Thư ngỏ về tình hình Biển Đông gửi Quốc hội Đức
Sáng 12/6, đại diện Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức đã tới trụ sở Quốc hội nước này để trao Thư ngỏ của cộng đồng phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông gửi các nghị sỹ Quốc hội Đức và đề nghị tiếp tục bày tỏ quan điểm mạnh mẽ hơn trong vấn đề này.
Đoàn Liên hiệp người Việt toàn LB Đức trao Thư ngỏ của cộng đồng phản đối các hành động của Trung Quốc trên Biển Đông. (Ảnh: Nguyên Đức)
Tiếp đoàn tại trụ sở quốc hội có ông Juergen Klimke, nghị sỹ đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), Ủy viên Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức (Bundestag).
Giáo sư Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp, đã trao Thư ngỏ tới ông Juergen Klimke và đề nghị ông chuyển bức thư này tới toàn thể các nghị sỹ của Quốc hội Đức. Ông Juergen Klimke đã trân trọng tiếp nhận Thư ngỏ của Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức và cho biết sẽ chuyển đến các nghị sỹ Quốc hội Đức.
Nội dung Thư ngỏ phân tích ý đồ xuyên suốt hàng thập kỷ qua của Trung Quốc trong việc lấn chiếm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam kể cả bằng biện pháp vũ lực, thể hiện qua sự kiện đánh chiếm quần đảo Trường Sa năm 1974, chiếm đảo Gạc Ma năm 1988 và gần đây là việc đưa giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cũng như đang không ngừng xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông để phục vụ cả các mục đích quân sự.
Bức thư chỉ rõ những hành động gần đây của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là công ước Liên hiệp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC).
Trên tinh thần đó, Thư ngỏ kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội Đức tiếp tục lên tiếng mạnh mẽ hơn phản đối hành động và ý đồ của Trung Quốc cũng như tăng cường vận động, liên kết với nghị viện EU cùng các nước Anh, Mỹ, Canada, Australia… để gây sức ép quốc tế yêu cầu Trung Quốc ngừng ngay việc xây dựng các “đảo nhân tạo” trên Biển Đông vì sự ổn định, an toàn của khu vực cũng như của thế giới.
Video đang HOT
Tại buổi tiếp, ông Juergen Klimke cho biết Biển Đông hiện là vấn đề nghị sự nhận được sự quan tâm lớn của Quốc hội và Chính phủ Đức, trong đó riêng Hạ viện Đức đã có các phiên thảo luận về vấn đề này tháng 4 và tháng 5/2015 vừa qua. Ông Klimke nhấn mạnh kiên quyết phản đối yêu sách “đường 9 đoạn” phi lý của Trung Quốc và việc xây dựng “đảo nhân tạo” của nước này làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Biển Đông, nơi có vị trị trọng yếu đối với hàng hải quốc tế cũng như liên quan trực tiếp tới lợi ích của Đức, cường quốc xuất khẩu số một thế giới. Ông Klimke cho biết sẽ đề xuất đưa Thư ngỏ nói trên vào nội dung thảo luận của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Đức trong thời gian sớm nhất.
Thư ngỏ nói trên được Liên hiệp người Việt toàn liên bang Đức soạn thảo và đến thời điểm này đã có gần 4.000 người ký tên ủng hộ. Việc ký tên vào Thư ngỏ này đang được tiếp tục triển khai trên toàn CHLB Đức nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của cộng đồng người Việt tại Đức đối với tình hình Biển Đông và trên cơ sở đó, chuyển tiếng nói này của bà con kiều bào tới các cơ quan quốc hội và chính phủ sở tại ở Đức.
Theo Nguyên Đức/TTXVN/baotintuc.vn
Mong có quà gửi về quê hương
Uớc muốn cháy bỏng của bà con kiều bào tại Đức cũng như ông Nguyễn Khắc Hùng - một người Việt sinh sống tại Đức hơn 20 năm nay đã được hiện thực hóa bằng chiếc xuồng chủ quyền (CQ) vừa được trao tặng cho bộ đội ở Trường Sa.
