Thư Nepal: Từ những đau thương!
Jomson cách Kathmandu, thủ đô Nepal và vùng tâm chấn đến 360 km. Những ngôi nhà đơn sơ của người dân nghèo được xây trên những mảnh đất cằn, dưới thung lũng mà bên trên là những nọn núi đầy tuyết… …
Xa thế, nhưng nhiều ngôi nhà ở Jomson vẫn nứt toác chờ sập, quân đội và cảnh sát đang giúp người dân di tản ra những chỗ mà hôm qua vẫn còn là tổ ấm của họ.
Phóng viên Nguyễn Hà Cẩm Tú với gương mặt bị nám lạnh sau những ngày trekking trên những ngọn núi tuyết
Đất nước này chỗ rộng nhất có bề ngang chỉ 200 km nhưng có tới ba vùng khí hậu: nhiệt đới; cận nhiệt đới, ôn hòa và vùng lạnh tùy theo độ cao. Di chuyển từ bên này sang bên kia bề ngang đất nước, người ta cần tới ba loại trang phục. Đất nước nhỏ bé này đầy những biến động do những xung đột bên ngoài và bên trong nó. Đa số người dân theo Ấn giáo nhưng Nepal được coi là nơi Đức Phật ra đời. Năm 1997, UNESCO công nhận Lâm Tỳ Ni là thánh tích di sản của thế giới, công nhận việc Đức Phật được sinh ra ở Nepal. Nằm giáp Ấn Độ và Trung Quốc, Ấn Độ nghiễm nhiên coi Nepal nằm trong tầm ảnh hưởng của mình. Trong khi đó, do tiếp giáp với một Tây Tạng nhiều đối kháng, Trung quốc coi Nepal như một vùng phên dậu.
Đấy là chuyện bên ngoài, còn bên trong, những thập kỷ gần đây Nepal có nhiều biến động với sự suy tàn của nền quân chủ. Sự phản kháng của một số lực lượng vũ trang, sự xuất hiện của nhiều đảng phái đã dần dần làm giảm sút quyền hành của hoàng gia, và ngay Hoàng gia Nepal cũng có tình trạng chia rẽ. Ngày 1-6-2001, Hoàng thái tử Dipendra đã thực hiện một cuộc thảm sát trong hoàng cung để trả thù việc cha mẹ từ chối người phụ nữ ông muốn kết hôn. Vua và hoàng hậu bị giết và Dipendra cũng qua đời ba ngày sau đó. Ngôi báu được em của Birendra là Gyanendra thừa kế. Trước thực tế các chính phủ bất ổn và cuộc bao vây Thung lũng Kathmandu của những người Maoist tháng 8 năm 2004, sự ủng hộ của dân chúng dành cho hoàng gia đã giảm sút. Sáu năm sau, Nepal chấm dứt hoàn toàn chế độ quân chủ vào năm 2006.
Quân đội và cảnh sát đang giúp người dân di tản ra khỏi những ngôi nhà có thể sập. (Ảnh: Cẩm Tú)
Video đang HOT
Nepal nhiều biến động, Nepal nhiều thánh tích, Nepal nhọc nhằn nhưng kỳ vĩ. Nepal có tới tám trong số 10 ngọn núi cao nhất thế giới. Tự thân Nepal chứa nhiều bí mật với ngay cả con người nơi đây và luôn vẫy gọi những bàn chân khám phá. Đến Nepal với từng cung trek, bạn không chỉ khám phá đất nước nhiều bí mật này, mà những cung đường gian lao của Nepal còn là nơi để bạn khám phá và vượt qua sự hữu hạn của bản thân mình. Để rồi yêu cuộc đời hơn, thương Nepal hơn và lòng nghĩ đến những lần trở lại…
Thế nhưng hôm nay thì Nepal đang bị tàn phá, những thước đất Nepal đang vùi lấp trong nó không biết bao nhiêu người. Những đám lửa hỏa thiêu đang được thực hiện ở vùng ảnh hưởng động đất vì số người chết quá khủng khiếp. Những bàn chân khám phá đang ngừng lặng đau đớn và bối rối trước quyết định ở hay về.
