảnh đã có bảy dự án casino được cấp phép và đang hoạt động. Nghị định chỉ điều chỉnh đối với các dự án cấp mới thì có bảo đảm sự công bằng trong kinh doanh hay không khi các dự án casino đang hoạt động hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ.
Ý kiến khác cho rằng một số nơi như Singapore, Macao, Hong Kong… cũng chỉ có một hoặc hai casino, vậy số lượng casino của Việt Nam có quá nhiều hay không?…
Theo Pháp Luật TP.HCM
Không nên quy định người tự ứng cử có 30% cử tri giới thiệu
Nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng quy định này không cần thiết và thực tế cũng khó khả thi.
Chiều nay (14/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Hồ sơ ứng cử phải có lý lịch tư pháp, kê khai tài sản
Về hồ sơ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, ông Hà Minh Sơn- Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu cho biết một số ý kiến đề nghị để đảm bảo chặt chẽ hồ sơ người ứng cử, cần bổ sung thêm phiếu lý lịch tư pháp.
Theo ông Hà Minh Sơn, thực tiễn các cuộc bầu cử vừa qua cho thấy, hồ sơ ứng cử, nhất là của người tự ứng cử, không làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có những thiếu sót nhất định. Nhiều người tự ứng cử là chủ doanh nghiệp tư nhân, sơ yếu lý lịch do "cơ quan công tác" là chính doanh nghiệp của người đó tự xác nhận, không đảm bảo độ chính xác, thiếu tính chất pháp lý. Vì vậy, cần bổ sung lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Tại buổi thảo luận chiều nay, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đề nghị trên.
Cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn DK1 bỏ phiếu bầu cử (Ảnh: Ngọc Thành)
Các ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí với quy định bổ sung giấy khám sức khỏe vào Hồ sơ ứng cử vì thực tiễn các nhiệm kỳ vừa qua, có tình trạng đại biểu không đủ sức khỏe thực hiện nhiệm vụ, ở Quốc hội có đại biểu ốm dài ngày, có đại biểu được bầu nhưng sau đó không thực hiện được nhiệm vụ đại biểu do sức khỏe.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đề nghị hồ sơ ứng cử cũng cần có bản kê khai tài sản và xác nhận của Mặt trận Tổ quốc về người ứng cử trên địa bàn. Tờ khai cũng phải được thiết kế khoa học hơn.
Ban soạn thảo đề nghị bổ sung quy định đối với người tự ứng cử phải có giới thiệu của ít nhất 30% cử tri ở tổ dân phố, thôn nơi cư trú đồng ý giới thiệu. Theo ông Hà Minh Sơn, người được cơ quan, tổ chức giới thiệu có sự sàng lọc qua nhiều khâu, phải được tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị và cử tri nơi công tác giới thiệu mới được nộp hồ sơ ứng cử, nhưng người tự ứng cử thì không có sự sàng lọc này, rất dễ dàng nộp hồ sơ ứng cử vào thẳng bước 3 của quy trình hiệp thương, do vậy thiếu sự bình đẳng giữa người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử.
Về nội dung trên, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều rằng thêm quy định này là không cần thiết và thực tế cũng khó khả thi. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, theo quy trình hiện tại người tự ứng cử vẫn phải qua các bước sàng lọc, vì phải qua Mặt trận rồi sau đó Mặt trận đưa về cử tri.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, "người dân có quyền tự ứng cử cho nên thêm vào điều kiện ít nhất 30% cử tri giới thiệu là không cần thiết. Vấn đề là bộ lọc để chọn người tốt, đủ điều kiện. Việc xác nhận hồ sơ mới quan trọng".
Có nên giảm số đại biểu được bầu tại mỗi đơn vị?
Về số người được bầu tại các đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân,Luật bầu cử hiện hành quy định mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội được bầu không quá 3 đại biểu, mỗi đơn vị bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu không quá 5 đại biểu.
Ban soạn thảo cho rằng đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân, việc quy định mỗi đơn vị bầu cử được bầu không quá 5 đại biểu là tương đối nhiều. Theo Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, ông Hà Minh Sơn, tại các cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân vừa qua, nhiều nơi, cử tri phải xem xét, lựa chọn ít nhất 21 ứng cử viên trên 3 phiếu bầu đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã. Vì vậy, đề nghị giảm số đại biểu được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử xuống còn không quá 3 hoạc 4 đại biểu. Theo phương án này sẽ tăng số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp lên tương ứng khoảng 20% hoặc 40%.
Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thiên về việc giữ ổn định như hiện nay.
Về một số nội dung khác như Hội đồng bầu cử Quốc gia, việc kết thúc cuộc bỏ phiếu trong ngày bầu cử..., Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và báo cáo./.
Ngọc Thành
Theo_VOV
Quốc hội "nắn" các Bộ trưởng trả lời chất vấn Quốc hội nhắc Bộ trưởng Tài chính hạn chế sử dụng vay mới để đảo nợ cũ; Bộ trưởng GD-ĐT cần tiếp thu Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; Bộ trưởng Tư pháp phát huy vai trò người đứng đầu; Tổng Thanh tra Chính phủ xây dựng nội bộ ngành trong sạch... Sáng 24/6, trước phiên bế mạc kỳ họp...