Ông Nguyễn Khắc Hùng chụp ảnh với chiến sĩ Trường Sa
Là người con của Thủ đô Hà Nội và tốt nghiệp khoa Văn (Đại học Tổng hợp Hà Nội), Nguyễn Khắc Hùng từng sang Nga làm thực tập sinh vào năm 1992. Tuy nhiên, trong một chuyến sang Berlin thăm người thân, nước Đức đã níu giữ chân ông ở lại để rồi có được một gia đình ba thế hệ hạnh phúc cho đến giờ.
Ông Hùng tâm sự rằng, bên cạnh một cuộc sống ổn định và yên bình tại Đức, việc tham gia hoạt động tại các hội người Việt ở đây đã đem lại cho ông niềm vui và sự gắn kết đặc biệt với bà con nơi xa xứ. Không chỉ làm Chủ tịch Hội người Hà Nội tại Đức hay làm biên tập viên cho trang báo điện tử Nguoiviet.de, người ta còn thấy ông hăng say trong vai trò Trưởng ban điều hành cuộc vận động quyên góp vì biển đảo quê hương của kiều bào tại Đức trong suốt thời gian qua.
Từ mơ ước một con tàu lớn
Ông Nguyễn Khắc Hùng cho biết, cộng đồng người Việt ở Đức hiện có khoảng 130 nghìn người, tập trung ở Berlin khoảng 25-30 nghìn người. Đó là một cộng đồng được phía Đức đánh giá là một trong ba cộng đồng người nước ngoài hội nhập tốt nhất vào xã hội Đức (Việt Nam, Hàn Quốc và Iran). Sau nhiều năm sinh sống tại Đức, ông nhận thấy người Việt mình ở đâu cũng chăm chỉ, chịu khó và quan tâm đến việc dạy dỗ con em. Rất nhiều con em kiều bào được vào các trường chuyên.
Người Việt ở Đức hiện sinh hoạt trong hơn 100 hội đoàn luôn có ý thức giữ gìn và phát triển văn hoá, văn nghệ truyền thống. Đặc biệt, trong năm 2014, người Việt đã có cả chục cuộc quyên góp nghĩa tình vì biển đảo. Không chỉ ở các thành phố lớn mà ở ngay cả vùng miền xa xôi, những người lao động cần lao cũng đóng góp đồng tiền nhỏ bé kiếm được bằng mồ hôi, nước mắt, thậm chí những cháu bé còn góp từng đồng tiền lẻ bố mẹ cho ăn sáng. Tại Trung tâm thương mại Đồng Xuân, cuộc quyên góp vào tháng 6/2014 đã đặt ra mục tiêu là đóng tàu hậu cần chở nước ngọt, xăng dầu, thuốc men tiếp ứng cho ngư dân bám biển, kiểm ngư và cảnh sát biển. Cũng nhờ mục tiêu đó, cuộc vận động đã thu được số tiền lớn nhất từ trước đến nay là 110.000 Euro.
Ông Hùng kể rằng, mặc dù quyên góp được hơn trăm nghìn Euro nhưng số tiền trên vẫn còn quá nhỏ để có thể đóng được một con tàu sắt như mơ ước của bà con. Mục tiêu không đạt được là nỗi buồn không của riêng ai. Sau đó, Ban vận động đã họp nhiều phiên và cuối cùng đã họp bàn và quyết định đóng chiếc xuồng CQ.
...đến chiếc xuồng nhỏ đầy nghĩa tình
Trong chuyến đi thăm Trường Sa mới đây, mục tiêu chính của ông Hùng là để tìm hiểu về về vai trò của xuồng CQ đối với quân, dân trên đảo. Bản thân ông muốn tự thẩm định và đã tìm được câu trả lời khi một sĩ quan hải quân ở đảo Song Tử Tây nói với ông rằng:"Với chúng em, xuồng CQ là người bạn vàng. Có nó chúng em đỡ gian nan, vất vả nhiều lắm".
