Thử nghiệm vaccine giai đoạn 1: Không tuyển người từng mắc Covid-19
Hôm nay (9/12), Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế sẽ họp lần cuối để xem xét, phê duyệt thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người ở nước ta, điều đáng chú ý là không tuyển người từng mắc Covid – 19 để thử nghiệm.
Hôm nay (9/12), Hội đồng Đạo đức y sinh của Bộ Y tế sẽ họp lần cuối để xem xét, phê duyệt thử nghiệm vaccine Covid-19 trên người ở nước ta. Vaccine này có tên là Nanocovac do Công ty Nanogen tại thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu sản xuất. Vấn đề được nhiều người quan tâm hiện nay là những ai sẽ được lựa chọn để tiêm thử? Quy trình thử nghiệm sản phẩm vaccine Covid-19 đầu tiên ở nước ta diễn ra như thế nào? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục khoa học và Công nghệ (Bộ Y tế), Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vaccine, làm rõ những vấn đề này.
PV : Thưa ông, theo dự kiến, việc tuyển tình nguyện viên sẽ diễn ra vào ngày 10/12 để bắt đầu tiêm thử nghiệm từ ngày 17/12. Vậy, những người được chọn tham gia thử nghiệm vacine Covid-19 cần có những điều kiện gì?
Ông Nguyễn Ngô Quang : Về nguyên tắc thì giai đoạn 1 là giai đoạn sẽ lựa chọn người tình nguyện hoàn toàn. Đây là những người được cung cấp thông tin về nghiên cứu, theo nguyện vọng của cá nhân, không có áp lực nào về mặt sức khỏe. Người đó phải đọc được thông tin và khẳng định đã đọc những thông tin của nghiên cứu thử nghiệm. Tình nguyện tham gia nghiên cứu thì phải ký vào văn bản chính thống mà ngày 9/12 Hội đồng sẽ thông qua. Đối với các trường hợp không đủ các hành vi về mặt pháp luật, ví dụ trẻ em dưới 18 tuổi hoặc là những người không có người bảo trợ thì bắt buộc phải có những người bảo vệ về mặt pháp lý, đứng ra đại diện về nguyên tắc là không được tham gia trực tiếp.
Bên cạnh việc tình nguyện thì phải đảm bảo những tiêu chí về mặt y tế, phải là người khỏe mạnh. Tham gia vào nghiên cứu giai đoạn 1 này, người khỏe mạnh được định nghĩa là những người không mắc các bệnh, kể cả bệnh cấp tính hay bệnh mãn tính.
Thứ hai, là các chỉ số liên quan đến huyết học, sinh hóa và hoàn toàn bình thường, không có các bệnh mãn tính bệnh tiềm tàng và được cơ quan y tế xác nhận là hoàn toàn khỏe mạnh. Về nguyên tắc người tham gia thử nghiệm không phân biệt về địa lý, chủng tộc, dân tộc. Tuy nhiên, có những đối tượng mang tính chất nhạy cảm thì không được phép tham gia, ví dụ phụ nữ đang có thai hay người đang phụ thuộc về mặt tài chính (tham gia thử nghiệm để được tiền).
Video đang HOT
PV: Tại nước ta đã ghi nhận những trường hợp tái dương tính với virus SARS-CoV-2. Vậy những người từng mắc Covid-19 có được tham gia thử nghiệm vaccine lần này không, thưa ông?
Ông Nguyễn Ngô Quang: Tôi đã nói là chỉ người khỏe mạnh hoàn toàn bình thường, không có tiền sử mới được tham gia thử nghiệm giai đoạn 1. Đây là giai đoạn đánh giá tính an toàn chứ không phải là đánh giá tính sinh miễn dịch. Nếu đánh giá tính sinh miễn dịch thì chúng ta mới cần người từng nhiễm Covid-19 tham gia thử nghiệm. Ở giai đoạn 2 và 3 thì sẽ cần những người này.