Một ngôi nhà trống hoác vì chủ nhân đã di tản. (Ảnh : Cẩm Tú)
Những con đường ở Jomson bị xé nát do ảnh hưởng động đất, dù ở xa tâm chấn. (Ảnh : Cẩm Tú)
Khi tai ương ai cũng mong có một gia đình, về với gia đình đang mong ngóng, nhiều bạn bè tôi sẽ rời Nepal. Nhưng cũng không ít cảm xúc nấn níu muốn ở lại bên cạnh vùng đất này trong những ngày hoạn nạn. Đôi bàn tay nhỏ bé có thể không giúp được gì, nhưng vẫn muốn ôm tất cả vào lòng. Đôi khi, một ánh nhìn sẻ chia cũng khiến người bạn mình ám áp trong cơn bĩ cực, một cái nắm tay đủ cho ai đó biết rằng họ không đơn độc. Hơn nữa, đi về ngay sao đành khi Nepal đã là một phần ký ức và hôm nay ký ức đẹp đẽ đó đang chìm trong đau thương…
Cho dù tang thương mất mát hôm nay thì Nepal vẫn sẽ vượt qua, nụ cười hiền lành sẽ nở lại trên môi những con người lam lũ, dù rât lâu, dù khi ấy họ vẫn chưa quên thảm họa này. Và dù, những đền tháp hôm nay đổ sụp hay bị vùi lấp, thì cuộc sống vẫn tiếp diễn như một dòng chảy. Nepal rồi sẽ sáng tươi.
Tôi đã nghĩ về Nepal như thế, trên suốt con đường trở về Kathmandu.
Theo Cẩm Tú- Hoàng Minh
Pháp luật TPHCM
Tường thuật của PV Cẩm Tú: Khóc ở Nepal
Mấy giờ sau khi mặt đất chao đảo, chú hướng dẫn viên bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết.
Lời Tòa soạn: Phóng viên Cẩm Tú, người đã mất liên lạc với cơ quan và gia đình những ngày qua đang trên đường trở về Kathmandu (Nepal) sau cung đường leo núi đầy hiểm trở. Cô gửi về tòa soạn những cảm xúc mới nhất của người trong cuộc.
PV Cẩm Tú
Tối qua trằn trọc mãi không ngủ được, mình quá bất ngờ và cảm động trước tình cảm của mọi người dành cho mình. Hôm nay mình chia sẻ một số chuyện từ chuyến đi của mình và Nepal.
Theo chương trình, mình qua Nepal với ba người bạn để trekking cung Annapurna Circuit trong vòng 10 đến 12 ngày. Còn lại sẽ thăm thú Kathmandu và Pokhara. Ngày hôm qua là ngày khó khăn nhất trong hành trình trekking.
Trekking Annapurna Circuit, hiểu nôm na là đi vòng quanh dãy Annapunar (đỉnh của nó cao thứ nhì trong rặng Hymalaya, chỉ thua đỉnh Everest). Điểm nhấn của cung này là đèo Thorung La cao 5.416m. Vấn đề không chỉ là cao mà Thorong La Pass còn là điểm tử thần với trận lở tuyết hơn 39 người chết tháng 10 vừa qua báo chí đưa tin suốt mấy ngày. Tuần rồi tại đây lại có 4 người chết vì rơi xuống vực. Và hôm qua, mình đã đi qua đó...
Thật sự, Thorong La Pass còn hơn những gì mình ám ảnh. Một bên là núi tuyết, một bên là vực thẳm. Còn lối đi vừa đủ bàn chân, chênh vênh bên mép vực và cũng phủ tuyết trắng xoá. Nhìn từ trên xuống nó như sợi chỉ vắt ngang lưng núi vậy. Trượt một bước chân thì không thể mong còn mạng sống. Sợ nhất là những trận gió, cuốn theo đám tuyết bay đập vào mặt mũi. Mình nhớ hoài cảm giác đứng im mỗi khi gió thổi qua, lạnh run người. Và hoàn toàn chịu trận. Không dám nghĩ những người đã chết tại đây là ở đoạn nào, không dám nghĩ nếu mình rơi xuống thì phải làm sao. Chỉ cắm đầu tập trung nhìn con đường nhỏ xíu trước mắt mà bước. Đứng lại thì lạnh không chịu nổi, mà đi hoài thì mệt. Lên độ cao 5.000m đâu phải chuyện đùa.
Tới Thorong La Pass, cô gái Israel ôm chầm mình chúc mừng đã thành công. Còn mình thì nói mình không tin nổi mình làm được. Đến Thorong được vài phút thì phải xuống. Còn nguy hiểm hơn lúc lên với con đường tuyết trơn trợt chông chênh bên miệng vực. Đến giờ mình vẫn nghĩ, hẳn thần linh đã giúp đỡ mình, một người vốn đâu có mạnh khoẻ, dũng cảm thích những trò cảm giác mạnh. Giờ thì mình đã ở Muktinath, chỉ cao 3.800m thôi và an toàn.
