Thủ lĩnh IS bị tiêu diệt nhưng cuộc chiến chống khủng bố vẫn tiếp diễn
Giới quan sát nhận định, cái chết của al-Baghdadi vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho số phận của IS.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua (27/10) tuyên bố thủ lĩnh của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS al-Baghdadi đã bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích tại Tây Bắc Syria. Việc người cầm đầu của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo này bị tiêu diệt sẽ tiếp tục là một cú giáng nặng nề vào tổ chức khủng bố vốn là nỗi ám ảnh của người dân toàn thế giới. Các nước lên tiếng chúc mừng cuộc chiến chống khủng bố đang đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng giới quan sát cũng nhận định đây vẫn chưa phải là dấu chấm hết cho số phận của tổ chức khủng bố khét tiếng này.
Al-Baghdadi ngồi chứ không đứng trong lần xuất hiện hồi tháng 4.2019. Ảnh: AP.
“Đây là chiến thắng lớn nhất, “lớn hơn nhiều” so với việc tiêu diệt thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hồi năm 2011″. Đây là lời phát biểu đầy tự hào của Tổng thống Trump đưa ra trong buổi họp báo với những thông báo chi tiết về cuộc đột kích của Mỹ. Việc al-Baghdadi bị tiêu diệt có thể coi là thành công lớn nhất của quân đội Mỹ kể từ sau chiến dịch tấn công tiêu diệt trùm khủng bố Osama Bin Laden vào năm 2011, tạo lợi thế cho ông trong chiến dịch tranh cử Tổng thống và làm “giảm bớt sự tập trung” của các nghị sĩ Dân chủ vào cuộc điều tra luận tội.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của đảng Cộng hòa, người từng chỉ trích mạnh mẽ Tổng thống Trump về quyết định rút quân khỏi Syria cũng tỏ ra tự hào:”IS là một tổ chức khủng bố nguy hiểm mà chúng ta không thể thỏa hiệp hay đàm phán. Chúng phải bị tiêu diệt và đây là thông tin tốt lành đối với chúng ta. Cần tiếp tục các nỗ lực để bóng ma IS không quay trở lại”.
Video đang HOT
Thế giới cũng lên tiếng chúc mừng cuộc chiến chống khủng bố của Mỹ. Thủ tướng Anh Boris Johnson viết trên Twitter: “Cái chết của al-Baghdadi là một thời khắc quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố”, trong khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan ca ngợi nỗ lực chống khủng bố của Mỹ và khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến này.
Thủ tướng Israel Netanyahu cũng nhấn mạnh:”Tôi muốn chúc mừng Tổng thống Trump về kết quả ấn tượng và chiến dịch giúp tiêu diệt được tên al-Baghdadi. Điều này phản ánh sự hợp tác hiệu quả của các nước do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Đây là bước ngoặt quan trọng và là một phần trong cuộc chiến dài hơi mà chúng ta cần phải chiến thắng”.
Việc mất đi người cầm đầu sẽ tiếp tục là thất bại tiếp theo của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng sau khi mất nhiều vùng lãnh thổ tại Iraq và Syria. Tuy vậy, giới quan sát nhận định, đây chưa phải là dấu chấm hết cho tổ chức khủng bố này khi các lực lượng còn sót lại đang chờ cơ hội hồi sinh và hệ tư tưởng của tổ chức này vẫn là mối đe dọa đối với an ninh thế giới.
Lui vào bóng tối, IS không thực hiện các vụ tấn công gây chấn động thế giới như những năm trước đây, chuyển sang việc thực hiện chiến thuật du kích với các vụ tấn công nhỏ lẻ tại Iraq, Syria, Afghanistan. Với cuộc chiến tại Syria chưa kết thúc, cùng bất ổn tại Yemen, Nigieria hay Afghanistan đang là cơ hội tốt cho IS hồi sinh. Không chỉ tích cực hoạt động tại các địa bàn cũ, IS đang mở rộng địa bàn hoạt động, vươn vòi rồng sang các nước Đông Nam Á với việc Indonesia và Philipinines thời gian qua đã phải đối mặt với các vụ tấn công khủng bố do IS tiến hành.
Điều đáng lo ngại hơn cả đó là ý thức hệ tư tưởng cực đoan của Tổ chức này vẫn đang được truyền bá và có ảnh hưởng lớn. Những tay súng nước ngoài trà trộn vào dòng người tị nạn và trở về các quốc gia châu Âu, trở thành những “con sói đơn độc” với âm mưu đe dọa tấn công khủng bố các nước châu Âu. Nhiều thanh niên trẻ bị cực đoan hóa tại các nước cũng sẵn sàng ” tiếp sức” cho các “phần tử thánh chiến” theo lời kêu gọi của IS.