PV: Ông có thể cho biết quy trình nghiên cứu thử nghiệm trên người đối với vaccine Nanocovac sẽ diễn ra như thế nào?
TS Nguyễn Ngô Quang: Về nghiên cứu phát triển một sản phẩm mới nói chung, trong đó kể cả thuốc và vaccine, đặc biệt là nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng về thời gian nghiên cứu thông thường là khá dài. Trung bình từ 7-12 năm với 3 giai đoạn. Đối với vaccine Nanocovac, chúng tôi dự kiến sẽ triển khai trong thời gian vào khoảng từ 12-14 tháng. Lý do thứ nhất là căn cứ vào tình hình đại dịch hiện nay. Thứ 2 là căn cứ theo các nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19 trên thế giới.
PV: Thưa ông, vì sao việc thử nghiệm giai đoạn 3 của vaccine Nanocovac lại được nước ta phối hợp thực hiện tại Banglades, Ấn Độ và Indonesia?
Ông Nguyễn Ngô Quang : Hiện nay, Bộ Y tế đã giao cho nhà sản xuất liên hệ với 3 quốc gia là Ấn Độ, Bangladesh và Indonesia để có thể có những kết nối ban đầu. Nếu cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, tức là Bộ Y tế thì Bộ Y tế sẽ có văn bản chính thức gửi cho các cơ quan quản lý y tế của các quốc gia để phối hợp. Mục tiêu phối hợp với các quốc gia là để tăng thêm số lượng mẫu thử nghiệm để so sánh giữa nhóm đối chứng với nhóm hoàn toàn không sử dụng vaccine, từ đó đánh giá được hiệu quả, hiệu lực của vaccine.
PV : Vâng, xin cảm ơn ông!.
Moderna hoàn tất thử nghiệm vaccine Covid-19 giai đoạn 3
Hãng dược Moderna cho biết đã hoàn thành thử nghiệm vaccine giai đoạn 3 cho 30.000 tình nguyện viên tham gia.
Quá trình nghiên cứu được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo sự đa dạng tình nguyện viên. Theo dữ liệu của công ty, 1/5 tình nguyện viên đến từ Tây Ban Nha và 10% là người da đen. Tình nguyện viên trên 65 tuổi, đối tượng có nguy cơ cao nhiễm nCoV, chiếm 25%.
"Tôi nghĩ rằng chúng tôi đang làm khá tốt, yếu tố nhân khẩu của thử nghiệm vaccine Moderna khá đa dạng", Larry Corey, chuyên gia virus tại Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson, nhận định. Ông Corey đang tiến hành các thử nghiệm lâm sàng trong Chiến dịch Thần tốc - nỗ lực liên bang nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine.
"Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục cải thiện điều này. Đây mới là thử nghiệm đầu tiên hoàn thành, chúng ta còn hai loại khác nữa. Chặng đường đến với vaccine Covid-19 chỉ mới bắt đầu", ông Corey nói, đề cập đến hai loại vaccine khác của hai nhà nghiên cứu Pfizer và Johnson & Johnson.
Hơn một nửa số tình nguyện viên của Moderna đều là người khỏe mạnh, không dễ nhiễm nCoV. 25% khác là người cao tuổi, 17% trẻ hơn, song mắc các bệnh nền như tiểu đường hoặc béo phì, khiến họ nằm trong nhóm rủi ro cao.
Dữ liệu đánh giá thử nghiệm vaccine của Moderna được lưu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ ở Hollywood, Florida. Ảnh: AFP
Tiến sĩ Stephen Hoge, chủ tịch của Moderna, cho biết chủng ngừa cho 30.000 tình nguyện viên "chỉ là cột mốc quan trọng, không phải thành tựu". 50% trong đó đã nhận vaccine, số còn lại tiêm giả dược là nước muối sinh lý. Hai mũi tiêm cách nhau 4 tuần.