Nói về vụ động đất ở Nepal. Lúc đang trek từ Manang lên Yak Kharka, mình dừng lại chụp ảnh thì bỗng thấy đất rung chuyển dưới chân. Cảm giác kỳ lạ quá, chưa kịp hỏi thì chú guide la lên " Động đất" rồi bảo mình ngồi xuống ngay. Định thần nhìn, chim chóc từng đàn kêu quang quác, bay hốt hoảng. Đá trên núi lăn rào rào. Đám cây bụi rung cành lá. Nhưng rồi ổn, bọn mình đi tiếp.
Tới Yak Khari, lại một trận động đất nhỏ xảy ra. Mấy người Tây bỏ chạy tán loạn ra ngoài, chỉ có mình không có kinh nghiệm ngồi trơ nhìn. Cũng may không sao. Chú hướng dẫn nói Nepal thỉnh thoảng có những trận động đất nhỏ vậy. Không ngờ mấy giờ sau chú bảo Kathmandu xảy ra chuyện lớn rồi. Động đất rất lớn, nhiều toà nhà sụp đổ, rất rất nhiều người chết. Nhưng Kathmandu cũng chưa là tâm chấn, nặng nhất là một tỉnh cách đó khoảng 60km. Hỏi gia đình chú có sao không, chú bảo tất cả số điện thoại không gọi được. Hôm sau thì mọi người thông tin đã hơn 2.000 người chết. Chú nói nhà chú ở Kathmandu không sao, nhưng nhà ở quê lại ngay vùng tâm chấn nên sập rồi. Hành trình đã đi hơn 2/3, chặng kế tiếp gian nan nhất nên vẫn tiếp tục lên đường. Hôm sau mới nhớ ra, mình hỏi thăm hai bạn porter nhà có ổn không, bạn bảo nhà bạn sập hết rồi. Vậy mà họ, guide lẫn porter vẫn chu đáo, làm tròn trách nhiệm với bọn mình, không một chút nề hà. Chỉ thỉnh thoảng đến lúc nghỉ, họ lại cầm điện thoại trầm tư. Mình chỉ biết nói lời chia sẻ.
Hôm nay, theo lịch mình trek tiếp đến Jomson rồi bay trực thăng về Pokhara. Nhưng lịch trình thay đổi. Các bạn nhóm mình muốn về Việt Nam ngay. Còn mình thì muốn về Kathmandu, muốn đến vùng tâm chấn của trận động đất.
Xem hình thấy Kathmandu tan hoang, Dupar Square sụp đổ mình đau xót quá. Mình còn dịp nào sáng sáng chiều chiều lại ra Dupar Square uống trà sữa Masala, đi tìm nàng Thánh nữ Kumari như trước nữa không? Cái guest house với anh chủ hiền lành ở Thamel gần đó có bình yên không? Bạn Bhari, anh giám đốc công ty du lịch của bọn mình đến giờ vẫn chưa liên lạc được. Bọn mình sốt ruột, và đang tìm cách.
Mình có đọc vài comment, đại ý nói là mình có lãi rồi, tranh thủ viết bài độc quyền...Mình rất mong đó chỉ là sự vô ý mà thôi. Mình đã đến Nepal hai lần. Lần này ở lâu hơn nên thấy rõ Nepal nghèo vô cùng. Nhiều ngôi nhà không thể gọi là nhà được, nhiều ngôi làng cứ tưởng bỏ hoang vì tiêu điều. Nhưng người Nepal rất hiền lành, chất phác. Nếu bạn nhìn thấy nụ cười hiền queo và sự nhiệt tình, trách nhiệm của hai bạn porter và chú hướng dẫn của mình, hẳn bạn cũng như mình, chỉ mong họ và Nepal bình yên. Thương Nepal rất nhiều...
Mình đọc câu này trên đường trekking và rất thích. " Chúng ta thuộc về thiên nhiên, không phải thiên nhiên thuộc về chúng ta".
Theo Cẩm Tú
Pháp luật TPHCM
Du khách tuyệt vọng tìm đường chạy khỏi vùng động đất Nepal Michael Mackey là một trong số hàng ngàn du khách đổ tới Nepal để tận hưởng kỳ nghỉ mùa Xuân. Nhưng sau trận động đất đã gây thiệt hại lớn về người và của ở đây, anh lại nằm trong nhóm những người tuyệt vọng muốn rời khỏi Nepal để về nhà. Cảnh tan hoang sau trận động đất tại Kathmandu, Nepal. (Nguồn:...