Người sỹ quan ấy đã có 14 năm công tác trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa còn chia sẻ:"Ngày trước không có xuồng, hàng tháng đi họp giữa các điểm đảo trong một đảo, bọn em toàn chờ thủy triều xuống rồi lội bộ. Nhiều khi giữa đường sóng gió bất chợt. Đã có những người đi mà không bao giờ đến nơi họp. Từ đài quan sát, bằng ống nhòm mọi người đều nhìn thấy, cũng đành bất lực khi sóng gió cuốn đi đồng đội của mình".
Tạm biệt người sỹ quan từ đảo nổi Song Tử Tây, ông Hùng lại tiếp tục hải trình với tàu quân y 561 để tới đảo nổi Nam Yết và đảo chìm Len Đao. Chính nơi đây ông đã nhìn thấy những chiếc xuồng chủ quyền bé bỏng nhưng kiêu hãnh là cầu nối giữa những người lính đảo hàng năm xa nhà và những ngư dân hàng tháng xa đất liền.
Ông Nguyễn Khắc Hùng nhớ lại, hôm bàn giao xuồng CQ của kiều bào tại Đức cho quân và dân đảo Song Tử Tây vào ngày 20/5 vừa qua, không khí tại nhà máy X46 - nơi đóng xuồng thuộc CKT Hải quân, tưng bừng như ngày hội. Đây là chiếc xuồng chủ quyền đầu tiên của Kiều bào gửi tặng quân và dân trên quần đảo trường Sa.
Thượng tá Trần Văn Hồng, Phó Giám đốc nhà máy X46 khi nói về giá trị của chiếc xuồng đã vui vẻ ví von:"Kiều bào ở Đức đã tặng cho quân và dân Song Tử Tây một món quà quý mà họ hằng mong đợi. Xuồng đi trên biển cũng như ô tô đi trên đất liền".
Chuẩn đô đốc Đinh Gia Thật, Chính ủy Quân chủng Hải quân thì xúc động nói:"Món quà của kiều bào Đức tặng quân và dân đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa không phải chỉ là sự chia sẻ mà còn là sự đồng hành trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, không chỉ làm ấm lòng mà còn làm ấm lưng những người đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ biển đảo".
Bước xuống chiếc xuồng không to lớn như con tàu từng mơ ước, nhưng nhìn dòng chữ Kiều bào tại Đức kính tặng in trên hai mạn xuồng ông Hùng cảm động đến rưng rưng...
Ông càng xúc động hơn khi nhìn thấy chiếc xuồng nhỏ băng băng rẽ trên sóng nước. "Chúng tôi trở về đất liền, về những thành phố yên bình, tráng lệ nhất châu Âu. Còn các anh vẫn ở lại nơi ấy xa cách người thân, mong manh nơi đầu sóng ngọn gió, rình rập đêm ngày bên những hiểm nguy. Hầu hết những người đứng trên boong tàu trong những cuộc chia tay ấy đều đã khóc", ông chia sẻ.
Theo Hải Thanh
Thế giới và Việt Nam
Người Việt tại Đức tặng xuồng cao tốc cho quân, dân Trường Sa Sau bao nhiêu nỗ lực, bao nhiêu gắng gỏi, chúng ta cũng chạm tay được đến ước mơ. Ngày 20/5/2015 Nhà máy X46, thuộc CKT Hải quân đã tổ chức Lễ bàn giao xuồng Trường Sa CQ-01 được đóng bằng nguồn vốn do kiều bào tại CHLB Đức ủng hộ bộ đội Trường Sa. Không chỉ những doanh nghiệp thành đạt ủng hộ...