Moderna dự kiến công bố dữ liệu sơ bộ của thử nghiệm giai đoạn 3 trong tháng 11. Sau hai tháng theo dõi, công ty sẽ xác định liệu sản phẩm có đủ tiêu chuẩn đệ trình lên cơ quan quản lý để xin cấp phép hay không. Họ kỳ vọng hoàn thành toàn bộ quá trình trước Lễ Tạ ơn, ngày 26/11 năm nay.
Hiện Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson là ba hãng dược dẫn đầu cuộc đua phát triển vaccine tại Mỹ. Moderna khởi động thử nghiệm giai đoạn 3 ngày 27/2, cùng ngày với Pfizer. Vaccine do Johnson & Johnson sản xuất bắt đầu tiêm thử ngày 23/9, song phải ngừng sau chưa đầy ba tuần vì một tình nguyện viên bị ốm. AstraZeneca, hãng dược của Anh, gặp tình trạng tương tự.
Thử nghiệm lâm sàng các loại vaccine bao gồm ba giai đoạn. Ở giai đoạn một, các nhà khoa học tiêm vaccine cho số tình nguyện viên hạn chế để kiểm tra độ an toàn và xác định liều lượng. Giai đoạn hai, thử nghiệm diễn ra trên hàng trăm người, chia thành các nhóm, chẳng hạn trẻ em, người già, để xem liệu liều tiêm có tạo ra phản ứng khác nhau ở từng đối tượng hay không. Trong thử nghiệm giai đoạn ba, các nhà nghiên cứu tiêm vaccine hoặc giả dược trên hàng chục nghìn người, chia làm hai nhóm. Tình nguyện sau đó trở về vùng dịch sinh sống nhằm so sánh tỷ lệ lây nhiễm.
Sau thử nghiệm giai đoạn ba, đơn vị nghiên cứu sẽ đệ trình dữ liệu lên cơ quan quản lý để xin cấp phép. Trong thời kỳ đại dịch, một số loại vaccine được phê duyệt khẩn cấp khi đang trong nghiên cứu giai đoạn 3.
Khi đã được cơ quan quản lý chấp thuận, các nhà nghiên cứu tiếp tục theo dõi phản ứng của nhóm tình nguyện viên nhằm tìm ra các tác dụng phụ tiềm ẩn. Đây gọi là quá trình đánh giá sau phê duyệt. Nếu vaccine được chứng minh là an toàn và hiệu quả, nhà sản xuất sẽ tiến hành phân phối hàng loạt đến các cơ sở y tế, phục vụ cho chương trình tiêm chủng.
Thông thường toàn bộ quy trình từ nghiên cứu đến cấp phép, phân phối ra thị trường của một loại vaccine mới mất ít nhất hai năm. Trong bối cảnh Covid-19 lan rộng, một số chính phủ thúc đẩy quá trình nghiên cứu cấp phép vaccine này nhanh hơn bình thường. Thậm chí Nga đã cấp phép cho hai loại vaccine Covid-19 trước khi tiến hành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, dẫn đến nhiều hoài nghi của các nhà khoa học về chất lượng sản phẩm.
Đến nay 6 loại vaccine Covid-19 được phê duyệt khẩn cấp, đều thuộc về Trung Quốc và Nga. Hai "ứng viên" của Nga là Sputnik V và EpiVacCorona. Bốn loại vaccine của Trung Quốc do hãng dược nhà nước và các Viện Sinh phẩm điều chế, chủ yếu dựa trên virus bất hoạt.
Người tiêm thử vaccine Covid-19: 'Chỉ nằm thôi cũng đủ đau' Luke Hutchison choàng tỉnh giữa đêm do sốt, nhức đầu dữ dội và cảm giác ớn lạnh sau khi tiêm thử vaccine Covid-19. Hutchison là chuyên gia sinh học 44 tuổi ở Utah. Ông cho biết mình đăng ký thử nghiệm giai đoạn ba bởi cảm thấy bản thân đủ khỏe mạnh và có niềm tin lớn vào vaccine. Ông đặc biệt muốn...