Điều đó cho thấy bóng ma của IS vẫn hiện hữu và cuộc chiến chống khủng bố sẽ phức tạp hơn nhiều. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định: “Cái chết của al-Baghdadi là một đòn nặng nề đối với IS, nhưng đây chỉ là một phần trên con đường chống khủng bố và quốc tế cần tiếp tục phối hợp để đánh bại đến cùng tổ chức khủng bố này”.
Theo Phạm Hà/VOV1
Tổng hợp
Điều gì biến Al-Baghdadi - một nhà truyền giáo, tiến sỹ luật thành trùm khủng bố IS?
Al-Baghdadi là trùm khủng bố, từng bị Mỹ treo giải thưởng 25 triệu USD cho người nào cung cấp thông tin giúp bắt sống hoặc tiêu diệt hắn.
Nhưng điều gì đã biến một tiến sỹ luật, một nhà truyền giáo trở thành thủ lĩnh tối cao của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) khét tiếng tàn bạo và man rợ?
Al-Baghdadi sinh năm 1971 tại Samarra, Iraq. Y từng bị Mỹ giam tại nhà tù Bucca ở Iraq vào tháng 2-2004 do tấn công lính Mỹ. Sau hơn 4 năm ở tù, al-Baghdadi được thả và gia nhập chi nhánh al-Qaeda ở Iraq rồi sau đó leo lên vị trí cầm đầu. Nhóm khi đó được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Lợi dụng tình thế rối ren ở Syria do cuộc nội chiến nổ ra năm 2011, nhóm mở rộng địa bàn hoạt động sang quốc gia này.
Có nhiều phiên bản về việc thủ lĩnh IS đến với thánh chiến thế nào. Có người cho rằng hắn ta là một chiến binh thánh chiến từ thời kỳ Tổng thống Saddam Hussein nắm quyền. Những người khác đã chỉ ra, 4 năm bị giam giữ tại Trại Bucca là gốc rễ sự cực đoan của con người này.
Một câu chuyện khác mô tả, sau khi Mỹ mở cuộc chiến ở Iraq năm 2003, al-Baghdadi nhanh chóng bị lôi kéo vào nhóm al-Qaeda mới nổi ở Iraq dưới thời Abu Musab al-Zarqawi, trước tiên là đưa các chiến binh người nước ngoài vào Iraq, sau đó là hoạt động ở "tiểu vương" của Rawa, một thị trấn gần biên giới Syria.
Ở đó, al-Baghdadi nổi tiếng về sự tàn bạo, xử tử công khai những kẻ bị nghi ngờ giúp đỡ các lực lượng liên minh do Mỹ lãnh đạo - chính sự tàn bạo đã trở nên quen thuộc với những người sống ở Syria dưới sự kiểm soát của nhóm này.
Theo tài liệu công bố năm 2014, al-Baghdadi đã trải qua "8 năm rưỡi lăn lộn với các cuộc đột kích và chạy trốn" và trở thành thủ lĩnh IS từ năm 2010. Tháng 7-2014, al-Baghdadi xuất hiện công khai là tại giáo đường Hồi giáo Grand Nuri ở Mosul, Iraq tuyên bố mình là Caliph Ibrahim, lãnh tụ tinh thần tự xưng của một tôn giáo có 1,6 tỷ tín đồ.
IS đã bị đánh bại ở Iraq năm 2017 trong khi ở Syria, mãi đến tháng 3-2019, chúng mới bị thất thủ ở thành trì cuối cùng của cái gọi là Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Cho đến tháng 4-2019, al-Baghdadi đột ngột xuất hiện sau khi "mất tích" gần 5 năm. Trong vòng nhiều năm, tung tích của trùm khủng bố này rất bí ẩn, người ta đặt câu hỏi rằng liệu al-Baghdadi còn sống hay đã chết.
Sự bất ổn ở Iraq và cuộc nội chiến ở Syria là một món quà cho tham vọng của al- Baghdadi. Gần một thập kỷ kể từ lần đầu tiên xuất hiện, IS với sự tức giận và tàn nhẫn đến mức khó hiểu khiến bọn họ vẫn trở nên xa cách và khó nắm bắt. Có lẽ đó là cách mà thủ lĩnh tinh thần al-Baghdadi muốn như vậy, cho dù cả khi hắn ta đã chết.
Theo anninhthudo
Putin áp chiến thuật vừa rắn vừa mềm với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria Khác với Mỹ, Nga công nhận quyền đảm bảo an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng cũng đặt ra những lằn ranh đỏ để Ankara không làm đảo lộn các kế hoạch quan trọng của Moscow tại Syria. Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan Vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ "xóa sổ" nền...